Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / Tổng hợp / CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ CÓ SỐNG LẠI THẬT KHÔNG?

CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ CÓ SỐNG LẠI THẬT KHÔNG?

CHÚA GIÊ-SU KITÔ CÓ SỐNG LẠI THẬT KHÔNG?
Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh

1

Nếu Chúa Giê-su Kitô không sống lại thì niềm tin của chúng ta trở nên hão huyền.
Vậy thì có chứng cớ lịch sử hiển nhiên nào cho thấy Chúa đã thực sự sống lại?

Còn ít ngày nữa là Lễ Phục Sinh, kỷ niệm Chúa Giê-su Ki-tô sống lại từ cõi chết hơn 2000 năm trước. Chúa Ki-tô sống lại là nền tảng của niềm tin Ki-tô giáo. Nếu Chúa không sống lại thì niềm tin của chúng ta trở thành mây khói. Không có sống lại, chúng ta không có thượng tế can thiệp với Thiên Chúa Cha, không có Đấng Cứu Chuộc sống với chúng ta để giúp chúng ta thoát khỏi tội lỗi và không hy vọng có ngày sau sống lại. Thánh Phao-lô đã viết: “Nếu Đức Ki-tô không sống lại thì niềm tin của chúng ta thật là hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi” (1Cr 15:17).

Chúa Giê-su chết cho chúng ta vẫn chưa đủ. Người cần phải sống lại.
Thật vậy, thánh Phao-lô viết trong thư gửi tín hữu Roma: “Ngay cả khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người chết đi để cho chúng ta được hòa giải với Người, nói chi bây giờ chúng ta đã được hòa giải rồi, chúng ta sẽ được cứu giúp nhờ sự sống của người Con ấy” (Rom. 5:10…).

Đức Giê-su Cứu Chuộc là sức sống của Ki-tô Giáo. Tuy nhiên trong xã hội ngày nay cũng có một phong trào rất mạnh đang cố làm giảm uy tín và phá hủy cái gia sản Ki-tô giáo ấy của chúng ta, nhất là niềm tin Chúa Phục Sinh. Họ cho rằng đức Giê-su cũng chỉ là một người, một thầy dạy và không bao giờ sống lại sau khi bị đóng đinh chết trên thập giá.

Vậy thì làm sao chúng ta có thể biết Chúa thực sự sống lại ?

Empty-Tomb-Picture-02
Có khá nhiều bằng chứng hiển nhiên và chính xác đã ghi trong Tân Ước chứng minh việc Chúa sống lại là thực.

1- CHỨNG CỚ MẮT THẤY TAI NGHE

Tân Ước là một bằng cớ hiển nhiên mà chúng ta có thể tin cậy với những lý do xác đáng ghi lại những sự kiện đã thực sự xẩy ra. Tân Ước được viết chỉ vài thập niên sau biến cố vĩ đại ấy, đã ghi lại những điều mắt thấy tai nghe. Nếu là những câu chuyện dàn dựng thì làm sao người ta có thể tin được, mà ngày nay nhiều điều mắt thấy tai nghe vẫn còn lưu truyền đây đó. Tác giả làm sao có thể chạy thoát khỏi những điều họ viết. Cả dân Do Thái lẫn La Mã họ sẽ lột mặt nạ và chẳng ai tin là Chúa Giê-su sống lại. Nhưng họ đã không làm được.

Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Corinto (1Cor. 15:3-8) đã kể ra một số nhân chứng đã tận mắt thấy Chúa sống lại gồm có chính ngài, 12 tông đồ khác và hơn 500 anh em trong một lúc, trong những người này một số vẫn còn sống, một số đã qua đời.

Trong cuốn sách nhan đề I Don’t Have Enough Faith to Be an Atheist (2004), đồng tác giả là Norman Geisler và Frank Turek đã có một đoạn lấy từ một bài viết “The Empty Tomb and the Resurrection” của William Lillie (1965 p.125) như sau:
“Câu chuyện hiển nhiên nằm trong danh sách các chứng cớ lịch sử là hơn 500 anh em hiện vẫn còn sống. Thánh Phao-lô đã viết: ‘Nếu anh em không tin tôi, anh em có thể hỏi họ.’ Một câu xác quyết như vậy được ghi trong một lá thư chính thức được viết trong thời gian 30 năm biến cố Chúa sống lại xẩy ra hẳn phải là một bằng chứng hùng hồn như là nó xẩy ra gần 2000 năm trước.”[1]

Ngoài ra còn có Tin Mừng Marco và một số thư khác được viết trong khoảng 20-30 năm sau Chúa sống lại như thư gửi tín hữu Galati, 1The-xa-lo-ni-ca và Roma. Vì Phao-lô bị hành quyết không lâu sau đó, nên tất cả những thư đó đều được viết trong thời gian những nhân chứng đã chứng kiến sự kiện Chúa sống lại.

2- NHỮNG NHÂN CHỨNG PHỤ NỮ

Bốn tác giả Tin Mừng đều nói các bà là những người đầu tiên nhìn thấy ngôi mồ trống và là những người trước nhất chứng kiến Chúa Phục Sinh. Nhưng thời bấy giờ chứng cớ do đàn bà đưa ra thì không có giá trị trước tòa.

Đã biết vậy thì ai mà lại đặt chuyện ra như thế để cho người ta tin? Đúng ra phải nói là “những người đàn ông thấy ngôi mồ trống rồi loan truyền cho mọi người biết Chúa Cứu Thế đã sống lại!” Còn những người đàn bà chỉ là những người đầu tiên thấy Chúa Ki-tô sống lại.

Không phải chỉ có vậy thôi, mà trong số chứng nhân đàn bà còn có Mary Magdalene, người đã từng bị quỉ ám (Lc 8:2). Lại nữa, ai mà dại gì lại dàn dựng ra loại chuyện như thế? Vì vậy đó mới là dấu hiệu của sự trung thực.

mary-finds-jesus-after-the-resurrection-GoodSalt-pppas0523

3- CÁC NGƯỜI BIỆT PHÁI VÀ TƯ TẾ ĐÃ TRỞ LẠI KI-TÔ GIÁO

Luca đã viết trong sách Công Vụ Tông Đồ là “Những người biệt phái Pharisieu đã tin” và “rất nhiều tư tế” đã trở lại đạo và là thành viên của Giáo Hội Sơ Khai (Cv 15:5; 16:7).

Luca là một thánh sử rất cẩn thận và tỷ mỷ, trong lời tựa mở đầu Tin Mừng của mình đã nhắc đến những chứng nhân và chủ ý diễn tả lại những biến cố theo đúng thứ tự để cho chắc ăn những điều ngài viết ra là chính xác (Lc 1:1-4). Và những câu chuyện kể trong Tin Mừng của ngài và trong Công Vụ Tông Đồ đều chính xác về mặt lịch sử – từ những chi tiết rất nhỏ về vị trí của những thị trấn, chiều sâu của biển ở những chỗ khác nhau và những địa danh chính xác của các thị trấn cho đến tên của các viên chức đã bị lãng quên từ lâu.

Vậy làm sao ngài có thể nói dối về việc những người đã trở lại đạo trong khi ngài rất cẩn thận về độ chính xác trong những chi tiết nhỏ khác? Nếu nói dối bị lộ thì mọi sự có thể sẽ đổ vỡ hết? Tất cả mọi người sẽ cho Luca là tên nói dối nếu thực sự không có những người Pharisieu và tư tế trở lại đạo. Lúc đó họ sẽ tuyên bố, loan truyền sâu rộng ra là chẳng có ai hoặc rất ít người đã trở lại Ki-tô giáo. Rõ ràng là gian trá lừa bịp!

Nhưng, Luca đã tường thuật rất chính xác là những người Pharisieu và các thầy tư tế đã tin Chúa sống lại và trở lại Ki-tô giáo.

4- HỐI LỘ TIỀN ĐỂ NÓI DỐI VỀ NGÔI MỘ TRỐNG

Chúa Giê-su phục sinh để lại ngôi mộ trống thì tất cả dân chúng trong miền Judea ai cũng biết. Thánh Mathieu viết:
“Kìa, mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo in cho các thượng tế biết mọi việc đã xẩy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ mục. Sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn và bảo: “Các anh hãy nói như thế này: ban đêm trong lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác đi. Nếu việc này đến tai quan tổng trấn, chúng tôi sẽ dàn xếp với quan để cho các anh được vô sự. Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dặn. Câu chuyện này được loan truyền giữa những người Do Thái cho đến ngày nay.” (Mt 28:11-18).

Như vậy là mọi người đều đã biết rõ ràng câu chuyện mồ trống và việc đút lót tiền. Nếu Mathieu đặt truyện ra thì sẽ dễ dàng bị lật tẩy vì dân chúng sẽ nói chẳng ai nghe biết gì về việc này. Nhưng họ đã nghe biết rõ ràng như vậy. Họ biết là xác Chúa Giê-su không còn ở trong mồ nữa dù lính đã canh chừng rất cẩn mật.

Các môn đệ làm sao qua mặt được lính gác để đánh cắp xác Chúa? Tất cả lính gác đều ngủ hay sao? Nếu vậy thì là một trọng tội. Vì thế chính quyền Do Thái đã đưa tiền hối lộ cho lính gác và hứa sẽ dàn xếp với quan tổng trấn để họ không bị xử tội.

Quang cảnh mồ Chúa Giê-su thì tất cả mọi Ki-tô hữu, cả người Do Thái lẫn La Mã đều biết. Những ai nghi ngờ có thể kiểm chứng dể dàng. Sự thực, không một ai –cả chính quyền La Mã lẫn Do Thái- tuyên bố là xác Chúa Giê-su vẫn còn nguyên trong mồ. Nhưng họ lại bịa ra câu chuyện là các môn đệ đã đánh cắp xác Chúa, một chuyện vô lý mà ngay cả những người đa nghi nhất cũng không tin.

5- CÁC CHỨNG CỚ ĐỀU PHÙ HỢP VỚI LỊCH SỬ

Tân Ước đưa ra những tin tức và dấu tích địa dư rất phù hợp với lịch sử và xác nhận của những nhân vật có danh tiếng và uy tín.

Geisler và Turek đã viết rõ ràng: “Nếu viết sai thì các thánh sử Tin Mừng chẳng có cách nào có thể thoát khỏi những lời viết láo về quan Philato, Caipha, Festus, Felix và toàn thể dòng họ Herode. Có người có thể sẽ lột mặt nạ các ngài vì đã lôi kéo bậy bạ những nhân vật này vào những biến cố không có thực chẳng bao giờ xẩy ra. Các thánh sử hẳn cũng biết vậy và đã không kể ra những nhân vật danh tiếng như thế trong một câu chuyện giả tưởng với ý định lừa bịp. Cách cắt nghĩa hay nhất là các ngài đã ghi lại chính xác những điều các ngài đã biết và trông thấy” (p.225).

Những nhân vật lịch sử đã được nhắc tới trong Tân Ước cũng thấy trong những tác phẩm của các tác giả không phải Ki-tô hữu cho thấy câu chuyện chính xác: Giê-su, Agrippa I, Agrippa II, Ananias, Annas, Aretas, Bernice (vợ của Agrippa II), Caesar Augustus, Caiaphas, Claudius, Drusilla, Erastus, Felix, Gallio, Gamaliel, Herod Antipas, Herod Archelaus, Herod the Great, Herod Philip I, Herod Philip II, Herodias, Giacobe bà con Chúa Giê-su, Gioan Tiền Hô, Judas người Galile, Lysanias, Philate, Quirinius, Porcius Festus, Salome (con gái Herodias), Sergius Paulus và Tiberius Caesar.

Tên của những đặc tính chính của Kinh Thánh cũng thấy nói tới trong những tác phẩm không phải Ki-tô giáo lại một lần nữa chứng minh những điều nói trong Kinh Thánh là chính xác.

6- CHỨNG NHÂN CỦA NHỮNG NGUỒN KHÔNG PHẢI KI-TÔ GIÁO

Mười tác giả nổi danh không phải Ki-tô hữu đã nhắc đến Chúa Giê-su trong vòng 150 năm trước và sau khi Chúa chịu chết đã giúp chứng minh những điều nói trong Kinh Thánh là có thật.

Đó là Josephus, một sử gia người Do Thái viết về chính quyền La Mã; Tacitus, sử gia người La Mã; Pliny em, một chính trị gia người La Mã; Phlegon, một nô lệ được trả tự do đã viết về lịch sử; Thallus, một sử gia ở thế kỷ I; Seutonius, một sử gia La Mã; Lucian thành Samosata, một châm biếm gia người Hy Lạp; Celsus, một triết gia La Mã; Mara Bar-Serapion viết về con trai mình và Talmus, người Do Thái.

Ngược lại, trên cùng 150 năm đó, có 9 nguồn không phải Ki-tô giáo cũng nhắc đến Tiberius Caesar, hoàng đế La Mã vảo thời sứ vụ Chúa Giê-su. Vậy không kể những nguồn Ki-tô giáo, Chúa Giê-su được nhắc đến một lần hơn cả Hoàng đế La Mã. Nếu gom lại cả những nguồn Ki-tô giáo thì số tác giả nhắc đến tên Chúa Giê-su vượt hơn cả số nhắc tới Tiberius những 4 lần.

Geisher và Turek đã liệt kê trong sách của các ông những điều góp nhặt được từ 10 tác giả, trong đó có một số chống Ki-tô giáo. Họ chứng nhận Chúa Giê-su đã sống vào thời Tiberius Caesar và trước đó Ngài có cuộc sống rất đạo hạnh, là một người lao động phi thường, có người em bà con là Giacobe và tuyên xưng là Đấng thiên sai, đã bị đóng đinh chết trên thập giá dưới thời tổng trấn Philato vào ngày áp lễ vượt qua của người Do Thái, lúc đó trời thành tối xầm và đất rung chuyển.

Sau này họ quả quyết là các môn đệ của Chúa tin rằng Chúa đã sống lại từ cõi chết và họ sẵn sàng chết vì niềm tin của họ. Họ đã phổ biến rộng rãi Ki-tô giáo đến tận La Mã và chối bỏ các thần La Mã để chỉ thờ phượng Chúa Giê-su là Thiên Chúa thôi (p.223)

Còn nữa, dữ kiện thấy trong sách The Case for the Real Jesus của Lee Strobel (2007, p.113). Strobel liên hệ đến một tác giả khác là Edwin Yamauchi như sau:
“’Chúng ta có những tài liệu lịch sử về Chúa Giê-su còn giá trị hơn cả tài liệu về người sáng lập bất cứ một tôn giáo cổ xưa nào khác,’ (lời giáo sư Edwin Yamauchi, đại học University of Miami, chuyên viên hàng đầu về lịch sử cổ đại). Những nguồn ngoài Kinh Thánh cũng chứng minh nhiều người tin là Chúa Giê-su đã làm nhiều phép lạ chữa lành bệnh và là đấng Thiên Sai đã bị đóng đinh chết trên thập giá. Dù phải chết một cách nhục nhã như vậy, những người theo ông ta vẫn tin rằng Chúa Giê-su còn sống và thờ kinh như là Thiên Chúa. Một chuyên viên lịch sử cổ đại đã đưa ra 39 nguồn để chứng minh hơn 100 dữ kiện liên quan đến đời sống Chúa Giê-su, những giảng huấn, bị đóng đinh chết trên thập giá và sống lại”[2] (p.272)

images

ĐÔI LỜI KẾT: CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ ĐÃ SỐNG LẠI THẬT.

Chúng ta có thể tin Chúa Giê-su Ki-tô đã sống lại thực sự không? Không hồ nghi gì nữa, các Ki-tô hữu của giáo hội sơ khai đã tin và nhiều người trong số những tín hữu ấy đã chứng kiến sự thật đó.

Strobel tóm tắt rõ ràng:
1- “Các môn đệ là những người duy nhất ở vị thế biết Chúa đã sống lại và họ đã chết để chứng minh lời họ tuyên xưng là thật. Chẳng có ai biết rõ và sẵn sàng chết vì điều mình nói láo.”
2- “Ngoài chuyện Chúa sống lại ra, không có lý do nào khác vững chắc chứng tỏ tại sao hai ông Phaolo và Giacobe đa nghi như vậy lại trở về với Chúa rồi chết vì niềm tin của mình.”
3- “Trong vòng những tuần lễ Chúa bị đóng đinh chết đã có hàng ngàn người Do Thái trở lại, tin Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa và theo Người, bỏ đi những tập tục xã hội, tôn giáo cũ đã có hàng cả thế kỷ. Họ đã tin, họ đã chấp nhận bị luận phạt nếu họ sai lầm.”
4- “Phép Mình Thánh Chúa (Chúa lập trong bữa tiệc ly), bí tích Rửa Tội chứng minh Chúa Giê-su sống lại và là Thiên Chúa.”
5- “Sự chỗi dậy một cách lạ lùng của Giáo Hội trong lúc La Mã đang hành quyết một cách tàn ác và dữ dội ‘đã tạo một điểm vĩ đại trong lịch sử, một đặc điểm có chiều kích và hình dáng Chúa Phục Sinh’….Bằng chứng hiển nhiên đó là Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng đã tuyên xưng là…người và là Con Một Thiên Chúa.” (p.276).

Như Luca đã ghi lại lời Phero quả quyết: “Chính Chúa Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại mà tất cả chúng tôi là những chứng nhân… Do đó, tất cả nhà Israel phải biết chắc chắn điều này: Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Chúa và làm Đấng Ki-tô.” (Cv 2:32, 36).

Chúng ta hãy tạ ơn Cha chúng ta ở trên trời là Chúa Giê-su đã sống lại từ cõi chết. Người còn sống và, trong khi chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa qua cái chết của Con Một Người, thì nhiều, nhiều người nữa sẽ cùng với chúng ta cũng được hòa giải, bởi cái chết của Người trên thập giá.”

Fleming Island, Florida

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn