Theo trang web https://joshuaproject.net/countries/VM, Việt Nam hiện nay có hơn 95 triệu người, 118 nhóm ngữ tộc (Kinh và các dân thiểu số), trong đó có 69 nhóm chưa từng nghe đến Chúa Giê-su. Tỷ lệ tín đồ Phật tử trong cả nước là 52.1%, Công giáo 9.6%, Tin Lành 1.83% (nhưng hơn phân nửa là người dân tộc). Như thế, tín đồ Tin Lành người Kinh chỉ khoảng có 872 ngàn người mà thôi. Sau 106 năm Tin Lành đến Việt Nam, con số này thật là khiêm nhường, chưa đến 1% của dân số, so với 52.1% là Phật tử (dù có thực hành hay không). Chúng ta cần phải làm gì để có thể đem Tin Lành đến cho 90% người Việt chưa tin Chúa Giê-su?
Đáng tiếc là các hệ phái Tin Lành ở Việt Nam, nhất là các vị lãnh đạo, chưa thấy thực trạng trên, nên họ chỉ nghĩ đến phạm vi nhỏ của hội thánh hay của giáo hội họ mà thôi. Tinh thần chia rẽ, kỳ thị, cạnh tranh, ích kỷ vẫn còn chế ngự tâm linh của người Tin Lành và người lãnh đạo. Chúng ta cần phải dẹp bỏ các tư tưởng hẹp hòi, giáo phái, ích kỷ để cùng nhau cộng tác đem tin mừng của Chúa Giê-su đến mọi miền của nước Việt. Nếu chúng ta không làm điều này, ai sẽ làm thay cho chúng ta? Chẳng lẽ chúng ta chờ đợi người Mỹ, người Đại hàn, làm việc này hay sao? Những gì các giáo sĩ Mỹ và các hội thánh Mỹ đã giúp cho chúng ta chưa đủ hay sao? Những tấm gương đức tin ngời sáng của người Đại hàn chưa thức tỉnh chúng ta hay sao? Người tốt nhất để nói về Chúa Giê-su cho một người Việt chưa biết Chúa là một người Việt đã biết và tin Chúa Giê-su.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn khích lệ quý tín hữu, quý mục sư, quý lãnh đạo các hội thánh Báp-tít Việt Nam ở Bắc Mỹ hay ở bất cứ nơi nào, hãy đẩy mạnh tinh thần truyền giáo của người Việt cho người Việt trong hội thánh của mình. Nếu tất cả các mục sư, lãnh đạo, tín hữu Báp-tít cam kết làm điều này, chúng ta sẽ có những bước tiến mạnh mẽ trong một vài năm sắp đến. Chúa sẽ vui lòng và ban phước cho chúng ta, hội thánh, và Liên Hữu Báp-tít chúng ta.
Cách nào đẩy mạnh tinh thần truyền giáo trong hội thánh? Có những việc chúng ta nên làm và nên cổ động hội thánh cùng làm:
1. Cầu nguyện: Nhiều khi chúng ta nói cầu nguyện nhưng không làm, hay chỉ làm có lệ mà thôi. Nên cầu nguyện cá nhân, ban lãnh đạo, mục sư đoàn, khi thờ phượng, khi học Kinh thánh, bất cứ khi nào có nhóm họp lại, thì nên có cầu nguyện cho hơn 94 triệu linh hồn sẽ hư mất nếu không nhận biết Chúa Giê-su. Đừng để những lời nói chỉ trích (sao nói hoài về truyền giáo vậy) ngăn trở sự cầu nguyện này. Cầu nguyện cho các giáo sĩ bằng tên (đang ở đầu chiến tuyến thuộc linh), cầu nguyện theo từng tỉnh hay thành phố. Hãy bao phủ toàn cõi nước Việt bằng lời cầu nguyện xin Chúa cứu dân tộc Việt Nam chúng con.
2. Dâng hiến: Mọi người, già trẻ lớn bé, nam phụ lão ấu, đều có thể dâng hiến vào công tác cứu rỗi này. Hội thánh nên có ngân sách truyền giáo cho Giáo Hội Báp-tít Mỹ nhưng cũng cần có cho VMB, cơ quan truyền giáo của người Báp-tít Việt Nam. Khi vào ngân sách thì khỏi phải xin thỉnh thoảng, bị chỉ trích là xin tiền hoài, thủ quỹ chỉ cần ký check gởi đi. Cũng nên có dâng hiến truyền giáo trong nhóm các thiếu nhi (để tập các em quan tâm truyền giáo và đóng góp cụ thể), Ban Phụ Nữ, Ban Nam Giới, Ban Thanh Niên. Hướng dẫn cách nào để họ có thể dâng hiến cho truyền giáo nhưng không ảnh hưởng đến dâng hiến chung của hội thánh (bớt đi ăn ngoài, cắt bớt những tiêu xài phung phí, v.v.) Nếu để ý thì có cả trăm cách để có tiền dâng cho truyền giáo mà không có khó khăn gì.
3. Làm chứng cá nhân: Nếu chúng ta không thường xuyên làm chứng cá nhân thì chúng ta sẽ “quên” tình trạng hư mất của người chung quanh. Chúng ta không cần phải làm chứng thành công (dĩ nhiên là nếu thành công thì quá tốt), nhưng làm chứng như là nhắc nhở chính mình rằng nhiều người đang làm việc này ở Việt Nam cần sự cộng tác của chúng ta. Ngày hôm nay, tín hữu sợ làm chứng, dần dần trở thành khó khăn, không dám, không muốn làm chứng. Hãy tổ chức các buổi huấn luyện ôn lại các cách làm chứng, sau đó đi ra thực hành, thành công hay không là do Chúa. Hãy nhắc nhở trong các bài giảng, bài học (có ích gì khi chúng ta học từ năm này qua năm nọ nhưng hội thánh không có người mới).
4. Giáo dục về truyền giáo và chứng đạo cá nhân: Giao trách nhiệm cho một người học biết về các tấm gương truyền giáo xưa và nay (người Mỹ hay người Việt, tín đồ hay giáo sĩ) và cho họ có 5 phút trong mỗi chương trình thờ phượng mỗi Chúa nhật để chia sẻ về tấm gương này (có thể chiếu video, PowerPoint, đọc một đoạn tiểu sử, v.v.) Đây là cách để con cái Chúa ghi nhận vào tâm khảm họ, Chúa sẽ nhắc nhở, cáo trách, hay dứt dấy họ làm chứng và hỗ trợ truyền giáo. Chúng ta có hàng trăm tấm gương truyền giáo chỉ riêng trong giáo hội Báp-tít chúng ta, và các tấm gương của người Tin Lành CM&A và các giáo phái khác nữa. VMB có thể cung cấp các dữ kiện này cho quý vị.
5. Mời giáo sĩ đến làm chứng và giảng dạy: Khi nào có dịp, mời một giáo sĩ đến chia sẻ với hội thánh. Bà giáo sĩ có thể chia sẻ với phụ nữ và các thanh thiếu niên, ông giáo sĩ giảng và chia sẻ với nam giới. Nên dành nhiều thì giờ để họ nói chuyện với các bạn trẻ, vì họ có tiềm năng phục vụ nhiều hơn là những người lớn tuổi. Chúng ta thường nhịn ăn cho con mình ăn ngon, mình sao cũng được, nhưng lại không nghĩ đến dành thức ăn thuộc linh ngon cho thế hệ trẻ trong hội thánh khi giáo sĩ đến thăm viếng hội thánh mình.
6. Gia nhập các nhóm truyền giáo ở địa phương: Khi nói đến chứng đạo và truyền giáo, tại sao chúng ta phải đi cả ngàn dặm để làm, trong khi cơ hội tràn đầy chỉ cách chúng ta vài chục dặm mà thôi? Hãy liên lạc với giáo hội quận (association), giáo hội tiểu bang (state convention), giáo hội liên bang (SBC hay NAMB), họ luôn có những cơ hội truyền giáo địa phương, giúp người nghèo, v.v. để chúng ta làm chung cả hội thánh với nhau. Khi trở về hội thánh, quảng bá để nhiều người khác tham gia, dần dần hội thánh sẽ có hùng khí chứng đạo và truyền giáo. Càng hướng ngoại nhiều chừng nào, hội thánh sẽ càng ít nan đề chừng đó, và Chúa lại ban phước nhiều cho hội thánh.
7. Tham dự các chuyến đi truyền giáo: Hãy tổ chức đi ra chứng đạo trong một khu người Việt gần hội thánh mình. Hãy tham gia các chuyến truyền giáo tại địa phương gần hội thánh mình. Hãy tham gia các chuyến truyền giáo trong tiểu bang hay ở tiểu bang kế bên. Sau đó, hãy cầu nguyện, để dành tiền, lấy ngày nghỉ đi truyền giáo nước ngoài. Phải đòi hỏi mục sư hay lãnh đạo hội thánh liên lạc với Liên Hữu, với VMB về các chuyến truyền giáo đi Mã-lai, Campuchia, Đài Loan, Đại Hàn, ba miền nước Việt Nam, và nhiều nơi khác nữa. Những người đã đi một lần, Chúa làm việc trong lòng họ, họ trở về với một quyết tâm phục vụ và truyền giáo mạnh mẽ hơn. Thành ngữ Việt Nam có câu, “Có thấy thì lòng mới dấy” (dứt dấy, quan tâm, nặng lòng). Khi về, làm chứng, kêu gọi, khích lệ truyền giáo trong hội thánh mình.
Sau chiến tranh Triều Tiên năm 1953, dân Nam Hàn thấy hiểm họa mất nước và việc giữ nước là một việc lớn đòi hỏi toàn dân cùng làm. Họ phát động phong trào yêu nước, từ chính quyền đến gia đình, cá nhân, mọi người đồng lòng đoàn kết để giữ nước. Cùng một tấm lòng đó, họ đã đem Tin Lành đến toàn cõi Nam Hàn, ngày hôm nay số người tin Chúa ở Nam Hàn hơn số tín đồ Phật giáo, đã góp phần biến đổi Nam Hàn từ một nước nhược tiểu trở thành một cường quốc kinh tế ở Á châu. Khi nhìn con số khổng lồ hơn 94 triệu người ở Việt Nam chưa biết Chúa Giê-su, chúng ta không nản lòng nhưng cương quyết đoàn kết, cộng tác để cứu vớt những linh hồn này. Hãy bắt đầu với chính mình, gia đình mình, hội thánh mình và toàn thể Liên Hữu Báp-tít chúng ta. Hãy cộng tác với VMB để làm công việc lớn lao này. Những con số người Việt chưa tin Chúa có làm bạn suy nghĩ gì không?
Mục sư Trần Lưu Chuyên