Thứ Năm , 21 Tháng Mười Một 2024
Home / Tổng hợp / A.W. Tozer, Tiên Tri Của Thế Kỷ 20

A.W. Tozer, Tiên Tri Của Thế Kỷ 20

A.W. Tozer, Tiên Tri Của Thế Kỷ 20

aw-tozer
Aiden Wilson Tozer hay thường được gọi là A.W. Tozer sanh ngày 21 tháng 4, năm 1897 và mất vào ngày 12 tháng 5 năm 1963, là một mục sư người Mỹ, tác giả của hơn 40 cuốn sách, chủ bút của một tờ tuần báo Tin Lành, thường là diễn giả tại các hội nghị Cơ Đốc, và là nhà cố vấn thuộc linh.

Lớn lên trong một nông trại nhỏ ở miền Tây của tiểu bang Pennsylvania, ông tiếp nhận Chúa khi vào lứa tuổi thanh niên ở Akron, Ohio. Trên con đường trở về nhà sau khi đi làm việc ở công ty bán vỏ xe GoodYear, ông nghe loáng thoáng câu nói của một ông mục sư dọc đường rằng: “Nếu bạn không biết làm thế nào để được cứu…chỉ cần kêu lên với Chúa.”  Khi trở về nhà, ông leo lên cái thang nhỏ, lên gác mái nhà, và làm theo lời kêu gọi của ông mục sư đó. Và đó là lúc bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm đeo đuổi Đức Chúa Trời của ông.

Năm 1919, năm năm sau ngày ông chính thức tiếp nhận Chúa, và mặc dầu không có theo đuổi một nền học vấn từ một trường thần học thuần túy, Tozer chấp nhận làm mục sư cho một nhà thờ. Và đây là bước tiến cho 44 năm trong chức vụ hầu việc Chúa của ông, liên kết với giáo phái Christian and Missionary Alliance, một giáo phái hướng về việc truyền giáo; trong đó có 33 năm là mục sư cho một số nhà thờ.  Chức vụ đầu tiên của ông là mục sư cho một nhà thờ nhỏ trong một cửa hàng ở Nutter Port, Virginia. Tozer cũng là mục sư trong suốt 30 năm ở nhà thờ South Side Alliance, ở Chicago (1928 – 1959), nơi đó có hàng trăm sinh viên từ những nơi xa đến nghe Tozer giảng và có thêm hàng ngàn người nghe ông giảng trên đài phát thanh WMBI.  Những năm cuối cùng của cuộc đời ông, ông là mục sư cho nhà thờ Avenue Road ở Toronto, Gia Nã Đại. Từ khi mới tin nhận Chúa cho đến khi ông qua đời, Tozer luôn theo đuổi mối đam mê: Biết Chúa và làm cho Ngài được biết nhiều, dầu phải trả bất cứ giá nào. Cái giá mà ông phải trả là sự cô đơn, bị bè bạn và những ông mục sư có đầu óc trần tục đương thời chê trách. Khi quan sát đời sống của tín đồ thời nay, ông nhận thấy hội thánh ngày hôm nay đang tiến trên con đường hiểm họa trong việc thỏa hiệp với những điều mà thế giới trần tục đang làm.

Năm 1950, Tozer được trao cho bằng tiến sĩ danh dự từ Wheaton College. Vào tháng Năm 1950, Tozer được đắc cử làm chủ bút tờ Tuần Báo Alliance Weekly sau này trở thành tờ tạp chí Alliance Life. Trong bài bình luận đầu tiên cho tuần báo, ngày 3 tháng Sáu, năm 1950, ông viết  “Phải trả một cái giá nào đó khi tiến bước một cách chậm chạp trong cuộc hành trình của cuộc đời, đang khi thiên hạ hăm hở  vào biến chuyển mù mờ khó hiểu đang diễn ra. Nhưng trên con đường lâu dài phải trả giá đó, người tín đồ chân thật không lấy làm thích thú với bất cứ điều gì kém hơn.”  Năm 1952, ông được lãnh bằng tiến sĩ LLD. từ Hougton College.

Trong số hơn 40 cuốn sách ông là tác giả, có hai cuốn được nổi bật nhất The Pursuit of God và cuốn The Knowledge of the Holy.  Những tác phẩm của ông gây trong lòng người đọc một sự thúc đẩy về sự cần thiết để có một mối liên hệ mật thiết sâu xa với Chúa.

Sống một đời sống bình dị và hoàn toàn không theo đuổi vật chất, ông và bà vợ, Ada Cecelia Pfautz, không có một chiếc xe, thường đi xe buýt và du hành bằng xe lửa. Ngay sau khi trở thành một tác giá Cơ Đốc nổi tiếng, Tozer cũng từ chối việc dùng tiền thù lao của việc viết sách cho cá nhân ông, thay vào đó ông dâng hiến tiền thù lao đó vào những công việc hữu ích khác hay cho những ai có nhu cầu.

Cầu nguyện là một việc tối quan trọng trong đời sống riêng tư của Tozer. Người ta thường thấy ông lẫn thẩn trong những hàng ghế của ngôi giáo đường hay nằm dài mặt cúi xuống trên sàn nhà.  Ông ghi lại rằng, “As a man prays, so is he.” (Khi một người cầu nguyện, người đó bộc lộ chính mình.)  Theo Tozer, thờ phượng Chúa là một việc tối ưu tiên nhất trong đời sống và chức vụ của ông.

tozer

Nhà viết tiểu sử cho Tozer, James L. Snyder trong cuốn sách In Pursuit of God: The Life of A.W. Tozer viết,  “Việc giảng dạy và việc viết lách là một sự biểu lộ đời sống cầu nguyện của Tozer,”  Ông Snyder viết tiếp, “Tozer có khả năng làm cho người nghe đối diện với chính mình trong ánh sáng mà Chúa phán cùng họ.”  Một nhà viết tiểu sử khác cũng viết, “Tozer bỏ nhiều thời giờ trên đầu gối hơn trên bàn giấy của ông.”

Có người thắc mắc tại sao những tác phẩm của Tozer vẫn còn mới lạ cho thời hiện đại như lúc ông còn sống. Rất là dễ hiểu vì theo một người bạn nhận xét, “Tozer để những cái hời hợt, hào nhoáng, thường tình cho người khác chơi giỡn…Những tác phẩm của ông đâm sâu vào trong tấm lòng.”

Cái hài hước của ông, dầu viết hay nói, được so sánh với hài hước gia Will Rogers-chân thật và chất phác. Hội chúng đôi lúc bị lôi cuốn vào những trận cười rộn rã, và cũng có lúc đi vào cái yên lặng, trầm ngâm, suy tư tìm kiếm Chúa.

Sau hơn 50 năm, Tozer đi với Chúa. Mặc dầu ông không còn sống trên đất, Tozer vẫn còn tiếp tục nói, giúp đỡ cho những ai có lòng khao khát kinh nghiệm Chúa. Có người nói rằng, “Tozer làm cho bạn muốn biết Chúa và cảm nhận Chúa.”  Ngay từ khi ông còn sống, người ta đã gọi ông là “nhà tiên tri của thế kỷ 20”  Vì A.W. Tozer sống trong sự hiện diện của Chúa, ông nhận xét rõ ràng và ông nói như là một nhà tiên tri cho hội thánh đương thời và hội thánh ngày nay.  Ông tìm sự vinh hiển của Chúa với tấm lòng hăng hái nhiệt thành như của tiên tri Ê-li và tỏ ra tấm lòng đau thương như của Giê-Rê-Mi vì sự bội đạo mất niềm tin của con dân Chúa trong hội thánh. Nhưng ông không phải là một nhà tiên tri chán chường. Những tác phẩm do ông viết là những sứ điệp nói lên sự quan tâm của ông đến với đời sống xa cách Chúa của người đương thời. Những tác phẩm đó trình bày những yếu đuối của hội thánh và phản đối lại quan niệm thỏa hiệp cho qua chuyện.

Ông Tozer có bảy đứa con, sáu trai và một gái. Vào ngày 12 tháng 5 năm 1963, việc đeo đuổi tìm kiếm Chúa của ông trên đất chấm dứt khi ông qua đời sau cơn động tim lúc ông 66 tuổi, ông được chôn ở nghĩa trang Ellet ở Akron, Ohio, với một tấm bia có hàng chữ đơn giản: “A.W. Tozer – A Man of God.”

Trong cuốn sách The Knowledge of the Holy, Tozer chứng tỏ ông là người hiểu biết “các đường lối của Chúa”. Đây là cách suy gẫm và có tính chất cầu nguyện tiến đến những thuộc tính của Chúa. Đây là  những thuộc tính của Chúa chúng ta thường nghĩ đến như vô sở bất năng, vô sở bất tri, vô sở bất tại, đời đời bất biến cũng như tình yêu thương và sự thương xót của Ngài.

Nhưng Tozer không những chỉ dẫn chúng ta thực tế của những thuộc tính đó; ông còn chỉ dẫn cho chúng ta các thuộc tính đó kết họp với nhau tạo thành một sự hòa hiệp toàn vẹn. Chúng không phải đối chọi với nhau, nhưng bổ túc lẫn nhau.

Nhưng theo Tozer, quan điểm của chúng ta về Đức Chúa Trời thường bị “méo mó” hay “qua loa” vì chúng ta ôm ấp cái tâm trạng bị uốn nắn theo cái văn hóa mà chúng ta đang sống và rồi đem cái tâm trạng đó áp dụng vào lời Chúa. Vì thế chúng ta cảm thấy không thế thấu hiểu những ý niệm như sự thánh khiết của Chúa, quyền năng và sự cao cả của Ngài. (Hãy nhớ rằng Tozer viết những điều này hơn 50 năm trước đây. Ông được gọi là nhà tiên tri của thời đại này không phải là vô lý.)

Mục tiêu hay ao ước của Tozer là giúp chúng ta nới rộng tầm thước nhận định của chúng ta hay nhãn quan của chúng ta, và nhờ đó giúp chúng ta có khả năng nhận thức việc thờ phượng Chúa một cách đúng đắn hơn.  Nếu chúng ta bỏ sót không làm được điều này, sự hiểu biết của chúng ta về Đức Chúa Trời bị méo mó, và đưa đến kết quả là chúng ta lìa xa Chúa. Những tư tưởng “khiếm khuyết và hạ lưu” về Chúa, theo Tozer, có trách nhiệm trong sự sai lầm về học thuyết và đức tin của chúng ta. Vì thế, Tozer định nghĩa sự sùng bái thần tượng là “làm cho Đức Chúa Trời khác hơn chính Ngài.”

Khi chúng ta nhận định như vậy, chúng ta nhận thấy sự bành trướng của việc sùng bái thần tượng đang xảy ra chung quanh chúng ta và việc đó đang tàn phá hội thánh. Chúng ta có thể liên tưởng đến ý niệm về nguyên tắc chỉ đạo phồn vinh hiện đại, thường lôi kéo sự cầu nguyện của chúng ta thành “những buổi chiến lược” thay vì là thời gian cho chúng ta thật sự thông công mật thiết với Chúa.

Một cách nghịch lý, chính Tozer cũng phải công nhận “sự không thể hiểu được” về Chúa, mặc dầu ông đang giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các thuộc tính của Chúa.

Khi chúng ta gần gũi mật thiết với Chúa hơn, chúng ta bắt đầu hiểu được sự sâu nhiệm vô bờ bến của Chúa mà chúng ta không có khả năng thâu gồm được. Trực giác của chúng ta là làm cho Chúa thành ra “có thể quản lý” hay “có thể kiểm soát được.”  Đó là cái tội của Adam trong vườn Địa Đàng mà chúng ta mắc phải – làm cho mình ngang bằng như Chúa.  Và nếu chúng ta có thể làm như vậy thì chúng ta cần Chúa làm gì?

Vì thế thay vì cố gắng quản lý hay kiểm soát Chúa, chúng ta phải đầu phục Chúa và đặt sự tin cậy của chúng ta vào Ngài hoàn toàn mặc dầu chúng ta không thể hiểu thấu Ngài được.

Và khi chúng ta làm được như vậy, chúng ta không có bị mò mẫn quờ quạng trong bóng tối, nhưng Tozer mách bảo cho chúng ta, “trong tình yêu vô biên của Ngài, và trong sự bày tỏ của Ngài, Ngài thể hiện cho chúng ta chính thân vị của Ngài. Những điều này chúng ta gọi là thuộc tính của Chúa.”  Theo Tozer, Ngài ban cho chúng ta đủ sự hiểu biết để làm thỏa mãn khả năng trí tuệ của chúng ta và làm say mê tâm hồn của chúng ta.”

 

Anh Châu soạn thảo 

 

TNPA. ORG

http://the-he-moi.blogspot.com.au   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn