Chiều 29 tết năm 1980 …
Bà Lành đang lui cui dọn dẹp vài thứ trong nhà. Bỗng chuông cửa reo, bà Lành buông cây chổi lông gà, vội đi ra phía cổng.
– Chị ơi cho hỏi đây có phải là nhà của ông Năm Xích Lô không?
Thoáng ngần ngừ với người khách lạ, bà Lành e dè.
– Thưa chị đúng rồi, nhà tôi đang dọn dẹp trong nhà thờ. Chị tìm nhà tôi có việc gì không ạ? Hôm nay nhà tôi nghỉ không chạy xích lô. Tết đến nơi rồi.
– Dạ, tôi ra bến xe hỏi thăm người ta chỉ tôi tìm đến đây. Tôi có chút quà bánh đến cho ông Năm Xích Lô, để gia đình cúng gia tiên ngày tết.
– Vậy chắc chị lầm nhà tôi với ai rồi đấy, chị thấy đấy chúng tôi đang ở nhà thờ Tin lành. Chúng tôi không có cúng kiếng gì.
– Không, người ta chỉ tôi muốn tìm ông Năm Xích Lô thì vào chùa Tin Lành này đây mà.
– Không, chị ạ, nhà thờ Tin lành chứ không phải là chùa!
Nghe có khách đến, thầy Lành bỏ việc cắt dán câu gốc trang hoàng ngày Tết đi về phía cổng
– A chào bà Kim, bà tìm tôi có việc gì không? Hôm nay tôi không chạy xích lô, mời bà vào.
– Tôi còn mang ơn ông Năm nhiều lắm ông Năm ạ! Gặp người khác là gia đình chúng tôi không có Tết rồi.
– Việc trả lại của rơi là bình thường chứ có gì ân nghĩa ở đây bà Kim.
– Nhưng ông Năm ơi, cái bóp tiền đó là cả một gia tài đấy. Khi phát hiện bóp tiền bị mất chúng tôi phát hoảng thì ông đạp xe đem trả lại cho tôi. Cả gia đình tôi ngạc nhiên. Chồng con tôi thắp nhang cúng ông bà ngay: May mà gặp người tốt như ông, gặp người khác chắc gia đình tôi không có Tết. Chúng tôi mua ít bánh trái trước là thăm gia đình ông cho biết sau là để ông cúng tổ tiên trong 3 ngày Tết. Ủa ông là ông sư trong chùa, xin lỗi ông bà tôi nói lộn trong nhà thờ mà còn chạy xích lô nữa à. Cực nhọc quá!
– Thì thời buổi khó khăn, ai cũng phải lao động để mà kiếm sống chứ bà Kim, như bà cũng lặn lội buôn bán.
– Mời bà vào nhà tôi uống nước, còn bánh trái thì bà đem về dùng chứ nhà tôi không có cúng kiếng gì đâu ạ.
– Dù không cúng kiếng thì cũng cho mấy đứa nhỏ ăn Tết chứ?
– Chúng tôi có chuẩn bị một ít rồi và tín đồ của tôi cũng có biếu quà Tết cho chúng tôi rồi.
– Tôi còn phải đi mua sắm vài thứ nữa, xin phép ông bà cho tôi về, mà chùa Tin Lành, ý lộn nhà thờ Tin Lành có mở cửa cho người ta đi cúng vào giao thừa hay mùng một tết không ông Năm?
– Sáng mùng một chúng tôi có buổi thờ phượng, nếu có dịp mời ông bà đến dự lễ lúc 8 giờ sáng tại nhà thờ của chúng tôi đây.
– Tạm biệt ông bà, tôi xin gởi ít trái cây và bánh mứt. Xin ông bà đừng từ chối. Của cúng dường là từ tâm do tôi lựa món tốt nhất
-Bà Kim, bà có nghe về Chúa Giê Xu chưa bà Kim ơi?
– Có hồi chưa lấy chồng tôi sống với ông bà ngoại trong xóm đạo. Tôi cũng biết về Đức Mẹ nữa đó. Ủa sao nhà thờ ở đây không có hình ảnh Đức Mẹ hay hang đá gì hết vậy?
-Chúng tôi theo đạo Tin Lành khác bên Công Giáo.
– Ngộ ghê vậy, ông làm sư trong chùa này, ý lộn trong nhà thờ này bao lâu rồi ông Năm?
– Từ trước năm 1973, rồi ở luôn đến bây giờ, tôi chỉ là thầy truyền đạo chứ không phải là mục sư.
– Vậy tôi kêu ông Năm bằng thầy nhé!
– Có bao giờ bà nghĩ rằng sẽ tin Chúa không bà Kim?
– Chưa bao giờ, nhưng nãy giờ đến đây tôi mới biết và quan trọng là cách sống của ông Năm, ý lộn của thầy Năm làm cho tôi suy nghĩ về chuyện này. Thôi tôi phải đi mua ít món đồ sắm Tết. Mùng 1 chúng tôi sẽ ghé thăm ông bà nha Thầy Năm!
-Cám ơn bà, xin chào tạm biệt bà.
Sáng mùng 1 Tết Canh Thân 1980 bà Kim cùng chồng và con trai duy nhất tiếp nhận Chúa tại nhà thờ Tin Lành. Vì theo chồng bà Kim, hành động 1 người xích lô nghèo trả lại cái bóp tiền trị giá 20 lượng vàng đủ cho chúng ta đặt niềm tin vào tôn giáo này. Trước khi thấy Chúa, thấy Phật chúng ta cần thấy cách sống của những người theo Chúa theo Phật.
Tháng 6 năm 2000, tại văn phòng công ty may xuất khẩu, Thái dằn mạnh tờ báo công an xuống bàn và nói với Nhân:
– Sao chuyện mất tiền lên mục “Tin đó đây” nhanh ghê vậy? Thái gạch chéo vào bản tin ngắn: ” Chiều ngày… ông Nhân, nhân viên của công ty may xuất khẩu thu tiền khách hàng về ngang khu vực cầu chữ Y bị cướp giật mất túi tiền trong đó có hơn 200 triệu đồng. Công an phường 3 Quận 8 đang điều tra theo khai báo. “…
– Thì mất tiền tôi báo công an liền chứ sao? Nhân đáp e dè.
– Nhân nè, sự thật có đúng như vậy không?
– Chẳng lẽ tôi nói dối và dựng chuyện?
– Mình là bạn nhau và quan trọng hơn chúng ta là những Cơ Đốc Nhân.
– Thì sự thật là vậy.
– Mẹ tôi có nói chuyện với bà mục sư rồi. Tôi cho ông 3 ngày suy nghĩ rồi lên đây viết tường trình toàn bộ chuyện đã qua. Dù tôi là giám đốc, là chủ công ty này nhưng tôi luôn coi ông là người bạn tốt và rất tin ông mới giao cho ông việc đi thu nợ. Thôi ông về suy nghĩ đi.
Trong 3 ngày dài đó, bà Kim, mẹ của Thái, giám đôc công ty nặng nhẹ với con rất nhiều. Bà nói với Thái là số tiền 200 triệu đồng dù Nhân có lấy thì cũng chẳng đáng là bao nhiêu so với 20 lượng vàng mà mà ngày xưa thầy Lành, bây giờ là mục sư của chúng ta đã trả lại cho gia đình mình. Con không được làm lớn chuyện, mẹ sẽ trả cho con số tiền này. Nhưng Thái nhất định không cho bà Kim xen vào và anh có cách giải quyết riêng của mình. Với Thái thì tình bạn nó đáng giá nhiều hơn số tiền cỏn con đó.
3 ngày sau cũng tại văn phòng giám đốc. Bảng tường trình của Nhân cũng y như báo công an đưa tin. Thái nhìn thẳng vào mắt Nhân và nói lần cuối:
– Ông có cơ hội cuối để trình bày
– Tôi trình bày như bản tường trình: tôi bị cướp.
– Vậy để cho công an làm rõ trắng đen.
Thái cầm điện thoại gọi vào công an quận Gò Vấp, nơi có trụ sở công ty may. Chưa đầy 30 phút sau thì 4 công an có mặt. Ngay lập tức Nhân bị bắt giải lên quận. Chiều hôm đó, công an đến nhà bà mục sư đọc biên bản khám nhà. Bà mục sư nói là sẽ đem giao số tiền mà Nhân gởi bà và vợ cất trong tuần trước. 200 triệu đồng Nhân lấy mua 10 ngàn USD chợ đen và 3 cộng dây chuyền vàng 9999. Vụ án nhanh chóng kết thúc với mức án 4 năm tù cho Nhân. Tình cảm hai gia đình coi như sứt mẻ theo vụ án. Bà Kim mẹ Thái, giận con mình từ con luôn vì đã không nghe lời bà mà làm to chuyện. Báo công an lại đưa tin toàn bộ sự việc. Thời gian trôi đi, nhưng vết thương vẫn chưa lành…
Mùa phục sinh năm 2009, con gái của Thái dắt bạn trai về nhà giới thiệu. Nghe tin đứa con gái duy nhất có bạn trai thì ông Thái cũng mừng lắm. Ông sẽ giao cái công ty may này cho nó để lo việc trang trại ở Bến Tre. Khi Phương Thảo đưa Bá Tiến về thì ông Thái sửng sốt. Bá Tiến là con trai của Nhân là cháu nội của mục sư Lành. Ông Thái tỏ vẻ khó chịu và vào phòng riêng. Bà Thái biết tính chồng, nhưng thương con đánh tìm cách hóa giải. Không khó để Bá Tiến và Phương Thảo biết mọi chuyện. Khi Bá Tiến về thì ông Thái kêu con gái lên để “làm việc”. Ông mở lời ngay không vòng vo:
– Ba không chấp nhận con quen với Bá Tiến.
– Nhưng tụi con đã yêu nhau.
– Con không được cãi cha mẹ.
– Mẹ tôn trọng sự tự do của con.
– Trong nhà này ba quyết định mọi thứ.
– Nhưng chuyện tình cảm của con ba không cần thiết xen vào.
– Con không không được giao du với đám ấy nữa chứ là yêu là kết hôn.
– Con lớn rồi ba à!
– Con không nghe lời ba thì bước ra khỏi nhà này.
– Thì cũng như bà nội từ ba vậy thôi.
– Mày không được hỗn với ba con à. Tao không muốn làm sui với kẻ cướp và tệ hơn là phản bội một tình bạn
– Ba không được lấy chuyện ăn oán của ba mà gán ghép cho tụi con.
– Ai dạy mày bướng thế con. Bốp. Ông Thái tát con gái mình 1 cái.
– Sao ba đánh con? con nói lại cho ba nghe, con 23 tuổi rồi, con tốt nghiệp đại học, con cám ơn ba mẹ nuôi dưỡng con. Nhưng con cũng có trách nhiệm với cuộc cuộc riêng tư của con. Con mong ba mẹ thông cảm. Tụi con đã hứa nguyện với Chúa, nếu ba không đồng ý con ở nhà này. Thì con sẽ ra đi.
– Hãy bước ra khỏi đây càng nhanh càng tốt và đừng đem Chúa của bà nội mày ra hù dọa ba con nhé!
Phương Thảo chạy về phòng. Cô khóc nức nở lo thu xếp vội vài ba món đồ. mặc cho bà Thái khóc lóc năn nỉ. Cô nói trong nước mắt: “Con xin lỗi mẹ, ba cố chấp quá. Con phải ra đi cho ba sống với cảm giác cay đắng hận thù của riêng ba. Mẹ đừng lo, con về sống với bà nội”.
Mùa trung thu năm 2012. Ông Thái đang lo lắng việc kinh doanh của công ty may xuất khẩu gần như phá sản. Thời khủng hoảng kinh tế toàn cầu, công ty nợ lương 2000 công nhân đã 3 tháng rồi. Nhiều công ty đối tác sụp đổ, ngân hàng không kịp giải ngân. Ông trầm ngâm nghĩ về mọi chuyện. Bạn bè ông, người mẹ thân yêu của ông, rồi con gái duy nhất của ông lần lượt bỏ ông ra đi. Ông làm khổ lụy luôn cả người vợ hiền. Từ ngoài cửa có tiếng trẻ con bi bô.
– Ông ngoại ơi, ông ngoại tha lỗi cho ba mẹ con nhé.
Để cái laptop qua 1 bên, ông đứng dậy ra phòng khách, xem thử có nghe nhầm giọng trẻ con nhà ai không. Không, chính thằng bé con trai của Phương Thảo, cháu ngoại ông. Sao nó giống Nhân, ông nội nó quá chừng. Chút cay đắng trào lên nhưng ông cố nén xuống. Thằng bé con vội nắm tay ông nói:
– Ông ngoại ơi con về rồi nè.
Lần đầu tiên, ông nghe lòng mình xao xuyến trước sự hồn nhiên của đứa trẻ lên 3:
– Thế con đến đây với ai?
– Ba mẹ con ở ngoài công kêu con vô trước, khi nào ông cho thì ba mẹ con mới vào. Cho ba mẹ con vào đi nhá ông.
– Bà ra kêu tụi nó vào đi. Bà Thái mừng quá chạy về phía cổng đón con gái mà bà lén lút gặp nhiều lần khi cha con nó giận nhau. Bà hổn hển: Mẹ hồi hộp quá, ba con lui bước thì con cũng nhịn một bước nha. Phương Thảo sửa lại gọng kính trên sống mũi và quả quyết: Con biết làm gì mà mẹ, hãy tin ở con và thằng bé.
Bá Tiến vẫn e dè:
– Chào ba con mới về.
Ông Thái đang ẵm thằng cháu ngoại và nói.
– Mừng các con đã về, ba mong ngày này lâu lắm rồi. Bà nội khỏe không con?
– Dạ bà nội vẫn khỏe, sáng nào nội cũng đi nhà thờ cầu nguyện buổi sáng. Nội cầu nguyện cho ba nhiều lắm. Phương Thảo đón lời thay cho Bá Tiến
– Con có vất vả lắm không ?
– Dạ không có gì ba ạ. Có thằng Thiên Phúc cũng vui cửa vui nhà lắm. Dạo này ba ốm quá, tóc của ba bạc hết rồi.
– Công ty sao rồi ba?
– Hôm nay trung thu, gia đình sum họp không nói chuyện làm ăn gì ở đây cả.
Bà Thái chen vào. Bá Tiến lấy hộp bánh trung thu Đồng Khánh ra và lo bày biện. Phương Thảo lo chế trà. Ông bà Thái thì mê mãi với thằng bé dạn dĩ. Thoáng chốc họ quây quần trong phòng khách. Bà Chín giúp việc thấy vui quá cũng ra ngồi chen vào, bà ôm Phương Thảo như ngày nào còn bé thơ bà đưa đến nhà trẻ.
Ông Thái lên tiếng trước:
– Tết trung thu bé Phúc hát cho ông ngoại nghe bài gì nào? Lồng đèn của con đâu rồi?
– Con để nhà cho bà cố rồi, con không hát bài trung thu đâu.
– Vậy con hát cho ông bà ngoại và cả nhà nghe bài nào? Bà Thái hỏi cháu.
Thằng bé thỏ thẻ hát:
SỐNG NHÂN TỪ VÀ THA THỨ NHAU ĐỜI ĐẸP NHƯ BAO TRANG KINH THÁNH SỐNG NHÂN TỪ VÀ THA THỨ NHAU ĐỜI ĐẸP MÃI TRÊN MÔI NỤ CƯỜI sống nhân từ và tha thứ nhau… 🙂
– Hay quá con hát lần nữa đi, bà Chín yêu cầu thằng bé hát thêm nhiều lần nữa.
Ông Thái ngồi trầm ngâm, lâu rồi ông mới trở lại không khí ấm áp này. Bất chợt ông hỏi thằng bé cháu ngoại:
– Ai dạy con hát bài này?
– Bà cố con dạy đó ông ngoại.
– Có ai bảo con hát bài này cho ông ngoại nghe không?
– Dạ bà cố con đó ngoại à. Thằng bé hồn nhiên đáp.
Ông Thái chợt nhớ về hình ảnh người mẹ hiền tần tảo của ông. Ngày xưa bà hay yêu cầu ông hát bài này cho bà nghe mỗi khi cha ông vắng nhà. Bao ký ức năm xưa hiện về. Lẽ nào thiên sứ của Chúa dùng lời miệng con trẻ để nhắc nhở ông về hiện tại? Bỗng chợt ông nhận ra mọi điều: ông cay đắng với mẹ, con cái, nhân viên nên mới ra nông nỗi này. Ông cần được tha thứ và ông cũng phải tha thứ cho nhiều người.
Ông Thái thấy cần đến ngay xin lỗi mẹ già của mình. Nhất định ông sẽ đến thăm ông Nhân, người bạn ngày xưa của ông trong hội thánh và bây giờ là sui gia của ông. Hành trình về lại những giá trị ban sơ cần bắt đầu bằng sự tha thứ. Bé Thiên Phúc lại bi bô.
Sống nhân từ và tha thứ nhau, đời đẹp như bao trang Kinh Thánh…
Vương Quốc Na Uy
NAM QUANG