Ngày nay Hoa kỳ là một Liên Bang gồm có năm mươi Tiểu Bang. Trước 1796, Bang Kentucky chưa gia nhập Liên Bang, dù ở dưới luật pháp Liên Bang. Điều trở ngại là không có chính quyền để thi hành luật pháp. Thừa cơ hội này nhiều thành phần cướp của, giết người đến Kentucky để ần náu, trong khi người lương thiện không dám định cư tại Bang này. Đặc biệt là Quận Logan thu hút nhiều kẻ sát nhân, ăn cắp ngựa, làm bạc giả…cho nên Quận này được gọi là “Nơi Ẩn Náu của kẻ tội phạm.”
Peter Cartwright, một cư dân địa phương lớn lên trong Quận Logan, nhắc lại, “Những người ủng hộ tình trạng đạo đức tốt hơn được gọi là “Những người Ổn định.” Nhưng họ bị sự chống đối quyết liệt của những kẻ tội phạm, và những cuộc đánh nhau bằng súng, dao, gậy thường xảy ra, mà những người Ổn định thua.”
Đến một thời điểm, Đức Chúa Trời dấy lên một người truyền giảng gốc Ê-cốt thuộc phái Trưởng Lão, và kêu gọi ông đến Quận Logan. James McGready là người cứng cỏi, ăn thật, nói thẳng, mặc quần da như những người sống ở biên giới. Ông không do dự khi phải nói cho ai chịu nghe rằng kinh nghiệm “tái sinh” là cần thiết và khẩn cấp. Ông mô tả thiên đàng và sự vinh hiển của nó đến độ nhiều người nghe mong được vào đó. Đồng thời, ông cũng mô tả địa ngục và sự kinh hoàng ở đó đến độ khủng khiếp, khiến người nghe phải “run sợ khi tưởng tượng hồ lửa và diêm sanh sắp bao phủ lên họ.”
Trước khi McGready đến Chúa đã dấy lên ba nhóm nhỏ vào năm 1797. Ba nhóm này ở trên bờ ba con sông; sông Bùn, sông Hồng và sông Gasper. McGready đề nghị các tín hữu ký tên vào một giao ước như sau:
Khi chúng ta xem Lời Chúa và những lời hứa của Đức Chúa Trời nhân từ, đối với gia đình hư mất và đáng thương của A-đam, chúng ta tìm được sự khích lệ lớn hơn hết để cho Cơ đốc nhân cầu nguyện trong đức tin—cầu xin trong danh Chúa Giê-Su cho đồng bào được cứu…Với những lời hứa ấy trước mặt, chúng ta được khích lệ để hiệp một cầu xin với một Đức Chúa Trời có tai nghe lời cầu xin, Ngài tuôn đổ Thần Ngài xuống, để dân Ngài được phấn khởi và an ủi, để cho con cháu chúng ta và tội nhân qui đạo.
Những người ký tên bằng lòng cầu nguyện mỗi chiều thứ Bảy và sáng Chúa Nhật, và dành ngày thứ Bảy thứ ba mỗi tháng để kiêng ăn và cầu nguyện. Mục Sư McGready nói rõ là trung tâm điểm của chiến dịch cầu nguyện có tổ chức này là để Chúa tạo nên một cuộc phấn hưng tôn giáo trong Quận Logan.
Trong vòng một năm Chúa nhậm lời cầu xin của Hội thánh. Một số những người phạm tội nổi danh thấy xấu hổ và khóc lóc cách cay đắng. Nhưng Mục sư McGready cho đó chỉ là những giọt mưa lả tả mà thôi. Quả thật, tháng sáu năm 1800, mưa nhiều hơn, khi năm trăm người đến dự lễ Tiệc thánh, được cử hành mỗi quí tại Nhà thờ Sông Hồng, trong đó có những nhà Truyền đạo đã nghe, như trong sách Công vụ, Đức Thánh Linh đang giáng xuống. Có người ở xa hàng trăm dặm đến dự. Trong ngày cuối cùng của bốn ngày lễ hội, đập nước dường như vỡ tung khi cơn lụt cứu rỗi càng quét qua hội chúng. Nhiều người lớn tiếng hỏi, “Chúng tôi phải làm gì để được cứu?”
Cuối mùa Hè năm ấy tại sông Bùn, Hội thánh cũng tiếp đón những đám đông và nhận được kết quả như đã nói ở trên, khiến cho Mục sư McGready kêu gọi những người dự định sẽ tham dự buổi nhóm sắp đến tại sông Gasper, đến bằng xe ngựa, và mang theo những vật liệu. Theo như Mục sư McGready tiên liệu, mười ngàn người đến dự lễ mùa thu. Điểm đáng ghi nhận là thị trấn Lexington, lớn nhất của Bang Kentucky, cách đó hằng trăm dậm, chỉ có 1800 dân mà thôi.
Trong số những nhà Truyền giảng đến dự có Barton Stone, Mục sư chủ tọa hai Hội thánh. Trong khi tin đồn về lửa phấn hưng lan đến những Bang lân cận, Ông trở về nhà ở Cane Ridge với dự định sẽ tổ chức một buổi truyền giảng trong lều trại vào mùa Hè năm sau.
Nhiều ngày trước buổi lễ truyền giảng, xe ngựa bắt đầu đến. Cây được đốn xuống để đóng ghế ngồi, và ít nhất có bảy bục giảng được dựng lên chung quang để cho những nhà truyền giảng Trưỡng lão, Báp-tít và Giám lý được mời đến giảng. Nhưng, có điều không ai biết trước là có hai mươi lăm ngàn người đang trên đường đi đến đại hội. Cuộc phấn hưng lớn thứ hai ở nước Mỹ chuẩn bị mở màn.
Tiến sỉ George Baxter, Mục sư đa nghi tại Trường Washington ở Virginia, thuộc Hệ phái Trưởng Lão, đến Kentucky để xét nghiệm xem có phải là sự thật hay không. Ông có ý định là lật tẩy một trò lừa bịp. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến, ông tường trình lại như sau, và bài tường trình của ông về sau được đăng trên Tạp chí Tin lành Connecticut.
Quyền năng mà do đó cuộc phấn hưng lan rộng ra và ảnh hưởng của nó trên sự đạo đức hóa quần chúng thật khó cho quí vị nhận thức được, và khó cho tôi mô tả…Tôi thấy Kentucky là một nơi đạo đức hơn hết tôi từng biết. Tôi không nghe lời nói thô tục nào… Trong đời tôi chưa bao giờ thấy những biểu hiện của sự khiêm nhường thật, nhìn Chúa Giê-Su như là con đường duy nhất để được Đức Chúa Trời chấp nhận.
Những người gọi sự kiện này là sự “nhiệt tình”, phải nói với chúng tôi họ hiểu thế nào là Thánh Linh của Cơ đốc giáo…Thưa quí vị tôi nghĩ là sự phấn hưng ở Kentucky thật quá lạ lùng, chưa từng xảy ra tại Hội thánh Chúa. Cơn phục hưng này làm bối rối kẻ ngoại đạo, làm cho kẻ gian phải im tiếng, và gây ấn tượng cho nhiều người không kể xiết được.
“Những người yêu mến kinh luật Chúa được bình an lớn
Và không có gì làm cho họ vấp ngã.” Thi thiên 119:165
Áp dụng
Từ câu chuyện này chúng ta có thể rút ra bài học sau. Chúng ta phải nhìn nhận sự thành công lớn của nhà Truyền giảng McGready, thứ nhất đến từ Đức Thánh Linh, và thứ hai là sự đặt mình dưới sự chỉ đạo của Ngài. Tâm tính của nhà Truyền giảng cũng là một yếu tố quan trọng. Những đặc tính của James McGready là:
· Hòa đồng với đám đông, nhưng không rập khuôn theo thế gian. Ông ăn mặc giống như những người sống ở biên giới,
· Can đảm, cứng rắn, nhưng không bạo động,
· Ăn thật, nói thẳng,
· Hết lòng tin cậy Chúa,
· Kiên trì,
· Trung tín,
· Có ơn lãnh đạo,
· Không hổ thẹn về Tin lành,
· Nói điều mình tin.
Ngày nay, chắc Đức Chúa Trời cũng còn muốn phục hưng nhiều Hội thánh, nhiều địa phương. Nhưng phấn hưng không xảy ra có thể vì không có người chịu trả giá như McGready.
Huỳnh ngọc Ẩn
Dịch từ “From Sea to Shining Sea,” Marshall, Peter, Jr./Manuel, David, Fleming H. Revel, Grand Rapids, 1986, trang 60-63