Bài trước: https://huongdionline.com/2016/10/07/cuoc-song-ho-duoc-thay-doi/
BẢN CHẤT CON NGƯỜI KHÔNG THỂ THAY ĐỔI
Rốt cuộc thì bản chất con người không thể nào thay đổi. Đó là lý do vì sao những năm đầu tiên của những cột mốc thời gian đời người thật quan trọng. Sự ảnh hưởng của gia đình và nhà trường, những năm đầu đại học hoặc trong sở làm thường có khuynh hướng hình thành nên tính cách chính của chúng ta. Chúng sẽ thay đổi đến một chừng mực nào đó khi có những cơ hội mới, áp lực mới, trách nhiệm (hoặc ít trách nhiệm), và tuổi tác. Nhưng một khi định hướng cuộc sống và tính cách của con người được hình thành, bạn sẽ không thấy tính cách và thái độ của họ thay đổi nhanh chóng một cách thường xuyên. Những năm tháng cưới nhau đủ để khiến các cặp đôi dễ dàng đoán được chính xác một cách đau đớn phản ứng, hoặc thậm chí lời nói của người kia trong một trường hợp nào đó. Hoặc hãy nghĩ về một tù nhân mãn hạn để rồi quay trở lại đó lần nữa với cùng một tội danh. Trong sáng nay, tôi đã nghe qua Radio câu chuyện về một người bị kết tội vì bán những sản phẩm được cho là do những người mù sản xuất nhằm đem lại lợi ích cho hắn. Hắn đã được thả ra khỏi tù, và hiện là giám đốc của một công ty chuyên bán sản phẩm được những tù nhân lớn tuổi sản xuất nhằm đem lợi ích cho công ty! Cái nết đánh chết không chừa. Tre non dễ uốn, hay chó con có thể dạy theo cách mà bạn muốn. Nhưng nếu cố uốn cong một cây tre già; huấn luyện một con chó năm tuổi, bạn sẽ sớm thất vọng thôi.
Solzhenitsyn, nhà văn, nhà viết kịch của Liên Bang Nga đã đưa ra vấn đề với bút pháp quen thuộc của mình: “Bản chất con người thay đổi không nhanh hơn bộ mặt địa lý của trái đất.” Thật vậy, sự mỉa mai và bi kịch của cuộc sống hiện đại là đây: Chúng ta đã thống trị được môi trường sống, nhưng không thể tạo ra sức mạnh tương đương để thống trị chính mình. Chúng ta có thể thay đổi môi trường nhưng không thể thay đổi con người. Dĩ nhiên là dù đã cố gắng hết sức.
Đâu là giải pháp khả thi?
Tự do chính trị và xã hội là phương pháp rất được ưa chuộng. Hãy vứt bỏ chế độ thuộc địa rồi tất cả sẽ ổn thôi. Chắc chắn không có tranh cãi gì về kết quả đã đạt được như mong đợi. Trong thời điểm này, chính sự tự do của Ấn Độ đang bị cắt xén thậm chí nhiều hơn khi họ sống dưới triều đại của Hoàng Gia. Ni-giê-ri-a dường như là một quốc gia lý tưởng cho việc chuyển tiếp từ chế độ thuộc địa sang tự do trong hòa bình – nhưng sau đó phải hứng chịu cuộc nội chiến tàn khốc về vấn đề chủng tộc và tài chánh. Họ không thể thoát khỏi chế độ thiết quân luật để chuyển sang nền dân chủ, và sau đó truất quyền người đứng đầu nhà nước, trong khi tham nhũng tiếp tục leo thang không kiểm soát. Bạn có cảm thấy: “Chúng ta không làm những điều đó ở Phương Tây không?” Không? Nhưng hãy nghĩ về những lời hứa của các đảng phái chính trị khi họ vận động tranh cử, và nhìn lại những lời hứa đó cũ nát tả tơi như thế nào chỉ trong một năm sau đó.
Tự do chính trị không thay đổi được bản chất con người, kể cả tính dễ dãi đối với tự do của xã hội cũng vậy. Bertrand Russel, một trong số những người tán thành nhất sự dễ dãi trong thế hệ của ông, đã phát biểu với niềm xúc cảm về những đứa con của mình trong cuối đời: “Để những đứa con ra đi tự do là thiết lập một vương quyền khiếp sợ.” Và đó chính là điều đang xảy ra ở rất nhiều trường học ngày nay.
Nhân lên những ví dụ này chỉ càng làm ta thêm mệt nhọc. Về vấn đề suy đồi đạo đức, những giải pháp của các bậc phụ huynh bao gồm giáo dục, hệ thống phúc lợi xã hội, và các phương thuốc tâm lý. Không một phương pháp nào nêu trên có thể giúp gì nhiều hơn ngoài một tác động rất nhỏ nhoi vào vấn đề cơ bản đó là thay đổi bản chất con người. Giáo dục thì mỗi ngày một mất định hướng, ngành tham vấn cũng vậy. Đến nỗi phương pháp này cho phép người ta tìm giải pháp từ trong chính họ; nhưng sẽ không hữu ích khi người đó thấy chính họ là ngục tù của mình. Không hơn gì giáo dục, liệu pháp tâm lý cũng không thể truyền thêm bất cứ nguyên tố mới nào vào bản chất con người. Song con người vẫn đói khát sự thay đổi. Trong một năm, nhiều triệu bảng Anh được chi trả cho thuốc ngừa thai, thuốc ngủ, và những loại thuốc như vậy để giải tỏa căng thẳng, trầm cảm, và mất ngủ. Hàng trăm ngàn người chết mỗi năm vì tác hại của hai loại thuốc giảm đau phổ biến nhất là rượu và thuốc lá.
Phúc lợi xã hội không thể nhổ tận gốc những vấn đề của con người. Thật ra, theo một cách nào đó nó càng kích thích cho vấn đề thêm mưng mủ. Tôi biết những người thất nghiệp không chịu làm việc trở lại bởi vì được nhận nhiều tiền hơn từ quỹ thất nghiệp và an sinh xã hội. Tôi biết có những sinh viên xem việc nhận phúc lợi xã hội là quyền lợi mà họ hiển nhiên có, để rồi phung phí thì giờ ở trường đại học, thay vì sống có trách nhiệm đối với số tiền ấy như là một quyền lợi mà những người khác phải đóng vào mới có được. Và sẽ không đủ lời để liệt kê hết những trường hợp gian lận, tham nhũng, mánh lới, và bạo hành dưới chế độ chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Những điều này thuyết phục hầu hết chúng ta rằng dù có bao nhiêu lợi ích thu được từ phúc lợi của chủ nghĩa xã hội, thì nó cũng không thể làm được một điều: thay đổi bản chất con người.
Trên thực tế vấn đề này thật khó chữa. Hãy nhìn vào tầng lớp lao động bất hạnh trên thế giới vì những chính sách hám lợi đối địch với tầng lớp lao động và thiếu thõa mãn trong công việc. Hãy nhìn vào rất nhiều gia đình bất hạnh, bởi vì những thanh gươm ích kỷ. Hãy nhìn vào những mối quan hệ căng thẳng giữa những quốc gia, vì chính sách thù địch căm ghét và đe dọa. Hãy nhìn vào hiện trạng môi trường khi con người không ngừng theo đuổi những mục tiêu ngắn hạn mà chẳng mảy may quan tâm đến thế hệ tương lai. Dù bạn nhìn đi đâu cũng sẽ thấy cảnh tàn phá do “bệnh dịch của con người”. Chúng ta đều bị nó đầu độc. Chúng ta không bị bắt ép phải học để làm điều sai, dẫu rằng chúng ta đã phải học, một cách chậm chạp và đầy đau đớn, để làm điều đúng. Trộm cắp và dối trá, hò hét đòi lối riêng của mình, thù ghét và dục vọng, tham lam và ích kỷ, những điều đó không phải là sản phẩm mà chúng ta thu nạp vào. Nhưng chúng mọc lên ở đây, trong bạn và tôi. Và chúng mọc lên như cỏ dại trong vườn, sinh sôi một cách ngoan cố: không cần trồng, không cần nước, không cần chăm sóc – trong khi các cây hoa thì lại cần phải được nâng niu và chăm sóc bằng sự chăm lo yêu thương một cách nhẹ nhàng nếu muốn chúng sống sót, chưa kể đến việc muốn chúng ra hoa.
Bệnh dịch của con người giống như đám cỏ dại phiền phức trong vườn. Bạn càng nhổ chúng, dường như chúng lại càng mọc thêm nhiều. Nếu một phần nhỏ rễ cây còn sót lại trong đất, chúng sẽ nhanh chóng sản sinh ra một loại cỏ dại tươi tốt. Dường như không gì có thể xóa sạch chúng được. Bệnh dịch con người cũng vậy. Dường như không gì có thể xóa sạch chúng được, và vì thế chúng ta từ bỏ cố gắng và nói rằng: “Bản chất con người không thể thay đổi.”
(Còn nữa)
MICHAEL GREEN
Translated by Vinh Hien.