Thứ Năm , 21 Tháng Mười Một 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / BÌNH NGỌC TRẮNG ĐỰNG ĐẦY DẦU THƠM

BÌNH NGỌC TRẮNG ĐỰNG ĐẦY DẦU THƠM

CHÚC PHƯỚC CHO KẺ RỦA MÌNH


Bài 35.   BÌNH NGỌC TRẮNG ĐỰNG ĐẦY DẦU THƠM
“Ngươi không hôn ta, nhưng người từ khi vào nhà ngươi, thì hôn chân ta hoài.” Lu-ca 7:45

lu

Một lời mời giả dối. Si-môn, một người Pha-ri-si mời Chúa Giê-su đến nhà ăn tối. Chúa chấp nhận lời mời đó. Trong chức vụ của Chúa chúng ta, Ngài đã ngồi ăn chung với nhiều người, kể cả những người đối kháng với Ngài. Chúa Giê-su biết lời mời của Si-môn giả dối, vì người Pha-ri-si luôn tìm cách gài bẫy hoặc chỉ trích Ngài với tầng lớp lãnh đạo của Do Thái giáo mỗi khi có cơ hội. Si-môn đã lộ ra sự giả hình qua cách ông cư xử với Chúa Giê-su. Ông không chào đón Chúa bằng một cái hôn theo phong tục thời đó, không xức dầu lên đầu của Chúa, cũng không chuẩn bị nước cho Chúa rửa chân. Trong Ma-thi-ơ 23 Chúa Giê-su đã gọi người Pha-ri-si là kẻ mù (câu 16-17,24,26). Và từ đó có thể dành cho Si-môn trong câu chuyện này. Si-môn mù lòa về tội lỗi của mình. Anh ta cũng mù lòa – không biết gì cả về sự biến đổi đáng chú ý của người phụ nữ trong câu chuyện. Còn nữa, Si-môn mù lòa về thân vị của Chúa Giê-su. Tuy nhiên Si-môn mời Chúa đến trong bàn ăn của nhà mình. Chúa Giê-su chấp nhận không phải vì tấm lòng hiếu khách của Si-môn, nhưng Ngài đến vì điều đó là một cơ hội tốt cho anh ta. Thỉnh thoảng chúng ta cũng nên đi ăn tối với một ai đó, vì điều này đơn giản là tốt cho người đó.

Một hành động đáng kinh ngạc. Khi người phụ nữ bước vào phòng ăn của Si-môn, anh ta có một chút bối rối vì biết rõ lai lịch của người này. Si-môn là một người tự kiêu về đời sống công bình giả tạo của mình. Anh ta hoàn toàn không biết gì về kinh nghiệm ăn năn và tấm lòng tan vỡ của người phụ nữ. Bản thân anh ta vốn xa lạ với những trải nghiệm này! Si-môn chỉ có một nếp sống giả hình bên ngoài, trong khi người phụ nữ kinh nghiệm niềm vui của một đời sống được biến đổi và tha thứ. Người phụ nữ “làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ bẩn phần xác thịt và phần thần linh” (2 Cô-rin-tô 7:1) trong khi Si-môn vẫn còn bơi lội trong tội lỗi. Mặc dù người phụ nữ vốn có một quá khứ không có gì tốt đẹp. Còn Si-môn là một người Pha-ri-si chỉ biết chỉ trích người khác mà không bao giờ tha thứ cho họ (Lu-ca 15:25-32). Người phụ nữ không đến nhà Si-môn để ăn một chút gì, bà đến để tuôn đổ lòng kính mến đối với Chúa Giê-su. Nhiều sinh viên Trường Kinh Thánh cho rằng người phụ nữ này đã đáp ứng lời mời của Chúa Giê-su trong Ma-thi-ơ 11:28-30, “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.” Mọi điều bà làm cho Chúa Giê-su trong câu chuyện này hoàn toàn đối nghịch với những gì Si-môn đã thể hiện.
Tội của sự chểnh mảng, không làm việc cũng tương tự như tội của sự can phạm. Hành động của người phụ nữ, “khóc, sa nước mắt trên chân Chúa Giê-su, rồi lấy tóc mình mà chùi; lại hôn chân Ngài, và xức dầu thơm cho” nói lên tấm lòng biết ơn của bà muốn tôn vinh Chúa là Cứu Chúa của mình. Còn Si-môn thì không làm gì cả cho Chúa.

luke

Một sự mặc khải gây bối rối cho Si-môn. Chúa Giê-su biết Si-môn đang suy nghĩ gì. Ngài dùng một ví dụ để chỉ ra những ý nghĩ sai trật của Si-môn. Đấng chăn chiên nhơn lành luôn bảo vệ bầy của Ngài (Rô-ma 8:41-34). Ngài phán dạy cách rõ ràng cho Si-môn, “Một chủ nợ có hai người mắc nợ: Một người mắc năm trăm đơ-ni-ê, một người mắc năm chục. Vì hai người đều không có chi mà trả, nên chủ nợ tha cả hai. Trong hai người đó, ai yêu chủ nợ hơn? Si-môn thưa rằng: Tôi tưởng là người mà chủ nợ đã tha nhiều nợ hơn. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ngươi đoán phải lắm.” Trong câu chuyện này Si-môn không thể không nhận ra bài học Chúa muốn dạy anh ta. Chúng ta có muốn công bố cho mọi người biết tội lỗi của mình tại bàn ăn thông công của hội thánh? Có lẽ là không, nhưng Chúa biết rõ.

Ân sủng của Chúa. Chúa phán với người phụ nữ, “Tội lỗi ngươi đã được tha rồi. .. Đức tin của ngươi đã cứu ngươi; hãy đi cho bình an” (Lu-ca 7:48-50). Đây không phải là một món hàng đắt tiền mà bà đã mua bằng nước mắt hay bình dầu thơm. Đó là bởi đức tin, nhờ ân điển. Hành động của bà dành cho Chúa Giê-su bày tỏ rằng bà đã ăn năn tội tỗi và hoàn toàn tin cậy Chúa. Bà muốn bày tỏ lòng biết ơn, kính mến Chúa, dâng lên Chúa bình ngọc trắng đựng đầy dầu thơm. Đức tin đem sự cứu rỗi đến, và ơn cứu rỗi đem tới sự bình an.
Đức tin, sự bình an, lòng kính mến Chúa và nước mắt. Bạn đã kinh nghiệm điều này?

“Vậy chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hòa thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta.… vì sự yêu thương của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh đã được ban cho chúng ta.”
Rô-ma 5:1, 5

Warren W. Wiersbe
Translated by Huong Di   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn