Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / CHÚNG TÔI TIN – chương 8

CHÚNG TÔI TIN – chương 8

CHÚNG TÔI TIN – chương 7

Chương 8.    LÒNG THƯƠNG XÓT

CÂU HỎI CHÌA KHÓA
Bạn lý giải thế nào về người nghèo và những bất công trong thế giới?

Ý TƯỞNG CHÌA KHÓA
Tôi tin rằng Đức Chúa Trời kêu gọi tất cả các Cơ đốc nhân bày tỏ lòng thương xót với những người khốn cùng.

CÂU CHÌA KHÓA
Hãy đoán xét kẻ khốn cùng và người mồ côi;
Hãy xử công bình cho người buồn rầu và kẻ túng ngặt.
Khá cứu vớt kẻ khốn cùng và người thiếu thốn,
Giải họ khỏi tay kẻ ác.
Thi thiên 82:3-4 .

HƯỚNG ĐI CỦA CẢ CHƯƠNG
Tất cả mọi người đều có giá trị như nhau trước mặt Đức Chúa Trời. Ngài kêu gọi chúng ta phải nhìn xem và đánh giá con người theo như cách Ngài đánh giá họ. Lòng thương xót là một cảm xúc nhạy bén trước nỗi đau của người đồng loại. “Lòng thương xót” mang ý nghĩa “cùng chịu đau đớn với” một ai đó. Điều này không có nghĩa là chúng ta điều chỉnh, sửa chữa nỗi đau của người khác, nhưng là bước vào bên trong nỗi đau của họ. Khi chúng ta thực hành niềm tin Cơ đốc, Đức Chúa Trời kêu gọi mỗi tín nhân bày tỏ lòng thương xót với người khác, đặc biệt là những người cùng khốn. Đây không phải là: “hãy làm như tôi nói, nhưng đừng theo cách tôi làm”. Hãy học biết Đức Chúa Trời đầy sự nhân từ và thương xót. Chúng ta sẽ bắt đầu từ điểm này.

Trong chương này chúng ta sẽ học:
– Đức Chúa Trời: Đầy dẫy sự thương xót và công bằng
– Israel: Được kêu gọi đến sự thương xót
– Chúa Giê-su: Gương mẫu của sự thương xót
– Các tín nhân: Được kêu gọi tiếp tục bày tỏ sự thương xót

ĐỨC CHÚA TRỜI: ĐẦY SỰ THƯƠNG XÓT VÀ CÔNG BẰNG
Tuyển dân Israel đã tranh chiến với việc tuân giữ luật pháp trong suốt lịch sử của họ. Có lúc họ đi theo Đức Chúa Trời, nhưng rồi họ cũng bội nghịch và phản loạn. Mặc dù vậy, tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho họ vẫn không thay đổi. Trong những phần Kinh Thánh tiếp theo sau, chúng ta sẽ thấy tuyển dân ở trong một chu kỳ vòng tròn: trung tín/phản nghịch/bị đoán phạt/được cứu. .

CÂU HỎI THẢO LUẬN
Hãy tìm ra các phương cách mà Đức Chúa Trời bày tỏ cả sự thương xót và phán xét trên tuyển dân Israel khi bạn đọc sách Nê-hê-mi? Đức Chúa Trời đã bày tỏ sự thương xót đối với bạn theo cách nào?
25 Họ chiếm lấy những thành bền vững, và ruộng đất màu mỡ, được những nhà đầy các vật tốt lành, những giếng đào, vườn nho, vườn ô-li-ve, và cây trái rất nhiều; chúng ăn, bèn được no nê, và mập béo, vui lòng trong sự nhân từ lớn lao của Chúa.
26 Dầu vậy, chúng chẳng vâng theo, bèn phản nghịch với Chúa, ném bỏ luật pháp Chúa sau lưng, giết các đấng tiên tri của Chúa, là người làm chứng nghịch cùng họ đặng đem họ trở lại cùng Chúa; song chúng lại chọc giận Chúa nhiều thay. 27 Vì vậy, Chúa phó họ vào tay cừu địch của họ; chúng nó hà hiếp họ. Trong thời hoạn nạn chúng kêu cầu cùng Chúa, thì từ các từng trời Chúa có nghe đến; theo lòng nhân từ lớn lao của Chúa, Chúa bèn ban cho những đấng giải cứu để cứu chúng khỏi tay kẻ cừu địch mình.
28 Nhưng khi chúng được an tịnh, bèn khởi làm lại điều ác trước mặt Chúa; vì vậy, Chúa bỏ chúng vào tay kẻ thù nghịch để quản hạt chúng; song khi chúng trở lại, kêu cầu cùng Chúa, thì Chúa từ trên trời nghe đến, và vì lòng thương xót Chúa, nên giải cứu chúng nhiều lần.
Nê-hê-mi 9:25-28

jesus-crucify-8456203

Sự bày tỏ vĩ đại nhất về lòng thương xót của TRỜI dành cho chúng ta là Ngài đã phó Con Ngài – Chúa Giê-su chết thay cho chúng ta trên thập tự giá. Hành động này của Đức Chúa Trời đồng thời bày tỏ cả sự thương xót và sự phán xét. Chúng ta biết điều này: TRỜI là thánh khiết và công bình. Tội lỗi cần phải được trả giá, vì vậy Ngài đã trả giá đó của tội lỗi bằng chính Con Ngài. Trên thập tự giá Chúa Giê-su đã trả giá thế cho chúng ta. Vì vậy sự phán xét và lòng thương xót của Chúa có điểm để giao thoa. Ngài thỏa lòng! Chúa Giê-su đã đền tội cho chúng ta, (lẽ ra chúng ta phải ở vào vị trí đó, vì chúng ta xứng đáng bị như vậy). Đó là bức tranh hoàn hảo về lòng thương xót và sự phán xét của TRỜI với chúng ta. Chúa Giê-su chết để cho chúng ta con đường sống!

23 vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, 24 và họ nhờ ân điển Ngài mà được xưng công bình nhưng không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Jêsus Christ, 25 là Đấng Đức Chúa Trời đã lập làm của lễ chuộc tội, bởi đức tin trong huyết Đấng ấy. Ngài đã bày tỏ sự công bình mình như vậy, vì đã bỏ qua các tội phạm trước kia, 26 trong buổi Ngài nhịn nhục; tức là Ngài đã tỏ sự công bình Ngài trong thời hiện tại, tỏ ra mình là công bình và xưng công bình kẻ nào tin đến Đức Chúa Jêsus.
Rô-ma 3:23-26
9 Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống. 10 Nầy, sự yêu thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta.
1 Giăng 4:9-10

ISRAEL: ĐƯỢC KÊU GỌI ĐẾN SỰ THƯƠNG XÓT
Đức Chúa Trời muốn sự thương xót trở thành nhãn hiệu đặc trưng của của Israel. Tuyển dân là một dân tộc được thương xót. Đó là lý do vì sao luật pháp được ban cho Môi-se truyền lại cho Israel đã có rất nhiều chỉ dẫn phải hỗ trợ và giúp đỡ những người khốn cùng.

CÂU HỎI THẢO LUẬN
Những lý do nào khiến cho sách Phục truyền luật lệ ký đưa ra những chỉ dẫn về cách đối đãi với người khác bằng sự thương xót? Hãy tóm tắt những luật lệ này thành một ý tưởng chính?

10 Khi ngươi cho kẻ lân cận mướn một vật chi, chớ vào nhà người đặng lãnh lấy của cầm người; 11 phải đứng ở ngoài, người mà mình cho mướn đó, sẽ đem của cầm ra ngoài đưa cho. 12 Nhược bằng một người nghèo, chớ lấy của cầm người mà đi ngủ. 13 Khá trả cho người trước khi mặt trời lặn, hầu cho người ngủ có áo xống đắp, và chúc phước cho ngươi; ấy sẽ kể cho ngươi là công bình trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi.
14 Ngươi chớ hà hiếp kẻ làm mướn nghèo khổ và túng cùng, bất luận anh em mình hay là khách lạ kiều ngụ trong xứ và trong thành ngươi. 15 Phải phát công giá cho người nội trong ngày đó, trước khi mặt trời lặn; vì người vốn nghèo khổ, trông mong lãnh công giá ấy. Bằng không, người sẽ kêu đến Đức Giê-hô-va về ngươi, và ngươi sẽ mắc tội.
Phục truyền 24:10-15

17 Chớ đoán xét bất công khách lạ hay là kẻ mồ côi; và chớ chịu cầm áo xống của người góa bụa. 18 Khá nhớ rằng mình đã làm tôi mọi nơi xứ Ê-díp-tô, và Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã chuộc ngươi khỏi đó. Cho nên ta dặn biểu ngươi phải làm như vậy.
19 Khi ngươi gặt trong đồng ruộng, quên một nắm gié lúa ở đó, thì chớ trở lại lấy. Nắm gié ấy sẽ về phần khách lạ, kẻ mồ côi, và người góa bụa, hầu cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban phước cho ngươi trong mọi công việc của tay ngươi làm. 20 Khi ngươi rung cây ô-li-ve mình, chớ mót những trái sót trên nhánh; ấy sẽ về phần khách lạ, kẻ mồ côi, và người góa bụa. 21 Khi ngươi hái nho mình, chớ mót chi còn sót lại; ấy sẽ về phần khách lạ, kẻ mồ côi, và người góa bụa.
22 Khá nhớ rằng mình đã làm tôi mọi trong xứ Ê-díp-tô; bởi cớ ấy, ta dặn biểu ngươi phải làm như vậy.
Phục truyền 24:17-22

Môi-se đã truyền cho Israel những luật lệ trên vào khoảng năm 1400 trước Công Nguyên trong khi tuyển dân còn lang thang trong đồng vắng. Vài thế kỷ sau đó, trong thời các quan xét, những luật này được tái hiện trong câu chuyện của Ru-tơ.
Vì nạn đói xảy ra, vợ chồng bà Na-ô-mi và hai con trai của họ phải di chuyển đến Mô-áp. Tại đó, hai con trai của Na-ô-mi kết hôn với hai thiếu nữ ngoại bang. Không bao lâu sau đó, chồng và hai con trai của Na-ô-mi đều chết. Khi cơn đói kém đã qua, Na-ô-mi và người con dâu Ru-tơ quyết định trở về quê hương Bết-le-hem. Cả hai phụ nữ này không chồng không con trở về quê với thập phần khó khăn trong buổi ban đầu.
Một ngày kia Na-ô-mi ra đồng mót lúa trong ruộng của Bô-ô. Những luật lệ từ sách Phục truyền được tuyển dân – mà đặc biệt là Bô-ô áp dụng trong thời điểm này. Đó là những bông lúa sót trong ruộng phải thuộc về những người cùng khốn, và thợ gặt không được lấy nó đi. Ru-tơ được ơn trước mặt Bô-ô, nên nàng được Bô-ô ban cho những ân huệ đặc biệt. Và câu chuyện tình duyên của hai người này đã có một kết thúc có hậu.

images (1)

1 Na-ô-mi có một người bà con bên chồng, người có quyền thế và giàu, về họ hàng Ê-li-mê-léc; tên người là Bô-ô.
2 Ru-tơ, người Mô-áp, thưa cùng Na-ô-mi rằng: Xin để cho con đi ra ngoài ruộng, đặng mót gié lúa theo sau kẻ sẵn lòng cho con mót. Na-ô-mi đáp: Hỡi con, hãy đi đi. 3 Vậy, Ru-tơ đi theo sau các con gặt mà mót trong một ruộng kia. Té ra may cho nàng gặp sở đất của Bô-ô, về họ hàng Ê-li-mê-léc.
4 Vả, nầy Bô-ô ở Bết-lê-hem đến, nói cùng các con gặt rằng: Nguyện Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi! Chúng đáp: Nguyện Đức Giê-hô-va ban phước cho ông! 5 Đoạn, Bô-ô nói cùng đầy tớ coi sóc các con gặt rằng: Người gái trẻ nầy là con của ai? 6 Người đầy tớ coi sóc các con gặt đáp rằng: Ấy là người gái trẻ Mô-áp ở từ xứ Mô-áp trở về cùng Na-ô-mi; 7 nàng có nói cùng chúng tôi rằng: Xin cho phép tôi đi sau các con gặt mà mót và lượm nơi giữa các bó lúa. Nàng đã đến từ sáng, đứng mót cho đến bây giờ, trừ ra có nghỉ dưới chòi một chút. 8 Bô-ô nói cùng Ru-tơ rằng: Hỡi con gái ta, hãy nghe, chớ đi mót trong ruộng khác, và cũng đừng xa khỏi chỗ nầy. Hãy ở cùng các tớ gái ta; 9 xem người ta gặt trong ruộng ở nơi nào, thì hãy đi theo đó. Ta đã cấm các đầy tớ ta đụng đến nàng. Nếu có khát, hãy đi uống nước nơi bình của chúng sẽ múc cho.
10 Ru-tơ bèn sấp mình xuống dưới chân người, cúi đầu đến đất, mà thưa rằng: Vì duyên cớ nào tôi được ơn trước mặt ông, đến đỗi ông đoái xem tôi, vốn là một người ngoại bang? 11 Bô-ô đáp: Người ta có thuật cho ta nghe mọi điều nàng đã làm cho mẹ chồng nàng, từ khi chồng nàng chết, và cách nào nàng đã lìa cha mẹ, xứ sở sanh của nàng, đặng đi đến một dân tộc mà nàng không biết trước. 12 Nguyện Đức Giê-hô-va báo đáp điều nàng đã làm; nàng đã đến núp dưới cánh Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên; cầu xin Ngài thưởng cho nàng cách trọn vẹn. 13 Nàng thưa rằng: Hỡi chúa! Chúa đã an ủi và giục lòng kẻ tôi tớ chúa, cầu chúa lấy lòng ân huệ đãi tôi, dẫu rằng tôi không đồng bực cùng các tớ gái chúa!
Ru-tơ 2:1-13

19 Bà gia nói: Ngày nay, con có mót ở đâu? Con có làm việc ở đâu? Phước cho người đã nhận tiếp con! Nàng nói cho bà gia mình hay mình có làm việc nơi chủ nào. Nàng nói: Người chủ của nơi tôi có làm việc ngày nay, tên là Bô-ô. 20 Na-ô-mi đáp cùng dâu mình rằng: Nguyện Đức Giê-hô-va ban phước cho người, vì Ngài không dứt làm ơn cho kẻ sống và kẻ chết! Tiếp rằng: Người đó là bà con của chúng ta, vốn là trong những kẻ có quyền chuộc sản nghiệp ta lại.
Ru-tơ 2:19-20

9 Bấy giờ, Bô-ô nói cùng các trưởng lão và cả dân sự rằng: Ngày nay, các ông chứng kiến rằng tôi mua nơi tay Na-ô-mi mọi tài sản thuộc về Ê-li-mê-léc, về Ki-li-ôn, và về Mạc-lôn, 10 và cũng lấy Ru-tơ, người Mô-áp, vợ của Mạc-lôn, làm vợ tôi, đặng nối danh kẻ chết cho sản nghiệp người; hầu cho danh kẻ chết không mất khỏi giữa anh em mình và khỏi dân sự của thành người; ngày nay các ông làm chứng về điều đó. 11 Cả dân sự hiện ở nơi cửa, và các trưởng lão, đều đáp rằng: Chúng tôi làm chứng điều đó. Nguyện Đức Giê-hô-va làm cho người nữ vào nhà ngươi giống như Ra-chên và Lê-a, là hai người đã dựng nên nhà Y-sơ-ra-ên! Hãy trở nên cường thạnh nơi Ép-ra-ta và làm cho nổi danh ngươi trong Bết-lê-hem! 12 Nguyện con cháu ngươi mà Đức Giê-hô-va sẽ ban cho ngươi bởi người gái trẻ nầy, làm cho nhà ngươi giống như nhà của Pha-rết, mà Tha-ma đã sanh cho Giu-đa!
13 Như vậy, Bô-ô lấy Ru-tơ làm vợ, người đi lại cùng nàng; Đức Giê-hô-va làm cho nàng được thọ thai và sanh một con trai. 14 Các người đàn bà nói cùng Na-ô-mi rằng: Đáng ngợi khen Đức Giê-hô-va chẳng từ chối cho bà một người có quyền chuộc lại; nguyện danh của người trở nên sang trọng nơi Y-sơ-ra-ên! 15 Nó sẽ an ủi lòng bà, dưỡng già bà; vì ấy là dâu bà vẫn thương bà, đã sanh nó cho bà; nàng quí cho bà hơn bảy con trai. 16 Na-ô-mi bồng đứa trẻ, để vào lòng mình, và nuôi nó. 17 Những người nữ lân cận đặt tên cho nó là Ô-bết, mà rằng: Một đứa trai đã sanh cho Na-ô-mi. Ô-bết là cha của Y-sai, ông của Đa-vít.
Ru-tơ 4:9-17

Thật là một câu chuyện kỳ diệu minh họa cho lòng thương xót. Nhưng phước hạnh không dừng ở đó với Na-ô-mi và gia đình của bà. Từ tấm lòng nhân hậu thương xót của Bô-ô, một đứa trẻ được sinh ra. Đứa trẻ này dẫn đến vua Đa-vít. Và Chúa Giê-su, Cứu Chúa của chúng ta được sinh ra từ dòng dõi Đa-vít! Một hành động thương xót đơn lẻ của Bô-ô đã dẫn đến một kết quả hết sức kỳ diệu trải qua nhiều hế hệ.

CÂU HỎI THẢO LUẬN
Bằng cách nào mà Bô-ô đã bày tỏ đức tin của ông trong cách ông giúp đỡ Ru-tơ và Na-ô-mi? Có ai là Bô-ô trong cuộc đời bạn không? Bạn có bao giờ trở thành Bô-ô cho một ai đó?

CHÚA GIÊ-SU: GƯƠNG MẪU CỦA SỰ THƯƠNG XÓT
Chúa Giê-su, gương mẫu của sự thương xót đã kể một câu chuyện về người Sa-ma-ri nhân lành. Câu chuyện đề cập đến một trong hai luật chính của Cựu Ước: yêu thương người lân cận như chính bản thân mình. Chúa Giê-su chỉ ra không phải các chức sắc tôn giáo của Do thái giáo, mà chính là một người Sa-ma-ri không thuộc trực hệ của tuyển dân đã áp dụng và sống theo luật pháp của Đức Chúa Trời.

25 Bấy giờ, một thầy dạy luật đứng dậy hỏi đặng thử Đức Chúa Jêsus rằng: Thưa thầy, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời? 26 Ngài phán rằng: Trong luật pháp có chép điều gì? Ngươi đọc gì trong đó? 27 Thưa rằng: Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi; và yêu người lân cận như mình.
28 Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ngươi đáp phải lắm; hãy làm điều đó, thì đượcsống.
29 Song thầy ấy muốn xưng mình là công bình, nên thưa cùng Đức Chúa Jêsus rằng: Ai là người lân cận tôi? 30 Đức Chúa Jêsus lại cất tiếng phán rằng: Có một người từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô, lâm vào tay kẻ cướp, nó giựt lột hết, đánh cho mình mẩy bị thương rồi đi, để người đó nửa sống nửa chết. 31 Vả, gặp một thầy tế lễ đi xuống đường đó, thấy người ấy, thì đi qua khỏi. 32 Lại có một người Lê-vi cũng đến nơi, lại gần, thấy, rồi đi qua khỏi. 33 Song có một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần người đó, ngó thấy thì động lòng thương; 34 bèn áp lại, lấy dầu và rượu xức chỗ bị thương, rồi rịt lại; đoạn, cho cỡi con vật mình đem đến nhà quán, mà săn sóc cho. 35 Đến bữa sau, lấy hai đơ-ni-ê đưa cho chủ quán, dặn rằng: Hãy săn sóc người nầy, nếu tốn hơn nữa, khi tôi trở về sẽ trả. 36 Trong ba người đó, ngươi tưởng ai là lân cận với kẻ bị cướp? 37 Thầy dạy luật thưa rằng: Ấy là người đã lấy lòng thương xót đãi người. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy đi, làm theo như vậy.
Lu-ca 10:25-37

luke

Từ câu chuyện này, Chúa Giê-su muốn nói với những môn đồ của Ngài phải bày tỏ lòng thương xót theo như luật Môi-se dạy với những người đang cần sự giúp đỡ. Trong suốt chức vụ của mình, Chúa Giê-su luôn nói đến lòng thương xót đối với những người khốn cùng. Ngày dạy các môn đồ hành động thương xót hiện nay của họ sẽ còn lại đến đời đời. Khi Chúa Giê-su tái lâm Ngài sẽ tách biệt những người vâng lời Ngài với những ai không vâng lời. Phương cách mà chúng ta đối xử với những người khác chính là cách chúng ta đối xử với Chúa Giê-su.

34 Bấy giờ, vua sẽ phán cùng những kẻ ở bên hữu rằng: Hỡi các ngươi được Cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước thiên đàng đã sắm sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất. 35 Vì ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát, các ngươi đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta; 36 ta trần truồng, các ngươi mặc cho ta; ta đau, các ngươi thăm ta; ta bị tù, các ngươi viếng ta. 37 Lúc ấy, người công bình sẽ thưa rằng: Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đói, mà cho ăn; hoặc khát, mà cho uống? 38 Lại khi nào chúng tôi đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà mặc cho? 39 Hay là khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đau, hoặc bị tù, mà đi thăm viếng Chúa? 40 Vua sẽ trả lời rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy.
Ma-thi-ơ 25:34-40

CÂU HỎI THẢO LUẬN
Hãy diễn tả bằng lời của bạn: Có mối liên hệ nào giữa tình yêu dành cho Đức Chúa Trời và tình yêu dành cho người khác? Điều nào là khó khăn cho bạn khi phải bày tỏ tình yêu cho một ai đó cần sự thương xót?

CƠ ĐỐC NHÂN: TIẾP TỤC VỚI SỰ THƯƠNG XÓT
Cùng một nguyên tắc tương tự về sự thương xót được Đức Chúa Trời ban cho tuyển dân trong Cựu Ước, cũng được áp dụng cho các tín nhân trong Tân Ước. Sau sự chết và phục sinh của Chúa Giê-su, Gia-cơ là một người anh em của Chúa đã trở thành người lãnh đạo hội thánh ở Giê-ru-sa-lem và ông viết một lá thư gởi đến các hội thánh. Trong thư tác giả đề cập đến phương cách để sống giống như Chúa Giê-su. Nội dung của lá thư này vẫn còn được áp dụng trong mọi thời đại.

22 Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình. 23 Vì, nếu có kẻ nghe lời mà không làm theo, thì khác nào người kia soi mặt mình trong gương, 24 thấy rồi thì đi, liền quên mặt ra thể nào. 25 Nhưng kẻ nào xét kĩ luật pháp trọn vẹn, là luật pháp về sự tự do, lại bền lòng suy gẫm lấy, chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép tắc nó, thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời.
26 Nhược bằng có ai tưởng mình là tin đạo mà không cầm giữ lưỡi mình, nhưng lại lừa dối lòng mình, thì sự tin đạo của người hạng ấy là vô ích. 27 Sự tin đạo thanh sạch không vết, trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là: thăm viếng kẻ mồ côi, người góa bụa trong cơn khốn khó của họ, và giữ lấy mình cho khỏi sự ô uế của thế gian.
2.
1 Hỡi anh em, anh em đã tin đến Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa vinh hiển chúng ta, thì chớ có tây vị người nào. 2 Giả sử có người đeo nhẫn vàng, mặc áo đẹp, vào nơi hội anh em, lại có người nghèo, quần áo rách rưới, cũng vào nữa; 3 nếu anh em ngó kẻ mặc áo đẹp, mà nói rằng: Mời ngồi đây, là chỗ tử tế; lại nói với người nghèo rằng: Hãy đứng đó, hoặc ngồi dưới bệ chân ta, 4 thế có phải anh em tự mình phân biệt ra và lấy ý xấu mà xét đoán không?
Gia cơ 1:22 – 2:4
12 Hãy nói và làm dường như phải chịu luật pháp tự do đoán xét mình. 13 Sự đoán xét không thương xót kẻ chẳng làm sự thương xót; nhưng sự thương xót thắng sự đoán xét.
Gia cơ 2:12-13

CÂU HỎI THẢO LUẬN
Sứ đồ Gia-cơ dạy chúng ta phải có hành động và thái độ như thế nào trong phần Kinh Thánh trên? Bạn áp dụng và phát triển thái độ đó bằng cách nào? Giữa thái độ và hành động của bạn có mối quan hệ gì?

ĐIỀU CHÚNG TA TIN
Quan điểm của chúng ta về sự nghèo khổ và những bất công trong trong thế giới? Hãy bắt đầu với chính Đức Chúa Trời. Ngài bày tỏ lòng thương xót đối với con người bằng cách sai Chúa Giê-su đến thế gian đền tội chết thay cho chúng ta mặc dù chúng ta không xứng đáng. Xuyên qua lịch sử tuyển dân, chúng ta ngạc nhiên về sự thương xót của TRỜI dành cho họ, khi Ngài giải cứu họ khỏi kẻ thù và cung ứng cho họ mọi nhu cầu. Khuôn mẫu này cũng xảy ra trên mỗi cuộc đời chúng ta.
Đức Chúa Trời ban luật pháp cho tuyển dân Israel. Ngài chỉ dẫn họ bày tỏ lòng thương xót với người khác và khách lạ. Câu chuyện về Ru-tơ là một minh họa tuyệt vời cho bài học này. Và đến Chúa Giê-su, Ngài là tấm gương cho tất cả chúng ta về lòng thương xót. Ngài kêu gọi chúng ta sống giống như Ngài. Đây không chỉ là một mệnh lệnh bắt buộc, nhưng là tình yêu của Đức Chúa Trời thuyết phục và tuôn chảy từ trong lòng chúng ta. Tâm trí và tấm lòng của chúng ta cần hòa hợp, cộng hưởng với nhau để bày tỏ ra lòng thương xót cho tha nhân.   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn