Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / CÁC THUỘC TÍNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

CÁC THUỘC TÍNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Danh Jesus

Mô tả Đức Chúa Trời như thế nào?
“Chúng sẽ thấy sự vinh hiển Đức Giê-hô-va, và sự tốt đẹp của Đức Chúa Trời chúng ta.”
Ê-sai 35:2
Trong những chương trước chúng ta đã giải quyết các câu hỏi: Có TRỜI không? Thần nào là Đức Chúa Trời chân thật? Các danh xưng của TRỜI là gì? Trong chương này chúng ta sẽ nghiên cứu Kinh Thánh để trả lời cho câu hỏi này: Mô tả Đức Chúa Trời như thế nào?
Chúng ta sẽ nhìn xem cách mà các nhà thần học nói về các thuộc tính của TRỜI. Từ “thuộc tính” có ý nghĩa gì? Theo từ điển thì thuộc tính là đặc điểm hay phẩm chất của một người hay một chủ thể nào đó. Như vậy mục đích của chúng ta trong chương này là tìm ra các đặc điểm của Đức Chúa Trời.
Các nhà nghiên cứu Kinh Thánh đều đưa ra một danh sách các đặc điểm thần thượng của TRỜI. Bởi vì các tính chất, thuộc tánh siêu việt của Đấng toàn năng quá vĩ đại nên rất khó cho con người có thể hiểu thấu đáo hết sự đầy đủ của TRỜI. Không có một danh sách nào từ con người có thể liệt kê tất cả các thuộc tính của Đức Chúa Trời.
Khi học về các thuộc tính của TRỜI, chúng ta dẽ dàng bị mất quân bình khi nhấn mạnh đến một số thuộc tính này nhưng lại phớt lờ các thuộc tính khác.
Vì vậy để cân bằng cho việc nghiên cứu, chúng ta sẽ lập ra ba phạm trù cho các thuộc tính của Đấng tối cao: 1/ Những đặc tính chủ yếu của TRỜI. 2/ Sự hoàn hảo trong phương diện đạo đức của TRỜI. 3/Tấm lòng thương xót của TRỜI.
Ba phạm trù trên đây tương đương với: a/Quyền năng của TRỜI. b/Ýchỉ của TRỜI. c/Tấm lòng của TRỜI.

Các thuộc tính cơ bản.
1. Đức Chúa Trời là Đấng hiện hữu đời đời.
Trước giả Thi thiên viết: “Lạy Chúa, từ đời nầy qua đời kia Chúa là nơi ở của chúng tôi.
Trước khi núi non chưa sanh ra,
Đất và thế gian chưa dựng nên,
Từ trước vô cùng cho đến đời đời Chúa là Đức Chúa Trời.” (Thi. 90:1-2)
Đời đời là một tính từ khó cho con người diễn tả, bởi vì chúng ta không bao giờ trải nghiệm một điều gì đó không có bắt đầu và không có kết thúc. Tuy nhiên Đức Chúa Trời của chúng ta thì vĩnh viễn, bất diệt. Ngài không có khởi đầu và kết thúc.
“Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.” (Sáng. 1:1). Đức Chúa Trời cũng sáng tạo nên thời gian và Ngài không hề bị giới hạn về thời gian. Ngài phán với Môi-se, “Đức Chúa Trời phán rằng: Ta là Đấng tự hữu, hằng hữu.” (Xuất. 3:14). Rồi trải qua nhiều thế kỷ sau đó, Chúa Jesus phán, “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, trước khi chưa có Áp-ra-ham, đã có ta.” (Giăng 8:58).
Mỗi hiệu ứng trong thời gian đều có một nguyên nhân, và mọi chuyển động trong không gian phải có một động lực. Điểm cuối cùng trong thời gian phải là nguyên nhân đầu tiên và là động lực chính. Đức Chúa Trời đang ở bên ngoài thời gian và Ngài không phải tuân theo các quy luật về thời gian và không gian. Ngài là Nguyên Nhân đầu tiên và là Động lực chính cho mọi chuyển động của toàn thể vũ trụ. Ngài là Đấng Hằng Hữu và đời đời.
Kinh Thánh xác nhận TRỜI hiện hữu trước khi có thời gian. Chúa Jesus cầu nguyện trong Giăng 17:5, “Cha ôi! Bây giờ xin lấy sự vinh hiển Con vốn có nơi Cha trước khi chưa có thế gian mà làm vinh hiển Con nơi chính mình Cha.” Chúng ta chú ý cụm từ in nghiêng: trước khi chưa có thế gian.

bi
Kinh Thánh cũng nói về ân điển của TRỜI, “chính Chúa đã cứu chúng ta, đã gọi chúng ta bởi sự kêu gọi thánh, chẳng phải theo việc làm chúng ta, bèn là theo ý riêng Ngài chỉ định, theo ân điển đã ban cho chúng ta trong Đức Chúa Jesus Christ từ trước muôn đời vô cùng.“ (2 Ti-mô-thê 1:9). Cụm từ “từ trước muôn đời vô cùng” có nghĩa là trước khi có thời gian.
Sách Rô-ma đóng lại với câu, “nguyền xin vinh hiển về nơi Đức Chúa Trời khôn ngoan có một, đời đời vô cùng! A-men.” (Rô-ma 16:27). Phao- lô cũng viết trong 1 Ti-mô-thê 1:17, “Nguyền xin sự tôn quí vinh hiển đời đời vô cùng về nơi Vua muôn đời, không hề hư nát, không thấy được, tức là Đức Chúa Trời có một mà thôi! A-men.” Trước giả sách Giu-đa cũng viết, “Đức Chúa Trời có một, là Cứu Chúa chúng ta, bởi Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa chúng ta, được sự vinh hiển, tôn trọng, thế lực, quyền năng thuộc về Ngài từ trước vô cùng và hiện nay cho đến đời đời! A men.” (câu 25).
Chúng ta dễ dàng tìm ra các câu Kinh Thánh bày tỏ về thuộc tính đời đời của TRỜI.

Chúng ta nhận thức rằng:
(1) Đấng sáng tạo nên thời gian là Đức Chúa Trời hiện hữu đời đời.
(2) Trước khi TRỜI tạo nên thời gian, Ngài đã hiện hữu.
(3) TRỜI không có bắt đầu và không có kết thúc, bởi vì Ngài đứng bên ngoài giới hạn của thời gian.
(4) Mọi điều khác trừ Đức Chúa Trời ra đều có sự khởi đầu.
(5) Đức Chúa Trời ban cho con người thời gian, nhưng Ngài không lệ thuộc vào thời gian.
(6) TRỜI có quyền bước vào, kiểm soát điều khiển thời gian theo ý Ngài muốn.
(7) “Kỳ mạng (thời gian) tôi ở nơi tay Chúa.” (Thi. 31:15)

Đức Chúa Trời đời đời, vĩnh cửu có nghĩa Ngài tự tồn tại và tự làm cho đầy đủ. Phao-lô đã giảng cho cư dân của thành A-thên, “Ngài cũng chẳng dùng tay người ta hầu việc Ngài dường như có cần đến sự gì, vì Ngài là Đấng ban sự sống, hơi sống, muôn vật cho mọi loài.” (Công. 17:25). Một nhà thần học nhắc lại ý này khi nói rằng: “TRỜI tự hữu và Ngài độc lập với mọi điều khác.”

ro
Đức Chúa Trời đời đời cũng có nghĩa là Ngài không thay đổi. Ngài không cần thay đổi. “Vì ta là Đức Giê-hô-va, ta không hề thay đổi.” (Ma-la-chi 3:6).
Nhưng có một câu Kinh Thánh bày tỏ một ý là dường như TRỜI có thể thay đổi tâm trí. Đó là trong sách Sáng thế ký 6:5-6, “Đức Giê-hô-va thấy sự hung ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn, thì tự trách đã dựng nên loài người trên mặt đất, và buồn rầu trong lòng.” Để lý giải câu này chúng ta tạm thời gán cho TRỜI một phản ứng tương tự như con người để chúng ta có thể hiểu tâm trí của Ngài.
Nhiều câu Kinh Thánh khác bày tỏ rằng TRỜI không thay đổi.
Trong Dân số ký 23:19, “Đức Chúa Trời chẳng phải là người để nói dối,
Cũng chẳng phải là con loài người đặng hối cải.
Điều Ngài đã nói, Ngài há sẽ chẳng làm ư?
Điều Ngài đã phán, Ngài há sẽ chẳng làm ứng nghiệm sao?”
Một câu khác trong 1 Sa-mu-ên 15:29, “Đấng phù hộ Y-sơ-ra-ên chẳng nói dối, và không ăn năn; vì Đấng ấy chẳng phải loài người mà ăn năn!” Và trước giả thư tín Hê-bơ-rơ tuyên bố, “Đức Chúa Jêsus Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi.” (Hêb. 13:8).
Đức Chúa Trời không có giới hạn là một phẩm chất khác liên quan đến thuộc tính đời đời của Ngài. Một chủ thể vô hạn là không bị bất kỳ giới hạn nào trong không gian hoặc thời gian. Lẽ thật vô hạn chỉ thuộc về TRỜI, vì mọi thứ hữu hạn không thể trở thành vô hạn. Thần học gia Thomas Oden đã nói, “Đức Chúa Trời không hề bị ràng buộc bởi bất kỳ giới hạn nào. Do đó sự vô hạn là một phẩm chất áp dụng cho mỗi thuộc tính thiên thượng. Đức Chúa Trời là vô hạn trong tấm lòng thương xót, vô hạn trong sự thánh khiết, vô hạn trong sự công bằng.”

(Còn nữa)

JAMES SEMPLE

Trích từ: BIBLE TRUTHS ABOUT GOD

Translated by Tuong Vi    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn