Hãy cùng tôi suy nghĩ đến dân tộc Do Thái. Dù trải qua nhiều năm tháng khó khăn, tản lạc, người Do Thái vẫn giữ được niềm tin nơi Đức Chúa Trời của Kinh Thánh Cựu Ước, Đức Chúa Trời của tổ phụ, của truyền thống dân tộc và gia đình. Ngay từ nhỏ, từ từng gia đình, trẻ em Do Thái được truyền thụ ảnh hưởng đức tin Thờ Trời một cách nghiêm túc, gần gũi của truyền thống Shema.
Hỡi Y-sơ-ra-ên! Hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai. Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi.
Mạng lịnh nầy còn được chỉ dẫn thi hành để duy trì và phát triển.
Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy. Khá buộc nó trên tay mình như một dấu, và nó sẽ ở giữa hai con mắt ngươi như ấn chỉ; cũng phải viết các lời đó trên cột nhà, và trên cửa ngươi.
Đây là mạng lịnh được mỗi gia đình, mỗi người cha, người mẹ hiểu rõ và vâng giữ như là một nét đặc thù của cả dòng giống dân Do Thái.
CÁCH DẠY THỜ TRỜI CỦA CHÚA GIÊ-SU
Bắt đầu chức vụ Chúa Giê-su rao giảng tin lành về Nước Trời. Trong bài giảng trên núi Ngài tuyên bố Tuyên Ngôn của Nước Trời.
Chính Chúa Cứu Thế nói với người đàn bà Samari về cách thờ Trời khác với truyền thống tôn giáo đang thịnh hành lúc bấy giờ. .
Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hỡi người đàn bà, hãy tin ta, giờ đến, khi các ngươi thờ lạy Cha, chẳng tại trên hòn núi nầy, cũng chẳng tại thành Giê-ru-sa-lem. Các ngươi thờ lạy sự các ngươi không biết, chúng ta thờ lạy sự chúng ta biết, vì sự cứu rỗi bởi người Giu-đa mà đến. Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha: Ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy. Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy. Giăng 4:21-24.
Khi đến thế gian, Chúa Giê-su, Con Trời đã sử dụng tôn giáo của dân tộc Do Thái như cái đà để xây dựng nước Trời. Ngài bắt đầu dạy dân chúng ăn năn trở lại phục hồi mối quan hệ với Đức Chúa Trời là Cha và sau đó Ngài chỉ dẫn dân chúng về Con Trời là Đấng trung bảo duy nhất đã hy sinh mạng báu để trả giá nối liền mối phân cách giữa Trời và người.
Dân chúng được tự do lựa chọn: Thờ Trời hay không thờ Trời. Nhận Con Trời hay khước từ Con Trời. Chúa Cứu Thế nhấn mạnh đến tấm lòng hơn là hình thức hay địa điểm thờ Trời.
SỨ MẠNG GIẢI PHÓNG TÂM LINH
Trong thời Cựu Ước, Đức Cha đã làm cho dân Do Thái một việc quan trọng nhất: Ngài giải thoát dân Do Thái thoát ách nô lệ ở Ai-cập.
Trong thời Tân Ước, Chúa Con đã được xức dầu từ Thánh Linh để giải phóng mọi người khỏi ách nô lệ của tội lỗi, ban tự do, mở ra cho các dân tộc trên thế giới cơ hội được tha thứ và được phục hòa với Đức Chúa Trời. Mục đích chính của Đạo Trời là giải phóng tâm linh.
Để thay đổi hay phục hồi một truyền thống tín ngưỡng đòi hỏi sự cố gắng và thời gian.
Để trồng cây chúng ta mất 10 năm, để trồng người chúng ta mất 100 năm.
Chúa Giê-su dành thời gian để dạy dỗ, làm phước, làm gương cho dân chúng và Ngài dành thời giờ để đào tạo môn đồ. Ngài muốn kêu gọi và xây dựng một đội ngũ những tay đánh lưới người, những con gặt, những chiến sĩ. Chúa Giê-su muốn nhiều người theo Ngài tham gia làm phép lạ. Phép lạ cứu người. Biến đổi tâm linh là một phép lạ lớn. Khiến người chết sống lại và sống đời đời là một phép lạ lớn. Chỉ có Đạo Trời mới có khả năng làm phép lạ. Phép lạ giải phóng tâm linh. Khi tâm linh được giải phóng, mọi phép lạ biến đổi khác trong đời người sẽ xảy ra theo. Đạo Trời có thể làm việc đó vì Đạo Trời là thật.
GIẢNG CHO NGƯỞI KÍNH TRỜI NHƯNG CHƯA THỜ TRỜI
Phi-e-rơ trong Lễ Ngũ Tuần.
Xem Công Vụ 2.
Phao-lô tại thành phố Athens, Hy Lạp
Xem Công Vụ 17:16-34.
Phi-e-rơ với gia đình ông bà Cọt-nây
Công vụ 10: 1-48 và 11:1-18.
Lý Do Phục Hồi Tín Ngưỡng Thờ Trời
Trên Quê Hương Việt Nam
Sau 100 năm Tin Lành đến Việt Nam, sau 300 năm Công Giáo đến Việt Nam, kết quả là khoảng 10% người Việt trở lại thờ Trời. Điều nầy có nghĩa là 90% người Việt chưa trở lại thờ Trời. Đối với con mắt của những nhà truyền giáo Tây Phương, dân Việt là một nhóm người “unreach people group.” Dân Việt là một cánh đồng lớn cần công tác gieo và gặt của Đạo Trời và sự nghiệp mở rộng nước Trời.
Thông thường các giáo sĩ, các tổ chức giáo phái, tôn giáo đều cố gắng mời gọi nhiều người khác trở thành hội viên của tổ chức mình. Tưởng rằng giáo nghi, danh tiếng, tiền bạc, các mối ràng buộc của tổ chức tôn giáo sẽ thu hút nhiều hội viên.
Nếu chúng ta vẫn làm như trước, theo cách nghĩ trước, không thay đổi mục tiêu và phương pháp, chắc chắn kết quả sẽ giống như cũ, không có nhiều thay đổi. Người Việt đang có 90% dân số chưa trở lại thờ Trời. Một trăm năm nữa, số người Việt không thờ Trời sẽ hoàn toàn xa cách Đức Chúa Trời, không có hy vọng được cứu rỗi để bước đến thiên đàng. Không lên thiên đàng thì sẽ đi địa ngục. Hậu quả thấy được trong đời nầy là có những người buồn bả, cô đơn, lo sợ, nản lòng, không có hy vọng, dẫn theo một xã hội không có tương lai.
Sứ đồ Phao-lô vui mừng khi thấy ở thành phố Tesalonica, có những người mà ông gọi là anh chị em thân thiết:
Anh em cũng đã bắt chước tôi và bắt chước Chúa, lấy sự vui vẻ của Đức Thánh Linh mà tiếp nhận đạo giữa lúc nhiều sự khốn khó, đến nỗi anh em trở nên gương tốt cho hết thảy tín đồ ở xứ Ma-xê-đoan và xứ A-chai. Vì đạo Chúa không những từ nơi anh em vang ra trong xứ Ma-xê-đoan và A-chai thôi đâu, nhưng đức tin mà anh em có trong Đức Chúa Trời đã đồn khắp mọi nơi, đến nỗi chúng tôi không cần phải nói đến nữa. Vả, mọi người đều thuật lại thế nào anh em đã tiếp đãi chúng tôi, và thế nào đã trở lại cùng Đức Chúa Trời, bỏ hình tượng đặng thờ Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật, đặng chờ đợi Con Ngài từ trên trời, là Đức Chúa Jêsus mà Ngài đã khiến từ kẻ chết sống lại, tức là Đấng giải cứu chúng ta khỏi cơn thạnh nộ ngày sau. (1 Tesalonica 1: 6-10).
Bạn có thích khi thấy xã hội Việt Nam sẽ có sự chuyển biến lạ lùng như người Tesalonica ở đây không?
Bạn có muốn khám phá phương pháp giúp 50% người Việt quyết định trở lại thờ Trời không?
Đó là lý do chúng tôi những tôi tớ Chúa có mối ưu tư đối với số phận của dân tộc Việt đang suy nghĩ và giới thiệu một phương pháp truyền giáo mới.
Chúng ta có ít nguyên tắc nhưng có nhiều phương pháp. Nguyên tắc không thay đổi nhưng phương pháp phải thay đổi. Hãy sử dụng mọi phương tiện truyền thông hiện đại để rao báo Phúc Âm. Hãy tham gia truyền giáo qua các phương tiện truyền thanh, truyền hình, Internet, CD, DVD, báo chí, sách vở. Hãy dâng hiến tài năng và thời giờ để truyền bá Đạo Trời. Hãy bắt đầu dạy đạo, sống đạo và truyền đạo bằng cách thiết lập mối liên hệ phục hòa với Đức Chúa Trời. Hãy thay đổi ngôn ngữ thuyết phục của mình. Hãy đào tạo môn đồ, sai phái giáo sĩ và kết nối những lãnh đạo tại gia. Hãy phát động phong trào phục hồi tín ngưỡng thờ Trời toàn quốc.
Hãy khôi phục giá trị của tinh thần ham học, ham đọc của người Việt.
Hãy khôi phục truyền thống thờ Trời ngay trong gia đình dòng họ.
Hãy khôi phục truyền thống thờ Trời theo gương dân tộc Do Thái.
Chúng ta cần vận động mỗi người tín hữu, mỗi môn đồ Chúa ai nấy đều cố gắng dành tâm huyết và thời giờ để kết thân và giới thiệu Đạo Trời với một gia đình người Việt. Người Việt tha hương nên dành quà gởi về cho thân nhân ở quê hương với thông điệp THÂN NHÂN HÃY TRỞ LẠI THỜ TRỜI. Nên tập làm quen và dạn dĩ nói lên dòng chữ IN GOD WE TRUST có sẵn trên từng tờ dollar của Mỹ từ 1 dollar đến 100 dollar. Chữ nầy có thể dịch là CHÚNG TÔI THỜ TRỜI. Viện Đào Tạo Môn Đồ Việt Nam có in tờ Flyer “NGƯỜI VIỆT TRỞ LẠI THỜ TRỜI” nhằm góp phần và hiệp tác với tín hữu sử dụng với ước mong cứu rỗi cả gia đình và bà con của mình. NGỒI, ĐỨNG, ĐI với tinh thần kính Trời, yêu người là động lực thúc đẩy chúng ta.
Những cái mũ, áo T-shirt màu xanh lá cây với dòng chữ trắng CHÚNG TÔI THỜ TRỜI có thể làm ra nhiều để tặng hoặc bán rẻ cho người thích dùng.
Người Việt cần biết việc tái lập mối liên hệ với Trời là nhu cầu quan trọng nhất. Mọi sự sẽ biến đổi theo. Văn minh, giàu có, thịnh vượng không còn là điều thiếu thốn, khó khăn.
(Còn nữa)
Đồng tác giả: Nguyễn Xuân Đức, Đoàn Hưng Linh, Nguyễn Văn Huệ, Lữ Thành Kiến, Trần Lưu Chuyên.
Trích từ “PHỤC HỒI TÍN NGƯỠNGTHỜ TRỜI”