Từ năm 1933 -1945, Đức quốc xã dưới sự lãnh đạo của Adolf Hitler đã tiến hành khủng bố và tàn sát người Do Thái khắp Châu Âu. Mục tiêu của A. Hitler là xóa sổ người Do thái khỏi địa cầu. Hơn sáu triệu người Do thái đã bị giết trong cuộc đại tàn sát của A. Hitler.
Lúc bấy giờ có một nhóm nhỏ sinh viên học sinh Cơ đốc người Hà lan tìm cách cứu sống những người Do thái. Trong giai đoạn từ 1940-1945, nhóm này đã cứu được khoảng 800 người Do thái. Một số thành viên của nhóm đã bị sát hại vì nỗ lực cứu người Do thái.
Một Ra-bi (thầy dạy luật pháp) của người Do thái được cứu thoát khỏi chết trong cuộc tàn sát Holocaust hỏi một thiếu niên trong nhóm học sinh Hà Lan: “Em biết là em có thể bị sát hại khi tham gia bảo vệ người Do Thái chúng tôi. Động cơ nào thúc đẩy em làm việc đó?” Em học sinh trả lời: “Tôi muốn theo gương Chúa Jesus, là người sẵn sàng chết cho những người xa lạ và những kẻ ghét Ngài.” Vị Ra-bi nói: “Tôn giáo của em thực sự có ý nghĩa.” Em học sinh trả lời: “Cơ đốc giáo không phải là một tôn giáo, nhưng nó là một phong trào cách mạng thuộc linh chống lại quyền lực của sự tối tăm.”
Điều gì đã truyền cảm hứng cho những thanh niên trẻ tuổi kia sẵn sàng hy sinh chính bản thân vì sự sống của người Do Thái?
Đây là loạt bài học dành cho những người THỜ TRỜI gồm tất cả 30 chương. Huongdionline sẽ lần lượt giới thiệu những chương còn lại.
Chương 23. BÌNH AN
CÂU HỎI CHÌA KHÓA
Tôi có thể tìm thấy sức mạnh ở đâu để chiến đấu chống lại sự lo lắng và sợ hãi?
Ý TƯỞNG CHÌA KHÓA
Tôi được giải thoát khỏi sự lo lắng bởi vì tôi đã tìm thấy sự bình an với Đức Chúa Trời, sự bình an với người khác và sự bình an với chính tôi.
CÂU CHÌA KHÓA
6 Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời. 7 Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ.
Phi-líp 4:6-7
HƯỚNG ĐI CỦA CHƯƠNG
Hầu hết chúng ta đều nghĩ về sự bình an là một cảm giác. Chúng ta có khuynh hướng đổi chác, hay sử dụng một điều gì đó để tìm kiếm sự bình an. Một số người hy vọng tìm được sự bình an qua chất cồn, hê-rô-in và nhiều cách khác.Tuy nhiên sự bình an mà Kinh Thánh nói đến không giống như vậy. Nguồn của sự bình an chính là thiết lập một mối quan hệ phải lẽ, đúng đắn với TRỜI và người khác. Chúng ta sẽ tìm thấy ở đâu năng lực và sức mạnh để chống lại sự lo lắng và sợ hãi? Câu trả lời là: Chỉ ở trong mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời.
Trong chương này, bạn sẽ khám phá phương cách để tìm thấy:
– Bình an với Đức Chúa Trời
– Bình an với những người khác
– Bình an với chính bản thân (sự bình an bên trong)
BÌNH AN VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI
Bình an với Đức Chúa Trời là điều có thể trải nghiệm thông qua Hoàng tử Bình an. Khi Đấng Christ tái lâm, Ngài sẽ thành lập vương quốc của Ngài và toàn thế giới có sự bình an. Vào khoảng 700 năm trước Công nguyên, tiên tri Ê-sai đã dự báo về Chúa Giê-su.
5 Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ lùng, là Đấng Mưu luận, là Đức Chúa Trời Quyền năng, là Cha Đời đời, là Chúa Bình an
6 Quyền cai trị và sự bình an của Ngài cứ thêm mãi không thôi, ở trên ngôi Đa-vít và trên nước Ngài, đặng làm cho nước bền vững, và lập lên trong sự chánh trực công bình, từ nay cho đến đời đời. Thật, lòng sốt sắng của Đức Giê-hô-va vạn quân sẽ làm nên sự ấy!
Ê-sai 9:5-6
BÌNH AN VỚI NGƯỜI KHÁC
Kinh Thánh cũng truyền cảm hứng cho chúng ta về câu chuyện của những người nỗ lực tìm kiếm sự bình an. Trong Sáng thế ký tường thuật sự xung đột giữa Áp-ra-ham và Lót là cháu của ông. Khi phải phân chia ranh giới đất đai giữa một ông bác cao tuổi và một người cháu, lẽ ra Áp-ra-ham có quyền chọn trước phần đất cho mình vì ông cao tuổi hơn và ông cũng là người có công chăm sóc cho Lót. Nhưng Áp-ra-ham đã hy sinh quyền lợi cá nhân và để cho Lót chủ động chọn lấy đất trước theo cái nhìn của Lót. Áp-ra-ham làm vậy vì ông muốn tìm kiếm sự bình an với cháu của mình.
Áp-ram ở Ê-díp-tô dẫn vợ cùng các tài vật mình và Lót, đồng trở lên Nam phương. 2 Vả, Áp-ram rất giàu có súc vật, vàng và bạc. 3 Người vừa đi vừa đóng trại, từ Nam phương trở về Bê-tên, đến nơi người đã đóng trại ban đầu hết, ở về giữa khoảng Bê-tên và A-hi, 4 là nơi đã lập một bàn thờ lúc trước. Ở đó Áp-ram cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va.
5 Vả, Lót cùng đi với Áp-ram, cũng có chiên, bò, và trại. 6 Xứ đó không đủ chỗ cho hai người ở chung, vì tài vật rất nhiều cho đến đỗi không ở chung nhau được. 7 Trong khi dân Ca-na-an và dân Phê-rê-sít ở trong xứ, xảy có chuyện tranh giành của bọn chăn chiên Áp-ram cùng bọn chăn chiên Lót. 8 Áp-ram nói cùng Lót rằng: Chúng ta là cốt nhục, xin ngươi cùng ta chẳng nên cãi lẫy nhau và bọn chăn chiên ta cùng bọn chăn chiên ngươi cũng đừng tranh giành nhau nữa. 9 Toàn xứ há chẳng ở trước mặt ngươi sao? Vậy, hãy lìa khỏi ta; nếu ngươi lấy bên tả, ta sẽ qua bên hữu; nếu ngươi lấy bên hữu, ta sẽ qua bên tả. 10 Lót bèn ngước mắt lên, thấy khắp cánh đồng bằng bên sông Giô-đanh, là nơi (trước khi Đức Giê-hô-va chưa phá hủy thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ) thảy đều có nước chảy tưới khắp đến Xoa; đồng đó cũng như vườn của Đức Giê-hô-va và như xứ Ê-díp-tô vậy. 11 Lót bèn chọn lấy cho mình hết cánh đồng bằng bên sông Giô-đanh và đi qua phía đông. Vậy, hai người chia rẽ nhau. 12 Áp-ram ở trong xứ Ca-na-an, còn Lót ở trong thành của đồng bằng và dời trại mình đến Sô-đôm. 13 Vả, dân Sô-đôm là độc ác và kẻ phạm tội trọng cùng Đức Giê-hô-va.
14 Sau khi Lót lìa khỏi Áp-ram rồi, Đức Giê-hô-va phán cùng Áp-ram rằng: Hãy nhướng mắt lên, nhìn từ chỗ ngươi ở cho đến phương bắc, phương nam, phương đông và phương tây: 15 Vì cả xứ nào ngươi thấy, ta sẽ ban cho ngươi và cho dòng dõi ngươi đời đời. 16 Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi như bụi trên đất; thế thì, nếu kẻ nào đếm đặng bụi trên đất, thì cũng sẽ đếm đặng dòng dõi ngươi vậy. 17 Hãy đứng dậy đi khắp trong xứ, bề dài và bề ngang; vì ta sẽ ban cho ngươi xứ nầy.
18 Đoạn Áp-ram dời trại mình đến ở nơi lùm cây dẻ bộp tại Mam-rê, thuộc về Hếp-rôn, và lập tại đó một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va.
Sáng. 13:1-18
CÂU HỎI THẢO LUẬN
Khi Áp-ra-ham mưu cầu sự bình an với Lót, ông đã chủ động để cho Lót chọn trước phần đất mà hai người thỏa thuận phân chia. Đức Chúa Trời sau đó đã ban thưởng cho Áp-ra-ham vì những gì ông đã làm cho Lót. Giả định là tình huống này cũng xảy ra với bạn, bạn sẽ cư xử giống như Áp-ra-ham?
🙂
Trong những năm đầu tiên cai trị, vua Sa-lô-môn đã đối mặt với Đức Chúa Trời trong một giấc chiêm bao. Trong giấc chiêm bao đó, ông đã cầu xin sự khôn ngoan để làm người cai trị biết phân biệt điều tốt, điều xấu trong khi xét đoán dân sự. Sự khôn ngoan thiên thượng từ TRỜI ban cho này là cần thiết để vua giải quyết các xung đột và đem đến sự bình an trong vương quốc.
3 Sa-lô-môn kính mến Đức Giê-hô-va, và đi theo các luật lệ của Đa-vít, cha mình; song người dâng của lễ và xông hương tại trên nơi cao.
4 Vua đi đến Ga-ba-ôn đặng dâng của lễ tại đó, vì nơi cao ấy là trọng nhứt; trên bàn thờ đó Sa-lô-môn dâng một ngàn con sinh làm của lễ thiêu. 5 Tại Ga-ba-ôn, lúc ban đêm, Đức Giê-hô-va hiện đến cùng Sa-lô-môn trong cơn chiêm bao, và phán với người rằng: Hãy xin điều gì ngươi muốn ta ban cho ngươi. 6 Sa-lô-môn thưa rằng: Chúa đã lấy ơn lớn đãi kẻ tôi tớ Chúa, là Đa-vít, cha tôi, theo như người lấy sự trung tín, sự công bình và lòng ngay trọn vẹn mà đi trước mặt Đức Giê-hô-va; lại Chúa có giữ ơn lớn ấy cho người, mà ban cho người một con trai ngồi trên ngai của người, y như đã có ngày nay. 7 Giê-hô-va Đức Chúa Trời tôi ôi! Bây giờ Chúa đã khiến kẻ tôi tớ Chúa trị vì kế Đa-vít, là cha tôi; nhưng tôi chỉ là một đứa trẻ nhỏ chẳng biết phải ra vào làm sao. 8 Kẻ tôi tớ Chúa ở giữa dân của Chúa chọn, là một dân đông vô số, không thể đếm được. 9 Vậy, xin ban cho kẻ tôi tớ Chúa tấm lòng khôn sáng, để đoán xét dân sự Ngài và phân biệt điều lành điều dữ; vì ai có thể đoán xét dân rất lớn nầy của Chúa?
10 Lời của Sa-lô-môn đẹp lòng Chúa, vì người đã cầu xin sự đó. 11 Đức Chúa Trời phán với người rằng: Bởi vì ngươi đã cầu xin điều nầy, mà không xin sự sống lâu, không xin sự giàu có, cũng không xin mạng của những kẻ thù nghịch ngươi, nhưng xin sự thông minh để biết xét đoán, 12 nầy, ta đã làm theo lời cầu xin của ngươi, ban cho ngươi tấm lòng khôn ngoan thông sáng, đến đỗi trước ngươi chẳng có ai bằng, và sau ngươi cũng sẽ chẳng có ai ngang. 13 Vả lại, ta cũng đã ban cho ngươi những điều ngươi không xin, tức là sự giàu có và sự vinh hiển, đến đỗi trọn đời ngươi, trong vòng các vua, sẽ chẳng có ai giống như ngươi. 14 Lại nếu ngươi đi trong đường lối ta, gìn giữ luật pháp và điều răn ta, như Đa-vít, cha ngươi, đã đi, thì ta sẽ khiến cho ngươi được sống lâu ngày thêm. 15 Bấy giờ, Sa-lô-môn thức dậy, thấy là một điềm chiêm bao. Người trở về Giê-ru-sa-lem, đứng trước mặt hòm giao ước của Đức Giê-hô-va, dâng của lễ thiêu cùng của lễ thù ân, và đãi tiệc cho hết thảy tôi tớ mình.
1 Các vua 3:3-15
Nếu muốn có sự bình an nhiều hơn trong đời sống, chúng ta phải bước đi trong sự vâng phục với TRỜI và cầu xin sự khôn ngoan thiên thượng, từ đó chúng ta sẽ tìm thấy sự bình an trong các mối quan hệ với những người khác. Thành quả của một chức vụ lãnh đạo khôn ngoan của Sa-lô-môn được Kinh Thánh ghi lại:
20 Dân Giu-đa và Y-sơ-ra-ên đông như cát trên bờ biển, ăn uống và vui chơi. 21 Sa-lô-môn cai trị trên các nước, từ sông cái cho đến xứ Phi-li-tin, cho đến ranh Ê-díp-tô. Các nước ấy đều tiến cống và phục Sa-lô-môn trọn đời người.
22 Lương thực của nhà Sa-lô-môn cần dùng trong mỗi ngày là: Ba mươi cô-rơ bột miến lọc, và sáu mươi cô-rơ bột miến thường, 23 mười con bò mập, hai mươi con bò nơi đồng cỏ, và một trăm con chiên, không kể nai đực, hoàng dương, cà tong, và vịt gà nuôi mập. 24 Vả lại, Sa-lô-môn cai trị trên các xứ ở bên nầy sông, trên các vua của mấy xứ đó, từ Típ-sắc cho đến Ga-xa; và người hòa hảo với các dân ở bốn phía. 25 Trọn đời vua Sa-lô-môn trị vì, dân Giu-đa và Y-sơ-ra-ên ăn ở yên ổn vô sự từ Đan cho đến Bê-e-Sê-ba, ai nấy đều ở dưới cây nho và cây vả mình.
1 Các vua 4:20-25
Sống trong sự bình an với người khác là một bài học trắc nghiệm. Vì cảm xúc và “khẩu vị” của chúng ta là khác nhau. Và thông thường là luôn có những xung đột giữa vòng chúng ta. Hội thánh thời Tân ước là một sự tổng hợp giữa người Do Thái từ Do Thái giáo trở về với Phúc Âm và dân ngoại bang đã qui đạo. Giữa vòng cộng động này có những xung đột về giáo lý, vì thế sứ đồ Phao-lô đã hướng dẫn hội thánh đi theo những nguyên tắc khôn ngoan được bày tỏ từ TRỜI. Trong thư tín Rô-ma, ông đã lý giải phương cách để tìm kiếm sự bình an giữa vòng cộng đồng Cơ đốc khi họ có những quan điểm trái chiều.
1 Hãy bằng lòng tiếp lấy kẻ kém đức tin, chớ cãi lẫy về sự nghi ngờ. 2 Người nầy tin có thể ăn được cả mọi thứ; người kia là kẻ yếu đuối, chỉ ăn rau mà thôi. 3 Người ăn chớ khinh dể kẻ không ăn; và người không ăn chớ xét đoán kẻ ăn, vì Đức Chúa Trời đã tiếp lấy người. 4 Ngươi là ai mà dám xét đoán tôi tớ của kẻ khác? Nó đứng hay ngã, ấy là việc chủ nó; – song nó sẽ đứng, vì Chúa có quyền cho nó đứng vững vàng. – 5 Người nầy tưởng ngày nầy hơn ngày khác, kẻ kia tưởng mọi ngày đều bằng nhau; ai nấy hãy tin chắc ở trí mình. 6 Kẻ giữ ngày là giữ vì Chúa; kẻ ăn là ăn vì Chúa, vì họ tạ ơn Đức Chúa Trời; kẻ chẳng ăn cũng chẳng ăn vì Chúa, họ cũng tạ ơn Đức Chúa Trời.
7 Vả, chẳng có người nào trong chúng ta vì chính mình mà sống, cũng chẳng có người nào trong chúng ta vì chính mình mà chết; 8 vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy nên chúng ta hoặc sống hoặc chết, đều thuộc về Chúa cả. 9 Đấng Christ đã chết và sống lại, ấy là để làm Chúa kẻ chết và kẻ sống. 10 Nhưng ngươi, sao xét đoán anh em mình? Còn ngươi, sao khinh dể anh em mình? Vì chúng ta hết thảy sẽ ứng hầu trước tòa án Đức Chúa Trời. 11 Bởi có chép rằng:
Chúa phán: Thật như ta hằng sống, mọi đầu gối sẽ quì trước mặt ta,
Và mọi lưỡi sẽ ngợi khen Đức Chúa Trời.
12 Như vậy, mỗi người trong chúng ta sẽ khai trình việc mình với Đức Chúa Trời.
13 Vậy chúng ta chớ xét đoán nhau; nhưng thà nhứt định đừng để hòn đá vấp chân trước mặt anh em mình, và đừng làm dịp cho người sa ngã. 14 Tôi biết và tin chắc trong Đức Chúa Jêsus rằng, chẳng có vật gì vốn là dơ dáy; chỉn có ai tưởng vật nào là dơ dáy, thì nó là dơ dáy cho người ấy mà thôi. 15 Vả, nếu vì một thức ăn, ngươi làm cho anh em mình lo buồn, thì ngươi chẳng còn cư xử theo đức yêu thương nữa. Chớ nhân thức ăn làm hư mất người mà Đấng Christ đã chịu chết cho. 16 Vậy chớ để sự lành mình trở nên cớ gièm chê. 17 Vì nước Đức Chúa Trời chẳng tại sự ăn uống, nhưng tại sự công bình, bình an, vui vẻ bởi Đức Thánh Linh vậy. 18 Ai dùng cách ấy mà hầu việc Đấng Christ, thì đẹp lòng Đức Chúa Trời và được người ta khen. 19 Vậy chúng ta hãy tìm cách làm nên hòa thuận và làm gương sáng cho nhau.
20 Chớ vì một thức ăn mà hủy hoại việc Đức Chúa Trời. Thật mọi vật là thanh sạch; nhưng ăn lấy mà làm dịp cho kẻ khác vấp phạm, thì là ác. 21 Điều thiện ấy là đừng ăn thịt, đừng uống rượu, và kiêng cữ mọi sự chi làm dịp vấp phạm cho anh em mình. 22 Ngươi có đức tin chừng nào, hãy vì chính mình ngươi mà giữ lấy trước mặt Đức Chúa Trời. Phước thay cho kẻ không định tội cho mình trong sự mình đã ưng! 23 Nhưng ai có lòng nghi ngại về thức ăn nào, thì bị định tội rồi, vì chẳng bởi đức tin mà làm; vả, phàm làm điều chi không bởi đức tin thì điều đó là tội lỗi.
15
1 Vậy chúng ta là kẻ mạnh, phải gánh vác sự yếu đuối cho những kẻ kém sức, chớ làm cho đẹp lòng mình. 2 Mỗi người trong chúng ta nên làm đẹp lòng kẻ lân cận mình, đặng làm điều ích và nên gương tốt. 3 Vì Đấng Christ cũng không làm cho đẹp lòng mình, như có chép rằng: Lời của những kẻ nguyền rủa Chúa đã đổ trên mình tôi
Rô-ma 14:1-15:13
CÂU HỎI THẢO LUẬN
Những “vấn đề dễ gây tranh cãi” là khi có nhiều quan điểm về vấn đề đó. Vì vậy mỗi chúng ta phải quyết định quan điểm của mình với sự tin chắc, trong khi tôn trọng quan điểm của người khác. Những “vấn đề gây tranh cãi” cho các Cơ đốc nhân hôm nay là gì?
BÌNH AN VỚI BẢN THÂN (SỰ BÌNH AN NỘI TÂM)
Là những người noi theo dấu chân của Christ, chúng ta phải chuẩn bị giải quyết những rắc rối với thế giới chung quanh bằng sự sống của Đức Chúa Trời bên trong chúng ta. Trong câu chuyện sau đây Chúa Giê-su đã dạy các môn đồ tìm thấy sự bình an bởi đức tin khi đối diện với những tình huống sóng gió.
35 Đến chiều ngày ấy, Ngài phán cùng môn đồ rằng: Chúng ta hãy qua bờ bên kia. 36 Khi cho dân chúng tan về rồi, Đức Chúa Jêsus cứ ở trong thuyền, và môn đồ đưa Ngài đi; cũng có các thuyền khác cùng đi nữa. 37 Vả, có cơn bão lớn nổi lên, sóng tạt vào thuyền, đến nỗi gần đầy nước; 38 nhưng Ngài đương ở đằng sau lái, dựa gối mà ngủ. Môn đồ thức Ngài dậy mà thưa rằng: Thầy ôi, thầy không lo chúng ta chết sao? 39 Ngài bèn thức dậy, quở gió và phán cùng biển rằng: Hãy êm đi, lặng đi! Gió liền dứt và đều yên lặng như tờ. 40 Đoạn, Ngài phán cùng môn đồ rằng: Sao các ngươi sợ? Chưa có đức tin sao? 41 Môn đồ kinh hãi lắm, nói với nhau rằng: Vậy thì người nầy là ai, mà gió và biển cũng đều vâng lịnh người?
Mác 4:35-41
CÂU HỎI THẢO LUẬN
Bạn đã từng trải nghiệm Chúa Giê-su dẹp tan một cơn bão (một tình huống khó khăn) trong cuộc sống? Ngài đã làm điều đó như thế nào?
🙂
Sự lo lắng sẽ lấy đi sự bình an bên trong của chúng ta. Lo lắng không chỉ khiến chúng ta khó tìm được giấc ngủ ngon, mà còn làm chúng ta bồn chồn như đứng trên bờ vực thẳm suốt ngày. Chúa Giê-su là Hoàng tử bình an đã nhắc nhở rằng Cha thiên thượng chăm sóc cho từng nhu cầu của mỗi chúng ta:
25 Vậy nên ta phán cùng các ngươi rằng: Đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân thể mình mà lo đồ mặc. Sự sống há chẳng quí trọng hơn đồ ăn sao, thân thể há chẳng quí trọng hơn quần áo sao? 26 Hãy xem loài chim trời: Chẳng có gieo, gặt, cũng chẳng có thâu trữ vào kho tàng, mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó. Các ngươi há chẳng phải là quí trọng hơn loài chim sao? 27 Vả lại, có ai trong vòng các ngươi lo lắng mà làm cho đời mình được dài thêm một khắc không? 28 Còn về phần quần áo, các ngươi lại lo lắng mà làm chi? Hãy ngắm xem những hoa huệ ngoài đồng mọc lên thể nào; chẳng làm khó nhọc, cũng không kéo chỉ; 29 nhưng ta phán cùng các ngươi, dẫu vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không được mặc áo tốt như một hoa nào trong giống đó. 30 Hỡi kẻ ít đức tin, loài cỏ ngoài đồng, là giống nay còn sống, mai bỏ vào lò, mà Đức Chúa Trời còn cho nó mặc đẹp thể ấy thay, huống chi là các ngươi! 31 Ấy vậy, các ngươi chớ lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? Uống gì? Mặc gì? 32 Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi. 33 Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa. 34 Vậy, chớ lo lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy.
Ma-thi-ơ 6:25-34
CÂU HỎI THẢO LUẬN
Chúa Giê-su đã dạy gì về sự lo lắng?
Sứ đồ Phao-lô viết thư cho các tín hữu tại hội thánh Phi-líp, trong đó ông đề cập đến “sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết.”
4 Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại còn nói nữa: hãy vui mừng đi. 5 Hãy cho mọi người đều biết nết nhu mì của anh em. Chúa đã gần rồi. 6 Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời. 7 Sự bình an của Đức Chúa Trời Vượt Quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ.
8 Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thanh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến. 9 Hễ sự gì anh em đã học, đã nhận, đã nghe ở nơi tôi, và đã thấy trong tôi, hãy làm đi, thì Đức Chúa Trời của sự bình an sẽ ở cùng anh em.
Phi-líp 4:4-9
CÂU HỎI THẢO LUẬN
Lời dạy của Phao-lô khi nói về sự lo phiền là gì? Hãy tìm ra sự bổ túc với nhau trong những lời dạy của Chúa Giê-su và Phao-lô về chủ đề này?
ĐIỀU CHÚNG TA TIN
Sự cảm nhận bình an bên trong sẽ tự động tuôn chảy khi chúng ta có mối quan hệ phải lẽ, đúng đắn với TRỜI và thế giới chung quanh. Điều quan trọng nhất là được phục hòa mối quan hệ với Đức Chúa Trời thông qua Chúa Giê-su Christ. Khi chúng ta tiếp nhận ơn cứu rỗi của Đấng Christ, sự xung đột giữa chúng ta với TRỜI bị loại trừ. Mối quan hệ hệ phục hòa giữa chúng ta với Ngài trở thành nguồn của sự bình an trong các mối quan hệ của chúng ta với người khác.
Nếp sống đạo của chúng ta trưởng thành trong mối quan hệ ngày càng sâu nhiệm với TRỜI và mở rộng ra với những người chung quanh. Thánh Linh của Đức Chúa Trời giúp đỡ chúng ta sống bình an với mọi người. Chúng ta cũng trải nghiệm sự bình an cá nhân khi tiếp nhận tình yêu của TRỜI và sự tha thứ của Ngài. Điều này đòi hỏi chúng ta trao phó mọi gánh nặng và lo toan cho Đấng gánh thay chúng ta. Khi làm như thế chúng ta công bố rằng Đức Chúa Trời lớn hơn những nan đề của chúng ta. Và rồi chúng ta sẽ trải nghiệm điều Phao-lô nói:
“Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ.” (Phi-líp 4:7)
Translated by Huong Di