tôi đang mơ giấc mộng dài
đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh….
Có nên viết không, viết lại những gì đã xảy ra trong giấc mộng? Sau giấc mộng, mọi thứ là có thật, với thân thể đau nhức có thật, sự uể oải năng lực có thật, sáng nay một chén oatmeal thường ngày cũng bỏ nửa, ăn không ngon, ăn không nổi. Hình ảnh Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang trôi như dòng sông lều bều rong rêu nhưng có thật. Những điều có thật đã xảy ra trong một giấc mộng dài 10 ngày. Tôi đang ở trong giấc mộng, mà cũng ra khỏi giấc mộng. Tôi đang từ bên ngoài nhìn vào và thấy tôi trong giấc mộng. Tôi bay, tôi chạy, tôi đi, tôi nằm, tôi ngồi, tôi đứng, tôi huấn luyện, tôi giảng dạy, tôi ôm choàng, tôi vỗ vai, tôi nghiêm nghị chấn chỉnh, tôi mềm mại khuyên nhủ, có khi tôi đang nói, bỗng nhìn chăm chú vào một điểm trước mặt, mà không biết nhìn cái gì…., có cả khi thân thể tôi đang ở Hà Nội mà lòng dạ nằm ở Greenville, như vầng trăng xẻ nửa, tất cả, như đã xảy ra trong một giấc mộng. Một giấc mộng khoảng một tuần lễ chưa kể thời gian ngồi trên những chiếc máy bay, lên nơi này xuống nơi khác.
Một giấc mộng đầy giông bão, nhưng có thật.
Giấc mộng khởi đầu bằng một sự gợi ý, một chuyến đi ngắn ngày, một lời kêu gọi như tiếng gọi của Chúa gọi Áp-ram ngày ấy, hãy ra khỏi quê hương… Đối với tôi bây giờ việc ra khỏi nơi chốn đang ở giống như một giấc mộng, trong giấc mộng cũng không thể có. Nhưng những phân cảnh đứt đoạn cứ ráp nối lại, như bàn tay run rẩy chụp níu nhiều lần rồi cũng nắm lại được, dần dần hình thành một chuyến đi, rõ dần, nhưng vẫn có một cái gì đó không thật, trong giấc mộng, dù là những câu chuyện thật vẫn có cái gì không thật, vẫn có những đoạn mờ. Tôi đã được cảnh báo là mọi thứ đang rất chông chênh và cảnh báo mọi người cho dù vé máy bay đã mua gấp rút trước 10 ngày. Vào những khúc cuối, khung cảnh thật sự ảm đạm, sáng Chúa Nhật bắt đầu bằng những đám mây đen phía chân trời và mưa rất to vào buổi chiều khi giờ ra phi trường đã đến, mưa quá to tối tăm mặt mũi vì người mẹ vừa rời khỏi wheelchair vào giường thì đến lượt con, người tình nguyện ngủ chăm sóc mẹ ban đêm vào thế chỗ vì đau lưng quá nặng phải tự kêu ambulance vào emergency khi gia đình đang thờ phượng Chúa. 3 giờ 30 ra phi trường mà 2:30 còn phải chạy vào nhà thương chở con về và ghé pharmacy mua thuốc. Nó chỉ cần đau hơn chút nữa, và bác sĩ bảo phải ở lại trong bệnh viện để điều trị, giấc mộng sẽ tan biến. Bây giờ mà đi thì chỉ có là sự cố chấp cứng cỏi. Tôi sẵn sàng vâng phục và ở lại mặc dù không hiểu tại sao mọi cánh cửa đã mở toang thình lình đóng ập lại vào phút chót.
Nhưng bằng cánh tay kỳ diệu của Đấng toàn năng, nước chỉ dâng đến bậc thềm thôi, chưa tràn vào nhà. Bầu trời sáng hơn và có chút nắng le lói, sự đau đớn của người con giảm dần, các tín hữu kéo đến giúp, cánh cửa đang đóng sập mở hé ra, chừa một khoảng trống đủ để thoát ra khỏi nhà như thoát ra trận bão lửa. Suýt chút nữa thì quên passport, quên tiền, và khi đứng lại một mình trong phi trường mới chợt nhận ra là chỉ có một bộ đồ duy nhất trên người. Vào cửa hàng trong phi trường mua vài cái áo, quần và tiếp tục cuộc hành trình. Như vậy đó, mà giấc mộng tiếp nối, tự hỏi mình rằng chuyến đi bão táp như vậy có nghĩa gì, làm được gì, tại sao vậy, có nhất thiết phải quá vất vả cực nhọc như vậy không, một chuyến đi 10 ngày cho một người không còn trẻ, và bề bộn những nan đề nhức nhối, tua tủa như gai nhọn.
Khi tôi đã ở Việt Nam, thì dần dần hiểu ra ý muốn của Chúa cho chính mình, ý Chúa cao hơn ý người, cao như bầu trời cao hơn đất, không phải chỉ để cứu một vài linh hồn, mà đào tạo ra những người sẵn sàng đi ra để cứu những linh hồn, có khi làm những bài toán cộng, nhưng cũng có khi phải làm những bài toán nhân, không chỉ là một cánh đồng trĩu nặng bông lúa, mà chỉ là một hạt lúa, nhưng là một hạt lúa đã ra khỏi giai đoạn trăn trở đớn đau và sẵn sàng cung cấp sự sống cho đời. Kinh nghiệm rằng chìa khóa mở cửa những trái tim chính là trái tim. Và chính mình kinh nghiệm những thành quả khi chấp nhận trả giá. Chẳng có một thành quả nào mà không phải trả giá, thành quả càng lâu dài thì giá trả càng cao. Tôi thấm thía nỗi đau và nước mắt, cay và đắng để có thể ôm chặt bó lúa vào người.
Giấc mộng tan, khi trở về nhà. Những nan đề vẫn ở đó, nhưng rất có thể Chúa đã dùng chuyến đi bão táp, sự rời khỏi ngắn ngày để tập cho đôi mắt tôi nhìn cuộc sống dễ chịu hơn, tập chịu đau khi đang đau mà không than khóc, đưa tôi một bước cao hơn trong đời sống đức tin. Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục. Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào
Ngày hôm qua nhận được một email thông báo Tuyển Tập 40 năm Thơ Việt Hải Ngoại đã phát hành tại Hoa Kỳ, trong danh sách 53 người làm thơ miệt mài bao năm có mặt trong tuyển tập, có mình, tuyển tập đã được giới văn học hải ngoại chờ đợi nhiều năm, được mong đợi như là một thành quả của lịch sử văn học hải ngoại, như một làn gió mát thổi qua mùa hè nắng cháy của Greenville, South Carolina, thổi qua những nỗi buồn, những nỗi đau, nỗi xót xa, mà chẳng một ai trong cuộc đời được miễn trừ.
Tôi đã ra khỏi giấc mộng, nhưng vẫn còn mơ màng trong giấc mộng. Đừng lay con nhé, Chúa. Cho con một chút mơ mộng để sống vui một chút.
Mục sư Lữ Thành Kiến