Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Tổng hợp / BIÊN KHẢO KINH THÁNH – Phần 2

BIÊN KHẢO KINH THÁNH – Phần 2

BIÊN KHẢO KINH THÁNH

Những thay đổi có chủ đích

Có nhiều lúc, các người sao chép sẽ cố gắng “dọn dẹp” văn bản mà họ đang thực hiện bằng những thay đổi có cân nhắc. Nếu cảm thấy có thể cải thiện bản văn, người sao chép đôi khi sẽ “chỉnh sửa” về ngữ pháp. Các phân đoạn giống nhau trong các sách Phúc Âm thường được làm hài hòa để hoàn toàn phù hợp với nhau. Các trích dẫn Cựu Ước trong Tân Ước được “cải thiện” để phù hợp với bản Septuagint (Kinh Thánh Cựu Ước tiếng Hy Lạp).

“Hòa hợp hai dị bản làm một” là một vấn đề phổ biến. Khi làm việc với hai bản chép tay trở lên và tìm thấy những biến thể, người sao chép đôi khi có thể kết hợp cả hai vào trong bản sao của mình. Cũng vậy, một vài người sao chép viết thêm những tuyên bố về giáo lý theo như điều mà người ấy tin. Chẳng hạn như, một người sao chép đã sửa đổi tuyên bố của Lu-ca: “tôi cũng tưởng nên theo thứ tự viết mà tỏ ra cho ông” (Lu-ca 1:3) để viết thành: “tôi và Đức Thánh Linh cũng tưởng” (xem Công vụ các sứ đồ 15:28: “Ấy là Đức Thánh Linh và chúng ta đã ưng rằng…”).

D.C.-Bible-300x277

Xác định bản viết tay chuẩn xác nhất

Việc chép tay bất kỳ quyển sách cổ nào chắc chắn không tránh khỏi những lỗi trên. Chúng ta càng có nhiều bản sao thì chúng ta sẽ càng phát hiện ra được những lỗi đó. Phát hiện ra những lỗi thông thường như đã đề cập là bước đầu tiên trong việc tìm kiếm lỗi sao chép. Sau đó các học giả có thể xử lý các lỗi tìm được và phát triển bản văn gần giống với bản chính nhất.

Các nhà khảo đính đã làm việc đó như thế nào? Họ làm theo một số quy luật nhất định đã được thiết lập ra. Đây là quy trình được áp dụng cho việc khảo đính Cựu Ước do Ernst Wurthwein đề xuất và được các học giả áp dụng cách rộng rãi:

  •  Khi bản Kinh Thánh Hê-bơ-rơ Masoretic (bản Kinh Thánh Cựu Ước đáng tin cậy nhất) được giữ lại mà không có một biến thể nào, và không có một bản viết tay nào khác với bản Kinh Thánh này, chúng ta phải thừa nhận bản văn ấy là chính thống.
  •  Khi bản Kinh Thánh Hê-bơ-rơ Masoretic và các bản viết tay khác có những điểm khác biệt, bản Masoretic phải được ưu tiên sử dụng.
  •  Khi bản Kinh Thánh Hê-bơ-rơ Masoretic và các bản viết tay khác có những điểm khác biệt nhưng đều hợp lý như nhau hoặc đều đáng tin cậy, khi đó khó xác định bản văn nào là tốt nhất (xem bên dưới) hoặc bản văn nào có khả năng giải thích cho các phiên bản khác.
  •  Chú ý đến các lý do tâm lý hoặc thần học tại sao một người sao chép hoặc một trường thần học lại lưu giữ bản văn theo một cách nhất định.
  •  Khi không có kết luận rõ ràng dựa trên bằng chứng về bản chép tay, cần đề xuất giải pháp hòa hợp hai dị bản làm một với kết quả gần với ý định của trước giả nhất.6

Khi mô tả về công việc phê bình bản văn Kinh Thánh Tân Ước, Bruce Metzger đã đưa ra các quy trình đặc thù như sau.7 Đầu tiên, cân nhắc các bằng chứng bên ngoài. Tuổi thọ của tài liệu là bao nhiêu? Văn bản tiêu biểu cho thể loại nào? Tiếp theo, kiểm nghiệm phần bản văn. Về tổng thể, khi có nhiều biến thể, chúng ta gặp khó khăn hơn để  chọn một bản văn chính xác. Chúng ta giả định rằng người sao chép rất có thể đã giải quyết những mâu thuẫn hiển nhiên ngay trong văn bản.

Chúng ta phải chọn bản văn ngắn hơn thay vì chọn bản văn dài hơn, giả định rằng người sao chép rất có khả năng đã thêm vào những cụm từ nhằm diễn giải hơn là bỏ đi một số phần trong văn bản. Chúng ta sẽ giả định rằng một phiên bản làm hòa hợp các câu chuyện tương đồng với nhau rất có thể là sản phẩm của người sao chép đã thay đổi hơn là do bản văn này khác biệt với những phiên bản khác.

Thêm vào đó, chúng ta phải cân nhắc:

  •  Văn phong và từ vựng của trước giả xuyên suốt tác phẩm của mình.
  •  Bối cảnh liền kề.
  •  Sự hòa hợp với cách sử dụng của các trước giả khác, và trong các sách Phúc Âm.
  •  Ngôn ngữ A-ram trong lời dạy của Đức Chúa Giê-xu.
  •  Ưu tiên Phúc Âm Mác (rất có thể đây là sách Phúc Âm được ghi lại đầu tiên)
  •  Ảnh hưởng của cộng đồng Cơ Đốc đến việc hình thành và truyền tải bản văn đang được xem xét.

Với những quy luật trên, các nhà khảo đính thực hiện công việc khó nhọc là so sánh hàng ngàn bản sao Kinh Thánh cổ. Kết quả là chúng ta có Kinh Thánh đáng tin cậy trong mọi vấn đề về niềm tin và thực hành.

Các cuộn sách Kinh Thánh tại Biển Chết

d 2

Một trường hợp để chứng minh điều này, chúng ta hãy xem xét các cuộn sách Kinh Thánh tại Biển Chết. Trước khi phát hiện các hang động tại Qumran, bản sao trọn bộ Kinh Thánh Cựu Ước cổ nhất mà các học giả được biết là khoảng thế kỷ thứ mười. Đang khi đi tìm một con chiên bị lạc, một người chăn chiên đã tìm thấy cuộn giấy đầu tiên trong bộ các cuộn giấy vào năm 1947, một phát hiện đầy ấn tượng trong lịch sử khảo cổ Kinh Thánh và các bản tay. Giờ đây chúng ta sở hữu Kinh Thánh Cựu Ước với niên đại vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Các cuộn Kinh Thánh tại Biển Chết bao gồm hầu hết các sách của Cựu Ước trừ sách Ê-xơ-tê. Phát hiện này đã đưa chúng ta lùi về một ngàn năm với bản Kinh Thánh gần hơn bản chính.

Bản Kinh Thánh Masoretic và các tài liệu này gần nhau như thế nào? Nói cách khác, trong một ngàn năm, những người sao chép đã làm việc chính xác như thế nào? Kết quả thật đáng kinh ngạc. Trong hầu hết bản văn, sự chính xác đến từng từ. Các biến thể vẫn là do lỗi sao chép thông thường.

Sao chép Kinh Thánh suốt nhiều thế kỷ trước khi công nghệ in ấn ra đời, các người sao chép đã làm công việc của họ với độ chính xác thật đáng kinh ngạc. Dù không hoàn toàn hoàn hảo, nhưng tác phẩm của họ vẫn chính xác hơn nhiều so với những người chép tay các quyển sách cổ khác. Với sự giúp đỡ của các trường về biên khảo các bản văn cổ, ngày nay chúng ta đang sở hữu Kinh Thánh Cựu Ước gần giống hoàn toàn với bản chính. Và bản Kinh Thánh tiếng Hy Lạp mà chúng ta có ngày nay cũng chính xác và đáng tin cậy.

Tại sao có quá nhiều phiên bản?

Nếu bản văn Kinh Thánh do các học giả tạo ra rất gần với bản chính, vậy thì tại sao chúng ta lại cần quá nhiều bản dịch Kinh Thánh? Và tại sao các phiên bản hiện đại lại khác biệt so với phiên bản Kinh Thánh King James?

Bản dịch Kinh Thánh King James sử dụng bản textus receptus (bản văn được thừa nhận), là phiên bản Kinh Thánh tốt nhất vào thời bấy giờ khi họ bắt đầu công việc phiên dịch Kinh Thánh vào thế kỷ 17. Bản văn tiếng Hy Lạp này là công trình học thuật của Erasmus, ông đã xuất bản Kinh Thánh Tân Ước tiếng Hy Lạp đầu tiên vào năm 1516. Công trình của ông dựa trên sáu bản viết tay mà ông có vào thời đó.

Sau đó Robert Estienne đã tạo ra một bản Kinh Thánh tiếng Hy Lạp vào năm 1550 dựa rất nhiều vào bản Kinh Thánh tiếng Hy Lạp của Erasmus.9 Lời mở đầu cho ấn bản năm 1633 của Henri con của Estienne ghi rằng: “Chính vì vậy quý vị có bản văn được mọi người thừa nhận; trong đó chúng tôi không thay đổi hoặc sửa đổi điều gì.” Từ tuyên bố này mà thuật ngữ “bản văn được thừa nhận” (received text), hoặc textus receptus được ra đời. Chính vì vậy mà bản textus receptus trở thành bản văn chuẩn mực cho việc dịch Kinh Thánh Tân Ước tiếng Hy Lạp xuyên suốt ba thế kỷ tiếp theo.

Sau đó một vài khám phá nổi tiếng khác đã vĩnh viễn thay đổi chiều hướng biên dịch Kinh Thánh .

  •  Phát hiện nổi bật nhất là Codex (nghĩa là sách) Sinaiticus. Đây là bản sao bằng giấy da toàn bộ Kinh Thánh bằng tiếng Hy Lạp (mặc dầu một vài phần trong Cựu Ước đã bị mất). Bản sao này có niên đại vào thế kỷ thứ tư Sau Công Nguyên. Sách được Count Tischendorf tìm thấy tại Tu viện núi Sinai năm 1844. Sau hai chuyến đi khác đến tu viện, ông đã mua được Codex này cho Nga hoàng vào năm 1859. Chính phủ Anh đã mua lại bộ sách từ Liên Bang Xô Viết với giá 100.000 bảng Anh năm 1933. Bộ sách được lưu giữ tại Bảo tàng Anh trong nhiều năm và hiện tại được trưng bày tại Thư viện Anh. Thư viện Anh cũng lưu giữ Codex Alexandrinus. Bản sao Kinh Thánh tiếng Hy Lạp này được thực hiện vào thế kỷ thứ năm và được giáo trưởng của xứ Alexandria trình đức vua nước Anh, vua Charles đệ nhất vào năm 1627.
  •  Bảo tàng Vatican lưu giữ Codex Vaticanus. Bản viết tay này được thực hiện cũng vào khoảng thời gian như bản Sinaiticus, thế kỷ thứ tư Sau Công Nguyên.
  •  Codex Ephraemi là bản sao hoàn chỉnh Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Bản sao có niên đại vào thế kỷ thứ năm.
  •  Codex Bezae được đặt theo tên của nhà cải chánh giáo hội người Đức Theodor Beza, ông đã trình bản sao này cho đại học Cambridge vào năm 1581. Bản sao được thực hiện vào khoảng thế kỷ thứ năm hoặc thứ sáu, bao gồm các sách Phúc Âm và sách Công vụ các sứ đồ bằng tiếng Hy-lạp và tiếng La-tinh.

Các bản viết tay này có niên đại cổ hơn nhiều thế kỷ so với những bản viết tay mà Erasmus và những người tạo ra bản textus receptus có được. Kết quả là các bản dịch sử dụng những bản văn được phát hiện ra này có thể gần hơn với bản chính. Chính vì vậy mà các bản dịch hiện đại được nhân lên do các bản viết tay có nhiều hơn cho các học giả.

Hơn thế nữa, các bản dịch ngày nay hướng đến nhiều đối tượng độc giả và nhu cầu khác nhau. Một số nhấn mạnh đến nghĩa đen, sao chép lại chính xác những gì trước giả Kinh Thánh đã viết. Bản dịch New American Standard Version và bản trước đó là American Standard Version là ví dụ điển hình cho thể loại này. Bản English Standard Version là bản dịch mới nhất phục vụ cho mục đích này.

Các bản dịch diễn ý lại là một thái cực khác của công tác dịch thuật. Họ hướng đến việc tạo ra ý nghĩa của bản văn Kinh Thánh bằng ngôn ngữ và khuôn mẫu tư duy của thời đại chúng ta. Bản dịch Living Bible là ví dụ đầu tiên và phổ biến cho phương pháp này; bản New Living Bible tiếp nối thành công của bản dịch trước đó.

Phương pháp dịch “tương đương chủ động” (Dynamic equivalence) dịch Kinh Thánh theo nghĩa đen ở những nơi có thể nhưng điều chỉnh các thành ngữ và phép tu từ khi cần thiết. Bản dịch New International Version là bản phổ biến nhất cho phương pháp này. Bản New Revised Standard Version đứng giữa phương pháp này và dịch theo nghĩa đen. Bản New English Bible và bản theo sau đó là Revised English Bible đứng giữa phương pháp tương đương chủ động và diễn ý.

Chính vì vậy mà ngày nay chúng ta có rất nhiều bản dịch, không phải vì chúng ta không có một quyển Kinh Thánh mà chúng ta có thể tin cậy được, nhưng bởi vì chúng ta tin cậy vào Kinh Thánh. Mỗi một phiên bản được xây dựng trên một bản Kinh Thánh đáng tin cậy được các học giả tạo ra, nhằm đáp ứng nhu cầu của các độc giả mà họ hướng đến.

(Còn nữa)

James C. Denison 

Trích từ “THE BIBLE – YOU CAN BELIEVE IT”

Translated by Vinh Hien   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn