“Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc.” (Rô-ma 12:15)
Andrew Murray: “Trong ngày hoạn nạn hãy nói: Đức Chúa Trời đã đem tôi đến đây, ấy là bởi ý muốn Ngài mà tôi gặp cảnh khó khăn này. Tôi an nghỉ trong ý muốn Ngài. Tôi biết Ngài sẽ giải cứu tôi ra khỏi hoàn cảnh khó khăn này. Ngài biết lúc nào và bằng cách nào.”
Bây giờ tôi lại học bài học của Giô-na.
Xung quanh tôi là tối đen, như Giô-na ở trong bụng cá, dù khi con cá có há miệng để ngáp, thì xung quanh vẫn tối đen, vì đang ở dưới lòng biển. Tôi hình dung Giô-na ngập ngụa trong vũng nước mặn chát, đủ thứ hỗn tạp, xác cá chết, rong rêu trong bụng cá, bị quấn chặt, và hoàn toàn đen tối.
Trong bụng cá, Giô-na đã nói gì
Ngài đã quăng tôi trong vực sâu, nơi đáy biển
Và dòng nước lớn bao bọc lấy tôi
Hết thảy những sóng lượn và ba đào của Ngài đều trải qua trên tôi…
Nước bao phủ lấy tôi, cho đến linh hồn tôi
Vực sâu vây lấy tôi tư bề
Rong rêu vấn vít đầu tôi
Tôi đã xuống đến chân nền các núi…
Tôi không biết là khi Giô-na ở trong hoàn cảnh bi đát (thê thảm) như vậy thì ông còn nghĩ đến ai không, vợ con nếu có, những ngày vui buồn hầu việc Chúa, gì nữa… Ông đã sống trước tôi hàng bao nhiêu trăm (ngàn) năm, suy nghĩ có khác. Tôi đọc lại xem Giô-na nghĩ gì, nói gì. Lạ thay, trong bụng cá, dưới lòng biển sâu, không một tín hiệu cấp cứu nào được gởi đi, thì ông vẫn có thể gởi đi một tín hiệu cấp cứu:
Tôi gặp hoạn nạn, kêu cầu Đức Giê-hô-va
Thì Ngài đã trả lời cho tôi
Từ trong bụng âm phủ, tôi kêu la
Thì Ngài đã nghe tiếng tôi..
Hàng ngày tôi vẫn gởi những tín hiệu cấp cứu lên trời, gọi 911 trên trời, và tôi cũng biết rằng xung quanh tôi gia đình tôi, bạn hữu tôi, tín hữu tôi, cũng tiếp tục gởi những tín hiệu cấp cứu lên trời cho tôi, cho gia đình tôi. Tôi không nghe tiếng trả lời nào cả. 911 ở dưới đất thì đến ngay, làm cấp cứu tại chỗ ngay, nhưng 911 ở trên trời vẫn im lặng. Sự im lặng của Chúa có nhiều ý nghĩa lắm. Có khi là vì người phạm tội, có khi là cầu xin trái lẽ, có khi ân điển ta đã đủ cho ngươi rồi, có khi…. từ từ Chúa trả lời, chưa đúng thời điểm Ngài. Và gì nữa… Nhưng tôi mở Kinh Thánh 1 Cô-rinh-tô 10:13 và đọc lại lần nữa, lần nữa, có khi không cần phải mở Kinh Thánh ra đọc, vì đã thuộc rồi: những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu, nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được.
Tôi nghĩ: con đang không chịu được đây, sao Ngài chưa mở đàng.
Khi nhà tôi trở bệnh nặng liên tiếp đưa vào cấp cứu nhiều lần trong tháng, trong tuần, tôi gọi các con ở xa về, con lớn về, con thứ về. Chở con lớn vào bệnh viện sáng thứ bảy, khi đi cùng con vào bên trong, nó nói về những cơn bão, và nói, con vẫn đọc bài của Bố, bão đang lớn dần, và có thể còn động đất nữa. Tôi hỏi; con có thấy Bố đi hơi khập khiễng không, nó nhìn, và nói: nhìn kỹ, thì có. Bố sao vậy? Có thể là động đất tới rồi đó con. Nó trợn mắt, cancer? No, tôi cười, sẽ nói với con sau. Vào đến phòng, nhìn mẹ nằm nhắm mắt trên giường, nó đến bên, lặng lẽ đưa tay chùi mắt. Gia đình con thứ đến, cũng lặng lẽ đến bên giường, cúi xuống.
Tôi lại nghĩ đến Kinh Thánh, lời của Gia-cơ 1:2: hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề đến cho anh em như là đều vui mừng trọn vẹn… Tôi nhớ rằng vẫn chưa có khi nào giảng cho Hội Thánh câu Kinh Thánh này, vì khúc sau của nó là điều tôi chưa thể làm được, đó là lý do vì sao tôi chưa giảng được. Khi Mục sư chưa học được, thì chưa giảng được.
Tôi cũng nhớ đến câu Kinh Thánh mà mình đã đọc đi đọc lại nhiều lần trong thời gian này và xin Chúa cho học được, trong xác thịt hữu hạn của con người: 1 Phi-e-rơ 4:12: Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. Chúa nhắc tôi nghĩ đến nhiều trường hợp hoạn nạn khác mà tôi từng biết, từng nghe, từng đọc trên báo, nhiều hoàn cảnh thật bi thảm, xung quanh mình, trong cuộc đời. Con tôi nói: khi con gặp khó khăn, con hay nghĩ đến những người gặp khó khăn nhiều hơn mình để được an ủi, dù sao mình vẫn còn đỡ hơn. Khi tôi nhớ đến những hoàn cảnh đó, tôi cũng thấy mình được an ủi phần nào, vẫn còn nhiều người tối đen hơn mình.
Nhưng tôi biết, người duy nhất tôi còn gởi tín hiệu cấp cứu đến vẫn là Chúa, và tôi phải trông cậy Ngài, dù con đi trong trũng bóng chết con sẽ không sợ hãi gì, vì Chúa ở cùng con. Buổi chiều tôi rủ hai thằng con ra ngoài phòng chờ đợi, kể cho chúng nghe về căn bệnh của mình, và nói: Bố cần đến sự hỗ trợ tinh thần của 2 con. Chúng gật đầu, tôi đọc trong mắt của thằng con (Mục sư) một chút bùi ngùi.
Sáng Chúa Nhật, trong giờ tĩnh nguyện, sau khi nghe một tín hữu chia xẻ lời Chúa, nêu nan đề cầu nguyện, tôi xin Hội Thánh ngoài việc cầu nguyện cho nhà tôi như thường lệ, cũng hãy cầu nguyện cho tôi nữa, vì tôi cũng có bệnh. Sau khi nắm tay cầu nguyện chung với nhau, một vị trưởng lão của Hội Thánh hỏi: Mục sư bệnh gì vậy. Tôi đáp: dạ, một biến chứng của tiểu đường.
Hôm qua, trên đôi chân đau, tôi vẫn đút từng muỗng thức ăn xay nhuyễn cho nhà tôi, bà ăn một cách khó khăn. Trên đường về nhà, con trai nói: you did good, no, well, no, so well.
Tôi nhìn nó, muốn nói: Không phải đâu con, bố đang cố gắng, cố gắng nữa, lần nữa. Try again and again. Bố phải chiến đấu, chiến đấu, một tay chiến đấu, tay kia nắm tay Chúa. Hay là thả luôn tay đang chiến dấu, và nắm hết cả hai tay Chúa?
Giô-na ơi, tôi vẫn tin Ngài dù trong hoàn cảnh khổ nào, dù nơi an tĩnh, hay chìm trong bể thẳm sâu….
Mục sư Lữ Thành Kiến
🙂
Khi Tôi Không Thể Cầu Nguyện
Tháng Mười Một năm 2015, tôi được biết mình cần phải mổ tim. Ngạc nhiên kèm một chút sốc, tự nhiên tôi nghĩ đến khả năng mình có thể chết. Có mối quan hệ nào mà mình cần phải hàn gắn? Có khoản tài chính nào cần phải lo cho gia đình? Dù cho ca phẫu thuật thành công thì cũng phải mất vài tháng sau tôi mới có thể đi làm lại. Có việc gì cần hoàn tất trước ca mổ không? Rồi những việc mà không thể chờ được thì sao; tôi có thể giao việc đó cho ai? Đó là thời điểm cần phải vừa cầu nguyện vừa hành động.
Trừ khi tôi không thể làm được gì cả.
Thân thể thì rã rời và tâm trí thì mệt mỏi đến nỗi công việc đơn giản nhất dường như cũng vượt quá sức của tôi. Có lẽ ngạc nhiên nhất là, khi tôi cố gắng cầu nguyện, tư tưởng tôi chỉ tập chú vào những sự khó chịu, sự khó thở do vấn đề ở tim khiến tôi buồn ngủ. Và tôi trở nên bực bội. Tôi không thể làm việc và thậm chí không thể cầu xin Chúa cho tôi sống để tôi có thể dành nhiều thời gian hơn với gia đình!
Việc không thể cầu nguyện khiến tôi phiền muộn nhất. Nhưng cũng giống như bao nhu cầu khác của con người, Đấng Tạo Hóa biết điều đang diễn ra với tôi. Cuối cùng tôi cũng nhớ ra rằng Ngài đã chuẩn bị hai điều cho những tình huống như vậy trong cuộc đời của chúng ta: sự cầu thay của Đức Thánh Linh khi chúng ta không thể cầu nguyện (Rô. 8:26); và sự cầu thay của những người khác dành cho chúng ta (Gia-cơ 5:16; Gal. 6:2).
Thật được an ủi biết bao khi biết rằng Đức Thánh Linh trình dâng những vấn đề của chúng ta đến trước Đức Chúa Cha. Thật quý giá biết bao khi biết rằng bạn bè và gia đình cũng cầu nguyện cho tôi. Rồi một điều ngạc nhiên nữa là: Khi bạn bè tôi và gia đình hỏi về điều họ có thể cầu thay cho tôi, thì lời đáp của tôi cũng được Đức Chúa Trời nghe như là lời cầu xin của tôi.
Thật quý giá biết bao khi chúng ta được nhắc nhở rằng vào những thời điểm bấp bênh trong cuộc đời thì Chúa nghe thấy tấm lòng của chúng ta ngay cả khi chúng ta nghĩ mình không thể kêu cầu Ngài.