Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / “MÂU THUẪN” TRONG KINH THÁNH (Phần 2)

“MÂU THUẪN” TRONG KINH THÁNH (Phần 2)

NHỮNG “MÂU THUẪN” TRONG KINH THÁNH

Hãy xem xét ngữ cảnh rộng lớn hơn

Một loại mâu thuẫn hiển nhiên thứ hai trong Kinh Thánh xảy ra từ việc hiểu sai ngữ cảnh của những vấn đề mà bản văn đang bàn tới. Chúng ta hãy xem xét một số ví dụ thường được nhắc đến và đi theo trình tự mà chúng được trình bày trong Kinh Thánh.

Mắt đền mắt và Đức Chúa Trời yêu thương

Một nhà phê bình nói rằng: Kinh Thánh dạy: “Mắt đền mắt, răng đền răng.” Nhưng Đức Chúa Giê-xu dạy chúng ta hãy đưa má bên kia cho họ vả. Điều nào là đúng? Cả hai đều đúng.

exo

Chúng ta đang bàn về vấn đề lex talionis (tiếngLa-tinh nghĩa là “luật trả thù”), một luật lệ xưa nhất trên thế giới. Nó xuất hiện trong bộ luật Hammurabi vào thế kỷ mười tám trước Công nguyên. Luật này cũng được tìm thấy trong Kinh Thánh Cựu Ước: “Còn nếu có sự hại chi, thì ngươi sẽ lấy mạng thường mạng, lấy mắt thường mắt, lấy răng thường răng, lấy tay thường tay, lấy chân thường chân, lấy phỏng thường phỏng, lấy bầm thường bầm, lấy thương thường thương” (Xuất Ê-díp-tô-ký 21:23-25).

Trước khi có luật lệ này, nếu tôi làm hỏng chiếc xe của bạn thì bạn có thể phá sập nhà của tôi. Nếu tôi làm cho con bạn bị thương thì bạn có thể giết hết các con của tôi. Mục đích ban đầu của luật lệ này đó là nhằm hạn chế sự trả thù. Chỉ người gây ra thương tích mới bị trừng phạt, không phải cả gia đình hay dòng họ của anh ta. Cũng vậy, anh ta chỉ bị trừng phạt ở mức độ mà anh ấy đã gây ra cho người khác, do đó bảo vệ anh ta trước những kẻ thù mạnh hơn. Luật lệ này không thúc đẩy sự báo thù; nhưng ngược lại là hạn chế sự báo thù.

Tuy nhiên luật lệ này dường như mâu thuẫn với lời dạy rõ ràng của Đức Chúa Giê-xu trong Bài giảng trên núi: “Song ta bảo các ngươi, đừng chống cự kẻ dữ. Trái lại, nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn; nếu ai muốn kiện ngươi đặng lột cái áo vắn, hãy để họ lấy luôn cái áo dài nữa; nếu ai muốn bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi hai dặm với họ. Ai xin của ngươi hãy cho, ai muốn mượn của ngươi, thì đừng trớ.” (Ma-thi-ơ 5:39-42).

Trong bối cảnh lịch sử, những tuyên bố của Đức Chúa Giê-xu nhằm nói đến một chủ đề khác xa với việc tự vệ và báo thù. Mỗi một ví dụ mà Đức Chúa Giê-xu đưa ra đều chỉ về một nguyên tắc: đừng tiếp nối chu kỳ báo thù. Đừng đáp trả sự phỉ báng bằng phỉ báng, đáp trả chuyện tầm phào X bằng chuyện tầm phào Y nào đó.

Ví dụ đầu tiên Đức Chúa Giê-xu đưa ra liên quan đến lòng tự trọng của bạn: “Nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn” (Ma-thi-ơ 5:39). “Vả” có nghĩa là tát vào mặt. Tại nơi công cộng chỉ bàn tay phải mới được sử dụng. Tát vào má bên phải của bạn bằng bàn tay phải của tôi, nghĩa là phải vả ngược tay, tức đây là một hành động lăng mạ, chứ không phải là đe dọa đến tính mạng. Đức Chúa Giê-xu muốn nói rằng: Đừng vả ngược lại. Nếu ai đó sỉ nhục con, đừng sỉ nhục họ.

Tiếp theo, Đức Chúa Giê-xu nói về tài sản của bạn: “Nếu ai muốn kiện ngươi đặng lột cái áo vắn, hãy để họ lấy luôn cái áo dài nữa” (Ma-thi-ơ 5:40). “Áo vắn” là áo lót có tay; nó có thể bị tước đi trong tòa án. “Áo dài” thì không vậy, bởi vì nó bảo vệ bạn khỏi kẻ thù. Nhưng cũng hãy đưa luôn áo dài. Đừng cố giữ quyền lợi của mình.

Tới đây Đức Chúa Giê-xu đề cập đến thời gian của bạn: “nếu ai muốn bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi hai dặm với họ” (Ma-thi-ơ 5:41). Đức Chúa Giê-xu muốn chỉ về quyền lực của binh lính La Mã có thể bắt một người Do Thái vác binh khí cho anh ta trong một dặm. Hãy vác đi hai dặm. Hãy hy sinh thời gian, mặc dù bạn không có nghĩa vụ phải làm. Nhưng hãy làm đi.

Cuối cùng, Đức Chúa Giê-xu nói về tiền bạc của bạn: “Ai xin của ngươi hãy cho, ai muốn mượn của ngươi, thì đừng trớ” (Ma-thi-ơ 5:42). Cũng như Augustine đã nhắc chúng ta, không ai bảo chúng ta phải cho mọi thứ mà người khác xin chúng ta, nhưng hãy cho mọi người xin. Thậm chí khi bạn có quyền từ chối.

Vậy hãy từ chối trả thù. Hãy ngưng vòng tuần hoàn của sự báo thù. Đừng lặp lại những chuyện tầm phào hoặc nói xấu. Hãy từ chối đáp trả sự sỉ nhục bằng sự sỉ nhục, đáp trả sự đau đớn bằng đau đớn. Hãy nhớ rằng quy luật mắt đền mắt, răng đền răng là con đường nhanh nhất khiến cho thế giới mù lòa và không còn răng để cắn nhau nữa. Đó là mấu chốt trong lời dạy của Đức Chúa Giê-xu, và không hề mâu thuẫn với luật lệ trong sách Xuất Ê-díp-tô ký. Đầu tiên là giải quyết với những sự sỉ nhục cá nhân, sau đó là hận thù. Biết được bối cảnh trong Kinh Thánh sẽ giải thích cho các “sự mâu thuẫn.”

A-bi-tha và A-hi-mê-léc

Trong sách Mác chương 2, Đức Chúa Giê-xu bảo vệ cho các môn đồ của Ngài khi họ bứt bông lúa mì trong ngày Sa-bát: “Các ngươi chưa đọc đến sự vua Đa-vít làm trong khi vua cùng những người đi theo bị túng đói hay sao? Thể nào trong đời A-bi-tha làm thầy cả thượng phẩm, vua ấy vào đền Đức Chúa Trời, ăn bánh bày ra, lại cũng cho những người đi theo ăn nữa, dầu bánh ấy chỉ những thầy tế lễ mới được phép ăn thôi” (Mác 2:25-26). Nhưng trong I Sa-mu-ên 21:1 nói rằng sự việc xảy ra khi A-hi-mê-léc, cha của A-bi-tha, làm chức tế lễ. Vì bày tỏ lòng tốt đối với Đa-vít mà A-hi-mê-léc và gia đình bị quân lính Sau-lơ giết chết. Con của ông là A-bi-tha trốn khỏi và về sau được lập chức tế lễ (I Sa-mu-ên 22:20-23).

1 sa

Vấn đề này có thể được giải thích về mặt ngữ pháp. Cụm từ “trong đời A-bi-tha” được dịch từ tiếng Hy Lạp theo nguyên nghĩa là: “tại nơi A-bi-tha làm thầy cả thượng phẩm.” Mác thường dùng từ “tại nơi” (upon tiếng Hy Lạp là từ epi) để chỉ về địa điểm hơn là thời gian. Cụm từ này tốt hơn nên được dịch là: “tại nơi A-bi-tha làm thầy cả thượng phẩm,” chứ không phải là “vào thời gian” ông ấy phục vụ.1

Một điểm khác được cho là mâu thuẫn liên quan đến hai nhân vật này cũng có thể giải thích được. II Sa-mu-ên 8:16-18 liệt kê danh sách những quan chức của vua Đa-vít bao gồm “A-hi-mê-léc con trai A-bi-tha” làm thầy tế lễ (8:17). I Sa-mu-ên 22:20 cho chúng ta biết rằng A-hi-mê-léc là cha của A-bi-tha. Nhưng cũng có khả năng A-bi-tha có một người con trai mà ông đặt theo tên cha mình là A-hi-mê-léc. Hãy nhớ câu chuyện gia đình Xa-cha-ri muốn đặt tên con trai của ông theo tên cha ông, nhưng ông và vợ thì khăng khăng đặt tên đứa trẻ là “Giăng” (Lu-ca 1:59-63). Tên lót của tôi là tên của ông tôi; một trong các con của tôi cũng mang tên của ông tôi nữa. Truyền thống gia đình này vẫn còn phổ biến trong ngày nay như khi nó tồn tại trong thế giới ngày xưa.

Qui-ri-ni-u, Quan tổng đốc xứ Sy-ri

Lu-ca 2:2 cho chúng ta biết việc thống kê dân số, nguyên nhân khiến Giô-sép và Ma-ri phải đi đến Bết-lê-hem “là cuộc thống kê dân số đầu tiên khi Qui-ri-ni-u làm quan tổng đốc xứ Sy-ri.” Tuy nhiên, những bản ghi chép lịch sử của người Do Thái và La Mã lại biên thời gian nhiệm kỳ của Quy-ri-ni-u là vào khoảng năm 6-9 sau Công Nguyên. Chúng ta có thể hòa hợp sự khác biệt này không?

Born to you today Luke 2 -10

Có. Sử gia Tacitus (trong sách Annals, quyển 3) cho chúng ta biết rằng trước đó một thập kỷ, Qui-ri-ni-u dẫn đạo binh viễn chinh tại Cilicia, là khu vực liền kề với Sy-ri. Lu-ca sử dụng từ “quan tổng đốc” (từ Hy Lạp là hegemoneuo) với một ý nghĩa chung chung đó là người lãnh đạo hoặc cai trị. Vậy Lu-ca có thể đã nghĩ về chức vụ quân sự này. Cũng vậy, một vài bản ký thuật cổ đã chỉ ra rằng Qui-ri-ni-u giữ hai nhiệm kỳ, đầu tiên là từ năm 6-4 trước Công Nguyện và nhiệm kỳ thứ hai là 6-9 sau Công Nguyên. Mỗi nhiệm kỳ đã thực hiện một cuộc thống kê dân số (Công vụ các sứ đồ 5:37 chỉ về cuộc thống kê dân số trong nhiệm kỳ thứ hai của Qui-ri-ni-u).

Lu-ca không mắc một sai lầm lịch sử liên quan đến lãnh đạo chính trị trong thời gian Đức Chúa Giê-xu được sinh ra, dựa vào việc sử dụng cẩn thận các ghi chép nhân chứng tận mắt (Lu-ca 1:1-4) và sự thật rằng nếu có sai sót thì sẽ bị những người đương thời dễ dàng phát hiện. Tuy nhiên dựa trên tính chất tổng quan từ ngữ “quan tổng đốc” mà Lu-ca sử dụng, chúng ta dễ thấy mạch truyện tương quan đến những ký thuật lịch sử cổ ra sao.

Trong bài giảng Chủ Nhật tuần này, tôi có thể gán chiến thắng của quân đồng minh trong Thế Chiến II cho sự “lãnh đạo” của Dwight Eisenhower, mặc dù Franklin Roosevelt và Harry Truman mới là Tổng thống trong thời gian đó, còn Eisenhower thì sau này mới vào Nhà Trắng. Nếu tôi nói rằng Tướng Eisenhower là Tổng thống năm 1945, bất cứ ai nghe bài giảng của tôi đều sẽ nhanh chóng đính chính. Nếu tôi gọi ông là “người lãnh đạo” thì mọi người đều hiểu.

(Còn nữa)

James C. Denison 

Trích từ “THE BIBLE – YOU CAN BELIEVE IT”

Translated by Vinh Hien   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn