Người Việt là dân tộc thực tế và khôn ngoan. Nhiều người đã nhanh chóng thay đổi và thích ứng với đời sống mới vì nắm bắt các giá trị của nền văn minh thế giới. Giá trị của tự do, của sự giải phóng tâm hồn là tốt đẹp. Thực tế văn minh phát triển đã diễn ra trước mắt mọi người trên thế giới.
Người Việt kinh nghiệm sự thật không ai chối cãi được là thiện thắng ác, tình thương thắng hận thù, sáng thắng tối. Văn minh đạo đức thắng dã man. Hình ảnh người đàn ông mặc áo dài khăn đóng lụng thụng ngày xưa không còn được ưa chuộng, người Việt đã ăn mặc áo quần gọn gàng theo thời trang. Thời trang đang thay đổi. Người con gái đến tuổi lập gia đình đã không còn nói “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” và phó mặc cuộc đời cho số phận nữa. Họ đã biết lựa chọn người bạn đời của mình theo quyền quyết định cá nhân. Người con trai không còn ai dám có quan niệm “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng.” Truyền thống đang thay đổi. Sự lựa chọn đi đôi với trách nhiệm. Bài thơ Ông Đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên đã nói về những thay đổi trong việc sử dụng chữ Quốc Ngữ thay cho chữ Nho. “Ông Đồ vẫn ngồi đó. Qua đường không ai hay.” Mới đã thay cũ. Tốt đã thay xấu. Xã hội Việt Nam có tiến bộ, có phát triển khi có sự đổi mới. Mọi người dân đều thấy mình cần phải đổi mới. Đổi mới để tiến lên theo đà tiến triển của nhân loại.
Ngày nay phần lớn các dân tộc trên thế giới đã lựa chọn đường lối kinh tế và xã hội theo kinh nghiệm tiến bộ Tây Phương. Và Tây Phương chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Do Thái – Cơ Đốc (Judeo-Christians).
Trên khắp thế giới từ nhà cửa, trường học, bệnh viện, đường sá, phương tiện đi lại, nghề nghiệp, giáo dục, ngôn ngữ, thời trang, giao thông, báo chí, truyền thông, khoa học, kỹ thuật, âm nhạc, nghệ thuật, văn nghệ… ở đâu người ta cũng thấy dáng dấp của ảnh hưởng văn minh Tây Phương. Ngươi dân đã thích xuất ngoại. Học những nghề mới. Tích lũy của cải gởi trong các ngân hàng. Các nước không còn ai bế quan toả cảng. Thế giới có tự do thương mại. Khoảng cách trở nên gần hơn. Phương tiện máy bay đưa dân chúng các nước đến gần nhau hơn chỉ trong 24 tiếng đồng hồ. Người dân biết sử dụng các tiện nghi máy móc và vật dụng nhập cảng. Máy lạnh, máy giặt, tủ lạnh, máy điện thoại cầm tay, các vật dụng khác càng ngày càng tinh vi, giá rẻ và tiện nghi không thể từ chối.
Người Việt chúng ta chấp nhận các ảnh hưởng Tây Phương Âu Mỹ cách dễ dàng vì nhìn thấy giá trị của những phát minh mới đã đem lại xã hội văn minh, đời sống tân tiến. Ví dụ máy điện thoại cầm tay quá tiện dụng, ai lại không thích dùng? Máy computer ích lợi, máy chụp hình quá tốt, tin tức TV quá nhanh sao lại không sử dụng? Bài hát tân nhạc hay quá sao lại không hát, không nghe? Biết tiếng Anh là ích lợi quá, sao không học, không nói? Các dân tộc như Nhật Bản, Đại Hàn, Singapore… sở dĩ đã tiến bộ xa và nhanh hơn chúng ta vì họ đã dứt khoát chọn con đường sống thực tế và thực dụng của Tây Phương từ rất sớm. Họ học tiếng Anh, họ đi du học ở các nước Âu Mỹ. Họ được tự do để nghiên cứu Đạo Trời. Ngày nay nước Mỹ có con số du học sinh nhiều nhất thế giới. Tiến bộ hay lạc hậu thật là khác nhau.
Tây Phương Vốn Chịu Ảnh Hưởng Của Đạo Trời
Hãy cùng tôi suy nghĩ điều gì đã khiến cho nền văn minh Tây Phương ảnh hưởng đến cả thế giới? Câu trả lời mà tôi thấy rõ là đức tin thật đã ảnh hưởng đến đời sống thật. Ngay từ thế kỷ thứ nhất, nhà truyền giáo Phao-lô đã phân vân và cầu nguyện xin ý Trời hướng dẫn ông. Ông muốn biết ý Trời là sẽ bắt đầu đi truyền bá Tin Mừng về hướng Tây Phương hay là về hướng Đông Phương? Tây Phương là Âu Châu, Đông Phương là Á Châu (là Ấn Độ, Trung Hoa, Đại Hàn, Việt Nam…). Người dân ở cả Đông Phương lẫn Tây Phương đều cần trở lại Thờ Trời. Chỉ có điều ai nghe trước, ai nghe sau thôi. Nhưng dưới sự soi sáng của Đức Chúa Trời, ông Phao-lô và đoàn truyền giáo của ông đã quyết định hướng về Tây Phương trước.
Người Tây Phương chuộng thực tế, không chuộng huyền bí. Các tôn giáo cổ mê tín không bịt mắt, bịt tai họ được. Người Tây Phương cần được nghe Đạo Trời trước. Ông Phao-lô đã nhìn thấy tiềm năng to lớn của việc truyền đạo cho người Âu Châu. Trong một giấc chiêm bao, ông nhìn thấy một người Âu Châu lên tiếng gọi, “Xin hãy qua Ma-xê-đoan mà giúp chúng tôi” (Công Vụ 16:9). Rõ ràng ý Trời đã định. Tây Phương cần được rao giảng Đạo Trời trước. Câu chuyện sau đó là lịch sử. Lịch sử cho thấy Tin Mừng được truyền đến Tây Phương và đã được người Tây Phương đón nhận ngay. Từ đó, trải qua một thời gian khá lâu, thế giới Đông Phương dường như bị quên lãng. Tất cả các tôn giáo huyền bí cao siêu đã không thay đổi được đời sống ở Đông Phương. Người ta chỉ thấy khổ nghèo, thiếu thốn, tối tăm. Chỉ mới hơn mấy trăm năm gần đây Đạo Trời mới được truyền đến cho người Việt Nam. Trước là từ đạo Công Giáo sau là từ đạo Tin Lành. Người ở Âu Châu và người Bắc Mỹ đã nghĩ đến người Đông Phương. Họ đã sai phái các giáo sĩ ra đi để truyền bá Đạo Trời. Nước Mỹ xưa nay vẫn là nước có giáo sĩ ra đi truyền bá Tin Mừng nhiều nhất trên thế giới. Hiện nay là gương của nước Đại Hàn.
Tây Phương Phát Triển Nhờ Đạo Trời
Đây là thực tế. Lịch sử cho thấy, ngay ở Tây Phương trong suốt một ngàn năm dài Đạo Trời bị đóng khung, không có ai lo phổ biến ánh sáng Đạo Trời nên các dân tộc ở đó vẫn tiếp tục sống trong bóng tối nghèo khổ, chiến tranh, chia rẽ và lạc hậu… Đến khi có phát minh máy in, Kinh Thánh được in ấn và phát hành, thế giới Tây Phương mới bừng tỉnh. Ánh sáng Trời chiếu rọi vào tâm trí người dân khi họ đọc Kinh Thánh và đời sống văn minh tiến bộ đã phát sinh. Cuộc cải cách Giáo Hội bắt đầu ở Âu Châu đã lan tràn ra như lửa gặp gió. Mọi người đều thay đổi. Trí tuệ mọi người đọc và làm theo Kinh Thánh đều được khai phóng. Bóng tối nhường chỗ cho ánh sáng. Tình trạng nô lệ được thay thế bằng sự giải phóng tâm linh. Đức tin thay cho mê tín. Sự lo sợ thay bằng tự do. Văn minh thay thế cho sự chậm tiến. Đọc Kinh Thánh bạn sẽ thấy nhiều điều trước đây bạn chưa hề thấy.
Nước Mỹ Tin Trời Và Thờ Trời
Thời gian trôi qua, người dân Tây Phương bắt đầu đi khám phá thế giới. Niềm tin về một quả đất tròn, theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh đã giúp người Tây Phương chiến thắng sợ hãi, chiến thắng lầm lạc để dạn dĩ ra đi khắp nơi trên thế giới. Dưới sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời, người khám phá ra châu Mỹ đầu tiên là một nhà thám hiểm Cơ-đốc có tên Christopher Columbus. Rồi những người dân khác ở Âu Châu đã lần lượt kéo đến vùng Nam Mỹ.
Năm 1620, những di dân đầu tiên từ Âu Châu được Đức Chúa Trời dẫn dắt đã đặt chân đến vùng Bắc Mỹ. Tôi đã có dịp đặt chân đến vùng đất nầy và tôi thấy tảng đá có khắc trên đó chữ số 1620. Đó là vùng đất sát biển thuộc tiểu bang Connecticut. Những chiếc tàu buồm vẫn còn nằm đó như một di tích lịch sử lạ lùng, kỳ diệu về một cuộc vượt biên đi tìm tự do tôn giáo, một hành trình của đức tin. Từ năm đó đến năm nay, nước Mỹ và thế giới đã có biết bao nhiêu sự đổi thay khởi đi từ sự kiện có một số ít người đã làm gương đi thờ Trời y theo sự dắt dẫn của Đức Chúa Trời.
Hiến Pháp Mỹ Dựa Trên Kinh Thánh
Khi ra đi, người di dân Âu Châu đã mang theo Kinh Thánh. Họ mang ánh sáng tự do, dân chủ đến Mỹ, và Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã được thành lập. Tất cả những nhà lập quốc của nước Mỹ đều là những người thờ Trời và có mối liên hệ tốt với Đức Chúa Trời. Họ bắt đầu lập hiến pháp của cả nước và hiến pháp của các tiểu bang trên căn bản nhận biết Đức Chúa Trời và cảm tạ ơn Trời.
Những người di dân đầu tiên đến nước Mỹ trên chiếc tàu Mayflower đã kết ước với nhau xây dựng nước Mỹ “nhằm làm vinh hiển Đức Chúa Trời và nhằm sự phát triển Cơ-đốc Giáo.”
Hãy tưởng tượng tất cả năm mươi tiểu bang nước Mỹ đều nhận biết Đức Chúa Trời và đã viết thành văn ý niệm nầy ra trong hiến pháp tiểu bang của họ. Đó là lý do mà William Penn đã tuyên bố, “Những ai không được cai quản bởi Đức Chúa Trời thì sẽ bị cai quản bởi những nhà độc tài.”
Tổng Thống Mỹ đầu tiên tên George Washington đã nói, “Không thể nào cai trị thế giới cách đúng đắn mà không có Đức Chúa Trời và Kinh Thánh.”
Tổng Thống Mỹ Hoover đã nói, “Toàn bộ động cơ của nền văn minh của chúng ta phát xuất từ các sự dạy dỗ của Chúa Cứu Thế và những bài học của các vị tiên tri. Đọc Kinh Thánh là sự cần thiết cho đời sống người Mỹ.”
Tổng Thống Mỹ Theodore Roosevelt đã nói, “Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ được thành lập trên những nguyên tắc của Cơ-đốc Giáo.”
Tổng Thống Mỹ Abraham Lincoln nói, “Kinh Thánh là món quà vĩ đại nhất mà Đức Chúa Trời đã từng ban cho loài người.”
Học giả William Lynch Phelps đã nói, “Nền văn minh Tây Phương đã được xây dựng trên nền tảng Kinh Thánh.”
Triết gia Immanuel Kent đã nói, “Kinh Thánh là lợi ích vĩ đại nhất mà nhân loại từng kinh nghiệm.”
Học giả M. E. Bradford là người nghiên cứu bối cảnh đức tin của những người ký tên vào Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Mỹ đã kết luận rằng 52 trên số 56 người ký tên vào bản Tuyên Ngôn là người Cơ-đốc. Tương tự, trong số 55 người ký tên vào bản Hiến Pháp Mỹ thì có 52 người là Cơ-đốc nhân chánh thống.
Mục Sư Nguyễn Văn Huệ