Vài năm trước đây, tôi dạy những nguyên tắc này cho một nhóm thanh niên. Sau đó đang khi tôi đang chơi game bóng đá trên máy tính, tôi nhận được một cuộc điện thoại. Frank nói hối hả: Nè, Bill tôi đã phá vỡ kỷ lục của anh.
– Anh đang nói gì thế? Tôi hỏi nhưng mắt vẫn không rời màn hình máy tính, tôi đang điều khiển cầu thủ tiền đạo sút bóng vào gôn.
– Anh đã từng nói rằng anh đã từng chờ đợi 10 phút sau khi hỏi câu cuối cùng. Hôm nay tôi đã chờ 45 phút khi tôi phỏng vấn một cô gái các câu hỏi của anh. Đôi chân tôi ướt đẫm mồ hôi, và tôi chuẩn bị trốn chạy không còn đủ sức cầu nguyện nữa. Tôi bắt đầu quan tâm tới những gì Frank nói. Tôi bỏ mặc cuộc chơi trên màn hình đang hồi gay cấn, và hỏi: Rồi sau đó chuyện gì xảy ra?
– Đương nhiên là cô ta đã tiếp nhận Chúa.
- Bạn sẵn sàng chờ đợi bao lâu? Khi bạn hỏi câu thứ 5, chỉ có hai khả năng xảy ra: người nghe sẽ trả lời có hoặc không.
Khi thân hữu trả lời có cho câu hỏi thứ 5. Đây là thời điểm chính xác người đó kinh nghiệm sự tái sinh. Không phải chỉ khi họ dâng lên lời cầu nguyện của một tội nhân, hay là tuân theo một số nghi lễ của nhà thờ. Đó là khi họ đặt niềm tin của mình tin cậy nơi công tác cứu chuộc đã hoàn tất của Chúa Jesus Christ. Dĩ nhiên chúng ta sẽ hướng dẫn họ dang lên lời cầu nguyện của một tội nhân. Điều này được xem như món tráng miệng vậy!
Bạn sẽ hướng dẫn thân hữu của mình cầu nguyện như sau: Lạy Cha thiên thượng, con là một tội nhân chống nghịch Ngài. Con muốn được tha thứ tất cả mọi tội lỗi của con. Con tin Chúa Jesus đã chết trên thập tự giá và đã sống lại. Con muốn dâng nộp đời sống con cho Ngài để làm điều Ngài ao ước. Con muốn Chúa Jesus bước vào trong cuộc đời và tấm lòng con. Con cầu nguyện trong danh Chúa Jesus. Amen. Thật là một thời điểm đáng ghi nhớ! Sự vui mừng tràn ngập, các thiên sứ ca vang bài suy tôn Cha thiên thượng và tấm lòng của bạn hoan hỉ trước sự tốt lành của Đức Chúa Trời. Bạn cảm thấy như dành được ưu thế sau cái búng đồng xu chơi trò sấp ngữa!
Nhưng nếu như tình huống không như mong đợi xảy ra. Thân hữu của bạn khước từ lời mời gọi tiếp nhận Chúa, với lời nói: Không, tôi chưa sẵn lòng. Lúc đó bạn sẽ giải quyết vấn đề như thế nào?
- Nguyên tắc tại sao
Bất cứ khi nào tôi tiếp nhận câu trả lời không cho câu hỏi thứ 5. Tôi hỏi: Tại sao?
Trong chương tiếp theo chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận một lần nữa về nguyên tắc tại sao để xử lý sự từ chối khi chúng ta tiếp nhận câu trả lời không.
• Bạn có sẵn sàng mời Chúa Jesus Christ bước vào đời sống và tấm lòng của bạn?
• Không.
Nắm lấy điều không mong đợi
Chúng ta chắc có ý tốt. Chúng ta định dừng lại và chìa tay ra cho người khác, nhưng chúng ta quá bận rộn với cuộc sống, vì thế đôi lúc chúng ta không chú ý tới ai. Chúng ta thường trượt chân trên những ơn phước mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta. Những điều Chúa ban phước trên gia đình, Hội thánh, công việc, sở thích khiến chúng ta vội vã đi nhanh hơn nữa. Chúng ta không biết rằng Đức Thánh Linh là tác giả của những tình huống không mong đợi.
Chúa Jesus trở nên không có gì thú vị khi chúng ta không dành thời gian đi theo sự dẫn dắt của Ngài. Chúng ta cần phải chú ý tới những người mà Ngài đã đặt để trên các lối đi của chúng ta.
Có lẽ bạn nói: Anh không hiểu gì cả. Tôi bị tụt hậu phía sau và không có thời gian chia sẻ Phúc Âm cho ai cả.
Tôi sẽ chứng minh rằng khi Chúa đang làm việc, bạn không được làm cho công việc Ngài gián đoạn. Bạn có những cơ hội tuyệt diệu. Bạn không cần lo lắng về việc duy trì những bước chân nhanh của bạn. Khi Đức Chúa Trời ban cho bạn những điều không ngờ tới, Ngài cũng ban cho bạn tất cả thời gian bạn cần để xử lý nó. Bên cạnh đó, chia sẻ Phúc âm không phải là một công việc dài dòng buồn chán. Bạn có biết là có thể chia sẻ Phúc Âm trong vòng 30 giây hoặc ít hơn?
Bạn có thể làm điều này bằng cách sử dụng 5 câu hỏi xác nhận. Lần đầu tiên tôi thực hành điều này cách đây vài năm. Vào một buổi tối kia tôi đang lái xe trên một con đường không có ánh đèn. Tôi quay đầu xe ở một góc phố. Lúc đó tôi nhìn thấy vài chiếc xe của đội cứu hộ đang bật đèn ưu tiên với ánh sáng nhấp nháy. Tôi cũng nhìn thấy một một chiếc xe Volkswagen Beetle nhỏ đâm vào một cái cây. Tôi thấy một thiết bị cứu hộ thủy lực được sử dụng để kéo một thanh niên khoảng 19 tuổi ra khỏi chiếc xe dập nát. Cậu ấy được đặt nằm trên một cái cáng, hai tay bất động. Các nhân viên y tế đang tìm cách cứu sống người thanh niên này.
Tôi nhảy ra khỏi xe chạy nhanh về phía người bị nạn. Nhưng tôi phải đối diện một vấn đề: Một chiếc trực thăng đang lượn trên đầu chuẩn bị câu người bị nạn lên để đưa tới bệnh viện. Tôi biết chỉ có thể chia sẻ Phúc âm cho cậu thanh niên này trong khoảng 30 giây. Đây là một tình huống nan giải. Cậu ấy đang đau đớn vì vết thương, không thể nói được. Tôi chỉ có thể nghe những âm thanh rên rỉ phát ra từ miệng cậu ấy.
Tôi quì xuống bên cạnh cậu ta và hỏi:
• Em là một người có tội phải không?
• Ơ..ơ
• Em có muốn được tha thứ tất cả mọi tội lỗi?
• Ơ..ơ
• Em có tin rằng Chúa Jesus đã chết trên thập tự giá và đã sống lại?
• Ơ..ơ
• Em có sẵn sàng dâng nộp dời sống cho Chúa Jesus Christ?
• Ơ..ơ
• Em có sẵn sàng mời Chúa Jesus bước vào cuộc đời và tấm lòng của em?
• Ơ..ơ
Bạn biết đấy, nếu như những tiếng rên rỉ ơ…ơ này đến từ tấm lòng của người thanh niên, anh ta sẽ được cứu. Phúc âm chỉ đơn giản như thế. Không phải dài dòng và mất nhiều thời gian.
Ngày hôm sau tôi đọc tin trên báo và biết rằng người thanh niên này đã chết. Tuy nhiên tôi hiểu một điều: Đức Chúa Trời yêu thương đã ban cho cậu ấy cơ hội để tiếp nhận Con Ngài là Chúa Jesus Christ trong những giây phút cuối cùng. Nếu cậu ấy thực sự làm điều ấy, một ngày kia chúng ta sẽ gặp lại cậu ta đi trên các đường phố bằng vàng.
Nhưng câu chuyện này vẫn chưa chấm hết. Bảy năm sau đó, tôi đang hướng dẫn một khóa hội thảo và kể lại câu chuyện này. Một bà cụ tiến lại gần tôi sau buổi hội thảo:
– Chiếc xe hơi anh nói đến có phải là chiếc Volkswagen Beetle màu xanh lá cây?
Trong nhà thờ lúc đó có lẽ chỉ có Chúa và tôi biết chiếc xe định mệnh này. Tôi trả lời:
– Vâng đúng thế. Làm sao bà biết điều đó?
Đôi mắt rơi lệ, bà lão thì thào:
– Cậu thanh niên bị nạn là cháu tôi.
Đức Chúa Trời yêu thương đã bày tỏ cho bà cụ này biết cháu của bà đã có cơ hội đến với Ngài trước khi qua đời. Vì thế khi nhìn lại câu chuyện đã qua. Có phải vụ tai nạn xe hơi đã làm cho hành trình của tôi bị gián đoạn hay đó chính là cơ hội mà Đức Chúa Trời đã ban cho tôi? Có lẽ điều này sẽ giúp đỡ bạn có nhận thức mới: Đánh giá những biến cố đã qua trong cuộc đời của bạn, đặc biệt là những biến cố bạn cho là đã làm gián đoạn công việc riêng của bạn.
(Còn nữa)
Nguyên tác: Share Jesus without fear
Chuyển ngữ: Tường Vi