Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / Kinh Thánh Và Tính Không Sai Lạc

Kinh Thánh Và Tính Không Sai Lạc

Quyển Sách Được Linh Cảm

Những người gần gủi với bản văn nhất

Những Cơ Đốc Nhân đầu tiên đã tin quyết vào bản chất thiên thượng cùng thẩm quyền của Kinh Thánh. Họ biết rõ rằng Kinh Thánh là lời thẩm quyền tuyệt đối của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn như, Phi-e-rơ đã trích dẫn lời tiên tri trong Kinh Thánh Cựu Ước như là thẩm quyền của ông trong bài phát biểu vào ngày lễ Ngũ Tuần, đó là bài giảng Cơ Đốc đầu tiên (Công vụ 2). Trong hầu hết lời biện hộ cho niềm tin Cơ Đốc, Ê-tiên đã kể lại lịch sử Israel qua ký thuật của Kinh Thánh (Công vụ 7). Khi Gia-cơ tranh luận cho việc người không phải là người Do Thái được kể vào Hội Thánh, ông đã dựa trên cơ sở lời tiên tri trong Kinh Thánh (Công vụ 15:16-18; A-mốt 9:11, 12).

b 1

Nhiều phần mục vụ của Phao-lô là dành để giải thích việc Đức Chúa Giê-su đã ứng nghiệm các lời hứa về Đấng Mê-si trong Cựu Ước như thế nào. Một ví dụ từ hành trình truyền giáo đầu tiên của ông: “Về phần hai người, thì lìa thành Bẹt-giê, cứ đi đường đến thành An-ti-ốt xứ Bi-si-đi; rồi nhằm ngày Sa-bát, vào trong nhà hội mà ngồi. Vừa đọc sách luật và sách các tiên tri xong, các chủ nhà hội sai sứ nói cùng hai người rằng: Hỡi anh em, nếu có mấy lời khuyên bảo dân chúng, hãy giảng đi.” (Công vụ 13:14-15). Phao-lô liền thuật lại lịch sử Kinh Thánh của dân tộc ông (Công vụ 13:16-22) và cho họ thấy Đức Chúa Giê-su đã làm trọn Kinh Thánh của họ như thế nào (Công vụ 13:23-31). Sau đó ông công bố Thi Thiên 2:7 (13:33), Ê-sai 55:3 (13:34), Thi Thiên 16:10 (13:35) và Ha-ba-cúc 1:5 (13:41) như là sự bảo đảm cho phúc âm mà ông rao truyền.

Các bức thư trong Tân Ước và lịch sử Cơ Đốc thời kỳ đầu tiên tràn ngập những trích dẫn Kinh Thánh. Thực ra, nếu chúng ta chỉ có những thư tín được viết trong thế kỷ thứ hai của Cơ Đốc Giáo, chúng ta vẫn có thể tái cấu trúc hầu hết Kinh Thánh Tân Ước dựa trên số lượng trích dẫn đồ sộ của họ. Chắc chắn những Cơ Đốc Nhân đầu tiên đã xem Kinh Thánh là sự mặc khải có thẩm quyền và là lời của Đức Chúa Trời. Các nhà phê bình có thể nói rằng quan điểm của họ là đúng hoặc sai, nhưng họ không thể nói họ cảm thấy mập mờ. Những Cơ Đốc Nhân đầu tiên này thà chết hơn là chối bỏ lẽ thật mà họ đã tìm thấy trong lời Đức Chúa Trời.

Kinh Thánh và tính không sai lạc

Kinh Thánh tự xưng là lời được “linh cảm” của Đức Chúa Trời (xem II Ti-mô-thê 3:16). Và vì thế, Kinh Thánh là tuyệt đối, có thẩm quyền và đáng tin cậy. Người Baptist đã khẳng định những tính từ như trên khi mô tả về Kinh Thánh trong suốt lịch sử của chúng ta (xem chương một).

Trong những năm gần đây, một thuật ngữ mới về thẩm quyền Kinh Thánh đã trở thành chủ đề cho một cuộc tranh luận sôi nổi và rộng khắp: tính không sai lạc của Kinh Thánh. Một vài người khăng khăng cho rằng chúng ta phải sử dụng thuật ngữ này nếu chúng ta tin Kinh Thánh hoàn toàn xác thực và đáng tin cậy. Những người khác tin rằng thuật ngữ này có tính chính trị và gây bối rối hơn là giúp đỡ về mặt thần học. Điều nào là đúng?

Tính không sai lạc nghĩa là gì?

Chúng ta hãy bắt đầu với một số định nghĩa. Từ không sai lạc đã được sử dụng đối với Kinh Thánh theo những cách khác nhau và gây mâu thuẫn trong những thế hệ gần đây. Vào năm 1978, khoảng 300 học giả đã quy tụ tại Chicago để đưa ra một định nghĩa chung cho thuật ngữ này. Kết quả là một bản tuyên ngôn đã được ra đời, với mười chín điều khẳng định và bác bỏ, được gọi là “Tuyên ngôn Chicago về tính không sai lạc của Kinh Thánh.” Bản tuyên ngôn được lưu hành rộng rãi và là bản tuyên ngôn được biết đến nhiều nhất về vấn đề này trong ngày hôm nay. Không may, nỗ lực đáng ghi nhận của họ lại không giải quyết sự nhầm lẫn vẫn tồn tại xung quanh thuật ngữ này.

Ngày nay, ít nhất có tám định nghĩa khác nhau về tính không sai lạc của Kinh Thánh có thể được tìm thấy trong các tác phẩm của những học giả bảo thủ hàng đầu. Danh sách chắc chắn là không đầy đủ, và chắc chắn vẫn còn những phương pháp khác sẽ được phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, danh sách này đã thể hiện sự khó khăn trong việc sử dụng thuật ngữ tính không sai lạc của Kinh Thánh như là một phép thử đơn giản để xác định một người có tin Kinh Thánh hay không.

bible

Đây là những định nghĩa thông dụng nhất về thuật ngữ không sai lạc của Kinh Thánh:

  • Định nghĩa tổng quát: “Tính không sai lạc nghĩa là Kinh Thánh có thể được tin cậy trong bất cứ điều gì Kinh Thánh dạy dỗ và khẳng định.”1 Được đưa ra bởi Clark Pinnock, tuyên bố này có thể là phương pháp tiếp cận lời Chúa phổ biến nhất. Tuy nhiên, tuyên bố không làm cho sáng tỏ thêm về những điều người Baptist vẫn luôn tin và nói về Kinh Thánh.
  • Tính không sai lạc về hình thức tuyên bố rằng “Kinh Thánh không mâu thuẫn với chính mình.”2
  • Tính không sai lạc hữu hình mở rộng định nghĩa trên: “Kinh Thánh không dối trá hoặc lừa gạt trong bất cứ điều nào Kinh Thánh khẳng định.”3 Tuyên ngôn Chicago cho ta một định nghĩa tương tự: “Tính không sai lạc biểu thị tính chất không bị sai lầm hoặc sai sót và vì thế bảo vệ lẽ thật về việc Kinh Thánh là hoàn toàn đúng đắn và đáng tin cậy trong mọi điều Kinh Thánh khẳng định.”4
  • Tính không sai lạc về Thần học Chúa Cứu Thế Giê-su: Kinh Thánh không sai lạc về mọi lời dạy liên quan đến sự cứu rỗi. Giáo hội Công giáo Rô-ma đã áp dụng lập trường này vào Vatican II: “các sách Kinh Thánh phải được thừa nhận là lời dạy chắc chắn, trung tín và không sai sót trong lẽ thật mà Đức Chúa Trời muốn đặt vào các tác phẩm văn học thánh cho mục đích cứu rỗi.”5
  • Tính không sai lạc giới hạn tuyên bố rằng Kinh Thánh không có sai sót trong vấn đề niềm tin và đạo đức, nhưng có thể có hoặc không chứa đựng những sai sót trong những lĩnh vực khác như khoa học, địa lý và lịch sử.6
  • Định nghĩa không thể sai sót tuyên bố rằng lẽ thật Kinh Thánh là không sai lạc, nhưng các từ ngữ của Kinh Thánh không nhất thiết là không có sai sót.7
  • Tính không sai lạc thứ cấp áp dụng cho những trích dẫn và bài diễn văn được ghi lại trong Kinh Thánh, nhưng không bảo đảm cho nội dung của những trích dẫn hay diễn văn đó là không mắc phải sai sót.8 Chẳng hạn như, Lu-ca ghi lại bài giảng của Ê-tiên trong Công vụ 7 hoàn toàn đúng với những gì Ê-tiên đã nói, mặc dù lời nói của Ê-tiên có thể mắc phải sai sót.
  • Tính không sai lạc có chủ ý hoặc có mục đích nói rằng Kinh Thánh không sai lạc trong việc hoàn thành mục đích mong đợi của Kinh Thánh, dù đó là mục đích gì. Như Pinnock phát biểu: “Không sai lạc liên quan đến chủ đích của bản văn.”9 Những người ủng hộ phương pháp này chú thích rằng Kinh Thánh không có ý định là một quyển sách khoa học, lịch sử hoặc địa lý.

Như các bạn có thể thấy, tám định nghĩa này vô cùng khác nhau. Nếu người hỏi liệu bạn có tin Kinh Thánh là không sai lạc không, bạn hãy hỏi người đó định nghĩa thuật ngữ trên như thế nào. Nếu không, cuộc nói chuyện của bạn có thể sẽ không thể làm sáng tỏ thẩm quyền Kinh Thánh.

Thuật ngữ này có được giá trị như thế nào?

Các vấn đề với thuật ngữ không sai lạc không chỉ dừng lại ở định nghĩa. Có rất nhiều cách mà người sử dụng đã làm cho thuật ngữ này có giá trị. Tôi sẽ liệt kê ra những phẩm chất người được ủng hộ quan điểm không sai lạc về vật chất sử dụng, đây phương pháp mạnh mẽ nhất đối với tính không sai lạc:

  • Tính không sai lạc chỉ áp dụng cho những bản gốc của Kinh Thánh mà ngày nay chúng ta không sở hữu.
  • Thuật ngữ không ngụ ý tính chính xác về lời nói của các trích dẫn. Các trước giả Kinh Thánh Tân Ước có thể không trích dẫn đúng chính xác Kinh Thánh Cựu Ước hoặc từ các nguồn khác.
  • Thuật ngữ không ngụ ý sự đồng thuận về từ ngữ hoặc chủ đích trong những ký thuật song song của cùng một sự kiện.
  • Thuật ngữ không ngăn cản phép tu từ, làm tròn số, và tính mơ hồ khác của ngôn ngữ.
  • Thuật ngữ không ngăn cản những cụm từ và diễn đạt thông dụng chẳng hạn như “bốn góc của trái đất.”
  • Thuật ngữ không đòi hỏi ngôn ngữ chính xác về mặt khoa học khi mô tả về những điều trong tự nhiên.
  • Thuật ngữ không ngăn cản việc sử dụng thần thoại hoặc câu chuyện dân gian.
  • Thuật ngữ không đòi hỏi các chuẩn mực hiện đại về việc ghi chép lịch sử. Bảng niên đại, bảng phả hệ, và các vấn đề ghi chú lịch sử khác có thể có tính mơ hồ và có thể được giải thích.
  • Thuật ngữ không đòi hỏi trước giả Kinh Thánh phải hiểu trọn vẹn ngụ ý thiên thượng cho tác phẩm của mình (xem Ma-thi-ơ 2:15 và Ô-sê 11:1).
  • Thuật ngữ không ngăn cản việc sử dụng những mô tả không rõ ràng về các sách Kinh Thánh (xem Châm ngôn 1:1, tại đây quyển sách được quy cho Sa-lô-môn mặc dầu có những trước giả khác đóng góp vào một số phần của quyển sách). (Xem Châm ngôn 30-31).
  • Thuật ngữ không đòi hỏi nguồn gốc của từ ngữ trong ý nghĩa hiện đại.
  • Thuật ngữ cần được chấp nhận như là một khẳng định niềm tin, không phải là kết quả nghiên cứu quy nạp về bản văn.10

Mười hai phẩm chất trên cần phải được cộng thêm vào tám định nghĩa của thuật ngữ này trước khi chúng ta có thể xác định mình muốn thể hiện ý nghĩa nào về tính không sai lạc. Những khó khăn trên khiến từ ngữ trở thành một thuật ngữ khó trong đối thoại phổ thông, hoặc thậm chí trong diễn thuyết thần học.

(Còn nữa)

James C. Denison 

Trích từ “THE BIBLE – YOU CAN BELIEVE IT”

Translated by Vinh Hien 

ethi

Huongdionline.com cần sự ủng hộ của bạn đọc để duy trì và phát triển các mục vụ. Mọi sự dâng hiến cho Hướng Đi Ministries xin gởi về:

VIETNAMESE MISSIONARY INSTITUTE

BBVA compass BANK

3111 North Galloway Ave.

Mesquite, TX 75150, USA

Routing# 113010547

Account# 6702149116

 

 

Chân thành cảm ơn.

hue

Mục sư Nguyễn Văn Huệ.   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn