Thứ Ba , 24 Tháng Mười Hai 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Kinh Thánh Là Quyển Sách Thực Hành

Kinh Thánh Là Quyển Sách Thực Hành

Tính Không Sai Lạc Và Lịch Sử

Thẩm Quyền Kinh Thánh và Nghiên Cứu Lời Chúa: Phần Một

 

Khi còn là sinh viên thần học, tôi đã từng làm giáo sĩ cho Hiệp Hội Sinh Viên Baptist phục vụ tại hòn đảo Borneo phía Đông Malaysia ở Đông Nam Á. Các giáo sĩ tại Singapore đã cho tôi và cộng sự của tôi một túi vải đựng đầy Kinh Thánh Tân Ước tiếng Malay có bìa mềm. Chúng tôi đã phát những quyển Kinh Thánh ấy tại Hội Thánh đầu tiên mà chúng tôi đến. Người ta đứng thành hàng dài dưới cái nắng gay gắt trong hơn một giờ, chờ đợi để nhận một bản sao lời của Đức Chúa Trời bằng chính ngôn ngữ của họ. Hầu hết mọi người tại đó chưa từng sở hữu một quyển Kinh Thánh.

bi

Tôi không bao giờ quên một cụ bà đứng ở cuối hàng. Bà chờ đợi đầy kiên nhẫn. Cuối cùng đến lượt của bà. Tôi đã trao cho bà một quyển Kinh Thánh Tân Ước có bìa mềm. Tay bà run run áp quyển sách vào ngực, nước mắt lăn trên đôi má. Tôi chợt nghĩ về số Kinh Thánh tại nhà tôi đang đóng bụi. Tôi không phải nghi ngờ rằng liệu bà có đọc quyển sách mà bà đã được nhận hay không.

Thẩm quyền Kinh Thánh sẽ ít đem lại lợi ích thiết thực cho đời sống chúng ta nếu không dẫn đến việc nghiên cứu Kinh Thánh. Có thể chúng ta tin rằng Kinh Thánh được thần cảm, rằng Kinh Thánh đứng vững trước mọi phép thử và chỉ trích từ thế giới hoài nghi. Nhưng nếu chúng ta không thực hành Kinh Thánh trong đời sống, niềm tin sẽ không có tác động nào đến cuộc sống của chúng ta. Mục đích lời Chúa đó là thay đổi những ai đọc lời ấy, uốn nắn chúng ta theo hình ảnh Đức Chúa Giê-su (Rô-ma 8:29).

Vậy làm thế nào bạn có thể gặp Đức Chúa Trời trong lời của Ngài? Làm thế nào bạn có thể tự học Kinh Thánh? Trong chương này chúng ta sẽ xem qua những công tác chuẩn bị cần thiết cho việc học Kinh Thánh hiệu quả. Trong chương tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu những hướng dẫn được áp dụng cho từng phân đoạn trong Kinh Thánh và khám phá những nguyên tắc liên quan đến những phần cụ thể trong lời Chúa.

Chuẩn bị chính mình

Chúng ta sẽ bắt đầu tập trung vào “bộ môn chú giải tổng quát” (general hermeneutics).1 Hermes là thần đưa tin trong văn hóa Hy Lạp; do đó từ “hermeneutics” nghĩa là sự nghiên cứu một thông điệp hoặc còn có nghĩa là các nguyên tắc diễn giải. Chú giải Kinh Thánh là lĩnh vực nghiên cứu nhằm xác định những quy luật và hướng dẫn cần thiết cho việc nghiên cứu Kinh Thánh.

Tuy nhiên, trước khi chúng ta có thể sử dụng những nguyên tắc ấy, trước hết chúng ta phải có ba cam kết cá nhân. Bởi vì Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời, không phải là sản phẩm tri thức hay nghiên cứu của con người, tâm linh của chúng ta phải được sẵn sàng để lắng nghe lời Chúa nói gì với chúng ta.

Gặp Chúa cách cá nhân

Đầu tiên, bạn phải nhận biết Tác Giả của quyển sách này một cách cá nhân. Phao-lô khiển trách các tín hữu tại Cô-rinh-tô: “Người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi vì người đó coi sự ấy như là sự rồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng” (I Cô-rinh-tô 2:14).

Phao-lô không có ý nói rằng một người chưa theo đạo thì không thể hiểu được gì về Kinh Thánh. Nhưng thay vào đó, Phao-lô dạy rằng chúng ta không thể “chấp nhận” hoặc “hiểu” những áp dụng thuộc linh từ Kinh Thánh nếu Đức Thánh Linh không hướng dẫn chúng ta để diễn giải những áp dụng thuộc linh đó. Lời Chúa sẽ chỉ dừng lại ở mức độ các sự kiện và tri thức mà không thâm nhập vào lòng và biến đổi chúng ta. Chúng ta phải có mối liên hệ cá nhân với Đức Chúa Giê-su trước khi lời Ngài làm trọn những mục đích được định trước cho đời sống của chúng ta.

Suốt nhiều năm tôi đã từng nghĩ mình là một Cơ Đốc Nhân, bởi vì tôi tin vào Đức Chúa Trời và cố gắng là một người tốt. Hầu hếu mọi người Mỹ đều nghĩ rằng định nghĩa của tôi về Cơ Đốc Nhân như trên là đúng đắn. Chúng ta là những người tự lập, những người tin vào đạo đức và tôn giáo. Chỉ cần tin Đức Chúa Trời có thật và cố gắng sống theo “quyển sách tốt lành”. Vậy chúng ta nghĩ mình không thật sự cần biết “quyển sách tốt lành” ấy nói gì. Tôi không bao giờ đến nhà thờ hoặc học Kinh Thánh, nhưng tôi cho rằng khi tôi chết tôi sẽ được lên thiên đàng.

Khi tôi mười lăm tuổi, một Hội Thánh Baptist ở khu vực của chúng tôi tại Houston, Texas đã bắt đầu mục vụ trên xe buýt. Họ đã mua một chiếc xe buýt cũ trước đây dùng để chở học sinh đến trường, họ sơn tên của Hội Thánh vào một bên của xe và bắt đầu mời gọi người ta lên chiếc xe ấy để đến nhà thờ. Tháng 8 năm 1973, một vài người trong Hội Thánh đã gõ cửa căn nhà của chúng tôi. Em trai tôi và tôi không muốn đi nhà thờ, nhưng cha của tôi đã bắt chúng tôi lên chiếc xe buýt ấy. Đó là lần đầu tiên tôi nghe về phúc âm.

Khi tôi đến nhà thờ và tham dự Trường Chúa Nhật, tôi bắt đầu cảm thấy những con người tại đây có niềm vui và mục đích mà tôi chưa từng khám phá ra. Thế là một vài tuần sau đó, tôi đã hỏi giáo viên Trường Chúa Nhật rằng làm thế nào tôi có được điều mà những người khác trong lớp có. Chính ngày hôm đó, cô đã hướng dẫn tôi đến với đức tin cá nhân trong Đấng Christ. Sáu tháng sau, người em của tôi cũng tiếp nhận Chúa. Một năm sau, chúng tôi được làm báp-têm. Em của tôi hiện là mục sư của Hội Thánh First Baptist tại Gainesville, Texas.

Tôi đã bị thu hút để đến với Đấng Christ thông qua những Cơ Đốc Nhân. Những người học Kinh Thánh và áp dụng lẽ thật Kinh Thánh vào đời sống, họ đã rất khác biệt so với tôi. Tôi muốn điều mà tôi nhìn thấy nơi họ. Nhưng tôi không thể hiểu những lẽ thật mà họ đã sống theo đó cho đến khi tôi tiếp nhận Chúa của họ trở thành Chúa của tôi.

Chúng ta không thể hiểu Kinh Thánh nếu trước hết chúng ta không nhận biết Tác Giả quyển sách này. Bạn đã gặp Ngài chưa?

knock

Sẵn sàng làm việc chăm chỉ

Phao-lô thách thức người tập sự trẻ của ông trong mục vụ: “Hãy chăm chỉ đọc sách, khuyên bảo, dạy dỗ, cho đến chừng ta đến” (I Ti-mô-thê 4:13). Từ “chăm chỉ” được dịch từ một thuật ngữ tiếng Hy Lạp nghĩa là đòi hỏi sự chuẩn bị cá nhân trước.2 Cũng như bất kỳ lĩnh vực nghiên cứu tri thức nào, để hiểu và áp dụng Kinh Thánh đòi hỏi công việc cá nhân. Bạn càng đầu tư thì càng gặt hái được nhiều.

Đôi khi các sinh viên mục vụ nói với tôi rằng họ muốn làm mục sư của một “Hội Thánh trong thời kỳ Tân Ước.” Tôi luôn hỏi họ đó là Hội Thánh nào. Tôi thích làm mục sư tại An-ti-ốt, không thích đến Hội Thánh Cô-rinh-tô lắm. Theo Phao-lô, một trong số những vấn đề của tín hữu Cô-rinh-tô đó là họ thiếu trưởng thành: “Hỡi anh em, về phần tôi, tôi chẳng có thể nói với anh em như với người thiêng liêng, nhưng như với người xác thịt, như với các con đỏ trong Đấng Christ vậy. Tôi lấy sữa nuôi anh em, chớ chẳng lấy đồ ăn cứng, vì anh em không chịu nổi; đến bây giờ cũng chưa chịu được, vì anh em hãy còn thuộc về xác thịt” (I Cô-rinh-tô 3:1-3). Sữa là thực phẩm đã được người mẹ tiêu hóa và biến đổi để đứa trẻ có thể tiếp nhận được. Không may, các tín hữu Cô-rinh-tô cũng muốn lẽ thật thuộc linh theo cùng một cách như vậy – được một người khác tiêu hóa sẵn.

Rất nhiều Cơ Đốc Nhân phải chịu khó nhọc vì mong ước của tín hữu tại Cô-rinh-tô đó là để người khác học Kinh Thánh thay cho mình. Họ nói rằng: Đó là lý do chúng tôi trả lương cho mục sư. Tôi không được học trong chủng viện; tôi không có thời giờ học Kinh Thánh; cho nên tôi sẽ lắng nghe mục sư hoặc giáo viên Trường Chúa Nhật của tôi. Tôi sẽ để những người có chuyên môn làm việc ấy. Nhưng khi chúng ta đọc qua chương hai, Kinh Thánh là dành cho mọi người tin Chúa. Người Baptist khẳng định mạnh mẽ rằng mỗi một Cơ Đốc Nhân là một thầy tế lễ. Bạn có đặc ân và trách nhiệm phải diễn giải lời của Đức Chúa Trời cho chính mình.

Trong chương này chúng ta sẽ học cách sử dụng nhiều công cụ khác nhau trong việc nghiên cứu Kinh Thánh. Các bản dịch, các sách giải nghĩa, một quyển từ điển Kinh Thánh, Kinh Tiết Sách Dẫn, tập bản đồ và bộ bách khoa toàn thư sẽ giúp chúng ta. Tuy nhiên những công cụ này chỉ có ý nghĩa hỗ trợ chứ không thay thế cho việc nghiên cứu cá nhân của bạn. Cơ Đốc Giáo không phải là một môn thể thao có khán giả quan sát. Hãy quyết định rằng bạn sẵn lòng chăm chỉ để gặp Đức Chúa Trời trong lời Ngài.

(Còn nữa)

James C. Denison 

Trích từ “THE BIBLE – YOU CAN BELIEVE IT”

Translated by Vinh Hien 

ethi

Huongdionline.com cần sự ủng hộ của bạn đọc để duy trì và phát triển các mục vụ. Mọi sự dâng hiến cho Hướng Đi Ministries xin gởi về:

VIETNAMESE MISSIONARY INSTITUTE

BBVA compass BANK

3111 North Galloway Ave.

Mesquite, TX 75150, USA

Routing# 113010547

Account# 6702149116

 

 

Chân thành cảm ơn.

hue

Mục sư Nguyễn Văn Huệ.   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn