Thứ Năm , 14 Tháng Mười Một 2024
Home / Tổng hợp / Đêm Thánh

Đêm Thánh

 

Tiểu Sử Thánh Ca
Đêm Thánh – O Holy Night

Đêm Thánh là một ca khúc giáng sinh được sáng tác vào thế kỷ 19. Nội dung của bài thánh ca thuật lại ý nghĩa của việc Đức Chúa Jesus giáng sinh: Ngài đến để cứu chuộc nhân loại.  Lời thánh ca kêu gọi mọi người hãy thành tâm thờ phượng Chúa.  Giai điệu của bài Đêm Thánh vừa dịu dàng, vừa sâu lắng, vừa trang trọng; có lúc nét nhạc vút cao như đưa người nghe vượt lên ngàn sao hòa cùng các thiên thần ngợi khen Chúa. Theo các thống kê, Đêm Thánh là bài thánh ca được trình bày đơn ca nhiều nhất vào dịp lễ Giáng Sinh hằng năm.

Lời Pháp

Tác giả lời thánh ca Đêm Thánh là Placide Cappeau (1808-1877), một thi sĩ người Pháp. Placide Cappeau là bạn của một số nhà văn Pháp trong nhóm Félibridge như Frédéric Mistral, Joseph Roumanille và Alphonse Daudet.

Placide Cappeau sinh ngày 25/10/1808 tại Roquemaure, Pháp; do đó tên của ông đôi khi được viết là Placide Cappeau de Roquemaure.  Placide Cappeau là con trai của Mathieu Cappeau và Agathe Louise Martinet.  Năm 8 tuổi, Placide Cappeau gặp một tai nạn nên bị thương tật.  Brignon, một người bạn tuổi thiếu nhi của Placide, vì tinh nghịch làm súng nổ bắn Placide gãy mất tay phải.  Vì tai nạn đó, Placide sống với một cánh tay suốt cả cuộc đời.

Placide Cappeau theo học tại Collège Royal d’Avignon, tốt nghiệp với bằng cử nhân văn chương.  Sau đó, ông học luật và tốt nghiệp luật khoa tại Paris vào năm 1831.  Nối nghiệp gia đình, Placide Cappeau kinh doanh rượu vang để sinh sống; dầu vậy ông vẫn giữ sinh hoạt đều đặn trong lĩnh vực văn học.

Là một tín hữu Công giáo nhưng Placide Cappeau là người ủng hộ cải cách xã hội và chống lại ảnh hưởng của hàng giáo phẩm trên chính quyền cho nên Placide Cappeau ít đi nhà thờ.  Tuy nhiên, vì biết tài năng làm thơ của Placide Cappeau, năm 1847 vị linh mục của giáo xứ địa phương đã nhờ Placide Cappeau sáng tác một thánh ca cho lễ giáng sinh.  Mặc dầu ngạc nhiên nhưng Placide Cappeau đã nhận lời yêu cầu đó.

Placide Cappeau kể lại rằng ông đã sáng tác bài thơ Cantique de Noël trên đường đi Paris.  Ông viết xong bài thơ trong chặng đường từ Mâcon đến Dijon.  Placide Cappeau lấy ý bài thơ từ Phúc Âm Lu-ca chương thứ hai. Trong bài thơ, Placide Cappeau đem người nghe trở về cảnh Đức Chúa Jesus giáng sinh tại Bethlehem, đồng thời nhắc các tín hữu đang dự thánh lễ nửa đêm về ý nghĩa sự giáng sinh của Chúa: Chúa đến để giải phóng nhân loại ra khỏi vòng xiềng xích của tội lỗi. Sau đó điệp khúc của bài thơ nhắc nhở các tín hữu phải thành kính tri ân công ơn cứu chuộc của Đấng Cứu Thế.  Nguyên văn bài thơ trong tiếng Pháp như sau:

Cantique de Noël
Placide Cappeau

Minuit, chrétiens, c’est l’heure solennelle,
Où l’Homme Dieu descendit jusqu’à nous
Pour effacer la tache originelle
Et de Son Père arrêter le courroux.
Le monde entier tressaille d’espérance
En cette nuit qui lui donne un Sauveur.

Peuple à genoux, attends ta délivrance.
Noël, Noël, voici le Rédempteur,
Noël, Noël, voici le Rédempteur!

De notre foi que la lumière ardente
Nous guide tous au berceau de l’Enfant,
Comme autrefois une étoile brillante
Y conduisit les chefs de l’Orient.
Le Roi des rois naît dans une humble crèche:
Puissants du jour, fiers de votre grandeur,

A votre orgueil, c’est de là que Dieu prêche.
Courbez vos fronts devant le Rédempteur.
Courbez vos fronts devant le Rédempteur.

Le Rédempteur a brisé toute entrave :
La terre est libre, et le ciel est ouvert.
Il voit un frère où n’était qu’un esclave,
L’amour unit ceux qu’enchaînait le fer.
Qui lui dira notre reconnaissance,
C’est pour nous tous qu’il naît, qu’il souffre et meurt.

Peuple debout ! Chante ta délivrance,
Noël, Noël, chantons le Rédempteur,
Noël, Noël, chantons le Rédempteur!

images-3

Lược dịch ý thơ sang tiếng Việt:

Hỡi những người tin Chúa!  Giờ trang trọng là lúc nửa đêm
Khi Thiên Chúa thành người giáng ngự giữa chúng ta,
Để xóa sạch ô nhơ của căn nguyên tội lỗi,
Để chấm dứt cơn phẩn nộ của Cha Ngài.
Cả thế giới rộn vui trong hy vọng
Vì đêm nay, Đấng Cứu Thế ra đời.

Nhân loại hãy quỳ xuống khiêm cung trông chờ sự giải cứu.
Giáng sinh, giáng sinh.  Kìa Đấng Cứu Tinh!
Giáng sinh, giáng sinh.  Kìa Đấng Cứu Tinh!

Nguyện ánh sáng chói lòa của đức tin
Hướng dẫn tất cả chúng ta đến bên nôi của Hài Nhi.
Như ánh sao rạng rỡ ngày xưa
Hướng dẫn những vị vua Đông Phương.
Vua của các vua sinh ra khiêm nhường trong máng cỏ,
Để những người hùng mạnh hôm nay hãnh diện về sự vĩ đại của Ngài.

Vì sự kiêu ngạo của bạn mà Chúa truyền giảng,
Hãy cúi đầu trước Đấng Cứu Tinh.
Hãy cúi đầu trước Đấng Cứu Tinh.

Đấng Cứu Tinh đã bẻ gãy mọi gông cùm
Trái đất được tự do, thiên đàng đang rộng mở.
Ngài thấy một người anh em nơi vốn chỉ có kẻ nô lệ.
Tình yêu kết hiệp những điều mà sắt thép đã xích xiềng
Ai sẽ dâng lên Ngài lòng tri ân của chúng ta.
Vì tất cả chúng ta, Ngài đã ra đời, khổ nhục và hy sinh.

Nhân loại hãy đứng lên!  Hát về ơn giải cứu.
Giáng sinh, giáng sinh.  Hát về Đấng Cứu Tinh!
Giáng sinh, giáng sinh.  Hát về Đấng Cứu Tinh!

Nhạc

Sau khi sáng tác xong bài thơ, Placide Cappeau đã nhờ Adolphe Charles Adam (1803-1856), một người bạn của ông và là một nhạc sĩ có tiếng vào lúc đó, phổ nhạc cho bài thánh ca.

Adolphe Adam sinh ngày 24/7/1803 tại Paris trong một gia đình có truyền thống âm nhạc.  Cha của Adolphe Adam là Louis Adam, là một nhà soạn nhạc và là giáo sư tại Nhạc Viện Paris. Từ thuở nhỏ, Adolphe Adam bày tỏ năng khiếu về âm nhạc.  Cậu bé thích tự sáng tác những giai điệu mới và chơi đàn ngẫu hứng hơn là đàn theo sách vở.

Cha của Adolphe Adam dầu là một nhạc sĩ piano nổi tiếng và là giáo sư tại Nhạc Viện Paris nhưng ông không muốn cho con mình theo đuổi con đường nghệ thuật. Louis Adam cho rằng cuộc sống của một nghệ sĩ quá khó khăn nên bắt Adolphe Adam học luật để trở thành luật sư. Với lòng yêu mến âm nhạc, Adolphe Adam lén học nhạc với một người bạn cũ là Ferdinand Hérold, một nhạc sĩ khá nổi tiếng trong giới trẻ tại Paris vào lúc đó.  Trước sự kiên trì của Adolphe Adam, Louis Adam bằng lòng cho con học nhạc.

Adolphe Adam theo học organ và harmonium tại Nhạc Viện Paris vào năm 1821 dưới sự hướng dẫn của François-Adrien Boieldieu.  Hai năm sau, ông đã có những sáng tác được trình diễn tại nhà hát, và đến năm 1830, 28 tác phẩm của Adolphe Adam được công diễn.  Sự nghiệp âm nhạc của Adolphe Adam khá thành công.  Ông sáng tác 39 opera, trong đó những bài nổi tiếng như Le postillon de Lonjumeau (1836), Giselle (1841) và Si j’étais roi (1852).

Mặc dầu là một nhà soạn nhạc kinh nghiệm, khi được Placide Cappeau yêu cầu phổ nhạc bài thơ Cantique de Noël, Adolphe Adam nhận thấy đây là một thách thức.  Trước hết, thời gian hoàn tất quá ngắn.  Thứ hai, sáng tác âm nhạc cần nguồn cảm hứng nhưng Adolphe Adam không hứng thú viết về đề tài mà Placide Cappeau yêu cầu.  Adolphe Adam là một người Do Thái.  Rất khó cho ông có thể viết nhạc để ca ngợi Đức Chúa Jesus, một người mà ông và dân tộc ông không tin Ngài là Đấng Cứu Thế.

Dầu vậy Adolphe Adam vẫn bắt tay vào sáng tác.  Giai điệu của bài hát nhanh chóng được hoàn thành.  Ba tuần sau, bài thánh ca Cantique de Noël được trình bày vào thánh lễ nửa đêm tại nhà thờ.  Những người tin Chúa đón nhận ý nghĩa và giai điệu của bài thánh ca với niềm vui và trân trọng.

Bị Cấm Phổ Biến

Sau khi được giới thiệu lần đầu, thánh ca Cantique de Noël nhanh chóng được lan truyền khắp nước Pháp.  Bài hát trở thành một ca khúc giáng sinh được yêu thích.  Điều đáng tiếc, bối cảnh chính trị phức tạp tại châu Âu vào lúc đó khiến việc sử dụng và phổ biến thánh ca bị trở ngại.

Năm 1848 cũng là năm Karl Marx và Friedrich Engels công bố bản Tuyên Ngôn Cộng Sản tại London khơi mào cho hàng loạt những cuộc cách mạng tại Âu Châu.  Theo các sử gia, có khoảng 50 quốc gia và tiểu quốc tại Âu châu ít nhiều bị ảnh hưởng bởi phong trào cách mạng này.  Khi biết được Placide Cappeau là một người đã rời bỏ nhà thờ, ủng hộ phong trào cách mạng, và Adolphe Adam là một người Do Thái không tin Chúa, các nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo tại Pháp đã cấm sử dụng bài Cantique de Noël trong nhà thờ với lý do “Bài hát thiếu cả nhạc tính lẫn tư tưởng tôn giáo.”

Lời Anh

Theo chân những di dân Pháp, bài Cantique de Noël được truyền sang Mỹ châu. Người đã đặt lời Anh ngữ cho bài Cantique de Noël là Mục sư John Sullivan Dwight (1813-1893), một học giả về âm nhạc tại Hoa Kỳ. Mục sư John Sullivan Dwight là người đã có công làm cho bài thánh ca Cantique de Noël nổi tiếng khắp thế giới.

Mục sư John Sullivan Dwight sinh ngày 13/5/1813 tại Boston Massachusette. Ông là con trai của Bác sĩ John Dwight và bà Mary Corey.  John Sullivan Dwight tốt nghiệp cử nhân tại Harvard vào năm 1832. Sau đó ông tiếp tục theo học thần học tại Harvard Divinity School và tốt nghiệp vào năm 1836.

John Sullivan Dwight được phong chức mục sư vào năm 1840, tuy nhiên đây không phải là công việc chính của ông.   Mục sư John Sullivan Dwight thích nhạc cổ điển và dành rất nhiều thì giờ để nghiên cứu âm nhạc, đặc biệt là nhạc của Ludwig van Beethoven.  Năm 1852, Mục sư John Sullivan Dwight thành lập tạp chí nghiên cứu âm nhạc Dwight’s Journal of Music. Tạp chí này xuất bản mỗi tuần một số và phát hành liên tục từ năm 1852 cho đến năm 1881.  Dwight’s Journal of Music là một trong những tạp chí nghiên cứu âm nhạc uy tín nhất tại Hoa Kỳ trong thế kỷ 19.

Là người hiểu biết Kinh Thánh và am tường về âm nhạc, khi được giới thiệu Cantique de Noël, Mục sư John Sullivan Dwight nhận thấy cần phải giới thiệu ca khúc giáng sinh tuyệt vời này cho người Mỹ.  Mục sư John Sullivan Dwight đã đặt lời tiếng Anh cho bài O Holy Night gần sát với nội dung trong nguyên tác Cantique de Noël.   Nguyên văn lời thánh ca trong Anh ngữ như sau:

O Holy Night (1855)
John Sullivan Dwight

O holy night! The stars are brightly shining,
It is the night of our dear Saviour’s birth.
Long lay the world in sin and error pining,
‘Til He appear’d and the soul felt its worth.
A thrill of hope the weary world rejoices,
For yonder breaks a new and glorious morn.

Fall on your knees! O hear the angel voices!
O night divine, O night when Christ was born;
O night divine, O night, O night Divine.

Led by the light of Faith serenely beaming,
With glowing hearts by His cradle we stand.
So led by light of a star sweetly gleaming,
Here come the wise men from Orient land.
The King of Kings lay thus in lowly manger;
In all our trials born to be our friend.

He knows our need, to our weakness is no stranger,
Behold your King! Before Him lowly bend!
Behold your King, Before Him lowly bend!

Truly He taught us to love one another;
His law is love and His gospel is peace.
Chains shall He break for the slave is our brother;
And in His name all oppression shall cease.
Sweet hymns of joy in grateful chorus raise we,
Let all within us praise His holy name.

Christ is the Lord! O praise His Name forever,
His power and glory evermore proclaim.
His power and glory evermore proclaim.

Mặc dầu lời thánh ca O Holy Night trích lại những lời tiên tri trong Thánh Kinh được viết từ vài ngàn năm trước, nhưng nội dung bài hát dường như được viết cho những vấn đề thời sự liên hệ đến việc bãi bỏ nô lệ đang diễn ra tại nước Mỹ trong thời gian đó.  Phiên khúc thứ ba của bài thánh ca có những lời như sau:

Thật vậy!  Ngài dạy chúng ta hãy yêu thương lẫn nhau.
Luật của Ngài là tình yêu và Phúc Âm của Ngài là bình an.
Ngài sẽ bẻ gãy xiềng xích cho người nô lệ là anh em của chúng ta.
Và trong danh Ngài, tất cả những áp bức sẽ chấm dứt.
Chúng ta hãy cùng hát lên những bài thánh ca vui mừng với lòng tri ân
Nguyện tất cả những gì trong chúng ta tôn ngợi danh thánh của Ngài.

Mục sư John Sullivan Dwight giới thiệu O Holy Night trên tạp chí nghiên cứu âm nhạc của ông.  Bài thánh ca nhanh chóng lan truyền khắp nước Mỹ. Bài thánh ca đặc biệt được yêu thích tại miền Bắc Hoa Kỳ nơi ủng hộ việc bãi bỏ chế độ nô lệ.  Từ Hoa Kỳ, bài thánh ca được truyền sang Anh và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Lời Việt

Lời Việt của bài thánh ca Đêm Thánh được dịch vào thập niên 1940.  Trong ba phiên khúc của bài thánh ca, phiên khúc thứ ba của bài Đêm Thánh trong tiếng Việt được dịch gần sát với phiên khúc thứ ba của bài O Holy Nighttrong tiếng Anh.  Trong khi đó, hai phiên khúc còn lại của bài Đêm Thánh đã được các soạn giả Việt Nam viết lời dựa trên ký thuật của Thánh Kinh chứ không dịch sát nguyên văn trong O Holy Night.

images-2

Đêm Thánh
Ban Biên Soạn Thánh Ca Tin Lành Việt Nam

1. Kìa vùng trời đông ngôi sao Tin Lành soi sáng choang,
Con Trời tự hạ thành nhân giữa đêm kinh hoàng;
Vì lòng Ngài yêu nhân thế đắm chìm nơi bến mê,
Ra đời làm giá cao quí cứu chúng sinh về;
Bao năm cảnh đời như giữa đêm ác tội khiếp kinh,
Hôm nay khắp trời trông rõ quang cảnh bình minh.

Chúa sanh giờ đây! Ðêm thánh vinh quang vui vẻ bấy!
Ðêm phước hạnh đấy! Ðêm bình hòa, đêm an ninh.
Ðêm Chúa từ ái! Ấy đêm Thần Tử giáng sinh.

2. Mục đồng gặp ngay Anh Nhi trong chuồng chiên đáng thương,
Ðơn thành thờ lạy Thần Nhân hiển vinh lạ thường;
Tìm thờ lạy Vua, xưa bác sĩ nhìn sao ruổi dong,
Nay ta thành kính cùng tôn Chúa cách hết lòng;
Jêsus trải trường đau khổ thương cảm nhược điểm ta,
Ban ơn giữ gìn ta khỏi mưu quỉ quyền ma.

Chúa sanh giờ đây! Ðêm thánh vinh quang vui vẻ bấy!
Ðêm phước hạnh đấy! Ðêm bình hòa, đêm an ninh.
Ðêm Chúa từ ái! Ấy đêm Thần Tử giáng sinh.

3. Ngài từng dạy ta nên yêu thương cùng nhau chớ phai,
Yêu là luật Ngài, bình an ấy Tin Lành Ngài;
Ngài vì tội nô nên bẻ xích xiềng ma quỉ kia,
Danh Ngài truyền đến, bao áp chế thảy xa lìa;
Ta nên hết lòng tôn kính danh Ðấng vừa giáng sinh,
Dâng lên khúc thần ca cảm ơn Chúa diệu vinh.

Chúa sanh giờ đây! Ðêm thánh vinh quang vui vẻ bấy!
Ðêm phước hạnh đấy! Ðêm bình hòa, đêm an ninh.
Ðêm Chúa từ ái! Ấy đêm Thần Tử giáng sinh.

Trong phiên khúc thứ nhất, bài thánh ca Đêm Thánh mô tả nhân loại đang sống trong cảnh tối tăm.  Con người bị đắm chìm giữa bóng đêm mờ mịt đó.  Đức Chúa Jesus, Con Đức Chúa Trời chí cao, vì tình yêu đã bằng lòng hạ giáng thành người.   Ngài đến để cứu loài người ra khỏi bến mê. Khi Chúa đến, Ngài là ánh sáng xua tan bóng đêm, giúp cho con người thấy rõ hướng đi cho cuộc sống.  Mục đích của Chúa vào đời là hy sinh, trả một giá rất cao để cứu chuộc loài người.

Trong phiên khúc thứ hai, bài thánh ca nhắc lại chuyện các mục đồng tìm gặp Chúa.  Dầu họ thấy Chúa giáng sinh trong trong một nơi rất đơn sơ, họ vẫn khiêm cung thờ phượng Ngài.  Các nhà thông thái ngày xưa đã dựa vào ánh sao, kiên trì vượt đường xa đến tôn thờ Chúa.  Các tín hữu ngày nay hãy noi những tấm gương đó mà thờ tôn Chúa cách hết lòng. Đức Chúa Jesus cảm thương những khiếm khuyết, những nhược điểm của con người.  Ngài chấp giận chịu đau khổ để cứu loài người khỏi quyền lực của ma quỷ.

Phiên khúc thứ ba cho biết khi Chúa đến Ngài sẽ phá tan xiềng xích của ma quỷ, Ngài cứu loài người khỏi cảnh nô lệ của tội lỗi. Khi Chúa đến, những áp bức sẽ không còn.  Trong sự tể trị của Chúa, loài người được hướng dẫn để yêu thương nhau.  Luật lệ của Chúa là tình yêu và Phúc Âm của Ngài là sự bình an. Chúa giáng sinh là khởi đầu của tất cả những  phước hạnh đó.  Đây là lý do để những người tin Chúa hãy dâng tiếng ca ngợi Ngài.

Đêm Thánh giúp cho người nghe hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của sự kiện Chúa giáng sinh, đồng thời mời gọi họ khiêm cung thờ phượng Ngài.  Mong bạn tiếp tục nghe Đêm Thánh.

Châu Thanh

Thư Viện Tin Lành   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn