Đức Chúa Trời ba ngôi hiệp một được bày tỏ trong Tân Ước
Chúng ta sẽ đi qua các điểm chính về chủ đề này trong Tân Ước.
Cha, Con và Thánh Linh là một Đức Chúa Trời trong ba thân vị
Những trích dẫn sau đây trong Tân Ước ủng hộ cho điều này.
– Khi Chúa Jesus chịu phép báp-tem, có ba thân vị đồng xuất hiện: tiếng phán của Cha từ trời, Đức Thánh Linh đáp xuống trong hình chim bồ câu (Ma-thi-ơ 3:13-17), và hiển nhiên Đức Chúa Jesus có mặt ở đó. Như vậy ba thân vị cùng xuất hiện trong một thời điểm.
– Đại mạng lệnh truyền giáo trong Ma-thi-ơ 28:19, “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ,” nêu đích danh ba thân vị: Cha, Con và Thánh Linh.
– Trong 1 Phi-e-rơ 1:2, “…theo sự biết trước của Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha, và được nên thánh bởi Đức Thánh Linh, đặng vâng phục Đức Chúa Jêsus Christ.”
– Trong 2 Cô-rin-tô 13:13, “Nguyền xin ơn của Đức Chúa Jêsus Christ, sự yêu thương của Đức Chúa Trời, và sự giao thông của Đức Thánh Linh ở với anh em hết thảy!”
– Sứ đồ Phao-lô cầu nguyện cho Hội thánh Ê-phê-sô 3:14-17, “Ấy là vì cớ đó mà tôi quì gối trước mặt Cha, bởi Cha mà cả nhà trên trời và dưới đất đều được đặt tên, tôi cầu xin Ngài tùy sự giàu có vinh hiển Ngài khiến anh em được quyền phép bởi Thánh Linh mà nên mạnh mẽ trong lòng; đến nỗi Đấng Christ nhân đức tin mà ngự trong lòng anh em.”
– Tất cả ba thân vị cùng làm việc hiệp nhất với nhau để hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời, “Thiên sứ truyền rằng: Đức Thánh Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền phép Đấng Rất Cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình, cho nên con thánh sanh ra, phải xưng là Con Đức Chúa Trời.” (Lu-ca 1:35)
– Đức Chúa Trời ba ngôi hiệp một cùng đem sự cứu rỗi đến cho loài người sa ngã. Đức Cha sai phái Đức Con. Đức Con trả giá đền tội cho loài người thực hiện ơn cứu rỗi. Đức Thánh Linh tái sinh, đổi mới đời sống của tín nhân. “Nhưng từ khi lòng nhân từ của Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa chúng ta, và tình thương yêu của Ngài đối với mọi người ta đã được bày ra, thì Ngài cứu chúng ta, không phải cứu vì việc công bình chúng ta đã làm, nhưng cứ theo lòng thương xót Ngài, bởi sự rửa về sự lại sanh và sự đổi mới của Đức Thánh Linh mà Ngài đã rải ra trên chúng ta cách dư dật bởi Đức Chúa Jêsus Christ, Cứu Chúa chúng ta; hầu cho chúng ta nhờ ơn Ngài được xưng công bình, trở nên con kế tự của Ngài trong sự trông cậy của sự sống đời đời.” (Tít 3:4-7). Và Phao-lô cũng viết cho Hội thánh Ê-phê-sô: “Vì ấy là nhờ Ngài (Chúa Jesus) mà chúng ta cả hai đều được phép đến gần Đức Chúa Cha, đồng trong một Thánh Linh.” (Ê-phê-sô 2:18)
Khi chúng ta nói rằng có một Đức Chúa Trời trong ba thân vị. Điều này có nghĩa gì? Có nghĩa là cả ba thân vị có chung một bản tánh. Không có thân vị nào lớn hơn hoặc thấp kém hơn hai thân vị còn lại. Từ thân vị hay ngôi (person) được sử dụng trong ba thân vị (ba ngôi) của Đức Chúa Trời có nghĩa là mỗi ngôi có sự thông minh, cảm xúc, ý chí để liên hệ kết nối với các ngôi khác.
Đức Chúa Trời của Kinh thánh chắc chắn có tất cả những phẩm chất ưu tú của nhân cách nhưng với sự hoàn hảo tuyệt đối. Được tạo dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời, con người chúng ta được nhận lấy từ Ngài những phẩm hạnh tốt đẹp để phản chiếu ra ảnh tượng của Đấng chúng ta thờ phượng.
Kinh Thánh gọi tên tất cả ba Ngôi là Đức Chúa Trời
Chúng ta đọc trong Phi-líp 1:2, “nguyền xin anh em được ân điển và sự bình an ban cho bởi Đức Chúa Trời, Cha chúng ta….” Câu này đề cập đến Đức Cha. Còn trong Tít 2:13 đề cập đến Chúa Jesus, “đương chờ đợi sự trông cậy hạnh phước của chúng ta, và sự hiện ra của sự vinh hiển Đức Chúa Trời lớn và Cứu Chúa chúng ta, là Đức Chúa Jesus Christ.” Đức Thánh Linh cũng được gọi là Đức Chúa Trời trong Công vụ 5:3-4, “Phi-e-rơ bèn nói với người rằng: Hỡi A-na-nia, sao quỉ Sa-tan đã đầy dẫy lòng ngươi, đến nỗi ngươi nói dối cùng Đức Thánh Linh, mà bớt lại một phần giá ruộng đó? Nếu ngươi chưa bán ruộng đó, há chẳng phải là của ngươi sao? Khi bán rồi, giữ giá đó há chẳng được sao? Điều đó nhập vào lòng ngươi thế nào, ấy chẳng phải ngươi nói dối loài người, bèn là nói dối Đức Chúa Trời.”
Chúa Jesus dạy chúng ta cầu nguyện, “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; Danh Cha được thánh.” (Ma-thi-ơ 6:9)
Đấng Christ cũng dạy các môn đồ, “Hãy làm việc, chớ vì đồ ăn hay hư nát, nhưng vì đồ ăn còn lại đến sự sống đời đời, là thứ Con người sẽ ban cho các ngươi; vì ấy là Con, mà Cha, tức là chính Đức Chúa Trời, đã ghi ấn tín của mình.” (Giăng 6:27). Sứ đồ Phao-lô viết trong các câu đầu tiên của mười ba thư tín trong Tân Ước. Ông gọi Cha thiên thượng là Đức Chúa Trời (Xem Rô-ma 1:7; 1 Côr. 1:3; 2 Cô. 1:2; Ga-la-ti 1:3; Ê-phê-sô 1:2; Phi-líp 1:2; Cô-lô-se 1:2; 1 Tê-sa. 1:2; 2 Tê-sa. 1:2; 1 Ti-mô-thê 1:2; 2 Ti-mô-thê 1:2; Tít 1:4; Phi-lê-môn 3)
- Kinh Thánh cũng công bố Đức Chúa Con – Jesus Christ là Đức Chúa Trời. Phúc âm Giăng bắt đầu với câu, “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời.” (1:1) Ngôi Lời (hay Lời) ở đây là một tên gọi khác của Chúa Jesus Christ. Ngài đến để truyền thông với con người và giới thiệu về Cha: “Chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời; chỉ Con một ở trong lòng Cha, là Đấng đã giãi bày Cha cho chúng ta biết.” (Giăng 1:18). Chúng ta chú ý cụm từ “Ngôi Lời là Đức Chúa Trời”. Cụm từ này không nói rằng “Ngôi Lời là một Đức Chúa Trời”. Vì nếu thêm từ “một” vào thì ý nghĩa của câu có thể bị giải thích khác đi. Điều này có nghĩa Chúa Jesus có cùng bản tánh với Đức Chúa Trời. Và Đức Chúa Trời ở đây bao hàm Đức Cha và Đức Thánh Linh.
Thực ra Chúa Jesus công bố: “Ta với Cha là một.” (Giăng 10:30). Khi Phi-líp đưa ra lời thỉnh cầu, “Lạy Chúa, xin chỉ Cha cho chúng tôi, thì đủ rồi. Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Hỡi Phi-líp, ta ở cùng các ngươi đã lâu thay, mà ngươi chưa biết ta! Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha. Sao ngươi lại nói rằng: Xin chỉ Cha cho chúng tôi?” (Giăng 14:8-9)
Kinh thánh ghi lại lời chứng của Giăng Báp-tít khi nói về Chúa Jesus: “Qua ngày sau, Giăng Báp-tít thấy Đức Chúa Jesus đến cùng mình, thì nói rằng: Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi.” (Giăng 1:29)
Chúng ta đọc thêm những lời Chúa Jesus nói về Giăng Báp-tít: “Các ngươi có sai sứ đến cùng Giăng, thì người đã làm chứng cho lẽ thật. Còn ta, lời chứng mà ta nhận lấy chẳng phải bởi người ta; nhưng ta nói vậy, đặng các ngươi được cứu. Giăng là đuốc đã thắp và sáng, các ngươi bằng lòng vui tạm nơi ánh sáng của người.” (Giăng 5: 33-35)
2. Những việc làm của Chúa Jesus khi còn ở trên đất minh chứng mạnh mẽ rằng Ngài có thần tánh của Đức Chúa Trời. “Nhưng ta có một chứng lớn hơn chứng của Giăng; vì các việc Cha đã giao cho ta làm trọn, tức là các việc ta làm đó, làm chứng cho ta rằng Cha đã sai ta.” (Giăng 5:36). Những phép lạ Chúa Jesus làm như người bại được đi, người mù sáng mắt, kẻ chết sống lại… đã làm chứng về chính Ngài. Trước khi Chúa Jesus đến trần gian, thì Ngài là Đấng sáng tạo: “Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị, hoặc chấp chánh, hoặc cầm quyền, đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả. Ngài có trước muôn vật, và muôn vật đứng vững trong Ngài.” (Cô-lô-se 1:16-17). Chúa Jesus cũng tha thứ tội lỗi (Lu-ca 5:20). Điều này làm cho các thầy thông giáo và người Pha-ri-si đặt câu hỏi: “Người nầy là ai mà nói phạm thượng vậy? Ngoài Đức Chúa Trời, há có ai tha tội được sao?” (Lu-ca 2:21)
3. Lời chứng mạnh mẽ hơn là của chính Đức Chúa Trời nói về Chúa Jesus. “Tức thì có tiếng từ trên trời phán rằng: Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng.” (Ma-thi-ơ 3:17). Và trong Giăng 5:37 Chúa Jesus công bố: “Chính Cha, là Đấng đã sai ta, cũng làm chứng về ta.”
4. Kinh Thánh cũng công bố rằng Chúa Jesus là Đấng Christ. “Kinh thánh làm chứng về ta vậy.” (Giăng 5:39)
Hãy lưu ý là Chúa Jesus chấp nhận lời tuyên xưng của Phi-e-rơ: “Si-môn Phi-e-rơ thưa rằng: Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống. Bấy giờ, Đức Chúa Jêsus phán cùng người rằng: Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi có phước đó; vì chẳng phải thịt và huyết tỏ cho ngươi biết điều nầy đâu, bèn là Cha ta ở trên trời vậy.” (Ma-thi-ơ 16:16-17). Và đến lượt Thô-ma khi đã tận mắt nhìn thấy Chúa phục sinh. Mọi nghi ngờ trước đây của ông tan biến. “Thô-ma thưa rằng: Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi!” (Giăng 20:28). Chúa Jesus phán, “Vì ngươi đã thấy ta, nên ngươi tin. Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy!” (Giăng 20:29).
Chúng ta nhớ rằng toàn bộ Phúc Âm Giăng được viết ra với mục đích chứng minh Chúa Jesus là Đấng Christ. “Nhưng các việc nầy đã chép, để cho các ngươi tin rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, tức là Con Đức Chúa Trời, và để khi các ngươi tin, thì nhờ danh Ngài mà được sự sống.” (20:31)
5. Một bằng chứng khác nữa là Chúa Jesus có các thuộc tính của Đức Chúa Trời. Ngài không thay đổi (Hêb. 13:8). Trong Ngài có sự sống (Giăng 1:4). Ngài là lẽ thật (Giăng 14:6), là tình yêu (1 Giăng 3:16), là thánh (Lu-ca 1:35), là đời đời (Giăng 17:5), là Đấng toàn tại – có mặt khắp nơi (Ma-thi-ơ 28:20), là Đấng thấu hiểu mọi sự (Giăng 16:30), là Đấng có quyền vô hạn (Khải. 1:8)
Kinh Thánh cũng diễn tả Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời
Đức Thánh Linh có các thuộc tính của Đức Chúa Trời. Ngài được gọi là Thánh Linh sự sống (Rô-ma 8:2), Thần lẽ thật (Giăng 16:;13) và Đức Thánh Linh đời đời (Hêb. 9:14). Ngài hiện diện khắp mọi nơi (Thi. 139:7) và phân phát các ân tứ thuộc linh (1 Côr. 12:11). Dĩ nhiên Đức Thánh Linh là thánh – một trong các thuộc tính của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 4:30).
Đức Thánh Linh cáo trách thế gian về tội lỗi (Giăng 16:8), đổi mới tội nhân (Tít 3:5), khiến thân thể hay chết của tín nhân được sống (Rô-ma 8:11) và truyền cảm hứng để con người nói tiên tri (2 Phi-e-rơ 1:21).
Trong nghi thức Báp-tem, Đức Thánh Linh được nhân danh chung với Cha và Con để làm báp-tem cho tín hữu mới (Ma-thi-ơ 28:19).
(Còn nữa)
JAMES SEMPLE
Trích từ: BIBLE TRUTHS ABOUT GOD
Translated by Tuong Vi