Bài trước:
Bây giờ có một câu hỏi đặt ra cho những người đã biết Chúa Jesus là Vua và là Cứu Chúa: Các bạn dâng bao nhiêu cho Đấng Christ? Chúng ta hãy nghe Chúa phán, “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ” (Mat. 11:28). Một câu hỏi khác dành cho những người muốn trở thành môn đồ của Chúa: “Sau khi trừ đi các khoản thu về thuế, thì các bạn có trách nhiệm thế nào về 30% tổng lợi tức mà các bạn phải dâng về cho Đức Chúa Trời?” Hãy nhớ lại lời Chúa phán trong Lu-ca 14:33, “Nếu ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có, thì không được làm môn đồ ta.” Cần phải hiểu rõ lời dạy của Chúa ở đây. Đức Chúa Trời không cưỡng ép bạn phải dâng một phần mười, hai phần mười hay ba phần mười. Ngài cũng không yêu cầu một người Israel phải dâng nộp ba mươi phần trăm lợi tức về cho nhà Chúa cộng với các khoản đóng thuế cho chính quyền La-mã thì mới được làm môn đồ Đấng Christ. Đức Chúa Trời không đòi hỏi một người nào đó trở nên môn đồ cho đến khi anh ta hiểu rằng Chủ Sở Hữu mọi vật toàn quyền kiểm soát từng đồng xu người ấy có.
Để minh họa cho điều này Chúa Jesus đã đề cập đến hai câu chuyện ngụ ngôn. Câu chuyện thứ nhất về một người kia có dự án xây một cái tháp. Anh ta cẩn thận tính toán các chi phí xây dựng. Trong câu chuyện thứ hai nói về một vị vua kia chuẩn bị chiến tranh. Vua này ngồi thảo luận với các tướng sĩ xem thử mười ngàn binh lính của ông có thể địch nổi với hai mươi ngàn quân lính đối phương? Nếu chúng ta hiểu hai câu chuyện ngụ ngôn này. Chúng ta thấy rằng Chúa không nói đến tổng số của cải của một người đang có. Nhưng Ngài đang muốn nói đến tổng số của cải một người phó thác vào trong một dự án. Người xây dựng cái tháp có bằng lòng đầu tư tất cả những gì mình có để hoàn thành công trình? Vị vua chuẩn bị chiến tranh có dám điều động tất cả binh sĩ của mình vào trận tuyến? Vấn đề nằm ở chỗ đó. Nếu chúng ta không dám cam kết dâng hết mọi sự mình có, có nghĩa là chúng ta từ chối quyền kiểm soát tối cao của Chúa trên của cải của mình, khi ấy chúng ta chưa phải là môn đồ của Chúa.
Yêu cầu cơ bản ở đây là chúng ta phải nhận thức rằng Đức Chúa Trời là chủ của tất cả mọi thứ. Tất cả những gì chúng ta có là đến từ Ngài và chúng ta phải dâng lại cho Ngài. Chúng ta chỉ là những quản gia cho Đấng Chủ sỡ hữu vạn vật là Đức Chúa Trời. Chúng ta có trách nhiệm với Đức Chúa Trời trên những gì mình quản lý. Chúng ta không chỉ là con người được Chúa tạo dựng, nhưng còn là những người được cứu chuộc bằng chính mạng sống – huyết của chúa Jesus Christ. Như thế chúng ta thuộc về Đức Chúa Trời đến hai lần. Qua sự cứu chuộc, chúng ta thuộc về Đức Chúa Trời, chúng ta là của Ngài và Ngài ủy thác chúng ta với chức vụ quản gia. Chúng ta không có uy quyền tuyệt đối trên những tài sản đang nắm giữ, nhưng là Chúa.
Từ những phân tích trên đây chúng ta trở về với vấn đề đã đặt ra: “Một người là kẻ cắp, đồng thời cũng là môn đồ của Chúa? Một kẻ tham ô, biển thủ cũng có thể làm môn đồ Đấng Christ?” Chúng ta biển thủ, giữ lại những của cải mà nó vốn không thuộc về chúng ta (chúng ta đã ăn trộm trong các phần mười và trong các của dâng). Tại sao? Vì chúng ta nghĩ rằng chúng ta là chủ sở hữu của những tài vật đó. Một quan niệm như thế đến từ văn hóa của thế giới chứ không phải đến từ Lời Đức Chúa Trời.
Một môn đồ thật phải nhận thức rằng những gì người ấy có là của Đức Chúa Trời. Thay vì hỏi: “Chúng ta dâng bao nhiêu về cho Đức Chúa Trời?” thì câu hỏi này thực tế hơn: “Chúng ta được Chúa cho phép sử dụng bao nhiêu tiền với những nhu cầu của chính mình?” Nếu tôi sử dụng USD 5 để mua một cái bánh mì mà không có sự cho phép của Chúa, thì tôi là một người lạm dụng tiền bạc của Ngài. Vấn đề là mọi chi tiêu của chúng ta có ở trong sự kiểm soát và hướng dẫn của Chúa hay không?
Một môn đồ thật là người quản gia trung tín phải được Chúa hướng dẫn trong mỗi chi tiết, đặc biệt là trong cách sử dụng tiền bạc. Bạn có trách nhiệm với mỗi đồng xu mà Đức Chúa Trời đặt trong tay bạn. Lời cầu nguyện của chúng ta: Lạy Chúa xin Ngài hướng dẫn con sử dụng những đồng tiền này?
Đức Chúa Trời không keo kiệt. Ngài không ngăn cản bạn làm những điều tốt đẹp. Ngài có thể cho phép bạn sử dụng nhiều hơn những gì thuộc về Ngài cho những ước ao hay nhu cầu của bạn, nhưng Ngài muốn bạn phải xin phép trước khi làm điều đó. Hãy nhớ bạn là quản gia chứ không phải ông chủ. Vì vậy câu hỏi dành cho chúng ta không phải là: “Dâng hiến bao nhiêu?” nhưng là: “Bao nhiêu tiền mà Chúa cho phép chúng ta giữ lại để sử dụng cho những nhu cầu cá nhân?”
“Nếu ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có, thì không được làm môn đồ ta.” (Lu-ca 14:33). Câu này có thể hiểu là: ai trong chúng ta không nhận thức được quyền kiểm soát của Chúa Jesus trên tất cả những gì mình có, người đó không được làm môn đồ của Chúa.
Trong ánh sáng của Lời Đức Chúa Trời, chúng ta có còn tiếp tục làm người biển thủ, giữ lại cho mình những tài vật vốn thuộc về Chúa? Khi chúng ta nhận ra uy quyền tối hậu của Chúa trên những của cải chúng ta đang quản lý, chúng ta sẽ không còn là người biển thủ, nhưng là quản gia tốt.
Nguyện Đức Chúa Trời sử dụng chúng ta như những quản gia trung thành – là những môn đồ thật được Ngài khen ngợi.
J. Dwight Pentecost
Trích từ: DESIGN FOR DISCIPLESHIP
Translated by Huong Linh
(Còn nữa)