Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Kinh Thánh Dành Cho Tất Cả Mọi Người

Kinh Thánh Dành Cho Tất Cả Mọi Người

Thẩm Quyền Của Tân Ước

Kinh Thánh dành cho tất cả mọi người.

 open-bible-man-cross-26776683

Cho đến nay cuộc Nội Chiến của Hoa Kỳ  là cuộc xung đột gây nhiều chết chóc nhất với khoảng 620.000 người đã hy sinh. Trước đây tôi từng cho rằng lý do chính dẫn đến con số thương vong đầy hãi hùng ấy đơn giản là vì những người Mỹ tham chiến. Tuy nhiên khi dời về sống tại Atlanta, Georgia, tôi đã có dịp đến thăm Trung Tâm Bảo tàng Lịch Sử Atlanta, bảo tàng lớn nhất trong khu vực chuyên về chủ đề Chiến Tranh Giữa Các Tiểu Bang. Tại đó tôi đã choáng ngợp khi khám phá ra rằng số lượng quân nhân chết bên ngoài chiến trường nhiều gấp đôi số lượng chết trên chiến trường – họ là nạn nhân của bệnh dịch, vết thương không được chữa trị thích hợp, và những tác hại khác của thời tiết.

Một vòng khám phá khu trưng bày y khoa lý giải tại sao. Cưa tay rỉ sét được sử dụng cho việc cắt các bộ phận cơ thể; kềm làm bằng tay dùng cho nha khoa; kiến thức về vi khuẩn không có; và thuật gây mê, gây tê rất ít được tiếp cận. Các bác sĩ bị tử nạn, để lại những binh sĩ không được đào tạo y khoa phải thay thế công việc của họ.

Ngày nay, không ai trong chúng ta dám tưởng tượng mình sẽ thử những những biện pháp y tế mà những người không có kỹ năng thời bấy giờ buộc phải thử. Chúng ta sẽ không thể tìm được sách dạy về việc cắt tay chân, đọc những gì chúng ta tìm được, và rồi làm hết sức mình. Chúng ta công nhận rằng y khoa tốt nhất phải được thực hành bởi những người được đào tạo về chuyên khoa. Để hành nghề y, người đó phải học trường y.

Đó cũng chính là thái độ mà nhiều người đang có đối với Kinh Thánh ngày nay – cần phải được đào tạo giáo dục thần học và có chứng chỉ về mục vụ thì mới có thể hiểu và áp dụng lẽ thật Kinh Thánh. Quan niệm của Baptist, đó là mỗi một tín hữu đều là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời, với quyền lợi và trách nhiệm tự diễn giải và sống với lẽ thật Kinh Thánh, đây là điều lạ lẫm đối với nhiều người không thuộc hệ phái của chúng ta – và thậm chí đối với nhiều người trong hệ phái của chúng ta.

Qua hơn hai mươi năm trong chức vụ chăn bầy, tôi luôn bị sốc với số lượng thời gian ngắn ngủi mà nhiều người dành để học Kinh Thánh cá nhân. Trong nhiều cuộc khảo sát mà chúng tôi đã thực hiện, lý do hàng đầu mà các tín hữu trả lời lại rất đơn giản: họ nghĩ mình không đủ khả năng. Họ nghĩ rằng mình không được trang bị và không có kỹ năng để tự học Kinh Thánh. Họ cho rằng giải thích Kinh Thánh là công việc của các mục sư. Đó là lý do tại sao họ mời gọi những chuyên gia đến và lắng nghe những người ấy giảng dạy.

Có thể chúng ta tin rằng Kinh Thánh là lời có thẩm quyền của Đức Chúa Trời, nhưng nếu chúng ta không giúp người khác tin rằng họ có thể tự hiểu lẽ thật trong Kinh Thánh cho chính họ, thì sự xác quyết của chúng ta không đem lại ích lợi thực tiễn. Quan niệm cho rằng tín hữu trong Hội Thánh không thể thực sự hiểu biết Kinh Thánh, và rằng Kinh Thánh là đối tượng của các lãnh đạo tôn giáo của họ, với tôi đó là vấn đề thực tiễn nhất mà giáo lý Baptist về thẩm quyền Kinh Thánh phải đối diện ngày nay. Hãy nhớ rằng, vì mỗi Cơ Đốc Nhân đều là thầy tế lễ, bạn có đặc quyền và trách nhiệm phải diễn giải lời của Chúa cho chính mình.

images (1)

Căn bệnh

Những Cơ Đốc Nhân đầu tiên đã khuấy động cuộc bùng nổ thuộc linh vĩ đại nhất mà thế giới từng chứng kiến. Công vụ các sứ đồ 17:6 ghi lại họ đã “gây thiên hạ nên loạn lạc.” Trong vòng một thế hệ, Cơ Đốc Nhân đã đem phúc âm đến Rô-ma và khắp cả đế quốc La Mã. Không một phong trào nhân cấp nào như vậy từng xảy ra.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển về số lượng, họ cũng gánh chịu nhiều đau đớn. Sự đau đớn của họ nhân lên khi họ bị hiểu lầm và bị đối xử tàn tệ.

Vấn đề là đây: khi niềm tin Cơ Đốc được lan tỏa ra ngoài cộng đồng người Do Thái và người Palestin, đạo Chúa bắt đầu tiếp nạp những tín hữu từ nhiều nền văn hóa xa xôi với nhiều phong tục ngoại giáo được cho là thông thường vào thời bấy giờ. Chẳng hạn như, rất nhiều tín hữu theo Chúa đã từng sống trong thời gian dài thờ cúng thần Zeus và các thần đồng minh đồi bại với thần Zeus. Các tín hữu ấy đã học đủ loại nghi thức và những hành vi “thờ cúng” đáng ghê tởm. Những người nam kết giao với “các thần” do những kỵ nữ trong đền thờ làm đại diện. Những cuộc thác loạn quan hệ đồng giới lẫn khác giới và những bữa tiệc say sưa là phương cách điển hình để tôn kính các thần của họ. Thực phẩm cúng tế các thần sau đó được đem về nhà ăn. Những người mới tin Chúa không có một bối cảnh nào để hiểu về niềm tin mới, chính vì vậy mà họ phải tranh chiến để phá vỡ nền văn hóa ngoại giáo của mình.

Những người khác thì gia nhập vào “các tà giáo huyền bí.” Dù không biết nhiều về hoạt động của những tà giáo này (nên mới gọi họ như vậy), nhưng chúng ta biết rằng họ yêu thích những nghi thức huyền bí. Một ví dụ đó là “báp-têm trong máu” mà nhiều thành viên của họ đã khởi xướng, tại đó họ nối tiếp nhau đi dưới một con bò bị cắt làm đôi để ruột và máu đổ xuống trên người họ. Đó là quan niệm của họ về “báp-têm” trước khi đến với Cơ Đốc Giáo.

Vẫn còn nhiều tín hữu lúc trước là môn đệ của những trường phái triết học Hy Lạp khác nhau. Trường phái Plato lập luận rằng thế giới “ý thức” phải là chủ thể mà chúng ta quan tâm, không phải “cái bóng” của thế giới mà chúng ta thấy được. Tâm linh là tốt, và vật chất là xấu. Trường triết học Peripatetic do Aristotle thành lập tập trung vào khoa học, logic, sinh học, và hướng về “ý thức” trong vật chất. Người theo triết lý Epicure dạy rằng hưởng lạc là mục đích của cuộc sống. Những người theo phái Stoic tin rằng định mệnh thống trị thế giới (xem Công vụ 17:18). Còn những người theo trường phái Cynic (phái Khuyển Nho) tranh luận rằng hoàn toàn thoát khỏi thế giới là con đường duy nhất để đến được hạnh phúc. Những người hoài nghi tuyên bố lẽ thật tuyệt đối là không thể biết được (đây cũng là tuyên bố mà họ tuyệt đối tin vào).

Nhưng trên cả những tôn giáo đa dạng, những tà giáo và triết học kể trên đó là một tôn giáo mà tất cả mọi người trên khắp đế quốc buộc phải tuân theo: thờ phượng Sê-sa. Các đền thờ được xây dựng tại tất cả các thành phố lớn và hầu hết những thị trấn nhỏ để phục vụ cho việc thờ phụng hoàng đế. Các lãnh đạo dân chúng tranh đua tranh giành sự cho phép của La-mã để xây dựng đền thờ lớn nhất phục vụ cho việc cúng tế hằng năm Sê-sa.

Không ngạc nhiên khi Phao-lô thấy tại A-thên “đầy những thần tượng” (Công vụ 17:16), và có thể nói về những cư dân tại đó rằng: “Tôi nhận thấy quý vị có lòng tín ngưỡng hơn ai cả” (Công vụ 17:22 TTHD 2011). Ông cũng có thể nói điều tương tự với tất cả các thành phố khác trong đế quốc La-mã.

Đức Chúa Giê-su đã sai phái các môn đệ của Ngài ra đi trong tình trạng rối ren về tư tưởng và cạnh tranh giữa các tôn giáo. Phong trào của họ lan tỏa rộng khắp đến nỗi trong vòng ba thế kỷ, Cơ Đốc Giáo là tôn giáo chính thức của Đế quốc và cho đến hiện tại vẫn có số tín hữu lớn hơn bất kỳ một tôn giáo nào khác.

Vậy Hội Thánh đã phải đương đầu với những quan niệm và hành vi thờ lạy hình tượng đáng ghê tởm mà những tân tín hữu này sẵn sàng du nhập vào thần học của Hội Thánh như thế nào? Làm thế nào lãnh đạo Hội Thánh bảo vệ phong trào và tín hữu của họ khỏi quan điểm dị biệt méo mó độc hại này?

Chẩn đoán căn bệnh

Một giải pháp hiển nhiên sớm trở nên rõ ràng: hạn chế mục vụ thần học cho những người đủ khả năng để diễn giải Kinh Thánh. Chỉ trao quyền cho mục sư và lãnh đạo Hội Thánh để dạy lẽ thật Kinh Thánh cho các tín hữu trong Hội Thánh. Tương tự việc giới hạn việc hành nghề y cho những ai đã tốt nghiệp trường y. Khi đó Giáo hội có thể kiểm soát và bảo vệ thần học của phong trào Cơ Đốc đang lớn lên.

images (2)

Ignatius (qua đời năm 110 sau Công Nguyên), giám mục xứ An-ti-ốt, là một trong số những người đầu tiên tranh luận cho thẩm quyền của chức vụ giám mục (chức vụ “mục sư” theo thuật ngữ Baptist) đối với Hội Thánh. Trong bức thư gửi đến Hội Thánh tại Smyrna, ông khuyên rằng: “Hãy giao tín hữu cho chấp sự, chấp sự cho trưởng lão, trưởng lão cho giám mục, giám mục cho Đấng Christ, thậm chí chính Ngài cho Đức Chúa Cha” (chương 9). Trong cùng một chương đó ông tuyên bố: “Không ai trong Hội Thánh lớn hơn giám mục, người giữ chức vụ như một thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời vì sự cứu rỗi của toàn thế giới.” Nếu chỉ có giám mục được phép giải nghĩa Kinh Thánh thì những người khác sẽ không thể hiểu nhầm lời Chúa. Nhờ vậy mà chúng ta sẽ được bảo vệ an toàn khỏi dị giáo.

Nhưng chúng ta làm gì để bảo về thần học của giám mục? Giám mục Irenaeus (qua đời năm 200 hoặc 203 sau Công Nguyên) đã đưa quan niệm về thẩm quyền mục sư của Ignatius tiến thêm một bước xa hơn, xác định Hội Thánh La-mã có “thẩm quyền vượt trội” giữa vòng Cơ Đốc Giáo. Ông tin rằng Hội Thánh này được Phi-e-rơ và Phao-lô lãnh đạo trong giai đoạn đầu tiên, và những người kế nhiệm trong Hội Thánh tiếp tục thi hành thẩm quyền thuộc linh của hai vị lãnh đạo trên. Trong cuốn Chống lại dị giáo (Against Heresies) (3:3:2), Irenaeus thậm chí đã tuyên bố: “Mọi Hội Thánh đều cần phải đồng ý với Hội Thánh này, bởi vì họ có thẩm quyền vượt trội.”

Vậy nếu các tín hữu trong Hội Thánh của bạn được mục sư diễn giải Kinh Thánh, và mục sư của bạn thì đi theo sự diễn giải Kinh Thánh của “mục sư” tại một Hội Thánh lớn hơn, thì bạn sẽ được bảo vệ khỏi việc thờ hình tượng và ngu dốt? Hệ thống này rõ ràng và vững chắc?

Cyprian xứ Carthage (qua đời khoảng năm 258 sau Công Nguyên) tại Bắc Phi đã sớm đưa sự chấp nhận này ra khắp thế giới. Ông phân biệt “giáo phẩm” (những người được kêu gọi) với người “thế tục” (từ chữ laos trong tiếng Hy Lạp, nghĩa là con người). Công việc của giáo phẩm đó là diễn giải và áp dụng Kinh Thánh; công việc của người thế tục là làm theo những gì lãnh đạo nói. Vì được những người lãnh đạo dẫn dắt, Hội Thánh là công cụ của Đức Chúa Trời để truyền bá lẽ thật của Ngài. Tuyên bố nổi tiếng của Giám mục Cyprian thiết lập một bước đệm cho thẩm quyền Hội Thánh xuất hiện: “Một người không thể chỉ có Đức Chúa Trời là Cha, nhưng lại không có Giáo Hội là Mẹ.”1

Bước cuối cùng xảy ra đó là khi hoàng đế La-mã Constantine “cải đạo” sang Cơ Đốc Giáo năm 312 sau Công Nguyên (các sử gia vẫn tranh luận về đức tin chân thật của ông). Ông đã sớm hợp pháp hóa phong trào Cơ Đốc và đặt trọng tâm thẩm quyền của Cơ Đốc Giáo vào Hội Thánh tại thành phố thủ đô của ông. Lúc này, hệ thống kiểm soát thuộc linh được thể chế hóa đã lan rộng khắp đế quốc, với sự hỗ trợ của chính hoàng đế.

Chính vì vậy Giáo Hội  đã đi đến quan niệm sai lầm cho rằng thẩm quyền Kinh Thánh phải thông qua lời dạy của Giáo Hội. Hay nói một cách khác: Giáo hội có thẩm quyền cao hơn Kinh Thánh. Họ lập luận như sau: Đức Chúa Trời ban cho chúng ta Kinh Thánh thông qua Giáo Hội, và Đức Chúa Trời sẽ hướng dẫn Giáo Hội cùng các người lãnh đạo của Ngài để diễn giải và áp dụng theo đúng sự bày tỏ của Ngài. Các tín điều, những quyết định của các Hội nghị Giáo hội, và sự cai trị của giáo hoàng là công cụ mà nhờ đó Kinh Thánh được diễn giải.

(Còn nữa)

James C. Denison 

Trích từ “THE BIBLE – YOU CAN BELIEVE IT”

Translated by Vinh Hien   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn