“Ai gánh việc khuyên bảo, hãy khuyên bảo; ai bố thí, hãy lấy lòng rộng rãi mà bố thí; ai cai tri, hãy siêng năng mà cai trị; ai làm sự thương xót, hãy lấy lòng vui mà làm.” (Rô-ma 12:8)
Với kỹ thuật tiên tiến hiện nay con người có thể phát minh ra các viễn vọng kính hiện đại có tính năng vượt trỗi hơn những cái có trước đó. Vài năm gần đây các nhà thiên văn học đã xem lại những ước tính của họ về kích cỡ của vũ trụ. Họ nói rằng vũ trụ của chúng ta đang mở rộng, các thiên hà đã giãn ra rất xa chúng ta với một tốc độ không thể tin được.
Khi học ở trường trung học, tôi được dạy rằng hệ thống các thiên hà ở cách xa chúng ta chừng bốn tỉ năm ánh sáng. Rồi đến khi tôi tốt nghiệp trường cao đẳng, các giáo sư cho biết rằng khoảng cách đó là tám tỉ năm ánh sáng. Và hôm nay họ công bố khoảng cách đó được ước tính là từ mười hai đến mười tám tỉ năm ánh sáng. Vì thế vũ trụ đang nở phồng ra một cách mau chóng.
Một lần nọ có người hỏi tôi: “Ông có khó chịu không, khi mà người ta luôn đưa ra những ước tính mới về chiều kích của vũ trụ?” Tôi trả lời: “Không khó chịu chút nào, thực ra những điều nầy làm tôi hồi hộp”. Đa-vít đã viết trong Thi-thiên 103:11, “Vì hễ các từng trời cao trên đất bao nhiêu,Thì sự nhân từ Ngài càng lớn cho kẻ nào kính sợ Ngài bấy nhiêu”. Đa-vít không nói là các từng trời cao hơn mặt đất bao nhiêu. Tuy nhiên ông nói rằng nó cao. Và sự nhân từ của Chúa càng lớn cho kẻ nào kính sợ Ngài. Bởi vì vũ trụ đang giãn nở ra, thì điều đó cũng có nghĩa là sự nhân từ của Chúa cứ thêm lên mãi. Sự nở phồng của vũ trụ không làm tôi khó chịu. Nó giúp tôi nhận ra sự nhân từ của Chúa vĩ đại hơn.
ĐỨC CHÚA TRỜI NHÂN TỪ
Nhân từ là phẩm chất thần thượng nổi bật từ thuộc tính và bản chất của Đức Chúa Trời. Nó một thái độ của tấm lòng thương xót, sẵn sàng giúp đỡ người khác trong nhu cầu của họ, nó là tính cách nhân hậu và tử tế. Nhân từ tương phản với tính chất công bằng. Rất nhiều lần chúng ta nói về một người: “Anh ấy nhận được chính xác những gì anh ấy xứng đáng nhận”. Đó là sự công bằng. Còn sự nhân từ là: “Anh ấy không phải gánh chịu hậu quả những gì mà lẽ ra anh ta phải gánh chịu”. Tất cả chúng ta xứng đáng nhận sự công bằng. Nhưng Đức Chúa Trời cũng ban cho chúng ta sự nhơn từ. Bởi vì Ngài là nguồn của tất cả mọi sự nhơn từ và yên ủi. Sự nhơn từ của Đức Chúa Trời là một chủ đề được ưa thích trong Kinh Thánh.
Sự đề cập đầu tiên về lòng nhơn từ của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh là cách Đức Chúa Trời đối xử với thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Khi thiên sứ của Đức Chúa Trời đến để đem Lót và gia đình ông ta ra khỏi thành phố sắp bị diệt vong, thiên sứ nói: “Nhanh lên, chúng ta chưa thể hủy diệt thành phố nầy nếu ngươi còn ở đây”. Lót đáp lại: “Nầy, tôi tớ đã được ơn trước mặt Chúa; Chúa đã tỏ lòng nhân từ rất lớn cùng tôi mà cứu tròn sự sống tôi. Nhưng tôi chạy trốn lên núi không kịp trước khi tai nạn đến, thì tôi phải chết.” (Sáng thế ký 19:19). Lót nhận thức rằng ông ta sẽ dễ dàng trở thành nạn nhân của hai thành phố tội ác kia. Nhưng chỉ bởi lòng nhân từ và khoan dung của Đức Chúa Trời mà Ngài phân rẽ ông ra khỏi những người bị hư mất.
Gia-cốp cũng giống như Lót, ông biết rằng ông không xứng đáng với lòng nhơn từ của Đức Chúa Trời. Ông nói: “Tôi lấy làm hèn mọn không đáng chịu các ân huệ và các điều thành thực mà Ngài đã làm cho kẻ tôi tớ Ngài; vì lúc trước khi qua sông Giô-đanh chỉ có cây gậy tôi, mà ngày nay tôi lại trở nên hai đội quân nầy” (Sáng thế ký 32:10). Gia-cốp đã nói đúng. Ông chỉ là một kẻ lợi dụng, đồng lõa với điều xấu. Tên của ông có nghĩa là kẻ nắm gót. Ông là người cướp đi phúc lợi của người khác bằng sự lém lỉnh của ông. Gia-cốp lừa dối và đồng lõa với những điều không chính trực. Tuy nhiên Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho ông thấy lòng nhân từ của Ngài và lập ông lên làm một trong các tổ phụ của Y-sơ-ra-ên.
Khi chúng ta xem xét đời sống của chính chúng ta và những gì Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta, chúng ta cũng nhận ra rằng chúng ta không xứng đáng với sự nhân từ của Đức Chúa Trời. Quả thực Đức Chúa Trời quá tốt lành và nhân từ đối với chúng ta. Sự chúc phước của Ngài trên đời sống của chúng ta không phải do kết quả cho sự xứng đáng hay công trạng của chúng ta, nhưng là do sự nhơn từ của Ngài. Rất nhiều đoạn Kinh Thánh nói lên sự nhơn từ của Đức Chúa Trời. 2 Cô-rin-tô 1:3 viết: “Chúc tạ Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, là Cha hay thương xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên ủi”. Đa-ni-ên 9:9 nói: “Những sự thương xót và tha thứ đều thuộc về Chúa là Đức Chúa Trời chúng tôi; bởi chúng tôi đã bạn nghịch cùng Ngài”. Giê-rê-mi viết: “Ấy là nhờ sự nhân từ Đức Giê-hô-va mà chúng ta chưa tuyệt. Vì sự thương xót của Ngài chẳng dứt” (Ca-thương 3:22). Thi-thiên 116:5 cho chúng ta biết: “Đức Giê-hô-va hay làm ơn, và là công bình; Đức Chúa Trời chúng ta có lòng thương xót”. Môi-se khẳng định: “Đức Giê-hô-va vốn chậm nóng giận và đầy ơn; hay xá điều gian ác và tội lỗi; nhưng không kể kẻ có tội là vô tội, và nhân tội tổ phụ phạt con cháu trải ba bốn đời” (Dân số ký 14:28). Phục Truyền luật lệ ký 4:31 nói: “Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi là Đức Chúa Trời hay thương xót sẽ không bỏ ngươi và không hủy diệt ngươi đâu; cũng chẳng quên sự giao ước mà Ngài đã thề cùng các tổ phụ ngươi”. Nê-hê-mi 9:31 “Song, vì lòng thương xót lớn lao của Chúa, Chúa không có tận diệt chúng, cũng không lìa bỏ chúng; vì Chúa vốn là Đức Chúa Trời hay thương xót và nhân từ.”. Mi-chê tổng kết những ý tưởng nầy khi ông nói: “Ai là Đức Chúa Trời giống như Ngài, tha thứ sự gian ác, và bỏ qua sự phạm pháp của dân sót của sản nghiệp Ngài? Ngài không cưu giận đời đời, vì Ngài lấy sự nhân từ làm vui thích” (Mi-chê 7:18).
Đức Chúa Trời vui thích trong sự nhân từ. Tôi không nghĩ là bạn sẽ hiểu biết đầy đủ cho đến khi bạn có cháu chắt. Tôi thích làm người trung gian hòa giải cho các cháu tôi khi chúng nó nảy sinh những việc linh tinh với bố mẹ chúng. Lúc ấy tôi đề nghị: “Thôi nào, ông sẽ đưa các cháu đi tản bộ dạo chơi”. Thế là tôi đã cứu chúng nó thoát khỏi mấy roi phát vào mông. Tôi thích như thế, đó là sự nhơn từ, nó rất kỳ diệu. Đức Chúa Trời không chỉ đầy dẫy sự thương xót và bao la trong sự nhơn từ, mà sự nhơn từ của Ngài còn kéo dài đến đời đời. Khoảng bốn mươi mốt lần Kinh Thánh chép rằng sự nhơn từ của Ngài còn đến đời đời. Thi-thiên 100:5 là một câu Kinh Thánh điển hình: “Vì Đức Giê-hô-va là thiện; sự nhân từ Ngài hằng có mãi mãi, Và sự thành tín Ngài còn đến đời đời”. Nhưng nhiều người không tin vào sự nhân từ của Chúa. Họ không nhìn thấy Đức Chúa Trời đầy sự nhơn từ. Quan điểm của họ đến từ sự lừa dối của Satan và họ có một ý niệm hoàn toàn sai trật về Đức Chúa Trời. Trong suốt nhiều năm tôi nghĩ rằng Đức Chúa Trời nổi giận với tôi trong đa số các trường hợp. Tôi biết những gì Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi tôi. Tôi biết Ngài muốn tôi trở nên hoàn hảo. Nhưng rõ ràng là tôi còn rất xa sự hoàn hảo, nên tôi nghĩ là Đức Chúa Trời chắc chắn luôn nổi giận với tôi. Tôi không thắc mắc về bất cứ rủi ro nào xảy đến cho tôi vì cho rằng tôi xứng đáng nhận sự rủi ro đó theo công lý của Đức Chúa Trời. Ước gì hồi đó tôi có thể lắng nghe Lời của Chúa mô tả về các thuộc tính của Ngài.
Khi Đức Chúa Trời đón Môi-se trên núi để giao bảng đá thứ hai của Mười điều răn – Môi-se đã làm bể nát bảng thứ nhất. Kinh Thánh chép rằng Đức Chúa Trời giáng lâm trong đám mây, đứng đó với Môi-se và tuyên bố Ngài là Chúa: “Đức Giê-hô-va ngự xuống trong đám mây, đứng gần bên Môi-se và hô danh Giê-hô-va. Ngài đi ngang qua mặt người, hô rằng: Giê-hô-va! Giê-hô-va! Là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ và thành thực, ban ơn đến ngàn đời, xá điều gian ác, tội trọng, và tội lỗi; nhưng chẳng kể kẻ có tội là vô tội, và nhân tội tổ phụ phạt đến con cháu trải ba bốn đời” (Xuất Ê-díp-tô ký 34:5-7). Đó là Đức Chúa Trời mà bạn hầu việc. Đây cũng là cách Đức Chúa Trời tự bảy tỏ về chính Ngài. Ngài là Đức Chúa Trời nhân từ. Theo thời gian ý niệm của tôi về Đức Chúa Trời đã thay đổi mạnh mẽ. Ngày hôm nay tôi nhận ra Đức Chúa Trời rất yêu thương và đầy sự nhân từ với con người.
Chuck Smith
Translated by Hon Pham