Bài trước: https://huongdionline.com/2015/10/03/su-keu-goi-cao-ca-cua-chua-danh-cho-nguoi-nu-2/
Sự Kêu Gọi Cao Cả Của Chúa Dành Cho Người Nữ
1 Ti-mô-thê 2:11
Catharine Beecher là con cả trong gia đình. Một trong những người em gái của bà là Harriet Beecher Stowe, một nhà tiểu thuyết, tác giả sách “Túp lều của chú Tom”. Catharine lớn lên với một tình yêu vĩ đại dành cho con trẻ, bà tìm thấy niềm vui trong việc nuôi và chăm sóc chúng. Mẹ của bà là một nội trợ giỏi và đã dạy bà cách chăm sóc nhà cửa.
Khi Catharine được 16 tuổi thì mẹ mất, một người dì chuyển về sống chung. Người dì này nổi bật với sự gọn gàng và khả năng quán xuyến nhà cửa ngăn nắp và tiết kiệm. Cha của Catharine cuối cùng cũng tái hôn, và người mẹ kế cũng là một chuyên gia nội trợ.
Catharine dưới sự giáo huấn của những người nữ gương mẫu này đã quyết định huấn luyện lại những người phụ nữ khác về công việc nội trợ. Ở tuổi 23, cô thành lập Học Viện Phụ Nữ Hartford, để huấn luyện phụ nữ thành người được chồng con yêu mến và là quản gia tốt trong nhà.
Năm 1869, Catharine và Harriet viết một quyển sách có tựa là “Mái Ấm Phụ Nữ Mỹ” (New York: J. B. Ford). Họ viết:
“Chuyên môn của phụ nữ chú trọng vào việc chăm sóc và nuôi dưỡng thân thể các thành viên trong gia đình trong những giai đoạn trọng yếu khi thơ ấu và bịnh hoạn, rèn luyện tâm trí con cái trong giai đoạn có thể gây dấu ấn nhất của tuổi thơ…và hầu hết nhiệm vụ chính trị, kinh tế của gia đình. Những bổn phận này của phụ nữ cũng thánh và quan trọng như bất cứ bổn phận nào được giao cho nam giới. Tuy nhiên những điều này chưa được thừa nhận, cũng chưa có một qui chuẩn nào để chứng thực với công chúng rằng một phụ nữ được trang bị thích đáng để đem lại sự hướng dẫn phù hợp trong chuyên môn của mình.” (trang 14)
Huấn luyện phụ nữ là mong muốn của các tác giả trên. Họ muốn người nữ “không chỉ để trình diễn theo cách thức được công nhận nhất trong tất cả những việc làm thủ công của cuộc sống gia đình, nhưng là tôn cao và vui hưởng những bổn phận này.” (trang 14-15)
Nếu ngày nay một phụ nữ thành lập một học viện để huấn luyện phụ nữ trong những trách nhiệm trong gia đình, người đó chắc sẽ trở thành trò cười cho thế giới phương Tây. Huấn luyện phụ nữ giữ gìn mái ấm nghịch lại với những gì của văn hóa chung thế giới hiện nay là quan trọng cho Cơ đốc nhân.
Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà sự đảo ngược vai trò đang là tâm điểm của Satan. Nếu Satan chỉ nhắm chiến lược đó vào thế gian thôi thì là một chuyện khác, nhưng thật tai hại khi điều này ngấm vào trong Hội Thánh. Hội Thánh ngày nay thật sự đã đánh mất đi nhận thức về quan điểm và sự cân đối đối với vai trò của phụ nữ. Tôi kinh ngạc khi thời gian trôi qua, tôi thấy một sự gia tăng những thành viên trong các nhà thờ không còn đi theo Kinh Thánh, dưới sức ép của xã hội họ đã bắt đầu thay đổi quan điểm của mình về vai trò của phụ nữ. Phần đáng buồn là sau đó họ lại chỉ dẫn cho phụ nữ khước từ một lối sống mà Đức Chúa Trời đã quy định, một lối sống sẽ đem lại vui mừng lớn nhất cho người nữ.
Đó là nan đề trong thời kỳ của Catharine Beecher, đó cũng là nan đề ngày nay, và đó cũng là nan đề trong thời kỳ khi Phao-lô viết thư tín đầu tiên cho Ti-mô-thê. Trong 1 Ti-mô-thê 2:9-15, vị sứ đồ đã đưa ra một cách xử lý toàn diện về vai trò phụ nữ trong Hội Thánh. Trong câu 9, chúng ta nói về vẻ bề ngoài và thái độ của phụ nữ. Trong chương trước, chúng ta xem xét về lời chứng của phụ nữ và bắt đầu thảo luận về vai trò phụ nữ, bao gồm sự bình đẳng thuộc linh của nam và nữ bất chấp những vị trí khác nhau. Trong chương này, chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu trong câu 11 khi chúng ta tìm hiểu Lời Chúa dạy gì trong vấn đề quan trọng này về sự kêu gọi cao cả của Ngài dành cho nữ giới.
VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ (c. 11-12)
“Đàn bà phải yên lặng mà nghe dạy, lại phải vâng phục mọi đàng. Ta không cho phép đàn bà dạy dỗ, cũng không được cầm quyền trên đàn ông; nhưng phải ở yên lặng.”
Hội Thánh tại Ê-phê-sô ở trong một thành phố bị ảnh hưởng bởi văn hóa và tôn giáo của Hi-Lạp. Theo William Barclay:
“Ví trí của phụ nữ trong tôn giáo Hi-lạp là rất thấp. Đền thờ của Aphrodite tại thành Cô-rinh-tô có một ngàn nữ tu là những gái mại dâm và mỗi tối họ hành nghề trên các con đường trong thành phố. Đền thờ của nữ thần Diana trong thành Ê-phê-sô có hàng trăm nữ tu được gọi là Melissae có nghĩa là những con ong, cũng hành nghề tương tự. Người phụ nữ Hi-lạp đứng đắn sống một cuộc sống rất hạn chế. Họ phải sống trong phần không gian riêng của mình là nơi chỉ có chồng họ mới được vào. Thậm chí họ còn không được xuất hiện trong các bữa ăn. Không bao giờ xuất hiện ngoài đường một mình, không bao giờ đi đến những nơi hội họp công cộng. Sự thật là nếu trong thành phố của người Hi-lạp, mà phụ nữ Cơ Đốc lãnh đạo một hoạt động và giảng, thì Hội Thánh chắc chắn sẽ bị mang tiếng là nơi của những người đàn bà phóng túng.” (Thư tín gửi Ti-mô-thê, Tít, và Phi-lê-môn. [Philadelphia: Wesminster, 1975], 67)
Trong câu 11, Phao-lô trình bày hai điểm về phụ nữ trong Hội Thánh: họ phải yên lặng mà nghe dạy, và họ phải học trong sự vâng phục. Từ Hi-lạp được dịch là “yên lặng” (hesuchia) có nghĩa đơn thuần là sự nín thinh. Chúng ta sẽ phải xác định chính xác nghĩa của nó trong văn mạch. Từ Hi-lạp được dịch là “vâng phục” là từ hupotasso, có nghĩa là “xếp sau”. Phụ nữ không được phản loạn; họ phải phục vụ trong vai trò đúng đắn của mình.
Lời dạy về sự yên lặng của phụ nữ đã bị giải thích nhầm theo hai cách. Những người tin rằng phụ nữ được tự do giảng dạy trong Hội Thánh thì giải thích “yên lặng” ám chỉ một tinh thần mềm mại và dịu dàng. Họ khẳng định rằng phân đoạn này dạy rằng những diễn giả hoặc giáo sư nữ phải có một thái độ mềm mại và dịu dàng. Những người khác thì quay về thái cực trái ngược và khăng khăng rằng phụ nữ không bao giờ nên mở miệng trong Hội Thánh dưới bất cứ tình huống nào, thậm chí là không nói chuyện với cả người ngồi bên cạnh. Tuy nhiên trong câu 12, Phao-lô nói rằng phụ nữ yên lặng bằng cách không dạy dỗ hay thi hành uy quyền trên người nam trong Hội Thánh.
(Còn nữa)
John MacArthur
Translated by Van Pham