Thứ Ba , 24 Tháng Mười Hai 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / MÔ HÌNH HỘI THÁNH ĐẦU TIÊN

MÔ HÌNH HỘI THÁNH ĐẦU TIÊN

MÔ HÌNH HỘI THÁNH ĐẦU TIÊN

THỜI TÂN ƯỚC 

early-church-1

Tôi thích những ý tưởng có tính cách mạng trong sự hầu việc Chúa của Tiến Sĩ Michael Green. Trong quyển Freed To Serve của ông, xuất bản tại Anh Quốc năm 1983, tôi học được một số những nguyên tắc rất hay giúp ích cho sự hiểu biết của chúng ta ngày nay.

Tôi thấy càng nghiên cứu và áp dụng nguyên tắc của Hội Thánh đầu tiên là chúng ta đi đúng hướng. Nhà truyền giáo lớn của Hội Thánh đầu tiên là Phao-lô đã khuyên: “Hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Đấng Christ.” Chúng ta không thích bắt chước Phao-lô và vì đó chúng ta thường thất bại. Chúng ta đang đi quá xa và chúng ta lại đang đánh mất chìa khóa để phát triển nước Trời.

  1. Trong thời Tân Ước, chức vụ được nhận lãnh trước khi được thực hành.

Bạn hãy để Chúa phục vụ bạn trước khi bạn cố gắng làm gì cho Chúa. Sứ đồ Phê-rơ học bài học nầy khi ông được Chúa rửa chân. Ông không muốn Chúa rửa chân cho ông. Nhưng ông phải học bài học là nếu ông không để Chúa rửa chân thì ông không có phần gì với Chúa cả.

Không ai có thể hầu việc Chúa cho đến khi người đó trước hết để Chúa phục vụ mình.

Tất cả chúng ta đều phải trải qua khóa học chịu khiêm nhường, chịu xấu hổ khi được rửa sạch bởi Chúa Giê-su. Nếu không chịu học bài học nầy bạn sẽ là người vô dụng.

Ngày nay, các tổ chức Giáo Hội đã làm ngược lại với Hội Thánh đầu tiên là phong chức cho người hầu việc Chúa chỉ vì họ có bằng cấp trước khi họ có kinh nghiệm tẩy sạch của Chúa. Không lạ gì chức vụ của nhiều người không thành công.

  1. Trong thời Tân Ước, tất cả các tín hữu đều được kêu gọi hầu việc Chúa, chứ không phải chỉ một số ít.

Không có phân biệt giữa giới giáo hữu và giới tư tế. Cũng không có giới tôi tớ Chúa và giới con cái Chúa. Không có Tổng Liên, không có Giáo hạt, không có Giáo Hoàng. Tất cả các tín hữu đều được kêu gọi để hầu việc Chúa, tất cả đều được ủy thác bước vào chức vụ.

  1. Trong thời Tân Ước, chức vụ hầu việc Chúa là một nhiệm vụ chứ không phải một địa vị.

Đây là một động từ chứ không phải là một danh từ. Chúa Giê-su nói rõ sự khác biệt giữa tư tưởng lãnh đạo của thế gian và của Ngài. “Các vua của các dân ngoại lấy phép riêng mình mà cai trị, những người cầm quyền cai trị được xưng là người làm ơn. Về phần các ngươi, đừng làm như vậy; song ai lớn hơn trong các ngươi phải như kẻ rất nhỏ, và ai cai trị phải như kẻ hầu việc. Vì một người ngồi ăn với một người hầu việc, ai là lớn hơn? Có phải là kẻ ngồi ăn không? Nhưng ta ở giữa các ngươi như kẻ hầu việc vậy. Lu-ca 22:25-27. Người hầu việc Chúa không phải có địa vị, quyền cao chức trọng nhưng là có tâm tình phục vụ.

  1. Trong thời Tân Ước, chức vụ hầu việc Chúa là hiệp tác và chia sẻ.

Chúng ta thấy người hầu việc Chúa thời bấy giờ luôn ra đi từng cặp. Không có ban trưởng lão một người. Mỗi người lãnh đạo là một thành viên của một nhóm. Chính các sứ đồ cũng vậy, họ có 12 người làm việc chung với nhau như một nhóm. Các người lãnh đạo không bao giờ được phép làm việc một mình. Bởi vì làm việc lãnh đạo một mình sẽ dẫn đến thất vọng hoặc kiêu căng, bịt mắt đối với thực tế của đời sống hoặc lợi dụng các ân tứ của người khác. Điều nầy cũng không tốt cho các tín hữu khác trong Hội Thánh. Họ sẽ trở nên người ưa phê bình chỉ trích hay trở nên người lười biếng. Lãnh đạo như một nhóm thì khó nhưng sẽ thành công.

  1. Trong thời Tân Ước sự ủy quyền xảy ra theo sau chức vụ chứ không phải đi trước.

Chúng ta thường nghĩ chức vụ chỉ thực hành trong Hội Thánh sau khi đã được phong chức hay ủy quyền. Các tín hữu đầu tiên đã thấy tất cả các chức vụ như một ân tứ đến từ Chúa thăng thiên dành cho Thân Thể Ngài qua một chi thể, và sự công nhận chức vụ chỉ xảy ra sau khi một người đã chứng tỏ mình nhận được ân tứ ấy. Chúng ta thường nghĩ là có chức vụ thì đương nhiên có ân tứ, nhưng thường là không phải như vậy.

Mystical Supper icon

  1. Trong thời Tân Ước, phẩm hạnh chứ không phải kiến thức là điều kiện quan trọng nhất.

Nếu chúng ta quan sát các điều kiện của những người làm lãnh đạo, chúng ta thấy Hội Thánh đã không chú ý đến bằng cấp hay sách vở người đó có được. Thay vào đó, Hội Thánh chú ý hơn đến mức độ trưởng thành, tính chậm giận, đời sống gia đình và tình dục, có uống rượu nhiều hay không, và có ân tứ chăn bầy với lòng yêu thương và khiêm nhường hay không.

  1. Trong thời Tân Ước, Hội Thánh đã chọn người lãnh đạo từ những người có kinh nghiệm.

Không có người trẻ tuổi được chọn ngay. Chúng ta thì phong chức cho người trẻ ít kinh nghiệm. Chúng ta chú ý ít đến tính đạo đức của ứng viên, chúng ta không chú ý đến tính ham ăn mê uống, càng không chú ý đến khả năng quản trị nhà riêng của mình. Chúng ta cũng không để ý đến tiếng tốt mà người đó có hay không có trước dân chúng. Hội Thánh đầu tiên quan tâm đến những yếu tố nầy.

  1. Trong thời Tân Ước, người hầu việc Chúa được đào tạo ngay tại chức như những người học việc, chứ không phải ở tại một Trường Đại Học.

Sự thật là người hầu việc Chúa đầu tiên không có bằng Đại Học. Bằng Đại Học chỉ có sau nầy trong thế kỷ 19. Có phải vì đó mà không có người lãnh đạo được đào tạo tốt hay không? Trong thời Tân Ước, cũng như trong lịch sử của Hội Thánh, các nhà lãnh đạo đều được đào tạo tại chức, giữa những tia lửa của tranh cãi, trong sự căng thẳng và áp lực của đời sống. Ngày nay chúng ta lại làm khác, chúng ta tập trung họ lại, biệt riêng họ để học tập suốt 3 năm rồi sai phái họ đến một nơi xa lạ khác, không phải bắt đầu tại quê hương của họ.

002-paul-jerusalem

  1. Trong thời Tân Ước, có hai hạng lãnh đạo, lãnh đạo ở địa phương và lãnh đạo lưu hành.

Chức vụ lãnh đạo địa phương của Hội Thánh đầu tiên bao gồm các Trưởng lão, các Giám Mục hay người chăn bầy được các Chấp sự (nam hay nữ) phụ giúp trong các công tác hành chánh. Họ là những người nam hay nữ có các ân tứ tuyệt vời trong lời tiên tri, đuổi quỷ, chữa bệnh hay dạy dỗ. Chức vụ lãnh đạo lưu hành bao gồm các Sứ đồ, các Tiên tri di chuyển từ nơi nầy sang nơi khác để giảng đạo, lập thêm các Hội Thánh, khuyến khích và hiệp nhất các tín hữu. Hình ảnh nầy kéo dài trong nhiều thế kỷ đầu tiên.

  1. Trong thời Tân Ước, chức vụ địa phương gồm có những người được kêu gọi phục vụ và lãnh đạo ngay trong cộng đồng địa phương của họ.

Trong Hội Thánh đầu tiên phần lớn các nhà lãnh đạo là từ địa phương, được mọi người biết đến và kính trọng. Ít có các chức vụ lãnh đạo dành cho những vị ở ngoài cộng đồng đến ở tại một địa phương vài năm rồi đi nơi khác.

  1. Trong thời Tân Ước, các lãnh đạo thường không được trả lương.

Những lãnh đạo của Hội Thánh đầu tiên thường là người tự làm lụng để sống (thường gọi là người may trại giống như nhà truyền giáo Phao-lô). Trong 1 Cô-rinh-tô 9, sứ đồ Phao-lô nêu lên lý do Hội Thánh xứng đáng để cung lương cho người hầu việc Chúa trọn thời gian. Chúa sẽ nuôi người hầu việc Chúa. Riêng bản thân ông muốn làm gương về người giảng Tin lành được nuôi mình bằng Tin lành.

  1. Trong thời Tân Ước, các lãnh đạo đều xem mình như những người phụ giúp.

Người lãnh đạo thời Hội Thánh đầu tiên không một mình làm hết mọi việc, nhưng hay giúp đỡ các thành viên khác tự khám phá ân tứ của mình để góp phần phục vụ thân thể Chúa.

  1. Trong thời Tân Ước, các tín lý là quan trọng.

Ngoài các phẩm hạnh chính của người lãnh đạo, người hầu việc Chúa biết học đạo, sống đạo và truyền đạo. Người dạy đạo phải nắm vững đạo lý và dạy người khác hiểu đạo cũng như làm theo. Người lãnh đạo có tài dạy dỗ chân lý cho người khác.

  1. Trong thời Tân Ước, Hội Thánh được thấy qua những con người chứ không phải qua các kiến trúc nhà thờ.

Hội Thánh sống động không phải là trang trí nhà thờ cho đẹp nhưng là giúp nuôi những người khỏe, đẹp lớn lên trong Hội Thánh. Hội Thánh là những người sanh sản và trưởng thành. Hội Thánh đầu tiên không có nhà thờ để bảo trì nên linh hoạt và tự do rao giảng Tin Lành để phát triển ở những nơi khác. Ngày nay sự hầu việc Chúa thường bị nô lệ cho cơ sở, kiến trúc.

Quá trình phát triển của Hội Thánh đầu tiên với các chức vụ trong Hội Thánh phát xuất từ nhu cầu hơn là từ quy định trước của tổ chức. Chẳng hạn, việc cử 7 người gọi là Chấp Sự (Công vụ 6), việc sai phái các Giáo sĩ đầu tiên trong Công Vụ 13, việc lập các Trưởng lão ở mỗi thành phố được truyền đạo trong chuyến lưu hành (Công vụ 14:23) và sự thiết lập Giáo Hội Nghị Sứ Đồ trong Công vụ 15.

Ngày nay chúng ta hãy trở lại đầu nguồn để xem Chúa Giê-su Christ đã chỉ dẫn gì cho chức vụ hầu việc Chúa của chúng ta. Tôi thích những ý tưởng nầy.

hue

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn