Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / truyện ngắn / NHỮNG NGƯỜI ĐI TRƯỚC

NHỮNG NGƯỜI ĐI TRƯỚC

nhung

1968

Anh thủ khoa trố mắt nhìn tôi: Sao chị đang học tốt vậy mà bỏ đi?

Tôi đang lên tiên vì cái quyết định sang Hawaii làm đám cưới. Giấc mộng lập gia đình với người mình thương lại thêm giấc mộng viễn du đã lấn át dự tính ra trường khiến tôi không chiêm nghiệm được nỗi ngạc nhiên của anh. Hết năm thứ năm, chỉ còn hai năm thực tập là ra trường, nhưng tôi bất kể.

Đâu cũng là màu xanh. Dưới bầu trời trong xanh là màu xanh thẫm của đại dương bao la, lồng vào đó rải rác những hạt trân châu của quần đảo Hawaii với màu xanh bát ngát của núi rừng.

Từ trên phi cơ, tôi tưởng mình như lạc thiên thai. Tôi hình dung những nàng tiên bản xứ trong vũ điệu nhịp nhàng, lắc lư chiếc váy cỏ theo điệu nhạc trữ tình bên cạnh những túp lều tranh. Có ở đây rồi mới biết quả thực cũng có những nàng tiên múa hát bên những túp lều tranh, nhưng cảnh nầy chỉ có ở những nơi tiếp đón du khách. Ngoài ra là những khu thương mại đồ sộ với nhiều nhà chọc trời lẫn lộn với những khu gia cư. Nơi nào nghèo, nhà cửa san sát, bùn lầy nước đọng, nơi nào sang thì lộng lẫy huy hoàng với kiểu kiến trúc từ cổ điển đến tân kỳ trong những khu vườn đủ loại hoa nhiệt đới.

Đám cưới của tôi nho nhỏ, đơn sơ, chỉ có những đồng nghiệp, bạn bè của chú rể và cô em gái của nàng dâu. Có ông Thượng Tọa người Nhựt làm chủ lễ, có hai ông bà Giám Đốc của sở làm chú rể cho mượn nhà bày tiệc cưới. Trước nhà có một cái giếng rải hoa sứ, trong nhà có những món ăn thuần túy của quê hương Việt Nam bày ra. Tuần trăng mật, chồng vẫn đi làm và vợ đi học tiếng Anh. Cuộc sống chung thần tiên như cảnh vật bên ngoài trên hải đảo.

1975

Tháng ba, tôi sanh cháu gái tại Canberra, Úc Châu. Ngày thứ ba sau khi sanh cháu, còn ở trong nhà thương thì nhà tôi mang vào những tờ báo đầy tin tức về những chiến bại của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi về nhà, tôi ngồi ôm con, cặp mắt dán vào TV, nhìn những cảnh hỗn loạn xẩy ra tại quê nhà. Lòng tôi điên loạn theo nỗi nghiêng ngửa của những cảnh đời sắp đổi thay, không phương cứu chữa. Tôi chỉ còn chú tâm săn sóc hai đứa con. Ngoài ra nhà cửa ngổn ngang, bỏ hết cả, không còn sức lực làm thêm gì nữa. Chồng tôi ngày nào cũng túc trực tại toà Đại Sứ Mỹ ở Úc Châu làm giấy tờ, đánh điện tín về Saigon xin cho gia đình di tản.

Kết cuộc, gia đình chồng tôi lên máy bay thẳng qua Hawaii, còn gia đình tôi kẹt lại ở Guam, nhưng khoảng chừng vài tháng cũng qua được tới Mỹ.

Chúng tôi, những người đi trước, tưởng chừng như thoát khỏi vận mệnh chung của đất nước, nhưng thực ra nước mất nhà tan, con dân Việt nào cũng cùng chung số phận.

Thời kỳ nầy, chúng tôi mới biết chữ lãnh đủ có ý nghĩa gì.

Chồng tôi hết sức lo lắng cho cha mẹ và cô em gái của anh. Còn tôi cũng hết sức lo lắng cho cha mẹ tôi và cô em gái cùng với gia đình cô em. Cả đại gia đình chúng tôi sa vào một cơn gió lốc của những tình cảm giận hờn, ghen tuông, sợ hãi. Nỗi lo sợ của những người mới đến, vừa thoát khỏi cơn hãi hùng của binh đao khói lửa, giờ phải đương đầu với thực tế cơm gạo ở xứ người, cộng vào nỗi lo sợ của vợ chồng tôi phải chu toàn cho hai bên gia đình.

Rồi thì bên anh bên em, người nào cũng muốn để cảm tình riêng tư của mình lên trên hết. Tôi vì bổn phận mà săn sóc gia đình chồng nhưng vì tình thương mà săn sóc cha mẹ mình và đứa cháu. Chồng tôi cũng vậy. Mẹ chồng tôi vì thương con, không muốn con mình cực khổ với ông bà gia, lơ là hất hủi gia đình tôi. Càng ngày không khí trong gia đình càng khó thở.

TRANG HAI

Thêm vào khó khăn đó lại còn cả gánh ngoài xã hội. Vào năm 1975, Hawaii không có bao nhiêu người Việt trước khi làn sóng di tản ào đến. Khi người Việt đến định cư, chánh phủ tiểu bang tổ chức chương trình cứu trợ và mời hai vợ chồng tôi ra giúp trong cương vị có hiểu biết về văn hóa, phong tục và tiếng nói.

Tôi đang làm y tá chuyên về y tế công cộng. Công việc là viếng thăm những gia đình nghèo có vấn đề về sức khỏe. Bộ Y Tế rút tôi về trung ương, cho tôi phụ việc kiểm soát các bệnh truyền nhiễm như lao và viêm gan. Tôi đến thăm viếng và chỉ dẫn phương cách liên lạc với cơ quan địa phương để chữa bệnh. Còn chồng tôi làm trung gian giữa chánh phủ tiểu bang và người tỵ nạn để giải quyết những vấn đề định cư. Anh bận túi bụi với công việc thường ngày cộng thêm công việc cộng đồng. Anh không còn thời giờ lo cho gia đình.

Tôi theo Tây học từ nhỏ lại bắt đầu cuộc sống chung của đôi vợ chồng ở Mỹ. Tôi quen với lý tưởng bình đẳng giữa nam và nữ nay bỗng nhiên rơi vào cảnh làm dâu, phải chiều tất cả mọi người trong gia đình. Lâu dần chúng tôi xa nhau. Những buổi trò chuyện của lúc ban đầu nay thay vào tiếng gây gổ, hằn học. Trong những năm đầy nước mắt nầy, chúng tôi đã cố tìm giải pháp qua một văn phòng bác sĩ tâm lý nhưng cũng chẳng đi đến đâu. Quá mòn mỏi chịu đựng, tôi đòi ly dị.

Trong lúc đó có những chuyện xảy ra làm chúng tôi lo sợ thêm. Văn phòng của chồng tôi vẫn khóa cửa sau giờ làm việc, nhiều lần sáng ra khóa lại mở nhưng không mất một thứ gì. Ở nhà thì thơ của một cô em họ ở ngoài Bắc trong thời kỳ chiến tranh gởi cho tôi sau thời kỳ chiến tranh, tôi cất trong tủ, sao lại ai lấy để lên bàn ăn. Không biết ai hăm dọa chúng tôi mà hình như có người theo dõi.

Lâu dần có lẽ vì thần kinh quá căng thẳng, chồng tôi đâm ra mất trí.

1987

Một cô em họ đến thăm gia đình chúng tôi. Tôi thương người chồng ngày nào cũng ở nhà một mình với tâm thần mệt mỏi chờ vợ con đi làm, đi học, đến chiều tối mới về, nên nhờ cô em đưa anh về nhà cha mẹ anh cho có người săn sóc.

Tôi đang làm trong ty y tế thì bà thư ký gọi ra, báo cho tôi hay có điện thoại. Cô em họ hớt hãi trong điện thoại: Chị ơi, anh hai nhảy lầu rồi chị ơi!

Tôi không tin, cô em nói ai đó, không phải chồng tôi. Tôi xoay qua ôm bà thư ký. Rồi tôi run lên. Trời đất tối sầm.

hos

Hai người đồng nghiệp chở tôi về nhà ông bà nội. Môt viên cảnh sát chạy ra, nắm tay tôi kéo vào trong một căn phòng. Cảnh sát hỏi tôi nhiều điều rồi đưa tôi ra sân.Tôi đứng nhìn xác chồng, có ai đã phủ lên một tấm vải. Chân của anh đưa ra ngoài tấm vải, đôi bàn chân tôi đã từng nâng niu trong bàn tay tôi, giờ nằm im. Cách đó vài thước, óc và máu văng tung toé trên nền xi măng.

Thời gian ngừng trôi. Nắng đổ xuống xốn xang cả sân. Nắng đổ xuống người tôi nhưng tôi không còn cảm giác. Tôi chăm chăm nhìn xác chồng mà đầu óc trống rỗng.

Trong khoảnh khắc, tôi bước vào một thế giới riêng, trong đó chỉ có tôi. Thế giới nầy trải đến thiên thu.

Anh ơi, bây giờ anh ở đâu?

Đêm hôm đó tôi quỳ xuống nguyện cầu với Chúa: Chúa ơi, Ngài dạy cho con nuôi hai đứa trẻ mồ côi cha cho chúng được nên người.

Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay

TRANG BA

Đám tang anh có rất đông người đến dự.

Sau đó thì tiếng đồn lan ra là vì tôi ngoại tình nên chồng tôi tự tử.

Ngày nào tôi cùng anh đi dự tiệc, kẻ đón người chào, vồn vã thân mật, ngày nay tôi đi đường người ngoảnh mặt làm ngơ. Một nhà văn viết chuyện về tôi, thêu dệt nhiều tình tiết, có tả đủ những cuộc hẹn hò ở khách sạn, v.. v.. Sau đó vài năm khi biết được tại sao chồng tôi tự tử, nhà văn xin lỗi tôi.

Những năm nầy tôi sống gần như biệt lập ra khỏi cộng đồng người Việt.

Nhưng thật là có cả một thế giới muôn màu ngoài kia làm ấm lại tình người. Gia đình hàng xóm người Nhựt chở con tôi đi học. Bà bạn người Hoa cho con tôi về ở với bà và con bà vào những ngày nghỉ học. Một anh bạn người Việt hay mang rau cải anh trồng để ngay trước cửa. Một bà hàng xóm người da trắng thường xuyên điện thoại, đến thăm, an ủi, giúp đỡ. Tôi có phước ở nơi đây gần gũi với dân da trắng tế nhị, lễ phép, dân Nhựt cần cù  và kỷ luật, dân Phi luật Tân vui vẻ dịu dàng.

Thời gian nầy ngoài thời giờ chăm sóc cho con tôi muốn tìm một cái gì đó để lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn. Tôi thể thao, bơi lội, ghi tên học nhảy đầm, gọi bạn bè hàn huyên, ngồi thiền.

Khoảng trống vẫn còn đó.

Từ lần tiếng đồn tôi ngoại tình không nghe ai nhắc đến nữa.

Lúc nầy tôi thất nghiệp. Miệng tôi ăn nói khá giỏi, đi đâu tìm việc cũng có người mướn, nhưng chỉ khoảng vài tuần là mất việc. Là vì tôi lơ láo trong cơn đau buồn, không còn sự chú tâm để làm việc. Tôi đành ở nhà, ra sân sau nhổ cỏ dại.

Một hôm tôi ở ngoài sân từ sáng đến chiều, mặt trời sắp lặn mà không muốn vào nhà. Đột nhiên có tiếng nói bảo tôi: Thôi vào nhà nghỉ đi. Tôi nhìn quanh quẩn, chẳng thấy ai hết, lại tiếp tục nhổ cỏ. Bổng nhiên tôi cảm thấy có cái gì cựa quậy bên trong cái bao tay. Tôi mang bao tay nhổ cỏ cả tiếng đồng hồ rồi chẳng có sao, sao giờ lại thế nầy? Tôi hoảng hồn tháo bao tay ra thì một con ong bay lên. Tôi vội thu xếp vào nhà. Trong trí không làm sao giải thích được những việc vừa xảy ra.

Cách giải thích duy nhứt là có một quyền lực vô hình muốn nói gì đó với tôi. Còn một cách giải thích nữa là tôi điên. Nhưng tôi biết mình không điên.

Rồi dần dần cuộc đời tôi thay đổi một cách lạ kỳ. Tôi có những kinh nghiệm không lấy khoa học hay lý trí giải thích được.

Thí dụ ngày tôi đem một con cá trong tủ lạnh ra, con cá để trong đó mấy ngày rồi, mang ra nó đã có mùi, thịt hơi đen, nhưng vì cuộc đời một góa phụ nuôi con vừa đi làm vừa gánh vác bao nhiêu công việc, không có thời giờ ra chợ đổi món ăn, tôi cứ tiếp tục làm cá. Vậy mà khi đánh vẩy xong rồi, khứa cá ra thì con cá tươi lại, thịt trắng nõn nà ra.

Thí dụ lúc tôi lên cơn đau bao tử quặn thắt lại tưởng chừng như bất tỉnh, tôi vội thều thào Chúa ơi cứu con, thì cơn đau vụt biến đi tức thì.

Thật ra thì tôi xuất thân từ một gia đình Phật Giáo, cha tôi thường xuyên đi chùa ăn chay, nhưng từ thơ ấu tôi đã yêu mến tiếng hát các bài Giáng Sinh mà tôi được nghe lóm từ nhà thờ Đức Bà vang ra, và tôi cũng đã yêu mến những hình ảnh của Chúa Giê Su với ánh mắt đầy thương yêu. Đứng trước những chuyện lạ lùng xảy ra cho tôi, tôi cho đó là quyền năng Chúa.

Từ ngày chồng tôi mất, có môt bà hàng xóm hay đến thăm viếng. Bà mang Kinh Thánh đến bảo tôi là khi nào buồn cứ đọc sẽ được nhiều an ủi. Bà cũng bắt đầu chỉ dẫn cho tôi hiểu tường tận hơn lời của Đức Chúa Trời. Từ thuở ấu thơ tôi đã đam mê đọc sách. Từ Đông Châu Liệt Quốc cho đến Alexandre Dumas, Leon Tolstoy, Victor Hugo, Tự Lực Văn Đoàn, v…v… cả những cuốn tiểu thuyết vớ vẩn tôi đều mê đọc.

TRANG TƯ

Tôi cũng đã đọc qua Kinh Phật nhưng thực tình không có sách nào như Kinh Thánh, viết bằng lời văn rất đơn sơ giản dị mà đi thẳng vào lòng người, và mặc dù đã viết cách đây hai ngàn năm, vẫn có tiếng nói đúng với thời đại.

sermon

Chúa dạy tôi nhìn thẳng vào lòng mình mà xem xét tại sao tôi khổ đến vậy. Có phải người mang khổ đến cho tôi hay tôi tự tạo lấy? Trong Thiên Chúa Giáo có một bài ca tựa là Kinh Hòa Bình, trong đó có những kim chỉ nam cho tôi xét lại lòng: Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem tha thứ vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm, để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.”

Tôi nhìn hai đứa con, cảm thấy mình thiếu bổn phận với chúng. Tôi không muốn chúng mất liên lạc với ông bà Nội, tìm đủ mọi cách hàn gắn những đổ vỡ giữa gia đình chồng và tôi. Tôi viết thơ, viết thiệp chúc mừng, mang hai cháu qua Chicago thăm hai ông bà Nội và cô Út.

Một thời gian sau, ông bà và cô Út dọn trở về Hawaii, tình gia đình tươi mới lại.  Ông Nội mất, tôi thăm viếng và săn sóc bà Nội thường xuyên cho đến ngày bà mất. Bà Nội có lần bảo tôi: Chúa dạy con hay quá.

Cám ơn Chúa.

2013

Nhìn lại quãng đời qua, thăng trầm trôi nổi, đau buồn biết đủ mà vui sướng cũng nhiều.

Nghề y tá đưa tôi đi khắp đảo, gặp đủ hạng người, già trẻ bé lớn, màu da tiếng nói khác nhau, tôi được hân hạnh chia xẻ buồn vui với họ. Cứ vài năm tôi lại đổi chỗ làm. Nhà thương, viện dưỡng lão, ty y tế, cả đến nhà thương tâm thần cũng có tôi. Hiện giờ Chúa cho tôi phục vụ tại một trung tâm huấn luyện cho người khuyết tật. Thế giới của người khuyết tật thật là mộc mạc. Phần nhiều họ không đủ trí óc để mưu luận nói dối nên làm việc với họ tôi cảm thấy mình như trẻ lại vì không còn chạm phải những giả dối thường có trong xả hội nữa.

Chúa lại cho tôi được ở một chung cư nhìn ra Thái Bình Dương. Chiều xuống ra bao lơn nhìn mặt trời lặn, đêm về ngắm ánh trăng lướt trên sóng biển, thật không còn thú vị nào hơn.

Nhưng trên hết, phước lớn Chúa cho là Hội Thánh Chúa. Nơi nầy là gia đình của tôi, nơi mà tôi kinh nghiệm được sự thương yêu vui sướng thỏa lòng trong công việc phục vụ Ngài.

Bạn ơi,

Bạn có một mùa xuân của cuộc đời. Mùa xuân rộn ràng với ánh nắng rực rỡ, với hoa mai đón một tương lai đầy hứa hẹn, với những mối tình thơ mộng. Rồi thì thời gian nào đó bạn sẽ gặp mùa thu.Mùa thu có lá vàng rơi, trời thu một màu lưu linh huyền diệu. Mùa thu cũng có gíó heo may báo hiệu đông sang.

Đứng trước thềm mùa đông băng giá, bạn nghĩ gì? Níu kéo lại tuổi xuân đã qua đi không trở lại? An hưởng lợi lộc sau một đời làm việc? Băn khoăn thắc mắc cho tương lai không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho một cơ thể về già?

Riêng tôi, nhờ niềm tin nơi Chúa nên biết là mùa đông của cuộc đời có Chúa quan phòng, và sau đó lại có một mùa xuân bất tận Chúa dành sẵn cho.

Xin mượn mấy câu thơ của Mục Sư Nguyễn Huệ Nhật để từ giã bạn:

Giờ vui quá tình ta thành bé nhỏ
Núp trong Vầng Đá Tảng, Đấng Yêu Thương
Ta đã gặp ánh sao trời sáng tỏ
Nhận tình ta và trao lại con đường
Con đường ấy đưa ta vào ngõ hẹp
Ngập tình yêu theo ước hẹn ngày xưa

TRANG NĂM

Ta đã nhận tình yêu Cha vô đối
Tình yêu thương ta uống mãi chưa vừa

Thật là tình yêu thương ta uống mãi chưa vừa. Tình yêu nầy không có dư vị chua chát như tình đời.

Đêm nào sau khi mất chồng tôi quỳ xuống cầu xin Chúa cho tôi nuôi con nên người. Ngày nay hai con đã trưởng thành và thành nhân. Chúa lại còn cho tôi nhiều hơn những gì tôi cầu xin.

Bạn có cần Chúa không?

Nếu cần, bạn cứ quỳ xuống ăn năn tội và cầu xin như tôi đã cầu xin. Bạn sẽ kinh nghiệm được tình yêu thương tha thứ của Ngài.

CÔ ĐIỆP

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn