Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ

Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ

Kỷ Niệm Sinh Nhật Và Biết Ơn Đức Cha Alexander Rhodes Người Sáng Lập Chữ Quốc Ngữ (15/03/1591 – 15/03/2017)

alex

“Việt Nam Chúng Con Kính Xin Tri Ân Người…Đức Cha Alexander Rhodes.”

Những gì tôi viết, chia sẻ tin tức tốt lành đến với quý độc giả trang Lời Chúa Cho Bạn Mỗi Ngày là một phần những công khó của Đức Cha Alexander Rhodes cho Người Việt. Nhân dịp Kỷ niệm 426 năm ngày sinh Cha Alexander Rhodes, người khai sinh chữ Quốc ngữ (15/03/1591 – 15/03/2017) xin kính gởi đến quý vị  bài viết về “Con Người Và Sự Nghiệp Đức Cha Alexander Rhodes.”

Tục ngữ là một phần trong kho tàng văn học dân gian, được xem là túi khôn của nhân loại, bời vì đó là những bài học trí tuệ sâu sắc của người xưa được đúc kết bằng những câu nói ngắn gọn.

Ngay từ xa xưa, cha ông chúng ta vẫn thường nhắc nhở thế hệ đi sau phải có tình cảm trân trọng, trân quý biết ơn đối với những người đã tạo dựng sáng tạo quí báu cho nhân loại. Lời khuyên nhủ ấy được gởi gắm trong câu tục ngữ giàu hình ảnh:

“Uống nước nhớ nguồn”… Để tưởng nhớ công ơn này, tôi xin mạn phép lược thuật về những câu chuyện liên quan đến Tiếng Việt có mối liên hệ với Đức Cha Alexander Rhodes.

Alexandre de Rhodes (Phiên âm tiếng Việt là A-Lịch-Sơn Đắc-Lộ hay Cha Đắc Lộ, A-lếc-xăng Đơ-rốt). Cha sinh ngày 15 tháng 3 năm 1591  và về với Chúa ngày 5 tháng 11 năm 1660. Người là một nhà truyền giáo Dòng Tên người Avignon và  là một nhà Ngôn ngữ học. Ông đã góp phần quan trọng vào việc hình thành chữ quốc ngữ Việt Nam hiện đại bằng công trình Tự điển Việt-Bồ-La, hệ thống hóa cách ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh.

Tiểu sử
Thời niên thiếu
Ông sinh tại Avignon, miền nam nước Pháp. Theo một số sử gia, linh mục Alexandre de Rhodes (Cha Đắc Lộ), sinh năm 1591, nhưng nhiều nguồn khác ghi ông sinh năm 1593. Ông gia nhập dòng Tên tại Roma ngày 24 tháng 4 năm 1612, thời kỳ công cuộc truyền giáo cho các dân tộc đang trên đà phát triển. Tuy nhiên, cùng với đà tiến này, Giáo hội Công giáo cũng gặp sức kháng cự như vũ bão của chính quyền các dân tộc được rao giảng Tin Mừng. Vì thế, bên cạnh nhiệt tâm truyền giáo, còn phải kể ước muốn được chia sẻ Tin Mừng cho Chúa Jesus. Gia đình ông thuộc gốc Do Thái ở thành phố Rhodes (bán đảo Iberia), tổ tiên Cha sang tị nạn dưới bóng Giáo hoàng vì thời ấy Avignon là đất của Giáo hoàng, nên tên ông là Alexandre de Rhodes (A Lịch Sơn Đắc Lộ). Người Việt gọi Alexandre de Rhodes là Giáo sĩ Đắc Lộ. Năm 1993 tôi có dịp đến Âu Châu thăm viếng Avignon quê hương Đức Cha Alexandre de Rhodes gần thành phố Marseille miền Nam nước Pháp.

Truyền giáo
Trong bối cảnh đó, Alexandre de Rhodes đã xin và được Dòng Bề Trên chỉ định đi truyền giáo tại Nhật Bản. Ngày 4 tháng 4 năm 1619, ông lên đường vào tuổi thanh xuân 26 , cùng với kiến thức sâu rộng về Thiên văn học và Toán học. Alexandre là một người cường tráng, vui vẻ và lạc quan, luôn nhìn khía cạnh tích cực của vấn đề. Ông thích nghi nhanh chóng với mọi môi trường sống và cư xử giản dị trong giao tế với người khác.

Đầu tiên, Alexandre de Rhodes cập bến tại Goa, đợi chờ cơ hội thuận tiện đặt chân lên đất Nhật Bản. Nhưng tình hình bách hại Kitô Giáo dữ dội tại đây đã khiến các Bề Trên buộc lòng chỉ định ông đi Trung Quốc. Ông lên tàu đi Ma Cao, gia nhập Đại học Thánh Phaolô.

Tại Việt Nam
Đầu năm 1625, Alexandre cùng với bốn cha dòng Tên khác và một tín hữu Nhật Bản, cập bến Hội An, gần Đà Nẵng. Ông bắt đầu học tiếng Việt và chọn tên Việt là Đắc-Lộ. Thầy dạy tiếng Việt cho ông là một cậu bé khoảng 10, 12 tuổi.

Ông viết:
“Chỉ trong vòng 3 tuần lễ, chú bé đã dạy tôi học biết tất cả các cung giọng khác nhau của tiếng Việt và cách thức phát âm của từng chữ. Cậu không hề có một kiến thức gì về ngôn ngữ châu Âu, thế mà, cũng trong vòng 3 tuần lễ này, cậu đã có thể hiểu được tất cả những gì tôi muốn diễn tả và muốn nói với cậu. Đồng thời, cậu học đọc, học viết tiếng Latin và đã có thể giúp các buổi lễ trong nhà thờ. Tôi hết sức ngạc nhiên trước trí khôn minh mẫn và trí nhớ dẻo dai của cậu bé. Sau đó, cậu trở thành thầy giảng giúp việc các cha truyền giáo và là một dụng cụ tông đồ hữu hiệu trong việc loan báo Tin Mừng nơi quê hương Việt Nam thân yêu và nơi Vương quốc Lào láng giềng.”

Từ đó, Việt Nam trở thành quê hương thứ hai của Alexandre de Rhodes, nhưng cuộc đời truyền giáo của ông ở đây rất bấp bênh và trôi nổi.

ảnh 4(3)

Trong vòng 20 năm, ông bị trục xuất đến sáu lần. Nhưng sau cả sáu lần ấy, ông đều tìm cách trở lại Việt Nam khi cơ hội đã cho phép.

Ông đến truyền giáo ở Đàng Trong vào năm 1625 dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên và ở Đàng Ngoài vào năm 1626 dưới thời Chúa Trịnh Tráng.

Thời gian Alexandre de Rhodes giảng đạo tại Việt Nam cũng là thời kỳ các cha thừa sai dòng Tên hoạt động rất hăng say và hữu hiệu. Riêng Alexandre de Rhodes, ông đã truyền đạo từ Nam ra Bắc.

Ông kể lại công cuộc truyền giáo tại Đàng Ngoài:

“Khi chúng tôi vừa đến kinh đô Bắc Kỳ, tức khắc nhà vua truyền lệnh cho tôi phải xây một nhà ở và một nhà thờ thật đẹp. Dân chúng đến nghe tôi giảng đạo rất đông, tôi phải giảng đến 4 hoặc 6 lần trong một ngày. Chị vua và 17 người thân trong gia đình vua xin lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Nhiều tướng lãnh và binh sĩ cũng xin theo đạo. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất là thấy các vị sư đã mau mắn từ bỏ bụt thần để theo đạo Công giáo. Tất cả đều dễ dàng chấp nhận khi tôi giải thích cho họ hiểu giáo lý đạo Công giáo rất phù hợp với lý trí và lương tâm con người. Các tín hữu Công giáo Việt Nam có đức tin vững chắc đến độ, không gì có thể rút đức tin ra khỏi lòng họ. Nhiều người phải đi bộ suốt 15 ngày đường để được xưng tội hoặc tham dự thánh lễ. Nhưng phải thành thật mà nói, tôi không thể chu toàn cách tốt đẹp mọi công tác truyền đạo này, nếu không có trợ giúp tuyệt vời của các thầy giảng. ”

Chính sử của triều đình Việt Nam (Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục) thì ghi từ năm 1533 đời vua Lê Trang Tông đã có chiếu chỉ cấm đạo Công Giáo ở Việt Nam.

Năm 1645, ông bị Chúa Nguyễn vĩnh viễn trục xuất khỏi Việt Nam. Khi trở lại châu Âu, Alexandre de Rhodes vận dụng mọi khả năng hiểu biết về công cuộc rao giảng Tin Mừng tại Á Châu, đã xin Tòa Thánh gửi các Giám mục truyền giáo  đến Á Châu, để các ngài có thể truyền chức linh mục cho các thầy giảng bản xứ.

Ông mất ngày 5 tháng 11 năm 1660 ở Isfahan, Ba Tư, 15 năm sau lần cuối cùng bị trục xuất khỏi Việt Nam.

Chữ Quốc Ngữ
Dĩ nhiên, không phải chỉ riêng mình cha Alexandre De Rhodes khởi xướng ra chữ Quốc ngữ. Trước đó, các cha thừa sai Dòng Tên người Bồ Đào Nha ở Ma Cao đã nghĩ ra một số phát âm tiếng Việt, viết bằng các mẫu tự La Tinh rồi. Tuy nhiên, chính cha Alexandre De Rhodes là người hệ thống hóa, hoàn tất công trình làm ra chữ quốc ngữ thành công vào năm 1651, tức là năm mà cuốn tự điển Việt – Bồ – La chào đời tại nhà in Vatican – Roma.

Thế nên, chính tại nhà in Vatican ở Roma là nơi mà Việt Nam nhận được chữ viết của mình, và chính năm 1651 cũng là năm khai sinh chính thức của chữ quốc ngữ Việt Nam.

Việc chế tác chữ Quốc ngữ Việt Nam là một công việc tập thể của nhiều linh mục dòng Tên người Châu Âu. Trong công việc này có sự hợp tác tích cực và hiệu quả của nhiều người Việt Nam, trước hết là các thầy giảng Việt Nam (Giúp việc cho các linh mục người Âu). Alexandre De Rhodes đã có công lớn trong việc góp phần sửa sang và hoàn chỉnh bộ chữ Quốc Ngữ. Đặc biệt là ông đã dùng bộ chữ ấy để biên soạn và tổ chức in ấn lần đầu tiên cuốn từ điển Việt – Bồ Đào Nha – Latinh (trong đó có phần về Ngữ pháp tiếng Việt) và cuốn Phép giảng tám ngày. Xét về góc độ ngôn ngữ thì cuốn diễn giảng vắn tắt về tiếng An Nam hay tiếng Đàng ngoài (In chung trong từ điển) có thể được xem như công trình đầu tiên khảo cứu về Ngữ pháp; còn cuốn Phép giảng tám ngày có thể được coi như tác phẩm văn xuôi đầu tiên viết bằng chữ Quốc Ngữ, sử dụng lời văn tiếng nói bình dân hàng ngày của người Việt Nam thế kỷ 17.

Tuy chữ Quốc ngữ của Alexandre De Rhodes năm 1651 trong cuốn từ điển Việt-Bồ-La đã khá hoàn chỉnh nhưng cũng phải chờ đến từ điển Việt-Bồ-La xuất bản năm 1772, tức là 121 năm sau, với những cải cách quan trọng của Pigneau de Behaine thì chữ Quốc ngữ mới có diện mạo giống như hệ thống hiện nay.

Tiếng Việt hiện nay có 6 thanh điệu: ngang, huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng và tương đối khó phát âm đối với những người mà tiếng Việt không phải là tiếng mẹ đẻ. Ngày nay do sử dụng ký tự Latinh (a, b, c,…) của chữ Quốc ngữ, việc giao tiếp ngôn ngữ trên Internet trở nên dễ dàng hơn so với các bộ chữ tượng hình như chữ Nôm, chữ Hán…

Tiếng Việt là ngôn ngữ của người Việt và là Quốc ngữ của Việt Nam. Trong lịch sử Việt Nam đã có ba loại văn tự được dùng để ghi chép tiếng Việt là chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Chữ Hán và chữ Nôm là văn tự ngữ tố, mỗi chữ Hán và chữ Nôm biểu thị một hoặc một số âm tiết.

Việt Nam Tri Ân Đức Cha Alexander Rhodes.
Ghi nhận công khó và tri ân  của cha Alexandre De Rhodes . Năm 1941, Việt Nam đã xây một tấm bia kỷ niệm nhân ngày sinh nhật thứ 350 của cha được dựng ở gần bên bờ Hồ Gươm trước cửa đền bà Kiệu – Hà Nội. Đến năm 1957, khi Hà Nội thuộc sự quản lý của chính quyền mới thì bia đã bị gỡ bỏ.

alex 2

Chính quyền Sài Gòn Việt Nam Cộng Hoà đặt tên ông cho một con đường tọa lạc ngay trước mặt Dinh Độc Lập, nay là Dinh Thống Nhất, đối diện với phía bên kia con đường Hàn Thuyên là Alexandre De Rhodes, tên danh sĩ được ghi nhận có công phát triển và phổ biến chữ Nôm.

Sau năm 1975, chính quyền đổi tên đường thành Thái Văn Lung và bây giờ thì đã trả lại tên cũ là Alexandre De Rhodes cho con đường này.

Cảm ơn Chúa, Cảm ơn Đức Cha Alexandre De Rhodes rất nhiều cho Đất Nước Việt Nam chúng con… Để đọc Kinh Thánh, xem hoặc bình luận những tài liệu phổ biến từ trang Lời Chúa Cho Bạn Mỗi Ngày hãy nhớ đến Đức Cha Alexandre De Rhodes Người đã có công rất lớn cho nền văn học Việt Nam.

Qua bài viết này rất mong Chính Phủ Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hãy có ngày ghi ơn Đức Cha Alexandre De Rhodes. Nếu được như vậy, hậu thế Việt Nam chúng ta sẽ biết rõ về Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ.

Chân thành cảm ơn.

Amen
Huỳnh Văn Lãm
(Viết theo tài liệu Brisbane Úc Châu 15/03/2017)

 

https://vi.wikipedia.org/wiki/Alexandre_de_Rhodes   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn