Thứ Năm , 14 Tháng Mười Một 2024
Home / Tổng hợp / Sự Chết Của Các Người Thánh

Sự Chết Của Các Người Thánh

BANG-CHUNG-TOI-THO-TROI-2-1

Nếu không gặp lại ở thế gian

Thì xin hẹn ước tìm nhau bên kia đời
(Vũ Thành An)

“Lạy Chúa Jesus, vinh hiển bên kia đời quá lớn nên con vui mừng đón nhận sự chết Ngài ban vì tin cậy và biết rằng chính Ngài đã dành cho con một chỗ trong nhà của Ngài.” Amen.

Bùi Giáng viết trong tập Mưa Nguồn cách ngày ông qua đời mười năm mấy câu này:

Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian này mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu
🙂 

Blaise Pascal, một thiên tài của nước Pháp ở thế kỷ 17 viết trong sổ ghi chép cá nhân: “Tin vào Trời thì khôn ngoan hơn là không tin.” Nêú một người tin vào Trời, và sau khi chết linh hồn anh ta nhận ra là không có Ngài, người đó không mất điều gì. Còn một người khác nhận được nhiều may mắn, thành công, giàu có trong cuộc sống trên đất nhưng không tin vào Trời, khi chết đi linh hồn người này nhận biết có một Đức Chúa Trời, lúc đó anh ta sẽ mất tất cả.

Bây giờ đọc bài này:

Sự chết của các người thánh.
Là quí báu trước mặt Đức Giê-hô-va.”  (Thi. 116:15)

Cách đây vài hôm, tôi nhìn thấy Bob, một người bạn cũ, đang ra sức đạp xe đạp trong một phòng tập ở khu chúng tôi ở và nhìn vào chiếc máy đo huyết áp đeo trên tay.

Tôi hỏi: “Anh đang làm gì vậy?”

Anh nhỏ nhẹ đáp: “Nhìn xem tôi còn sống không.”

Tôi hỏi vặn lại:“Anh sẽ làm gì nếu thấy mình đã chết?”

Anh cười rạng rỡ trả lời: “Kêu vang Ha-lê-lu-gia!”

Trải qua nhiều năm tháng, tôi đã thấy năng lực mạnh mẽ bên trong của Bob: kiên nhẫn đối diện với sự xuống dốc và mệt mỏi về thể chất với đức tin và hy vọng khi anh tiến gần hơn đến đoạn kết của cuộc đời. Quả thực, anh ấy không chỉ tìm được hy vọng, mà sự chết cũng mất quyền cai trị trên anh.

Ai có thể tìm được sự bình an và hy vọng, thậm chí là vui mừng khi cận kề cái chết? Chỉ  những người bởi đức tin được kết nối với Đức Chúa Trời đời đời và những ai biết rằng họ có sự sống đời đời mà thôi (1 Côr. 15:52,54). Với những người có sự bảo đảm ấy, giống như Bob bạn tôi, thì sự chết không còn khiến họ sợ hãi. Họ có thể nói về niềm vui lớn lao khi gặp Đấng Christ mặt đối mặt!

Sao phải sợ chết? Sao không vui mừng? Như lời nhà thơ John Donne (1572-1631) đã nói, “Sau một giấc ngủ ngắn, chúng ta sẽ thức mãi mãi.” – David Roper

Đối với người tin Chúa, sự chết là bóng đêm cuối cùng của trần gian trước bình minh của thiên đàng.
odb.org

 

MucSuNguyenXuanDuc

Sơ Lược Tiểu Sử Mục sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đức (1941-2017)

Mục sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đức
(1941-2017)


Mục sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đức sinh ngày 28/10/1941 tại Đức Phổ, thuộc quận Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.  Thân sinh và thân mẫu của Mục sư Nguyễn Xuân Đức là Mục sư và bà Nguyễn Xuân Ba.

Gia Đình

Mục sư Nguyễn Xuân Đức là con trai thứ ba của Mục sư và bà Nguyễn Xuân Ba. Mục sư Nguyễn Xuân Ba là một mục sư thuộc thế hệ tiền phong của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.  Mục sư Nguyễn Xuân Ba theo học Trường Kinh Thánh Đà Nẵng vào năm 1930.  Sau đó, ông đã hầu việc Chúa với Hội Thánh Tin Lành Việt Nam 48 năm (1930-1978). Trong khoảng thời gian này, Mục sư Nguyễn Xuân Ba đã góp phần phổ biến Phúc Âm của Chúa từ Bắc chí Nam; khởi đầu từ Hội Thánh Nước Hai (Cao Bằng), đến Phủ Lý (Hà Nam), Đức Phổ (Quảng Ngãi), Khánh Bình (Quảng Nam), Quế Sơn (Quảng Nam), Hội An (Quảng Nam), Kontum, Vũng Tàu, và Trương Minh Giảng (Sài Gòn).

Mục sư và bà Nguyễn Xuân Ba có thói quen đặt tên cho các con trai của mình theo địa danh nơi ông bà đang hầu việc Chúa lúc đứa bé được sinh ra.  Do đó, Mục sư Nguyễn Xuân Đức đã được đặt tên là Đức, vì trong khoảng thời gian từ năm 1941-1943, Mục sư và bà Nguyễn Xuân Ba hầu việc Chúa tại Hội Thánh Đức Phổ thuộc quận Mộ Đức tỉnh Quảng Ngãi.

Mục sư và bà Nguyễn Xuân Ba có 8 người con lớn đến tuổi trưởng thành, gồm 6 trai và 2 gái.  Cả 5 người con trai được ông bà đặt tên theo địa danh nơi mình hầu việc Chúa, về sau đều trở thành mục sư; đó là các mục sư: Nguyễn Xuân Hồng (sông Hồng), Nguyễn Xuân Hà (Hà Nam), Nguyễn Xuân Đức (Đức Phổ, Mộ Đức), Nguyễn Xuân Bình (Khánh Bình), Nguyễn Xuân Sơn (Quế Sơn).  Người con trai út của ông bà, không được đặt tên theo địa danh nơi ông bà hầu việc Chúa, về sau đã trở thành một luật sư (Luật sư Nguyễn Xuân Phước).  Mục sư và bà Nguyễn Xuân Ba còn có hai người con gái là cô Nguyễn Thị Bình Minh (chồng là Mục sư Võ Ngọc Thiên Ân) và cô Nguyễn Thị Thanh Xuân.

Tháng 5 năm 1977, Mục sư Nguyễn Xuân Đức lập gia đình với cô Nguyễn Bảo Thuận tại New Jersey.  Ông bà có được 3 người con là Daniel Nguyễn, Samuel Nguyễn, và Elizabeth Nguyễn.  Daniel là một luật sư, Samuel là chuyên viên điện toán, và Elizabeth là giáo sư dương cầm và cũng là người đàn piano cho một nhà thờ Lutheran.

Thời Niên Thiếu

Mục sư Nguyễn Xuân Đức ra đời lúc Đệ Nhị Thế Chiến đang diễn ra.  Khi đó, chiến tranh và đói kém lan tràn khắp nơi.

Giữa năm 1943, Mục sư Nguyễn Xuân Ba được thuyên chuyển từ Đức Phổ về hầu việc Chúa tại Hội Thánh Khánh Bình, một địa phương thuộc vùng núi của tỉnh Quảng Nam, gần chiến khu Hoàng Văn Thụ, bên cạnh dãy Trường Sơn. Gia đình Mục sư Nguyễn Xuân Ba đã sống tại Khánh Bình trong khu vực kháng chiến suốt từ năm 1943 đến năm 1954.

Lớn lên giữa những khó khăn, túng thiếu, nguy hiểm của thời chiến tranh, như bao đứa trẻ vào thời đó, cậu bé Nguyễn Xuân Đức phải sớm làm việc để phụ giúp gia đình. Công việc thường xuyên của cậu bé là chăn dê và làm rẫy.

Là con của mục sư, dầu nhà nghèo, cậu bé được khuyến khích đi học.  Tại Khánh Bình không có trường tiểu học, cho nên hằng tuần cậu bé Nguyễn Xuân Đức phải đến Thu Bồn, cách nhà hơn 20 Km, để học.

Đến năm 1954, sau khi hiệp định Genève được ký kết, Mục sư Nguyễn Xuân Ba được thuyên chuyển về quản nhiệm Hội Thánh Quế Sơn tại Quảng Nam. Quế Sơn lúc đó là một quận lỵ nhỏ chưa có trường Trung Học, cho nên học sinh Nguyễn Xuân Đức phải vào Tam Kỳ ở với bà ngoại, để theo học tại Trung Học Trần Cao Vân.

Đến năm 1958, Mục sư Nguyễn Xuân Ba được thuyên chuyển về quản nhiệm Hội Thánh Hội An. Lúc đó học sinh Nguyễn Xuân Đức cũng vừa học xong lớp đệ tứ (lớp 9) tại Tam Kỳ, đã trở về sống chung với gia đình, theo học lớp đệ tam (lớp 10) tại trường Trung Học Trần Quý Cáp, Hội An. Sau khi học xong lớp đệ nhị (lớp 11) và đậu bằng tú tài nhất, học sinh Nguyễn Xuân Đức vào Sài Gòn học lớp đệ nhất (lớp 12) tại Trung Học Pétrus Ký (Sài Gòn).

Những khó khăn trong thời niên thiếu đã để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng thanh niên Nguyễn Xuân Đức.  Những kinh nghiệm đó giúp chàng hiểu được giá trị của cuộc sống, của gia đình, của học vấn, của đức tin nơi Chúa, và thấu hiểu được hoàn cảnh của những người bất hạnh; những điều đó đã tạo thành động lực khiến chàng tìm cách giúp đỡ những người khác trong những năm tháng về sau bằng tình thương của Chúa.

Thời Sinh Viên

Thanh niên Nguyễn Xuân Đức đến Sài Gòn vào đầu thập niên 1960.  Lúc đó, Giáo sĩ Paul và Maida Contento của Invervasity Christian Fellowship vừa đến Việt Nam thành lập Nhóm Thông Công Sinh Viên và Học Sinh Tin Lành – sau nầy trở thành Đoàn Sinh Viên Học Sinh Tin Lành.  Sinh viên Nguyễn Xuân Đức đã gia nhập Đoàn Sinh Viên Học Sinh Tin Lành và sinh hoạt tích cực cùng với những sinh viên khác như Nguyễn Hữu Cương, Lê Vĩnh Thạch, Nguyễn Văn Hai, Vũ Hoàng Hải, …

Năm 1962, sinh viên Nguyễn Xuân Đức bắt đầu theo học tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Trong khoảng thời gian này, Đoàn Sinh Viên Học Sinh Tin Lành  phát hành tờ báo Xanh.  Nguyễn Xuân Đức là chủ biên của tờ báo này. Sau khi hoàn tất chương trình cử nhân đại học, ông đi dạy tại Trung Học Trịnh Hoài Đức ở Bình Dương. Cùng với người anh là giáo sư Nguyễn Xuân Hà, hai anh em đã giúp đưa những người em trong gia đình từ miền Trung vào Sài Gòn đi học để có cơ hội tiến thân.

Năm 1966, qua sự giới thiệu của Giáo sĩ Paul Contento, ông đã được học bổng du học ba năm tại London Bible College. London Bible College là một trường thần học Tin Lành liên hệ phái tại Anh Quốc; về sau trường đổi tên thành London School of Theology – là một trong những trường thần học Tin Lành lớn nhất tại Âu Châu.  Năm 1968 sinh viên Nguyễn Xuân Đức sang Hoa Kỳ học tiếp chương trình Cao Học Thần Học (Master of Divinity) tại Golden Gate Theological Seminary, tại San Francisco, California.

Sau khi tốt nghiệp Cao Học Thần Học, Mục sư Nguyễn Xuân Đức được nhận vào học chương trình Tiến Sĩ Thần Học Lịch Sử (Ph. D. in Historical Theology) tại Drew University – một trường đại học của Hội Thánh Tin Lành Giám Lý (United Methodist) – tại New Jersey.  Trong thời gian nầy, ông vừa hầu việc Chúa với chức vụ mục sư đặc trách cho thanh thiếu niên (Youth Minister) tại Bridgewater United Methodist Church, đồng thời học thêm chương trình Cao Học Quản Lý Thư Viện (Master of Library Sciences and Information) tại City University of New York.  Theo tài liệu lịch sử của Hội Thánh Tin Lành Giám Lý Việt Nam, Mục sư Nguyễn Xuân Đức là mục sư Việt Nam đầu tiên làm mục sư cho Hội Thánh Tin Lành Giám Lý cho người Mỹ tại Hoa Kỳ.  Trong khi đó, Mục sư Nguyễn Xuân Sơn, em trai của Mục sư Nguyễn Xuân Đức, mà mục sư đầu tiên của Hội Thánh Tin Lành Giám Lý cho người Việt.

Tưởng cũng nên nói thêm, vào giữa thập niên 1960, một số sinh viên Tin Lành Việt Nam, với sự trợ giúp của những cơ quan truyền giáo khác nhau, đã được gởi đi du học.  Các nhà lãnh đạo Hội Thánh Tin Lành Việt Nam lúc đó có hai quan điểm khác nhau.  Một số nhà lãnh đạo Hội Thánh lo ngại các sinh viên du học sẽ tiếp cận với những quan điểm thần học của những hệ phái Tin Lành khác, có thể mang “tà giáo” hoặc “tín lý sai lạc” vào Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, và do đó không muốn gởi sinh viên Tin Lành Việt Nam đi du học.  Trong khi đó, một số nhà lãnh đạo Hội Thánh Tin Lành Việt Nam khác hoạch định sẽ nâng cấp Thánh Kinh Thần Học Viện Nha Trang thành một chủng viện và một trường đại học; những nhà lãnh đạo này tin rằng những sinh viên du học tốt nghiệp tại những trường đại học uy tín tại hải ngoại sẽ trở về phục vụ trong công tác giảng dạy, góp phần nâng cấp Ban Giáo Sư của Thần Học Viện tương xứng với Ban Giáo Sư của một chủng viện và một trường đại học trong tương lai.

Tuy nhiên, biến cố tháng Tư năm 1975 diễn ra khiến dự án trên không thể thực hiện được.  Sau năm 1975, Thần Học Viện Nha Trang chỉ khai giảng được thêm được một khóa.  Năm 1976, Thần Học Viện Nha Trang bị chiếm đoạt và bị đóng cửa. Các sinh viên du học đã không thể trở về lại Việt Nam để phục vụ trong Hội Thánh.

Giúp Đỡ Người Tỵ Nạn

Mùa hè năm 1975, khi làn sóng người tỵ nạn từ Việt Nam ào ạt đến Hoa Kỳ, Mục sư Nguyễn Xuân Đức đã tạm ngưng việc viết luận án tiến sĩ cũng như chức vụ mục sư hướng dẫn thanh thiếu niên cho Hội Thánh Tin Lành Giám Lý Hoa Kỳ, để làm việc với Church World Service, một cơ quan cứu trợ Tin Lành liên hệ phái, trong công tác giúp người tỵ nạn định cư và hội nhập với cuộc sống mới. Trong khoảng thời gian từ 1975-1977, Mục sư Nguyễn Xuân Đức đã giúp hàng ngàn người tỵ nạn tại trại Fort Indian Town Gap, Lebanon, Pensylvania, được định cư.

Năm 1978, Mục sư Nguyễn Xuân Đức hoàn tất luận án tốt nghiệp và nhận học vị tiến sĩ (Ph. D.) về Thần Học Lịch Sử. Sau đó Mục sư Nguyễn Xuân Đức và gia đình đã chuyển về California. Tại đây ông hầu việc Chúa với các Hội Thánh Việt Nam, và tích cực thực hiện những hoạt động xã hội giữa cộng đồng người Việt hải ngoại.

Nhằm giúp đỡ những người tỵ nạn sớm hội nhập với xã hội Mỹ, Mục sư Nguyễn Xuân Đức đã cùng một số tôi tớ Chúa như cố Mục sư Nguyễn Nam Hải, Mục sư Đặng Ngọc Báu, Mục sư Nguyễn Xuân Sơn … thành lập Trung Tâm Thanh Niên tại Garden Grove Friends Church để dạy nghề và giúp tìm việc làm cho những người mới đến Mỹ. Lúc đó, người Việt còn sống rài rác. Trung Tâm Thanh Niên tại Garden Grove Friends Church là nơi để đồng bào di cư gặp gỡ nhau vào những ngày cuối tuần.

duc ms

Năm 1980 khi số người Việt định cư tại Westminster và các thành phố lân cận gia tăng; các khu buôn bán trở nên sầm uất, Mục sư Nguyễn Xuân Đức cùng với ký giả Du Miên, bà Mai Công – Hội Trưởng của Cộng Đồng Người Việt – và một số nhân sĩ trong cộng đồng đã vận động để đặt tên cho khu thương mãi người Việt là Little Saigon.  Đề nghị này sau đó đã được Hội Đồng Thành Phố Westminster chuẩn thuận.

Giáo Dục Thần Học

Năm 1978, trước nhu cầu học hỏi Lời Chúa của các con cái Chúa trong các hội thánh quanh vùng Orange County, Mục sư Nguyễn Xuân Đức cùng với nhiều tôi tớ Chúa khác bắt đầu chương trình Nghiên Cứu Phúc Âm dạy Kinh Thánh vào cuối tuần tại Trung Tâm Thanh Niên. Về sau, chương trình nầy sát nhập với chương trình Huấn Luyện Tín Hữu Lãnh Đạo để thành lập Viện Thần Học Tin Lành Việt Nam (Vietnamese Theological College).  Nhiều năm về sau Vietnamese Theological College phát triển thành Union University of California.  Union University of California là trường đại học duy nhất do người Việt tỵ nạn sáng lập, được chính phủ tiểu bang California công nhận (approved), và được chứng nhận phẩm chất giáo dục chính quy (accredited) theo hệ thống kiểm định của các cơ quan Giáo Dục Hoa Kỳ.

Kể từ năm 1986, trong suốt hơn 30 năm, Mục sư Nguyễn Xuân Đức đã góp phần trong chức vụ giáo sư giảng dạy cho các sinh viên tại Viện Thần Học Tin Lành Việt Nam (Union University of California).  Mục sư đã từng đảm nhận chức vụ Phó Viện Trưởng của trường.  Bên cạnh công tác giảng dạy, Mục sư Nguyễn Xuân Đức cũng dùng uy tín của mình để vận động cho các sinh viên ưu tú Việt Nam vào học chương trình tiến sĩ tại các chủng viện Hoa Kỳ. Mục sư đã khích lệ, hướng dẫn, cầu nguyện, và hỗ trợ các sinh viên để họ vượt qua những chặng đường chông gai trong việc học để được trang bị trở thành những người hầu việc Chúa.

Thành Lập Hội Thánh Giám Nhiệm (Episcopal) Việt Nam

Trong khoảng thời gian từ năm 1980-1990, Mục sư Nguyễn Xuân Đức đã sáng lập và làm mục sư quản nhiệm (Vicar) của Episcopal Church of the Redeemer cho người Việt.  Bên cạnh đó,  Mục sư cũng làm tuyên úy cho Trung Tâm Tỵ Nạn St. Anselm Refugee Center, giúp định cư và giúp đỡ đời sống tâm linh cho hàng ngàn người mới đến từ các trại tỵ nạn trong vùng Đông Nam Á.

Thành Lập Liên Hữu Tin Lành Việt Nam Thế Giới

Trong thời gian nầy Mục sư Nguyễn Xuân Đức đã hiệp tác với các mục sư và các tín hữu để tổ chức những kỳ Đại Hội Liên Hữu thường niên, giúp những người Tin Lành thuộc nhiều hệ phái khác nhau tại hải ngoại cùng ngồi lại để học hỏi và liên kết nhau trong công tác xây dựng Nhà Chúa. Tại Đại Hội năm 1986,  tổ chức Liên Hữu Tin Lành Việt Nam Thế Giới (Vietnamese World Christian Fellowship) chính thức được thành lập với mục đích liên kết các hệ phái, các nhóm Tin Lành Việt Nam trên toàn thế giới, hầu kết nối và khích lệ nhau trong việc mở mang Nước Chúa.

Mục sư Nguyễn Xuân Đức đã cộng tác với Mục sư Nguyễn Nam Hải phát hành tờ Hướng Mới.  Đây là một tạp chí phổ biến những bài khảo cứu cũng như tin tức của cộng đồng Tin Lành khắp thế giới.

Vận Động Cho Chương Trình Humanitarian Operation (H.O.)

Trong khoảng thời gian nầy, chính phủ Hoa Kỳ đã bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao với chính phủ Việt Nam. Mục sư Nguyễn Xuân Đức được Đại Hội Liên Hữu 1988 đề cử cùng với Mục sư Lý Công Thuận đến Washington D.C., phối hợp với bà Khúc Minh Thơ, và một số nhân sĩ khác, vận động với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xin can thiệp với chính quyền Việt Nam để trả tự do cho các mục sư, các tuyên úy, các sĩ quan và viên chức của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa bị tù cải tạo.

Qua chương trình thương thuyết này, Mục sư Nguyễn Xuân Đức đã được quyền về Việt Nam vào trại tù viếng thăm Mục sư Nguyễn Hữu Cương, Mục sư Hồ Hiếu Hạ và Mục sư Lê Thiện Dũng. Không bao lâu sau, các vị mục sư này đã được thả ra khỏi nhà tù, đưa đến phi trường, rồi đưa sang Mỹ. Sau đó, các sĩ quan và viên chức của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, đã đi học tập cải tại trên ba năm, được phép cùng với gia đình của họ rời khỏi Việt Nam. Chương trình H.O. đã được thực hiện trong suốt thập niên 1990  đã đưa vài chục ngàn người rời khỏi cuộc sống khổ đau tại Việt Nam đến định cư để sống cuộc sống tự do tại Hoa Kỳ.

Giám Đốc Indochinese Program của World Vision

Bắt đầu từ năm 1990, Mục sư Nguyễn Xuân Đức đảm nhận chức vụ Giám Đốc Indochinese Program của hội World Vision để hổ trợ sự phát triển Hội Thánh giữa những người tỵ nạn Việt, Miên, Lào. Mục sư Nguyễn Xuân Đức đã tổ chức những chương trình huấn luyện lãnh đạo Cơ Đốc cho hàng ngàn mục sư và nhân sự ở khắp nơi. Bên cạnh đó, Mục sư Nguyễn Xuân Đức cũng giúp định cư và dạy nghề cho những gia đình đến Mỹ trong Chương Trình Con Lai (Amerasians).

Xuất Bản Kinh Thánh và Văn Phẩm Cơ Đốc

Hai mươi năm sau khi chiến tranh kết thúc, Kinh Thánh trở nên rất khan hiếm tại Việt Nam. Khi chính quyền Việt Nam có chính sách mở cửa, Mục sư Nguyễn Xuân Đức đã vận động Thánh Kinh Hội (United Bible Society) giúp in Kinh Thánh ngay tại Việt Nam. Sau đó, ông cũng giúp Giáo hội Công Giáo Việt Nam hoàn tất thủ tục in ấn Kinh Thánh, và đề nghị Thánh Kinh Hội hổ trợ cho việc in Kinh Thánh cho  Giáo hội Công Giáo Việt Nam. Qua những sự hổ trợ này, Mục sư Nguyễn Xuân Đức đã được Giáo Hoàng John Paul II mời đến tiếp kiến tại Vatican.

Ngoài ra, Mục sư Nguyễn Xuân Đức cũng đã dành nhiều thì giờ để hướng dẫn công việc phiên dịch và phân phối hàng chục ngàn ấn bản sách “Sống Theo Đúng Mục Đích” và “Hội Thánh Theo Đúng Mục Đích” của Mục Sư Rick Warren cho cộng đồng các Hội Thánh tại Hoa Kỳ và cũng như tại Việt Nam.

Kêu Gọi Sự Liên Kết Hợp Tác Giữa Các Tổ Chức Và Hệ Phái Tin Lành Việt Nam

Suốt hơn 24 năm – kể từ năm 1993 cho đến ngày về với Chúa – Mục sư Nguyễn Xuân Đức luôn được kính trọng và tín nhiệm trong chức vụ Chủ Tịch của Liên Hữu Tin Lành Việt Nam Thế Giới. Ông dành phần lớn thì giờ và tâm huyết cho những công tác của Liên Hữu Tin Lành Việt Nam Thế Giới.  Mục sư Nguyễn Xuân Đức đã kêu gọi, kết nối các hệ phái Tin Lành trong và ngoài nước, giúp nhiều hội thánh, tín hữu, và những người hầu việc Chúa khắp mọi nơi. Ông cùng với Mục sư Lê Tự Cam đã kêu gọi và cấp học bổng cho hàng ngàn sinh viên nghèo, hỗ trợ, và dìu dắt nhiều sinh viên du học để xây dựng thế hệ lãnh đạo Hội Thánh tương lai.

An Nghỉ Trong Chúa

Năm 2017 là năm cộng đồng Tin Lành khắp thế giới kỷ niệm 500 năm Martin Luther khởi xướng phong trào cải chánh Cơ Đốc giáo.  Nhân dịp này,  Mục sư Nguyễn Xuân Đức được mời làm diễn giả cho Lễ Kỷ Niệm 500 Phong Trào Cải Chánh được Liên Hữu Tin Lành Việt Nam tổ chức tại Sài Gòn.

Trước ngày về Việt Nam, Mục sư đã gặp bác sĩ, và bác sĩ cho biết sức khỏe của ông tốt có thể đi Việt Nam. Trong hai ngày 2-3/11/2017, Mục sư Nguyễn Xuân Đức đã hiệp với các tôi tớ và con cái Chúa đến từ hơn 50 hệ phái Tin Lành tại Việt Nam hòa lòng tham dự chương trình Kỷ Niệm 500 Năm Cải Cách Giáo Hội do Martin Luther khởi xướng.   Mục sư Nguyễn Xuân Đức rất vui và thoả nguyện vì đã đạt được ước vọng của mình là đem các hệ phái và hội thánh Tin Lành độc lập cùng ngồi lại với nhau để Hiệp NhấtYêu Thương và Phục Vụ cho mục đích chung là cùng nhau xây dựng vương quốc của Chúa tại Việt Nam cũng như ở mọi nơi trên thế giới.

Sáng Chúa Nhật 5/11/2017, Mục sư Nguyễn Xuân Đức giảng cho Hội Thánh Trưởng Nhiệm tại Sài Gòn.  Tối 5/11/2017,  Mục sư Nguyễn Xuân Đức ngủ và không thức dậy nữa. Chúa đã đem Mục sư Nguyễn Xuân Đức về bên Ngài bình an. Mục sư Nguyễn Xuân Đức thanh thản ra đi nhập đoàn với các thánh đồ của mọi thế hệ đã chạy xong cuộc đua và đã làm trọn sứ mạng Chúa giao cho mình trên đất cho đến hơi thở cuối cùng.

Lễ nhập quan và viếng linh cửu Mục sư Nguyễn Xuân Đức được tổ chức vào ngày 9/11/2017 tại Sài Gòn.  Tang lễ của Mục sư Nguyễn Xuân Đức sẽ được cử hành vào ngày 18/11/2017 tại Hội Thánh Tin Lành Giám Lý Garden Grove (Garden Grove United Methodist Church), California.

Ban Biên Tập Thư Viện Tin Lành chân thành phân ưu cùng bà Quả Phụ Mục sư Nguyễn Xuân Đức, gia đình, và tang quyến.

California 10/11/2017 

https://www.thuvientinlanh.org

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn