Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024

Tôi lo sợ …

 

CHIA SẺ CHÚA JESUS MÀ KHÔNG SỢ HÃI

Nguyên tác: Share Jesus without fear
Chuyển ngữ: Tường Vi

share

Những người đọc đã nói gì về tác phẩm này?

Bill Fay đã giúp cho thân thể Đấng Christ một mục vụ mạnh mẽ trong sứ điệp Giới Thiệu Chúa Jesus mà Không Sợ Hãi. Tôi đã gặp nhiều người đã bỏ cuộc không dám nói về Chúa nữa, nhưng rồi họ đã đứng lên chia sẻ Phúc Âm không hề sợ hãi sau khi đọc sứ điệp này. Trong tác phẩm của mình, Bill Fay và Linda Evans Shepherd đã nắm bắt tâm linh con người đằng sau mỗi sứ điệp. Nếu bạn thực sự quan tâm đến các bài học này bạn chắc sẽ dùng nó như một quyển sách gối đầu giường chứ không đơn thuần chỉ là một quyển sách để đọc. Chương “Chúng ta phải làm gì khi người khác tiếp nhận Đấng Christ” thì vượt ra ngoài khuôn khổ của một cẩm nang truyền giáo. Nếu bạn là người mới qui đạo thì sứ điệp này bảo đảm cho bạn trở thành chứng nhân với 100% kết quả.
Jimmy Kinnaird, Chuyên viên Chứng Đạo Cá nhân của Giáo hạt Báp tít Oklahoma.

Bài trước:

CHIẾN THẮNG NỖI SỢ HÃI CỦA BẠN

2. Tôi lo sợ về những gì bạn bè tôi suy nghĩ.

Martha, một chị em tuổi trạc 60 đến nói chuyện với tôi sau buổi hội thảo:
Chồng và các con tôi chưa được cứu. Chị ấy nói, mắt rơi lệ nhạt nhòa trên đôi gò má. Tôi không đủ can đảm để giải thích Phúc Âm cho bất cứ ai. Tôi luôn luôn lo lắng về những gì họ sẽ suy nghĩ nếu tôi nói ra.
Đây có phải là lý do làm bạn yên lặng? Bạn lo sợ về những gì người khác suy nghĩ? Tôi xin phép hỏi bạn: Ngay bây giờ người khác nghĩ về bạn như thế nào?
Bạn chia sẻ đức tin hay là bạn yên lặng? Hành động nào sẽ khiến các bạn hữu của bạn đi vào địa ngục?
Một số Cơ đốc nhân nói: Tôi sợ thân hữu của tôi cũng sẽ bị bắt bớ như tôi nếu tôi chia sẻ đức tin và họ tin Chúa.
Hãy nhớ lời Chúa phán: Không đầy tớ nào hơn chủ mình được. Nếu họ đã bắt bớ Ta thì cũng sẽ bắt bớ các con. Nếu họ đã vâng giữ lời Ta dạy thì cũng sẽ vâng giữ lời các con (Giăng 15: 20).
Tuy nhiên điều đó không phải là một tin xấu. Trong Ma-thi-ơ 5: 10-12 lời hứa chúc phước được nhân đôi khi chúng ta bị bắt bớ: Phước cho người vì sự công chính mà bị bắt bớ, Vì Nước Thiên Đàng thuộc về họ. Phước cho các con khi bị người ta mắng nhiếc, ngược đãi và vu cáo đủ điều ác vì cớ Ta. Hãy hân hoan, mừng rỡ, các con sẽ được trọng thưởng ở trên trời vì người ta cũng đã bắt bớ các tiên tri của Chúa trước các con như thế.
Có bao nhiêu thân hữu biết bạn là Cơ đốc nhân nhưng họ chưa hiểu Phúc Âm? Lý do mà họ chưa qui đạo chính là họ chờ đợi bạn giải thích Phúc âm cho họ.
Kristine ngạc nhiên khi khám phá sự thật này. Cô ấy đã biết Joel từ 20 năm nay. Anh này biết Kristine là Cơ đốc nhân nhưng cô ấy chẳng bao giờ giải thích Phúc Âm cho anh. Sau khi học tập phương pháp chia sẻ đức tin, Kristine quyết định gặp Joel để giới thiệu Tin Mừng. Cô có ý nghĩ là bất luận thế nào cũng phải rao giảng Phúc Âm cho Joel, cho dù điều này có thể làm cho tình bằng hữu của họ kết thúc.
Vài ngày sau đó, Kristine nói với Joel: Joel à, nhiều năm qua anh đã biết nơi định cư của linh hồn tôi. Nhưng còn anh thì sao? Linh hồn anh đang ở đâu?
Bởi vì cuối cùng Kristine đã bắt đầu câu chuyện Phúc Âm. Joel được thuyết phục dâng đời sống anh cho Chúa.
Tôi cũng vui mừng khi biết Martha, một chị em lớn tuổi trước đây không bao giờ dám chia sẻ đức tin của chị với các thành viên khác trong gia đình, đã nắm lấy khải tượng này. Sau buổi hội thảo chị ấy nói với tôi: Tôi đã nhận được sự can đảm và tự do để nói với gia đình tôi về Chúa Jesus. Và người đầu tiên tôi chia sẻ đức tin chính là chồng tôi.
Mặc dù Martha và Albert, chồng cô ấy không bao giờ thảo luận những vấn đề thuộc linh. Bây giờ cô ấy về nhà và đưa ra 5 câu hỏi mở. Khi cô ấy hoàn tất câu hỏi cuối cùng, người chồng đã cho phép cô bắt đầu trưng dẫn Kinh Thánh. Albert nhìn ra được vấn đề, anh ta nài xin Chúa Jesus tha thứ tội lỗi của anh và mời Ngài làm chủ, làm Chúa cuộc đời anh trong sự vui mừng đầy trọn. Tuần lễ sau đó cả Albert và Martha đồng chia sẻ đức tin cho các con của họ, và bọn trẻ đồng ý tiếp nhận Chúa Jesus là Cứu Chúa của chúng.
Cuối cùng Albert và Martha đã dành thời gian cho công tác rao giảng Phúc âm. Họ đi đến các tiểu bang khác chia sẻ về niềm tin của họ và dẫn dắt mọi người đến với Chúa Jesus.

w1

3. Tôi không dám nghĩ là tôi có thể chia sẻ đức tin với các bạn đồng nghiệp.
Ray ngày trước là một võ sĩ quyền anh làm việc trong ngành xây dựng, bây giờ là mục sư trong một Hội Thánh nhỏ ở Arizona. Anh ta đã nổi tiếng trước khi trở nên Cơ đốc nhân. Trên võ đài quyền anh cũng như bên ngoài anh ta luôn là người chiến thắng trong các cuộc chơi. Khi anh ta tin Chúa các bạn đồng môn không những trêu chọc, nhạo báng đức tin của anh mà còn giễu cợt Đức Chúa Trời. Ray nói: Trước đây tôi không quan tâm đến những người nhạo báng. Tôi rèn luyện tính cách này trước khi trở nên Cơ đốc nhân.
Còn bây giờ tôi cầu nguyện cho các bạn hữu châm chọc tôi và cảnh báo họ phải tôn kính Đức Chúa Trời.
Một ngày kia Ray cùng với hai người bạn đồng nghiệp đang sơn vách tường, họ phải đứng trên giàn giáo cao. Đột nhiên có một tiếng nổ lớn trong công trình xây dựng hất văng các bạn của Ray ra khỏi giàn giáo, còn Ray thì vẫn bình yên. Hai bạn của Ray rơi thẳng xuống một tấm vách tường đang bốc lửa bên dưới. Ray nhảy xuống cố gắng cứu một người ra khỏi đám lửa. Khi anh ôm chặt người bạn kéo anh này ra khỏi chỗ nguy hiểm. Người này vốn đã từng trêu chọc đức tin của Ray, hỏi: Trước đây anh đã cảnh báo tôi, phải không?
Ray trả lời: Vâng, tôi đã nhắc nhở anh phải tôn kính Đức Chúa Trời.
Và Ray hướng dẫn người bạn này dâng đời sống của anh ta cho Đức Chúa Trời ngay lúc đó. Đêm hôm ấy Ray đến bệnh viện viếng thăm người bạn còn lại. Anh này quá cảm động vì không nghĩ là Ray có thể quan tâm đến anh, phục vụ anh trong tinh thần của một người đầy tớ sau bao nhiêu lần anh ta giễu cợt đức tin của Ray: Bằng cách nào anh có thể yêu mến tôi, khi tôi đã báng bổ anh trước đây?
Một tuần sau đó, người bạn này xuất viện và mời Ray đến nhà của anh, hướng dẫn anh cầu nguyện tin Chúa. Cả hai người bạn này bây giờ là thuộc viên của Hội Thánh Ray quản nhiệm.
Có quan trọng không khi bạn chia sẻ đức tin cho các đồng nghiệp? Đức Chúa Trời đã đặt những người này trên lối đi của các bạn cũng chính vì lý do đó. Một chị em đã tham gia buổi hội thảo do tôi tổ chức, nói: Bây giờ tôi biết cách chia sẻ đức tin, tôi có một xác quyết mới mẻ, tôi không còn hổ thẹn khi người khác biết tôi là ai tại nơi làm việc. Tôi nhận thức rằng khi bị bắt bớ vì niềm tin nơi Chúa thì tôi lại được phước gấp đôi. Đức Chúa Trời ban cho tôi những cơ hội, qua đó tôi có thể làm chứng cho Ngài. Tôi đặc biệt thích thú lời của thánh Francis anh đã trưng dẫn: “Giảng Phúc âm mọi lúc và nếu cần thiết, viết ra sứ điệp.”
Tôi không nghĩ là bạn phải sử dụng thời gian tại nơi làm việc để giảng Phúc Âm. Nhưng nếu có cơ hội bạn nên sử dụng 5 câu hỏi dùng để chia sẻ Chúa Jesus mà tôi sẽ trình bày trong chương 4. Năm câu hỏi này phải được bạn sử dụng trong một thời điểm thích hợp. Vì vậy bạn và đồng sự của bạn phải cảm thấy thoải mái khi trao đổi những câu hỏi này. Các câu hỏi được dùng theo cách dò đá qua sông. Nếu đồng nghiệp của bạn mở lòng với Phúc Âm, hãy mời anh ta đến nhà bạn ăn trưa hoặc đến phòng nhóm nghe trình bày lẽ thật.

sm_research-team-accessing-a-cross-river-gorilla-site-in-nigeria-the-okwangwo-division-of-cross-river-national-park_0
Dĩ nhiên có ngoại lệ cho qui luật này, đặc biệt là khi bạn chia sẻ đức tin với người chủ của bạn. Trong trường hợp của Lois, đã làm trợ lý cho Randal một khoảng thời gian. Cô ấy kể lại câu chuyện của mình:
Anh ta, Randal biết tôi là Cơ đốc nhân và đã từng châm chọc đức tin của tôi. Vào một ngày thứ hai, Anh ta hỏi tôi:
Hôm qua cô đi nhà thờ và làm chuyện vớ vẩn gì trong đó?
Tôi hỏi lại anh ta: Anh có ý nói gì vậy, thế nào là chuyện vớ vẩn trong nhà thờ?
Anh ta đáp lại: Vậy chứ, những người như cô tới đó để làm gì?
Lois trả lời: Tôi sẽ cho anh biết những gì tôi đã học ở Trường Chúa Nhật.
Lois bắt đầu hỏi người chủ này 5 câu hỏi cô ấy đã học được từ trong buổi hội thảo của tôi, và rồi trưng dẫn các phần Kinh Thánh cho Randal thấy. Ngay lúc đó Randal đã cầu nguyện dâng đời sống anh cho Đức Chúa Trời. Sau đó chồng của Lois tiếp tục môn đồ hóa Randal. Bây giờ Lois và Randal cùng cầu nguyện với nhau trước khi bắt đầu ngày làm việc.

4. Tôi không hiểu biết đủ.
Đôi khi bạn cảm thấy không có đủ kiến thức để chia sẻ Phúc Âm? Hãy tưởng tượng bạn phải chia sẻ Phúc âm cho một người như Nate . Anh này có chỉ số thông minh vượt trên những người bình thường, trong một phút anh ta có thể đọc được 1250 từ.
Người đàn ông này quá xuất chúng, anh ta không chỉ ghi được điểm cao nhất trong các cuộc thi chỉ dành cho các thiên tài mà còn phát hiện ra cái sai của người ra đề thi.
Phải chia sẻ Phúc Âm cho Nate là một việc khó khăn. Anh ta là một người vô thần trong suốt 20 năm, và những thói quen của anh đã làm cho anh cách biệt với tôn giáo. Bạn thử nghĩ xem, ai sẽ là người được Đức Chúa Trời sai đến để chia sẻ đức tin cho Nate? Một người xuất chúng? Một người đoạt giải Nô-bên hay là người kiệt xuất như Josh McDowell?
Không có ai thuộc loại đó cả. Đức Chúa Trời đã dùng John, một người Ấn độ da đen chỉ mới học xong lớp 12.
Nate phục vụ trong lực lượng vũ trang và anh thường đi chung xe buýt với John. Một người lính khác trên chuyến xe buýt chọc ghẹo John, lấy cuốn Kinh Thánh của John ném ra bên ngoài xe. John chịu khó xuống xe lấy lại quyển sách không một lời phàn nàn.
Nate hỏi John: Tại sao anh lại bỏ qua hành động khiêu khích của gã kia?
John trả lời: Thưa ông, bởi vì tôi là một Cơ đốc nhân.
Từ trước đến nay Nate không bao giờ tấn công đức tin của một Cơ đốc nhân. Anh ta là một người lịch sự theo nghĩa né tránh các chủ đề tôn giáo. Tuy nhiên Cơ đốc giáo đã làm anh ta bối rối. Vì vậy anh quyết định sẽ thách thức John về đức tin.
Nate hỏi: Anh có tin là một người nào đó bị cá nuốt, rồi sau đó được nó phun ra trở lại?
Anh chàng John đơn sơ này trả lời: Vâng tôi tin.
Nate hỏi tiếp: Tại sao anh tin?
John trả lời đơn giản: Bởi vì Kinh Thánh của tôi nói với tôi như thế.
Mỗi câu hỏi của Nate được John khẳng định: Kinh Thánh của tôi nói với tôi như thế.
Một tâm trí xuất chúng như Nate không thể hiểu nỗi câu trả lời của John và điều này làm cho anh ta thêm hiếu kỳ. Đêm hôm đó Nate trở về nhà, anh ta mượn một quyển Kinh Thánh của người láng giềng và bắt đầu đọc.
Một câu trong Gióp 5:9 đánh trúng trái tim của Nate: Ngài làm những việc lớn lao không sao dò thấu, Những việc diệu kỳ không ai đếm nổi.
Nate không thể nào bỏ qua được lẽ thật này, và nó đã biến đổi cuộc đời anh. Bây giờ Nate là một trong những người giỏi nhất bảo vệ đức tin Cơ đốc mà tôi từng biết. Làm thế nào để có được kết quả đó? Bởi vì con người có đức tin đơn sơ là John, với khả năng học vấn hạn chế nhưng tin vào Lời này: Chẳng phải bởi quyền thế, cũng chẳng phải bởi năng lực, Nhưng bởi Thần Ta, CHÚA Vạn Quân phán (Xa-cha-ri 4:6). Và Chúa dùng John đem Nate đến với Ngài.
Tôi thường thấy một số người nói: “Tôi không hiểu biết đủ,” là những người đã đi nhà thờ khoảng 10 năm hoặc nhiều hơn. Khi tôi gặp một ai đó giữ quan điểm này, tôi thách thức họ: Anh đã cố thủ trong ý tưởng này trải nhiều năm rồi, đã đến lúc anh phải tống khứ nó đi.

5. Tôi sợ sẽ đánh mất mối quan hệ với bạn bè và người thân.
Tôi đang viếng thăm một nông trại thì Phi-líp, một doanh nhân làm chủ nhiều cửa hàng bách hóa hỏi tôi về Đức Chúa Trời.
Trong lúc tôi ngồi xuống chia sẻ Phúc âm, anh ta lấy ra giấy, bút và bắt đầu ghi chép.
Khi tôi kết thúc, Phi-líp chỉ viết được chừng 2 hay 3 câu.
Anh ta ngước nhìn tôi: Thật quá đơn giản.
Tôi hỏi: Tại sao anh cho là đơn giản?
Phi-líp không trả lời, anh ta hỏi tiếp: Đức Chúa Trời sẽ xử lý thế nào với việc kinh doanh hiện tại của tôi?
Tôi không biết Chúa sẽ chúc phước hay là không với công viêc của Phi-líp, vì thế tôi áp dụngnguyên tắc tại sao. Tôi đặt câu hỏi cho anh ta: Tại sao anh hỏi như thế? Anh kinh doanh cái gì?
Anh ta ngắt lời tôi và hỏi: Còn về mẹ tôi thì sao?
Tôi nhận ra chúng tôi đang đi vào vấn đề chính. Anh ta nói thêm cho tôi biết, mẹ của anh là một phụ nữ sùng đạo trong một giáo phái kia, nhưng cá nhân bà không có niềm tin vào Đấng Christ. Anh ta cho biết người mẹ này sẵn sàng tuyệt giao với anh nếu anh tiếp nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa.
Trong khi lắng nghe câu chuyện của anh tôi mở Kinh Thánh ra, và chỉ cho anh thấy Lời Chúa phán trong Ma-thi-ơ 10:37-38, tôi đề nghị anh đọc lớn những lời này: Ai yêu cha mẹ hơn Ta thì không xứng đáng cho Ta. Ai yêu con trai, con gái hơn Ta cũng không xứng đáng cho Ta. Ai không vác thập tự giá mình mà theo Ta cũng không xứng đáng cho Ta.
Tôi hỏi anh ta: Lời Chúa nói gì với anh?
Anh ta ngước nhìn tôi lộ vẻ băn khoăn: Tôi lo cho mẹ tôi sau này. Và rồi anh quyết định cầu nguyện tiếp nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa. Hiện giờ anh ấy là chấp sự Hội Thánh đã hơn 12 năm nay.
Chúng ta có bảo đảm một kết quả có hậu cho tất cả những ai chúng ta chia sẻ đức tin? Theo Lời Chúa, chúng ta biết khi Chúa Jesus đến, Ngài đem theo sự phân rẽ: Các con tưởng Ta đến để đem hòa bình cho thế giới sao? Ta bảo các con: Không, thật ra là đem sự phân ly; vì từ nay một gia đình năm người sẽ chia rẽ, ba chống hai và hai chống ba; họ sẽ chia rẽ, cha chống con trai, con trai nghịch cha, mẹ chống con gái, con gái nghịch mẹ, mẹ chồng chống nàng dâu, nàng dâu nghịch mẹ chồng (Lu-ca 12: 51-53).

luke-12-vs-52-e
Khi chúng ta dâng nộp đời sống mình cho Chúa, chúng ta phải trả một giá đắt cho các mối quan hệ của chúng ta. Các bạn phải kể đời sống mình đã chết, khi đi theo Christ và bỏ lại sau lưng những người thân yêu.
Murray đã trở nên một tín hữu. Anh ấy quyết định chia sẻ đức tin của mình với bố mẹ. Cho dù điều ấy đồng nghĩa với việc anh bị những người thân yêu xua đuổi ra khỏi nhà.
Trên đường đến nhà bố mẹ anh dừng lại gặp tôi, và chúng tôi cầu nguyện với nhau. Sau khi cầu nguyện, anh ấy nhìn tôi với đôi mắt ướt: Tôi không có sự chọn lựa nào cả sao Bill?
Tôi lắc đầu.
Anh ấy nói: Hoặc là tôi giữ thái độ yên lặng, không nói gì, chấp nhận để bố mẹ tôi đi địa ngục, vì họ đã bị kết án. Hoặc là tôi công bố Phúc Âm, rồi sẽ bị họ khước từ vĩnh viễn.
Tôi gật đầu.
Anh ta suy nghĩ và nói: Vấn đề đã được giải quyết xong.
Tôi đáp: Vâng.
Thế là anh ta lên đường. Anh ấy đã phiêu lưu bước đi. Anh ấy chuẩn bị tinh thần trong trường hợp bị khước từ. May mắn cho Murray, câu chuyện của anh sau đó có một kết thúc có hậu. Anh ta đã vui mừng không thể tả khi cả bố mẹ anh đều tin Chúa. Tình huống bây giờ đã thay đổi. Murray đã nắm lấy cơ hội và anh chấp nhận trả giá cho việc mình làm.
6. Tôi không biết phải hành động như thế nào.
Sherry xác định là phải chia sẻ đức tin cho bố mẹ, George và Donna. Cô viết cho họ một lá thư. Sau đó cô lấy vé máy bay đi Texas để viếng thăm bố mẹ. Sau khi thăm viếng xong bố mẹ Sherry đưa cô ra phi trường từ biệt. Lúc bấy giờ Sherry mới nhớ là cô chưa nói gì cả về niềm tin của cô và đôi mắt cô ứa lệ. Người mẹ hỏi: Có vấn đề gì với con thế, con thân yêu?
Sherry trả lời: Con đến thăm bố mẹ để nói điều quan trọng nhất trong cuộc đời con, nhưng mà con vẫn chưa nói được một lời nào cả về chuyện này.
Donna hỏi: Có phải con muốn nói câu chuyện mà con đã viết trong thư?
Sherry gật đầu.
Donna quay đầu nhìn vào bố Sherry và nói: Goerge, hãy nhìn con bé tội nghiệp này.
Vào lúc đó Sherry đã không có lời nào để chia sẻ về đức tin của cô. Cô rơi vào tình trạng nói huyên thuyên nhiều điều ngoại trừ Phúc âm, và đến lúc cần nói thì chỉ diễn tả được bằng nước mắt.
Có thể bạn cũng giống như Sherry muốn chia sẻ Phúc âm nhưng không biết phải làm điều đó như thế nào?
Bây giờ bạn sẽ học được những kỹ năng cơ bản từ quyển sách này, bạn sẽ thấy rằng chia sẻ đức tin là một hành động khá đơn giản. Bạn hối tiếc là bạn đã không biết phương pháp này sớm hơn.
Sáu tháng sau đó Sherry được nghe về cách chia sẻ Chúa Jesus mà không cần sợ hãi. Một lần nữa cô ta điện thoại cho bố mẹ và mạnh dạn chia sẻ Tin Mừng cho họ.
Donna và George đã công nhận là họ phải tin. Tuy nhiên Sherry cảm thấy không chắc chắn đức tin của bố mẹ cô có nền tảng vững chắc, bởi vì cô không có bằng chứng nào về đời sống đức tin của họ. Nhưng cô nói: Tôi đã đưa bố mẹ tôi đến với Phúc Âm, và ít nhất là họ đã chấp nhận lẽ thật. Đây là một sự khởi đầu.
Mới đây có hai chị em trẻ tuổi, Kare và Sharon đến gặp tôi sau buổi thờ phượng: Nè Bill, anh có thể cầu nguyện cho chúng tôi được không? Chúng tôi đang trên đường tới bệnh viện để thăm cha chúng tôi. Ông ấy sắp chết vì ung thư. Chúng tôi cố gắng chia sẻ Phúc Âm cho ông ta trước khi không còn cơ hội nữa. Những gì anh dạy cho chúng tôi hôm nay thật đơn giản để chia sẻ niềm tin. Chúng tôi muốn cố gắng một lần nữa.
Vài ngày sau đó tôi nhận được điện thoại từ Karen: Chúng tôi không chỉ chia sẻ niềm tin mà còn hướng dẫn cha chúng tôi cầu nguyện tiếp nhận Chúa. Và một người bệnh cùng phòng với ông ấy tình cờ nghe được câu chuyện Phúc âm, ông ta hỏi: Còn tôi sẽ ra sao đây? Và cuối cùng ông này cũng tiếp nhận Chúa luôn. Chúng tôi đang kinh nghiệm sự vui mừng từ Chúa ban cho trong một phương cách mà chúng tôi chưa từng biết. Bởi vì chúng tôi biết rằng chúng tôi không thể thất bại nữa.

images

Bỏ rơi những lý do đó
Nếu bạn ao ước kinh nghiệm một mức độ vui mừng tràn ngập như những người khác, bạn phải vượt qua những lý do kềm chân bạn, không cho bạn rao giảng Phúc âm. Bạn phải vâng phục thực hiện Đại mạng lệnh. Hãy để lẽ thật này không chỉ tác động trên đời sống bạn mà còn trên những người thân của bạn. Hãy trao cho Đức Thánh Linh có cơ hội kéo những người khác đến với Đấng Christ. Nhưng bạn phải kinh nghiệm một đời sống sâu nhiệm trong mối tương giao với Đức Chúa Trời mà bạn chưa từng có trước đây. Cuối cùng Đức Chúa Trời hứa: Ta sẽ ở cùng ngươi (Xuất Ê-díp-tô ký 3:12). Hãy trông đợi Đức Chúa Trời làm việc với những con người bình thường như bạn là những người vâng phục đi ra chia sẻ đức tin của mình.
(Còn nữa)   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn