Những giải pháp?
Dĩ nhiên, vẫn có một giải pháp nào đó khả dĩ. Phẫu thuật não chẳng hạn, nó thay đổi tính cách của bệnh nhân mà người đó không thể nhận ra được. Tẩy não có công hiệu đến mức người bị tẩy não có thể được huấn luyện để suy nghĩ giống như người huấn luyện. Và có lẽ tai họa cũng là một phương cách. Có những trường hợp khi một người thân trong gia đình qua đời, hoặc khi một cuộc tình tan vỡ đã thay đổi một cách rõ rệt tính cách và cách nhìn nhận cuộc sống của một con người. Tuy nhiên một cách tự nhiên, tai họa, tẩy não và phẫu thuật não, chúng ta đều xếp cả ba điều trên vào hạng những điều xấu. Việc chữa trị còn kinh khủng hơn cả căn bệnh. Nếu bản chất con người chỉ có thể được thay đổi bởi những cuộc phẫu thuật não với những con dao mổ, thuật tẩy não với những công cụ tra tấn tiên tiến, và những tai biến cá nhân, thì đó thật là một điều hãi hùng. Vì tất cả những mục đích thực tế, một lần nữa chúng ta có thể nói rằng: “Bản chất con người không thể thay đổi.”
Kết luận trên chẳng có gì mới lạ. Các nhà tư tưởng và nhà thơ trải các thời đại đều đã nhận ra điều đó. Herodotus, cha đẻ của ngành lịch sử, đã bình luận về vấn đề này. Plato, triết gia vĩ đại nhất từ trước đến nay, đã khám phá sự thật nan giải trên khi cố gắng giáo dục cho bạo chúa thành Syracuse. Dù sử dụng tất cả lý thuyết về giáo dục và những kỹ năng vượt trội, Plato đã thất bại thảm hại và chính nỗi đau thất bại ấy, ông đã bị ông hoàng trẻ khó ưa kia tống khứ. Ovid, một nhà văn, bị Hoàng đế Augustus trục xuất vì tư tưởng dâm dục, pha lẫn chủ nghĩa hiện thực và óc khôi hài khi viết: “Tôi thấy một con đường tốt hơn, và tôi ưng con đường ấy: song tôi chọn con đường tồi tệ nhất.” Những lời ấy được thánh Phao-lô, một người cùng thời với Ovid lặp lại. Phao-lô đã nói về tình trạng đáng thương của con người mà ông đang sống trong đó. “Tôi không hiểu gì về chính mình, bởi tôi rất muốn làm điều đúng, nhưng tôi không thể. Tôi làm điều mình không muốn, điều tôi ghét phải làm. Tôi… biết tôi hoàn toàn tồi tệ bởi bản chất tội lỗi khi xưa của tôi. Dù tôi xoay về hướng nào, tôi đều không thể khiến mình làm điều đúng. Tôi muốn nhưng tôi lại không thể. Tôi muốn làm điều tốt, nhưng khi tôi cố gắng không làm điều sai, tôi lại phạm phải nó…”
Phải chăng vị Rabbi trong thế kỷ đầu tiên này nói về chính bạn? Phải chăng đó cũng là điều bạn đang gặp phải? Đó là điều mà tôi gặp phải. Nếu phân tích của Phao-lô về bệnh dịch con người có sức thuyết phục đến thế, vậy thì không đáng để chúng ta lắng nghe tuyên bố trọng yếu của ông hay sao? Tuyên bố của ông đơn giản như vầy: có một giải pháp. Rằng ông đã tìm thấy, áp dụng và khám phá ra rằng giải pháp thật khiến thay đổi bản chất con người, nhưng theo một phương cách khác xa với những tác động hãi hùng của phẫu thuật não, tẩy não, hay những tai biến mà chúng ta đã nói đến. Như bạn có thể kỳ vọng từ người trước kia là đối thủ đáng gờm của Con Người thành Na-xa-rét mà sau này trở thành vị sứ đồ và là người giảng đạo lỗi lạc nhất của Ngài, giải pháp này hoàn toàn xoay quanh nhân vật Giê-su. Đến đây, tôi xin phép tóm tắt lại nhanh.
Giải pháp hữu hiệu?
Chúng ta đã đi qua câu hỏi có Đức Chúa Trời hay không, và câu trả lời thuyết phục đó chính là Đức Chúa Giê-su Christ. Ngài là hiện thân của Đức Chúa Trời không thấy được theo một cách mà chúng ta là con người có thể hiểu được. Ngài ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta có thể tiếp nhận được về Đức Chúa Trời. Ngài không chỉ là một người thánh thiện, Ngài chính là Đức Chúa Trời, đã kết nối bản chất của Ngài vào chúng ta, và có thể nói rằng Ngài đã vào tận trong bản chất trong mỗi con người để làm điều đó. Mọi tôn giáo đều hướng về một điều nào đó tốt hơn chính chúng ta. Tất cả đều cố gắng đi tìm chân lý. Tất cả đều sỡ hữu một vài nhân tố của sự sáng được lấy từ hình thái trọn vẹn và cuối cùng từ Sự sáng của thế gian, chính là Đức Chúa Giê-su Christ. Vậy, chính Đức Chúa Trời thỏa đáp một trong số những nhu cầu cơ bản của chúng ta, đó là biết về chính Ngài. Ngài đã đến để bày tỏ chính Ngài cho chúng ta.
Chúng ta còn có một nhu cầu cơ bản khác, đó là được xứng hợp với Đức Chúa Trời, Đấng đã bày tỏ bản chất yêu thương, tốt lành và ghét điều dữ qua Đức Chúa Giê-su. Nếu Đức Chúa Trời có bản chất như Đức Chúa Giê-su, thì xin nói thật rằng tôi không có bản chất giống như Ngài. Đó chính là vấn đề. Chúng ta đã xem xét vấn đề này trong chương 7. Không nhờ việc lành nào, không nhờ trả giá hay một hành động tôn giáo nào có thể bắt nhịp cầu cho hố sâu quá lớn giữa sự tốt lành của Đức Chúa Trời và điều xấu xa của tôi. Vấn đề nan giải này dẫn Đấng Christ đến thập tự giá. Ngài bị đưa đi một cách không thương xót đến nơi Ngài đã phó mạng cho chúng ta, nơi Ngài nhận lấy trách nhiệm cho mọi hành động xấu xa của con người trước mặt Đức Chúa Trời. Sự rộng lượng của Đức Chúa Trời đó là Đức Chúa Giê-su không chỉ đến để bày tỏ cho chúng ta biết Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã chết một cái chết đầy đau đớn để khiến chúng ta được xứng đáng và cho phép những ai được chuẩn bị để nói rằng: “Lạy Chúa xin thương xót tôi, một kẻ tội nhân” sẽ được hưởng mối liên hệ mật thiết với Ngài ngay trên đất này, và cũng trong đời sau (đây là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của sự phục sinh mà chúng ta đã xem xét trong chương 9).
Phao-lô đã viết tất cả những điều trên trong bức thư của ông được lưu giữ trong Kinh Thánh Tân Ước. Bởi đó mà ông vui mừng xúc động. Ông hoàn toàn được nâng lên trong sự kính yêu và hầu việc Đức Chúa Trời là Đấng đã mở đường cho ông. Nhưng còn một khía cạnh khác trong sự giải cứu trọn vẹn mà Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta, là điều khiến Phao-lô xúc động hơn bất kỳ điều nào khác. Đó chính là Đức Chúa Trời đã sắm sửa một cách để thay đổi bản chất con người.
Thánh Linh của Đức Chúa Giê-su.
Đức Chúa Trời không chỉ sẵn lòng bày tỏ chính Ngài và chết thế cho chúng ta. Nhưng Ngài cũng đến và sống trong chúng ta. Nếu điều này có vẻ ngớ ngẩn, xin hãy kiên nhẫn lắng nghe. Đôi khi trong cuộc sống chúng ta nói rằng: “Stalin có linh hồn của Hitler,” hoặc “Jimmy là một Don Juan chính hiệu.” Chúng ta muốn nói rằng những phẩm chất của Hitler hoặc Don Juan được sao chép lại trong Stalin hoặc Jimmy. Vâng, đó chính là ý nghĩa khi một Cơ Đốc Nhân nói rằng Thánh Linh của Đấng Christ sống trong người ấy. Có nghĩa rằng những đặc tính được tìm thấy trong Đấng Christ bắt đầu xuất hiện trong đời sống của những người theo Ngài. Phao-lô đã viết như sau: “Khi Đức Thánh Linh kiểm soát đời sống của chúng ta, Ngài sẽ sản sinh những bông trái trong chúng ta: yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại và tiết độ” (Ga-la-ti 5:22).
Nhưng Cơ Đốc Nhân muốn bày tỏ nhiều hơn thế. Chúng tôi muốn nói rằng Đức Chúa Giê-su Đấng đã chết và sống lại không phải đi vào lãng quên. Ngài là Đấng hiện hữu và đang hành động. Khi Ngài còn tại thế ở xứ Palestine, Ngài bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Nếu Ngài đang nói chuyện với tôi ở đây, thì Ngài không thể cùng một lúc gặp bạn ở chỗ khác được. Đó là những giới hạn của thân thể con người. Nhưng không lâu trước khi Ngài chịu chết, Đức Chúa Giê-su đã phán cùng các môn đồ rằng Ngài ra đi là để ích lợi cho họ; nếu Ngài không đi, Đức Thánh Linh sẽ không đến trên họ. Nhưng nếu Ngài đi, Ngài sẽ sai Đức Thánh Linh từ nơi Ngài đến khiến sự hiện diện của Ngài trở nên thực hữu đối với họ. Và đó chính là những gì họ đã trải nghiệm.
Tất cả điều đó bắt đầu vào ngày Lễ Ngũ Tuần, chỉ cách năm mươi ngày sau khi Đức Chúa Giê-su Christ chịu đóng đinh vào ngày Lễ Vượt Qua. Trước đó, rất nhiều trong số họ đã vô cùng sửng sốt khi nhìn thấy Đức Chúa Giê-su Christ phục sinh. Đấng Phục Sinh phán cùng họ rằng sự hiện ra của Ngài chỉ là tạm thời, và món quà vĩnh viễn đó là Đức Thánh Linh sẽ đến và ngự trong họ một cách cá nhân. Họ không hiểu những gì Ngài nói, mặc dù Kinh Thánh Cựu Ước đã nói về việc Đức Chúa Trời đặt Đức Thánh Linh trong lòng những ai theo Ngài để khiến họ biết và bước đi theo Ngài.
Nhưng sau trải nghiệm trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, họ đã biết một cách chắc chắn. Những trải nghiệm sống động với Đức Thánh Linh không chỉ ảnh hưởng đến họ từ bên ngoài, nhưng còn phát triển những bông trái tốt lành từ bản chất của Ngài trong mảnh đất đời sống cằn cỗi của họ. Thật vậy, họ như được sinh ra trong một chiều kích mới của sự sống, giống như bào thai phải gắng sức trong ngày chúng ra đời và hít hơi thở đầu tiên, hoặc giống như một người nữ trong ngày lấy chồng, hoặc như một ấu trùng trong ngày chúng biến thành một con chuồn chuồn. Thế giới tự nhiên thật đã chuẩn bị cho chúng ta lẽ thật về bản chất con người có thể được thay đổi nhờ năng quyền đổi mới của Đức Thánh Linh một khi chúng ta tiếp nhận Ngài vào đời sống mình. Nhận thức điều này khiến Cơ Đốc Nhân có lý do để vui mừng. Sau tiếng kêu thất bại đau lòng của Phao-lô về con người đơn độc mà chúng ta đã nói đến ở trên, giờ đây Cơ Đốc Nhân Phao-lô có thể tuyên bố cách đắc thắng: “Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào chờ đợi những ai thuộc về Đức Chúa Jêsus Christ. Vì năng quyền của Thánh Linh ban sự sống – và năng quyền này thuộc về tôi nhờ Đức Chúa Jêsus Christ – đã giải phóng tôi khỏi vòng lẩn quẩn xấu xa của tội lỗi và sự chết… Vậy giờ đây chúng ta có thể vâng theo luật pháp của Đức Chúa Trời nếu chúng ta được Đức Thánh Linh dắt dẫn và không còn vâng theo bản chất tội lỗi khi xưa ở trong chúng ta nữa” (Rô-ma 8:1).
Trong phần còn lại của chương này, tôi xin đi qua mười trường hợp thực tế, được rút ra từ trong Kinh Thánh Tân Ước hoặc những trải nghiệm trong hiện tại những việc Đức Thánh Linh có thể làm cho một người khi người ấy vâng theo Ngài.
(Còn nữa)
MICHAEL GREEN
Translated by Vinh Hien.