Thứ Năm , 21 Tháng Mười Một 2024
Home / Tổng hợp / Phong Cách Lãnh Đạo Của Chúa Jesus

Phong Cách Lãnh Đạo Của Chúa Jesus

Nguồn: http://lib.tinlanhlibrary.info

Mục Sư Nguyễn Vũ 

John 14-12 Greater Words Then These He Will Do black

Chức vụ của Chúa Jêsus không phải chấm dứt khi Ngài về trời nhưng chức vụ này tiếp tục từ ngày ấy cho đến khi Ngài trở lại. Chúa Jêsus phán: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ nào tin ta, cũng làm việc ta làm, lại cũng làm việc lớn hơn nữa, vì ta đi về cùng Cha” (Giăng 14:12). Trước khi trở về cùng Đức Chúa Cha, Chúa Jêsus phán với các môn đồ: “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-tem cho họ, và dạy họ giữ mọi điều ta đã truyền cho các ngươi. Và này, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:19-20). Từ ngày ấy đến nay, có nhiều thế hệ đã và đang tiếp tục sứ mạng của Ngài cho tất cả các dân tộc qua việc học theo phong cách lãnh đạo phục vụ của Ngài.

1. Chúa Jêsus Ban Năng Quyền
Như chúng ta đã nghiên cứu ở trên, các sách Phúc Âm ký thuật phương cách Chúa Jêsus đã huấn luyện và ban năng quyền cho môn đồ Ngài về chức vụ lãnh đạo phục vụ qua sự dạy dỗ của Ngài. Chúng ta cần quyền năng của Chúa: “Đầy hy vọng và quyền năng! Bên cạnh những người đã tiếp nhận Ngài, Đấng Christ còn có những dân khác. ‘Ta còn có những chiên khác chẳng thuộc về chuồng này.’ Điều này liên hệ đến giáo lý về sự lựa chọn.” [1] Như vậy, hẳn phải huấn luyện dài hạn cho người lãnh đạo phục vụ là mẫu mực cho Hội Thánh. Các môn đồ đã được dạy dỗ cẩn thận cho nhiệm vụ mà họ đã được kêu gọi. Sự thật rằng sự tồn tại của Hội Thánh ngày nay là chứng cứ của sự huấn luyện thành công như Chúa Jêsus. Peter Beyerhaus viết: “Kinh Thánh bày tỏ uy quyền tối cao của Đức Chúa Trời trong công tác chứng đạo. Trái với những điều được trình bày, giờ đây chúng ta có thể cảm thấy sức mạnh trọn vẹn của những phần Kinh Thánh nhấn mạnh đến uy quyền tối thượng của Đức Chúa Trời trong việc thúc đẩy công tác chứng đạo của Hội Thánh. Những động cơ chúng ta biết đến chứng thực vai trò trung tâm của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh. Mối quan tâm một chiều của chúng ta về con người và xã hội có nguy cơ đe dọa công tác truyền giáo và thế tục hóa việc này hoặc thậm chí có vẻ như là vô thần. Chúng ta đang sống trong thời kỳ bội đạo, khi con người kiêu ngạo cho họ là thước đo giá trị của mọi thứ. Do đó, công tác truyền giáo của chúng ta là can đảm công bố trước mọi kẻ thù của thập tự giá rằng thế gian này thuộc về Đức Chúa Trời và Đấng chịu xức dầu của Ngài. Công tác truyền giáo của chúng ta phải giơ cao khẩu hiệu về Chúa phục sinh trước toàn thể thế giới, bởi vì đây là công tác của chính Ngài.” [2]

Cropped-Jesus-Flag-w-Blue-Sky-Background
Qua sự lãnh đạo Chúa Jêsus, Ngài đã ảnh hưởng đến các môn đồ, và đến lượt họ, họ sẽ ảnh hưởng đến người khác cho Vương quốc của Đức Chúa Trời. Là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, Chúa Jêsus là người chăn vĩ đại (Giăng 10), vì vậy ngày nay, những tôi tớ của Ngài là người chăn, dẫn dắt, nuôi dưỡng và chăm sóc cho bầy của Ngài như Ê-xê-chi-ên 34:16 đã mô tả: “Ta sẽ tìm con nào đã mất, dắt về con nào đã bị đuổi, rịt thuốc cho con nào bị gãy, và làm cho con nào đau được mạnh.” Người lãnh đạo lại còn phải có tinh thần can trường nói lên “tư tưởng về tính chiến đấu, về ý chí của đoàn quân mạnh mẽ trong việc chịu khổ, tiến ra phía trước quyết tâm chiếm lấy thế giới của Hội Thánh hiện ở đâu? Tinh thần xông pha chỉ vì danh Chúa ở đâu?” [3]

2. Chúa Jêsus Dùng Ảnh Hưởng
Như Chúa Jêsus đã ảnh hưởng và thay đổi suy nghĩ của người khác, Ngài cũng làm như vậy khi đòi hỏi rằng một người lãnh đạo đầu tiên và trước hết phải là người đầy tớ. Chúa Jêsus phán: “Các ngươi biết rằng vua các dân ngoại thì ép dân phục vụ mình, còn các quan lớn thì lấy quyền thế mà trị dân.” Nhiều người cũng nghĩ rằng lãnh đạo là người cai trị, người thực thi quyền hành. Tuy nhiên, người lãnh đạo là một người phục vụ và dẫn dắt như Chúa Jêsus đã làm. Hội Thánh ngày nay gọi người lãnh đạo là “Mục Sư” (nghĩa là người chăn), người chăn không phải là người cai trị mà là người dẫn dắt và chăm sóc. Chúa Jêsus nói rằng người nào muốn theo Ngài thì phải từ bỏ mình đi, mỗi ngày phải vác thập tự giá mình (Ma-thi-ơ 16:24). Cơ Đốc nhân được dạy rằng muốn sống đời sống tin kính họ phải chịu hoạn nạn thử thách (II Ti-mô-thê 3:12), và những người lãnh đạo Cơ Đốc là những người theo dấu chân Chúa Jêsus, họ cũng phải đối đầu với hoạn nạn và hy sinh vì Vương Quốc Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus không chỉ trao phó chính mình Ngài để phục vụ Cha mình, Ngài cũng trao phó chính mình để phục vụ người khác, vì thế Mục Sư hay người lãnh đạo cũng phải như vậy.
Chúng ta có thể nghĩ rằng để ảnh hưởng đến người khác, người lãnh đạo phải dùng uy quyền để ép người khác đi theo kế hoạch và chiến lược của mình hoặc thực thi quyền hành để ra lệnh cho người khác làm theo mục đích của mình. Ngay cả khi không muốn nghĩ như vậy nhưng một số vị lãnh đạo Cơ Đốc đã có khuynh hướng hành động theo quyền lực. Nhiều người nghĩ rằng một người lãnh đạo phải là người có vị trí, danh hiệu chính thức, hoặc được huấn luyện chính thức; tuy nhiên trải qua nhiều thế kỷ, lịch sử của Hội Thánh chứng minh rằng những người lãnh đạo có ảnh hưởng nhất là những người phục vụ hi sinh như một người tôi tớ, ví dụ như John Wesley, Hudson Taylor, Dwight L. Moody, v.v…

hu

3. Chúa Jêsus Dạy Nguyên Tắc
Nguyên tắc của lãnh đạo phục vụ là người nào muốn làm lớn, phải làm tôi tớ của mọi người (Mác 10:43-45). Người lãnh đạo phải phục vụ với tấm lòng, sự nhiệt thành và trách nhiệm của một người đầy tớ: “Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chớ không phải làm cho người ta” (Cô-lô-se 3:23). Trong khi có nhiều người yêu mến sự dạy dỗ của Chúa Jêsus, nhưng kiểu mẫu lãnh đạo phục vụ này thường bị lãng tránh và bỏ qua một bên. John Dawson viết: “Nhân loại, không hơn gì bạn và tôi, không đáng nhận lãnh tình yêu của Đức Chúa Trời. Con người đáng bị rủa sả, nhưng Chúa Giê-su – Chiên Con chịu khổ của Đức Chúa Trời, đáng nhận phần thưởng của sự chịu khổ Ngài.” [4] Nhiều người lãnh đạo cố lôi kéo sự chú ý của người khác bằng nhiều hoạt động và những sự kiện lớn hơn là làm những việc cụ thể. Không có gì sai khi thực hiện điều đó, nhưng chúng ta cần nhớ rằng những người chịu ảnh hưởng nhất của chức vụ Chúa Jêsus là môn đồ của Ngài, những người đi theo bước chân Thầy đến mọi nơi Chúa đi và được chính Ngài dạy cách riêng tư cũng như trong nhóm nhỏ. Ảnh hưởng của Chúa Jêsus đã thay đổi toàn bộ, đời sống, hướng đi, thế giới quan và mục đích của các môn đồ Ngài. Ngài không chỉ nói, nhưng Ngài hành động theo những gì mình đã dạy.
Vì vậy, một người lãnh đạo giỏi phải là người dành thời gian cho người của họ và những người cùng làm việc với mình, là mẫu mực cho họ trong chức vụ. Là một Mục Sư, một người chăn, người lãnh đạo của Hội Thánh đôi khi phải hi sinh giờ ngủ nghỉ giữa khuya vì một ai đó đang hấp hối hoặc ở trong tình trạng khẩn cấp. Người lãnh đạo không nên ép buộc, nhưng phải khích lệ mọi người đạt đến mục tiêu của họ và của tổ chức. Một người lãnh đạo phải là người có ảnh hưởng thay vì là một ông chủ. Người lãnh đạo đóng góp cho tổ chức và nhóm mình cộng tác, đó phải là nơi để giữ mọi người lại như trên một con tàu, giúp mọi người nhìn xem toàn cảnh của biển cả, mục đích đặc thù của nhóm. Người lãnh đạo cần phải dành thì giờ để cầu nguyện. [5] Học về phong cách lãnh đạo của Chúa Jêsus, một người lãnh đạo cần học về các điểm sau đây:

a) Khiêm Nhường
Hầu hết những người lãnh đạo cố nâng mình vào địa vị cao hơn trong vị trí lãnh đạo, nhưng Chúa Jêsus dạy rằng người lãnh đạo phục vụ phải hạ mình xuống. Khi Chúa Jêsus vào nhà của một trong những lãnh đạo của người Pha-ri-si để dùng bữa, quan sát thấy đa phần khách mời đều chọn nơi danh dự tại bàn để ngồi, Chúa kể cho họ nghe một ẩn dụ để dạy họ về sự khiêm nhường (Lu-ca 14:8). Ngài phán: “Kẻ nào tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn kẻ nào hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Ma-thi-ơ 23:12). Chúa lại giảng thêm rằng tôi tớ Ngài, người phục vụ Ngài, sẽ được Cha Ngài tôn quý (Giăng 12:26). Một người lãnh đạo phục vụ sẽ được Đức Chúa Trời tôn quý, vì thế người ấy không nên tìm kiếm sự tôn trọng nơi con người.

b) Phục Vụ
Làm thế nào để phục vụ Chúa của chúng ta khi Ngài không còn ở trên đất này? Có lẽ Chúa biết sẽ có một số người thắc mắc với câu hỏi này khi Ngài đã về trời, vì thế Chúa đã trả lời bằng cách kể về một ẩn dụ mô tả khung cảnh tại trước ngôi của Con Người trong Ma-thi-ơ 25:40, 45. Trong ẩn dụ này Ngài nói rằng nếu chúng ta phục vụ những người thấp hèn nhất trong những anh em của Ngài, là chúng ta phục vụ Ngài. Chúng ta phục vụ họ việc gì? Chúa Jêsus dạy, đó là cho người đói – ăn, làm tươi mát người khát, đón tiếp khách lạ, mặc cho người lõa lồ, thăm viếng người bệnh, đến với người bị tù (Ma-thi-ơ 25:35-36; 42-43). Những điều này không theo nghĩa thuộc linh mà theo nghĩa thuộc thể.

c) Làm Gương
Để làm gương mẫu cho sự phục vụ, Chúa Jêsus đã khiêm nhường rửa chân cho các môn đồ trong lễ Tiệc Thánh (Giăng 13:5-20), Ngài minh họa cho sự khiêm nhường thật. Chúa Jêsus, Đức Chúa Trời Toàn Tri, sẵn lòng rửa chân cho Giu-đa người sẽ phản bội Ngài (Giăng 18:1-9), rửa chân cho Phi-e-rơ người sẽ chối Ngài (Giăng 18:25-27), và rửa chân cho những môn đồ còn lại, là những người sẽ bỏ Ngài chạy trốn chỉ trong vài giờ nữa (Ma-thi-ơ 26:56). Học về sự làm gương của Chúa, chúng ta cần biết rằng “phục vụ” và “khiêm nhường” luôn đi đôi với nhau. Khi chúng ta phục vụ, chúng ta không chọn người để mình phục vụ, vì Chúa Jêsus phán: “Quả thật ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó trong những người rất hèn mọn này của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy” (Ma-thi-ơ 25:40).
Theo Giu-se Lê Minh Thông: “Từ đây (Giăng 13,1) trở đi cho đến cuộc Thương Khó (18,1). Đức Giê-su không còn tiếp xúc với dân chúng nữa, nhưng quay về các môn đệ là những người thân tín. Đoạn Giăng13, 1-17 về việc Đức Giê-su rửa chân cho các môn đệ hình như mang hai ý nghĩa tượng trưng: (1) Đức Giê-su cúi mình xuống rửa để làm cho sạch, nghĩa là Người hạ mình xuống trong cái chết nhục nhã trên thập giá để làm cho nhân loại được sạch, để mang ơn cứu độ đến cho loài người. (2) Gương Đức Giê-su phục vụ cách khiêm nhường và với lòng bác ái (cúi mình xuống rửa chân cho các môn đệ) (13, 13-15). Có thể so chiếu cử chỉ của Đức Giê-su ở đây với những hành động tượng trưng cho các ngôn sứ.” [6]

images (6)
Thật là dễ dàng cho chúng ta, là con người, bày tỏ thiện ý với những người tốt, người giàu có, nhưng là người đầy tớ lãnh đạo cho Chúa Cứu Thế chúng ta không thể làm như vậy. Hãy nhớ rằng hầu hết các môn đồ của Chúa Jêsus là những người nghèo, người lao động, người bị xã hội ruồng bỏ như người đánh cá, người thu thuế và người tội lỗi. Chúa đã ăn, uống, ngồi nói chuyện với họ (Ma-thi-ơ 9:10-13). Sứ đồ Gia-cơ cũng nhắc nhở chúng ta đừng có thiên vị, chú ý đến người giàu có và khinh thường người nghèo khổ (Gia-cơ 1:2-3). Bởi vì làm theo nguyên tắc lãnh đạo phục vụ này, Chúa Jêsus, các môn đồ của Ngài, những người theo Ngài trải qua nhiều thế kỷ đã ảnh hưởng và thay đổi thế giới cho đến ngày nay.

d) Cảm Thông
Một đặc tính khác của người tôi tớ lãnh đạo có thể tạo ảnh hưởng đó là sự thông cảm. Vì Chúa Jêsus không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ (Mác 10:45), Chúa Jêsus trong thân xác con người có thể cảm thông với sự yếu đuối của chúng ta. Thư Hê-bơ-rơ 4:15 ký thuật: “Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thông sự yếu đuối chúng ta, bèn là có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội.” Ngài cũng bị mệt, cảm thấy yếu đuối và buồn ngủ. Ngài bị cám dỗ trong mọi điều như chúng ta; vì thế Ngài hiểu hoàn cảnh và sự yếu đuối của chúng ta. Ngài không lên án người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội tà dâm (Giăng 8:1-11), chấp nhận người đàn bà xấu nết (Lu-ca 7:36-50) và ca ngợi sự dâng hiến của góa phụ nghèo (Lu-ca 21:1-4).
Là một lãnh đạo trong cương vị tôi tớ, và là người phục vụ khiêm nhường, chúng ta cần thông cảm với người của mình, hiểu những lỗi lầm của họ thay vì lên án. Chúng ta cần phải biết rằng khi chúng ta tha thứ, người sẽ tha thứ mình. Chúa Jêsus phán trong Lu-ca 6:36-38, “Hãy thương xót như Cha các ngươi hay thương xót. Đừng đoán xét ai, thì các ngươi khỏi bị đoán xét; đừng lên án ai, thì các ngươi khỏi bị lên án; hãy tha thứ, người sẽ tha thứ mình. Hãy cho, người sẽ cho mình; họ sẽ lấy đấu lớn, nhận, lắc cho đầy tràn, mà nộp trong lòng các ngươi. Vì các ngươi lường mực nào, họ cũng lường lại cho các ngươi mực ấy.” Khi chúng ta đối xử với người khác bằng tình yêu thương và sự chăm sóc, thì hành động yêu thương của chúng ta có sức mạnh nhiều lần hơn so với hành động thị uy. Tình yêu thương của chúng ta có thể thay đổi và tạo ảnh hưởng hơn uy quyền của chúng ta, vì tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ (I Cô-rinh-tô 13:8).

Kết Luận

Là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, phong cách lãnh đạo phục vụ của Chúa Jêsus phải là nguyên tắc cho chúng ta. Sứ mạng ba năm rưỡi trên đất của Ngài đã và đang được tiếp tục từ ngày đó cho đến nay. Ảnh hưởng của Ngài đã thay đổi nhiều đời sống và cả xã hội. Vì vậy là những người theo Ngài, chúng ta nên tạo ảnh hưởng trong một nhóm người đặc thù mà Đức Chúa Trời trao cho chúng ta để thực hiện mục đích của Ngài cho những người đó, chúng ta cần phải đi theo mẫu mực này. Chúa Jêsus là một gương mẫu cho chúng ta, vì thế chúng ta phải là gương mẫu cho người khác để tiếp nối chức vụ của Ngài. Vì Ngài, Con của Đức Chúa Trời, chịu làm tôi tớ của con người cho nên chúng ta càng không phải là người lãnh đạo để cai trị, nhưng để phục vụ.

Mục Sư Nguyễn Vũ 

phan thiet

________________
[1] The Pleasures of God, The Pleasure of God in Selection (Sisters, Ore.: Multnomah, 2000), 121-55.
[2] Peter Beyerhaus, Shaken Foundations: Theological Foundations for Missions (Grand Rapids: Zondervan, 1972), 41-42.
[3] James Reapsome, “What’s Holding Up World Evangelization?” Evangelical Missions Quarterly 24, no. 2 (April 1988),118.
[4] John Dawson, Taking Our Cities for God (Lake Mary, Fla.: Creation House, 1989), 208-9.
[5] Có tổng cộng 31 từ ngữ chỉ về sự cầu nguyện trong sách Công vụ Các Sứ Đồ. Trong số đó, từ ngữ proseuchomai (proseucomai) có nghĩa “cầu nguyện” hay “ước mong” được sử dụng 16 lần; trong khi hình thức danh từ proseuche (proseuch) “sự cầu nguyện” hay “dốc đổ” xuất hiện 9 lần, hai trong số đó chỉ về nơi cầu nguyện. Từ ngữ deomai (deomai) “cầu nguyện, thỉnh cầu, mong muốn” được sử dụng 7 lần, nhưng chỉ có 5 lần trong số này nói về lời cầu nguyện dâng lên Đức Chúa Trời. Hai từ ngữ khác được sử dụng trong sách Công vụ Các Sứ Đồ là “hỏi xin” và “kêu cầu” mà khi xuất hiện ở chỗ khác trong Tân Ước có thể chỉ về sự khẩn nài, không có trong sách Công vụ. Có một lần từ ngữ densis (dehsis), “sự van xin” được sử dụng, mong mỏi được lợi ích đặc biệt. Trong số các sách khác trong Tân Ước, kế đến là sách Lu-ca có số liệu từ ngữ chỉ về sự cầu nguyện nổi trội với tổng số 30 lần cho thấy tầm quan trọng của sự cầu nguyện, cả hai trường hợp nói về Đấng Christ và Hội Thánh của Ngài. Việc chỉ lập lại những từ ngữ nào đó có thể không rõ ràng, nhưng khi được nhấn mạnh thì chúng ta không thể phớt lờ.
[6] Giu-se Lê Minh Thông, Kinh Thánh 2010 (Việt Nam: NXB Tôn Giáo và United Bible College, 2010), 2381. 

 

Bài viết liên quan:

 

https://huongdionline.com/2016/03/01/chan-dung-12-nha-lanh-dao-trong-kinh-thanh/   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn