KINH THÁNH CÓ THẬT CHÍNH XÁC?
Tại sao có nhiều thanh niên rời bỏ niềm tin Cơ đốc? Họ không còn tin Kinh Thánh là đúng, chính xác!
Giới trẻ loại bỏ Kinh Thánh sang một bên, vì họ muốn sống một đời sống nổi loạn và tự do bơi lội trong tội lỗi. Họ cũng thất bại không thể nối kết được đức tin Cơ đốc với giá trị của các nền văn hóa đương đại.
Trong một phương diện, những người làm cha mẹ và các mục sư lãnh đạo Hội thánh đã thất bại trong mục vụ xây dựng niềm tin Cơ đốc cho thế hệ tiếp theo. Một số nhà thờ Cơ đốc trên khắp thế giới trở nên hoang vắng, thậm chí phải bán cho các tổ chức khác vì không có ai đến thờ phượng Đức Chúa Trời.
Đây là thời điểm chúng ta cùng nhau đưa ra những luận điểm thuyết phục về tính cách đáng tin cậy của Kinh Thánh, để có thể giúp đỡ cho con cháu chúng ta xây dựng một đức tin vững chắc trên nền tảng Kinh Thánh. Đây là một Quyển Sách vô giá dựa trên bối cảnh, văn tự của nó phù hợp cho công tác huấn luyện, giáo dục thanh niên và tất cả mọi người.
Tính liên tục của Kinh Thánh
Một tính năng hoàn toàn tuyệt vời của Kinh Thánh là sự liên tục trong các câu chuyện về sự sáng tạo của Đức Chúa Trời, sự sa ngã của loài người, sự cứu chuộc, và sự hoàn thiện chung kết cuối cùng của trời mới và đất mới. Quyển Sách này là một bộ sưu tập của bốn mươi tác giả khác nhau. Họ sống trong những thời đại trải dài mười sáu thế kỷ khác nhau. Họ làm việc trong những môi trường khác nhau. Có người là vua, có người là tiên tri, ngư phủ hay thầy thuốc….nhưng lạ thay bộ sưu tập sáu mươi sáu sách của họ có một sự thống nhất chung đến lạ lùng. Tại sao như vậy? Bởi vì họ đã viết dưới sự thần cảm, soi sáng của Đức Thánh Linh (2 Phi-e-rơ 1:20-21).
Bây giờ chúng ta làm một phép so sánh. Giả định là có một cuốn sách hướng dẫn y khoa do bốn mươi bác sĩ từ các quốc gia khác nhau viết trong suốt thời gian hơn mười sáu thế kỷ. Quyển cẩm nang y khoa này chắc chắc sẽ là một mớ hỗn độn vì các ý tưởng mâu thuẫn của nó.
Tính Thần cảm: Uy Quyền Của Kinh Thánh.
Cụm từ “Đức Chúa Trời hà hơi” hay “sự Thần cảm của Đức Chúa Trời” đến từ hai từ Hy-lạp: theos có nghĩa Đức Chúa Trời, và pneustos có nghĩa truyền thổi vào. Hai từ này ghép lại là theopneustos có nghĩa Đức Chúa Trời hà hơi vào. Chúng ta đọc trong 2 Ti-mô-thê 3:16, “Cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời hà hơi vào, Nguyên bổn rằng: Cả Kinh-thánh đều chịu Đức Chúa Trời hà hơi vào
có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình.” Đọc và nghe lời Đức Chúa Trời thường xuyên sẽ phơi bày ra tấm lòng và tâm trí của bạn trước Lời Thần cảm của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh là Lời được TRỜI soi dẫn, nó là lẽ thật của Ngài dành cho con người chúng ta. Nó là Lời đầy quyền năng có thể thay đổi số phận, định mệnh của con người (Giăng 17:17; Hêb. 1:1-2). Đức Chúa Giê-su phán: “Nếu luật pháp gọi những kẻ được lời Đức Chúa Trời phán đến là các thần, và nếu Kinh thánh không thể bỏ được.” (Giăng 10:35) và “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời.” (Ma-thi-ơ 4:4). Ngài cũng phán: “Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn. Vì ta nói thật cùng các ngươi, đương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn.” (Ma-thi-ơ 5:17-18)
Vì Kinh Thánh là Lời của TRỜI, nó không hề sai phạm một lỗi nào trong đó. Con người có thể phê bình, tìm cách tiêu diệt Kinh Thánh, nhưng không ai có thể hủy diệt Lời đời đời của Đức Chúa Trời.
Nền tảng: Kinh Thánh phù hợp với qui cách tiêu chuẩn.
Từ tiêu chuẩn (canon) có nghĩa văn tự là que đo. Như vậy, phù hợp với qui cách tiêu chuẩn (canonical) liên quan đến luật lệ theo tiêu chuẩn của những gì Kinh Thánh công bố. Đây sẽ là lẽ thật về tín lý. Những thế kỷ trước đây qui cách tiêu chuẩn được biết đến như là “nguyên tắc của đức tin” bởi vì nó tóm lược niềm tin Cơ đốc và sự giảng dạy của các sứ đồ trong thời kỳ hội thánh đầu tiên.
Hội Thánh đã sử dụng những tiêu chuẩn chắc chắn sau đây để xác định một sách mà Đức Chúa Trời hà hơi vào.
– Có phải sách này được viết bởi một tiên tri của Đức Chúa Trời?
– Trước giả viết Kinh Thánh được xác nhận là một tiên tri của Đức Chúa Trời bằng những phép lạ hay bằng những phương tiện khác?
– Sách này có phù hợp với những khải thị và lẽ thật khác trong những cuốn sách được Thần cảm khác không?
– Sách này có bày tỏ quyền năng của Đức Chúa Trời thay đổi đời sống con người?
– Hội Thánh đầu tiên có chấp nhận, giảng dạy, áp dụng và thực hành sách này?
Trong thế kỷ đầu tiên các sử gia Do Thái chấp nhận toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước là một phần của Lời của Đức chúa Trời. Vào năm 90 các học giả Do Thái trong Hội đồng Jamnia đã nhìn nhận các sách trong Kinh Thánh Cựu Ước phù hợp với qui cách tiêu chuẩn.
Đức Chúa Giê-su đã trích dẫn một số câu trong Cựu Ước, và rồi các trước giả viết Tân Ước cũng chấp nhận toàn bộ các sách trong Cựu Ước (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:27; Cô-lô-se 4:16; 2 Phi-e-rơ 3:15-16) là phù hợp với qui cách tiêu chuẩn.
Trong suốt thế kỷ thứ hai, nhiều giáo phụ hội thánh như: Clement, Polycarp, Ignatius, Irenaeus và Justin Martyr đã nhận ra uy quyền thần thượng của các sách trong cả Cựu và Tân Ước là những sách được Thần cảm. Họ sử dụng tất cả cách sách này để giảng dạy trong nếp sống Hội Thánh. Đến thế kỷ thứ ba, Origen (185-254) đã nghiên cứu bộ sưu tập các sách Tân Ước và xác định cách mạnh mẽ rằng chúng được Đức Chúa Trời hà hơi vào.
Vào thế kỷ thứ tư, Eusebius (260-340) giám mục và sử gia đã viết quyển Lịch Sử Hội Thánh, trong đó ông liệt kê hai mươi bảy sách của Tân Ước là hợp với qui cách tiêu chuẩn. Athanasius là giám mục của Alexandria lập một danh mục trong tác phẩm Ba Mươi Chín Thư Tín Lễ Hội của ông. Trong đó ông cũng nói rõ hai mươi bảy sách được đưa vào trong Tân Ước là hợp với qui cách tiêu chuẩn. Vào năm 397, Hội đồng Carthage đã ra sắc lệnh rằng hai mươi bảy sách này là Lời Thần cảm của Đức Chúa Trời. Kể từ thời điểm này, hầu hết các Hội thánh trên thế giới đều xác nhận Tân Ước gồm hai mươi bảy sách là Kinh Thánh hợp với qui cách tiêu chuẩn.
Văn chương: Tính chất xác thật của Kinh Thánh.
Tính chất xác thực của Kinh Thánh được xác định bởi tính chính xác, đúng đắn từ các bản viết tay. Kinh thánh có những bản chép tay cũ, phong phú và chính xác hơn bất kỳ cuốn sách nào từ thế giới cổ đại. Hiện tại có năm ngàn tám trăm bản chép tay của Tân Ước trong tiếng Hy-lạp. Những bản chép tay này chính xác hơn bất kỳ quyển sách nào cùng thời trong thế giới cổ đại. 100% những sự giảng dạy căn bản của Kinh Thánh được lấy ra từ những bản chép tay này.
Sự giảng dạy đúng đắn: Tính cách đáng tin cậy của Kinh Thánh
Có một vài lỗi nhỏ về “kỹ thuật” trong các bản chép tay, nhưng không có bất kỳ lỗi nào trong những lẽ thật chủ yếu của Kinh Thánh. Nhiều trước giả viết Kinh Thánh là người đương thời với Chúa Giê-su cũng chính là nhân chứng cho những sự kiện họ thấy tận mắt (Lu-ca 1:1-4; Hêb. 2:3-4). Ngoài ra những điều họ viết cũng được các sử gia và những nhà văn khác bên ngoài hội thánh ghi lại. Trong sách Công vụ có đến hơn tám mươi chi tiết được Lu-ca đề cập đến được các học giả xác nhận là đúng với sự thật.
ÁP DỤNG
Kinh Thánh là Quyển Sách lớn nhất trong tất cả mọi thời đại. Không một nền văn hóa nào hay một tác phẩm nào có thể so sánh với Quyển Sách này trong tính chân thực về những sự dạy dỗ đầy quyền năng và hiệu quả của nó. Mọi người đều có thể tin cậy cách chắc chắn: “Các lời của Đức Chúa Trời đều đã thét luyện: Ngài là cái thuẫn đỡ cho người nương cậy nơi Ngài.” (Châm ngôn 30:5) và “Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng.” (Hêb. 4:12). “Vậy, hãy bỏ đi mọi điều ô uế và mọi điều gian ác còn lại, đem lòng nhu mì nhận lấy lời đã trồng trong anh em, là lời cứu được linh hồn của anh em.” (Gia-cơ 1:21). Không một quyển sách nào trên thế giới có quyền năng biến đổi đời sống con người thoát khỏi tội lỗi như Quyển Sách Vĩ Đại này.
KINH THÁNH THAM KHẢO
Ê-sai 5:11; Ma-thi-ơ 4:4; 2 Ti-mô-thê 3:16; Hêb. 4:12; Gia-cơ 1:21; 2 Phi-e-rơ 1:20-21.
Hướng Đi biên soạn
Sách tham khảo:
The Bible’s Answers To 100 of Life’s Biggest Questions, by Norman L. Geisler & Jason Jimenez