GẦN ĐỨC TIN, XA MÊ TÍN
Kinh Thánh vẫn luôn là thước đo của đức tin và mê tín. Đúng và sai. Tốt và xấu. Kinh Thánh chép, “Ngươi tin rằng chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, ngươi tin phải; ma quỉ cũng tin như vậy và run sợ” (Gia-cơ 2:19). Câu nầy cho thấy Ma Quỷ còn tin Trời và sợ Trời huống gì chúng ta. Vậy mà vẫn có nhiều người không biết Trời, không tin Trời, không thờ Trời.
Có sự khác nhau to lớn giữa Đức Chúa Trời theo Kinh Thánh và ý niệm Trời của văn hóa và tín ngưỡng Á Đông.
Người Mỹ tin cậy Đức Chúa Trời theo Kinh Thánh, còn người Việt biết Ông Trời qua thi ca, triết lý. Người Mỹ gần Trời và xa Ma quỷ. Gần đức tin và xa mê tín. Đây là sự khác biệt quan trọng nhất. Thế giới có nhiều Tà Thần, nhưng chỉ có một Chân Thần. Đức Chúa Trời của Kinh Thánh là Chân Thần.
Bạn nghĩ gì khi đọc những câu Kinh Thánh nầy:
“Ta là đầu tiên và cuối cùng; ngoài ta không có Đức Chúa Trời nào khác.” Ê-sai 44:6.
“Hỡi Y-sơ-ra-ên! Hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Đấng có một không hai” Phục Truyền 6:4.
Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Jêsus Christ, là người; Ngài đã phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người. 1 Ti-mô-thê 2:4-6.
Đọc và hiểu những câu Kinh Thánh nầy, bạn không thể làm gì hơn là tin cậy và vâng lời. Đó là sức mạnh của Kinh Thánh. Bạn không cần binh vực Kinh Thánh, Kinh Thánh tự sức thuyết phục bạn và mọi người đọc Kinh Thánh.
Đức Chúa Trời của Kinh Thánh không phải là một khái niệm mơ hồ, xa vời nhưng rất gần gũi và thực tế. Bạn có thể gặp gỡ và nói chuyện với Ngài. Đức Chúa Trời của Kinh Thánh là có một nhưng là Ba Ngôi: Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh. Cha là Trời, Con là Trời và Linh là Trời. Ba Ngôi hiệp một Chân Thần. Bạn không thể lấy lý trí con người để hiểu Trời, bạn cần đức tin đơn sơ như con trẻ để tiếp nhận.
Hãy tìm đọc và nghiên cứu Kinh Thánh, bạn sẽ thấy khám phá nầy của tôi là đúng và nhận xét của tôi là khách quan.
Kinh Thánh không phải là quyển sách chỉ để đọc nhưng để thực hành. Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh không phải chỉ để biết nhưng là để vâng lời. Tin cậy và vâng lời Chúa là kinh nghiệm sống. Đơn giản giống như con vâng lời cha mẹ, học trò vâng lời thầy cô.
Kinh Thánh là “ngọn đèn cho chân tôi, là ánh sáng cho đường lối tôi.” Kinh Thánh là sách giáo khoa, là kim chỉ nam trên mọi cuộc hành trình. Kinh Thánh là nền tảng cho mọi kiến thức căn bản lẫn mọi hình thức văn minh. Tin và làm theo Kinh Thánh là khôn ngoan, là bí quyết tâm linh thành công.
XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN HỘI THÁNH
Tôi thấy người Mỹ có một nền tảng vững chắc và cụ thể của đức tin. Người Mỹ duy trì đức tin bằng cách đọc Kinh Thánh ở nhà và tham gia thờ phượng Chúa chung với các tín hữu khác ở nhà thờ. Ở nhà thờ bạn nghe giảng Kinh Thánh nhiều hơn và học Kinh Thánh có hệ thống hơn.
Nhà thờ là những Hội Thánh địa phương giúp người thờ Trời có nơi sinh hoạt, trưởng thành trong đức tin. Nhà thờ chuyên lo thông công chăm sóc bạn và bảo vệ đức tin của bạn. Nhà thờ được xây dựng nhiều như trường học. Nhiều nhà thờ lớn cũng lập các “Day Care” để giúp giữ trẻ và dạy trẻ lúc còn thơ.
Một số bậc cha mẹ thuộc giới tri thức cũng lập các lớp học phổ thông ngay tại nhà mình để dạy kiến thức cho con, không cần đưa con đến trường công lập. Các bậc cha mẹ nầy tin nơi chương trình Cơ-đốc Giáo Dục. Các nhà xuất bản sách đều có một chương trình học phổ thông dành cho những người học ở nhà. Các em học ở nhà vẫn có thể đi thi lấy bằng tốt nghiệp Trung Học phổ thông, vẫn đủ sức vào học Đại Học.
Ngay từ khi còn nhỏ các trẻ em người Mỹ đã học biết về Đức Chúa Trời. Các bài học Kinh Thánh chuyên chở những giáo huấn, những bài học lịch sử về mối quan hệ giữa Trời và người. Người Mỹ in rất nhiều Kinh Thánh, đủ các bản dịch thích hợp với từng lứa tuổi. Ai cũng có quyển Kinh Thánh để đọc, để học và suy gẫm. Trong ngôn ngữ nói cũng như trong văn chương viết, người Mỹ luôn trích dẫn và sử dụng Kinh Thánh. Kinh Thánh có thẩm quyền tối hậu trong đời sống vật chất lẫn đời sống tinh thần.
Ở Mỹ có những Viện Đại Học và Đại Chủng Viện chuyên nghiên cứu và dạy Kinh Thánh, càng ngày càng sâu nhiệm và phong phú. Không có câu hỏi nào về Kinh Thánh mà chưa được mổ xẻ và tranh biện. Trẻ em được tập quan sát và suy nghĩ cách độc lập. Các em biết tự khám phá. Các em tập nói thật. Không có chuyện học từ chương. Ngay từ nhỏ trẻ em người Mỹ đã biết các chuyện tích của Kinh Thánh. Các em biết Mười Điều Răn, Bài Cầu Nguyện Chung, Lễ Báp-têm, Lễ Tiệc Thánh, Lễ Dâng Con, các ngày Holy Days.
(Còn nữa)
Mục sư Nguyễn Văn Huệ
Trích từ “THỜ TRỜI”