Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / TIÊU CHUẨN CHO MỘT MÔN ĐỒ

TIÊU CHUẨN CHO MỘT MÔN ĐỒ

MÔN ĐỒ ĐÚNG NGHĨA

images-1

Khi chúng ta đọc Lu-ca 9:57 -58, “Đang khi đi đường, có kẻ thưa Ngài rằng: Chúa đi đâu tôi sẽ theo đó. Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Con cáo có hang, chim trời có ổ; song Con người không có chỗ mà gối đầu.” Chúng ta thấy ở đây một người chạy đến tình nguyện làm môn đồ của Đấng Christ. Người đàn ông này không đợi để được kêu gọi, anh ta đến và dâng chính mình. Nhưng Chúa chúng ta, Đấng biết điều trong lòng con người, biết điều gì trong lòng người này, anh ta không hoàn toàn phó thác và vâng phục Thân vị Đấng Christ. Người này được thôi thúc bởi những động cơ về vật chất. Cựu Ước đề cập đến điều này: khi Đấng Mê-si đến, Ngài sẽ cai trị trong sự bình an và công nghĩa; con người sẽ rèn gươm thành lưỡi cày và cây giáo thành cái liềm. Sự cai trị của Ngài sẽ đem tới thịnh vượng và tràn đầy sự cung ứng các nhu cầu vật chất cho mọi người là công dân của vương quốc. Một người đã bước vào vương quốc có thể biết lối vào sự thịnh vượng và phước hạnh. Tuy nhiên, người đàn ông này chỉ tập trung chú ý đến những điều trong Cựu Ước được hứa về sự cung ứng của Đấng Mê-si cho dân sự Ngài, ông nói, “Ta muốn trở nên môn đồ của Đấng Christ, do đó ta có thể bước vào mọi phúc lợi vật chất mà Ngài sẽ cung ứng cho những ai thuộc về Ngài.” Ông ta không được khích lệ bởi một tình yêu dành cho Thân vị Đấng Christ. Cũng không được khích lệ bởi khát vọng thuận phục ý muốn của mình theo ý muốn của Đấng Christ. Ông ta tham lam, ích kỉ và theo đuổi chủ nghĩa vật chất trong việc đến dâng chính mình để làm môn đồ Đấng Christ.

james-and-john-follow-jesus-goodsalt-rhpas3052

Người đàn ông này, bị thuyết phục bởi lẽ thật của lời nhưng ông ta không phó thác chính mình cho Thân vị Đấng Christ; ông ta theo đuổi sự giàu có vật chất. Khi Đấng Christ bày tỏ cho ông rằng “Con cáo có hang, chim trời có ổ; song Con người không có chỗ gối đầu,” người đàn ông này lui đi trong sự thất vọng. Thời kỳ phước hạnh có thể đến trên đất này chỉ sau khi Đấng Christ chính thức ngự ngôi là Vua các vua và Chúa các chúa. Đức Chúa Trời không hứa phần thưởng vật chất cho những ai thuộc về Ngài và cho những ai dâng chính mình hoàn toàn cho Thân vị Đấng Christ. Ngài xoay chuyển lòng ham muốn sự thịnh vượng vật chất của con người sang tình trạng trống không để Đức Chúa Trời có thể dạy con người bài học về sự đầy đủ trong Chúa Jesus Christ. Đức Chúa Trời có thể quét sạch những gì con người có để chỉ cho họ biết thế nào là tiêu chuẩn thật sự để trở nên môn đồ Đấng Christ. Chúng ta không có lời hứa rằng tài khoản ngân hàng của chúng ta sẽ tự động tăng gấp đôi khi chúng ta phó thác chính mình cho Chúa. Đấng Christ nhắc người này rằng, khi Ngài bước đi ngang dọc trên mảnh đất Palestine, Ngài không có nhà riêng cho mình. Ngài phụ thuộc vào những người đã được đụng chạm từ chức vụ của Ngài, và họ cảm động cung ứng những nhu cầu vật chất cho người thầy mà họ bước theo (một nhóm người nữ từ Ga-li-lê đã cung ứng cho Ngài các tài sản vật chất của họ). Người đàn ông này bị thử nghiệm sự thuận phục của ông cho ý chỉ Đấng Christ, và ông lui bước, vì ông muốn các lợi ích vật chất mà không phải thuận phục ý muốn mình cho ý muốn của Chúa.

Đấng Christ gọi một người khác trong câu 59, và phán, “Hãy theo Ta.” Đây là một sự kêu gọi cũng rõ ràng như sự kêu gọi đến với Phi-e-rơ hay Anh-rê tại bờ biển Ga-li-lê, hay sự kêu gọi sứ đồ Phao-lô trên đường Đa-mách. Người này biết những điều sẽ kèm theo, ông nói, “Xin cho phép tôi về chôn cha tôi trước đã. Nhưng Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; còn ngươi, hãy đi rao giảng nước Đức Chúa Trời.” Trừ khi chúng ta hiểu vấn đề thực tế của câu chuyện, chúng ta không thể biết hay hiểu được câu trả lời của Chúa đối với người này. Thật là lý do hợp lý cho người đàn ông này khi yêu cầu sự cho phép để về và thi hành chức năng của người con lớn nhất trong việc chôn cất cha mình. Thật là phi lý khi đòi hỏi người này không làm những điều mà người con cả phải làm. Nhưng chúng ta hiểu một sự thật ở đây: người cha chưa chết, ông ấy vẫn còn cường tráng và khỏe mạnh. Người trai trẻ biết điều đó, khi nào cha anh ta chết, anh ta sẽ về để thừa hưởng; và khi anh ta đã thừa hưởng xong, anh ta sẽ có điều gì đó để tự cung cấp cho anh ta khi là môn đồ Đấng Christ. Những gì mà Đấng Christ phán cho người này? Ngài phán “…Con cáo có hang, chim trời có ổ; song Con người không có chỗ mà gối đầu.” Vì vậy, khi Đấng Christ mời người này theo Ngài thì một tiến trình tính toán diễn tra trong tâm trí của anh ta: “Cha ta có một cơ nghiệp sẽ để lại cho ta và khi cha ta để lại cơ nghiệp đó, ta sẽ tự chu cấp cho mình. Bây giờ vì Đấng Christ không có sự cung ứng vật chất cho ta, sẽ khôn ngoan nhất nếu ta không trở nên môn đồ cho đến khi ta có thể tự hỗ trợ cho ta; và sau đó ta tự do về tài chính, rồi ta sẽ đến để trở nên môn đồ, hoàn toàn phó thác chính mình cho Ngài.”

dis

Có vấn đề gì với người này? Ông ta không thể tin vào Thân vị Đấng Christ sẽ thỏa đáp nhu cầu của ông ta khi trở thành môn đồ. Người đàn ông này thì muốn tự chu cấp, thích tự do, và ông ta không muốn lệ thuộc với Đấng Christ. Vì vậy, ông ta trì hoãn quyết định và cam kết với Đấng Christ cho đến khi ông ta không cần phải phụ thuộc vào Đấng Christ.
Đây là một sự cám dỗ chính yếu trong thời đại chúng ta đang sống. Sự tự cao đòi hỏi chúng ta phải tự cung ứng. Tự cung ứng đòi hỏi chúng ta phải làm và trả giá cho con đường của chúng ta – điều đó là chúng ta không phụ thuộc vào ai cả. Một người khao khát có thể tự chăm sóc chính mình thường cầm giữ người đó phó thác mình hoàn toàn và trọn vẹn cho Chúa Jesus Christ. Chỉ cho đến khi người đó sẵn lòng phụ thuộc Đấng Christ, người đó mới là một môn đồ của Ngài.
Người đàn ông thứ ba đến với Đấng Christ trong câu 61 và nói, “Lạy Chúa, tôi sẽ theo Chúa, song xin cho phép tôi trước về từ giã người trong nhà tôi. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ai đã tra tay cầm cày, còn ngó lại đằng sau, thì không xứng đáng với nước Đức Chúa Trời.” Người này đến và dâng chính mình, nhưng trước tiên ông xin được từ chối làm môn đồ tức thì bởi vì những mối quan hệ gia đình chưa bị phá vỡ. Sự thật là những mối quan hệ gia đình hiện hữu gợi ý cho chúng ta thấy rằng người này nhận biết uy quyền của người cha phần xác trên cả uy quyền của Đấng Christ. Dựa theo phong tục truyền thống, miễn là cha còn sống, người cha là đầu của gia đình. Bất luận người con có lớn tuổi thể nào, họ vẫn ở dưới uy quyền của cha họ cho đến khi người cha chết. Khi người này xin sự cho phép để về từ giã những người thân trong gia đình, ông ta có ý nói, “tôi nhận biết uy quyền của Chúa nhưng uy quyền của cha tôi trên cả uy quyền của Ngài và tôi không thể làm gì cả cho đến khi có sự cho phép của cha tôi.” Đây là một sự thừa nhận một uy quyền khác, cao hơn uy quyền của Chúa Jesus Christ. Chỉ đến khi người này sẵn lòng nhận biết uy quyền tuyệt đối của Jesus Christ trong cuộc đời mình, nếu không ông không phải và không thể là môn đồ Đấng Christ.
Khi chúng ta đến với Lu-ca 14, chúng ta thấy vài minh họa được Chúa dạy trong chương thứ chín cho chúng ta một sự tóm lược về điều này. Chúng ta đọc trong câu 16, “Có người kia dọn tiệc lớn, mời nhiều người ăn. Khi đến giờ ăn, sai đầy tớ mình đi nói với những kẻ được mời rằng: Hãy đến, mọi sự đã sẵn rồi. Song họ đồng tình xin kiếu hết. Người thứ nhứt nói rằng: Tôi có mua một đám ruộng, cần phải đi coi, xin cho tôi kiếu.” Công việc kinh doanh của người này đứng giữa ông và Chúa Jesus. “Kẻ khác rằng: Tôi có mua năm cặp bò, phải đi xem thử; xin cho tôi kiếu.” Sự suy xét về vật chất cầm giữ người này theo Chúa Jesus. “Kẻ khác nữa rằng: Tôi mới cưới vợ, vậy tôi đi không được.” Sự từ chối theo sau sự từ chối. Đấng Christ đòi hỏi sự thuận phục tuyệt đối đối với uy quyền của Ngài, sự thành tâm hoàn toàn đối với Thân vị Ngài, xác quyết trong lời Ngài, tin cậy nơi sự chu cấp Ngài, nhưng con người từ chối bởi vì họ không phó thác, không thể tin cậy vào Chúa.
Thánh Linh của Đức Chúa Trời hành động và ngay bây giờ đang nhìn vào trong đời sống của bạn. Ngài đang chỉ ngón tay Ngài lên một khu vực nào đó mà bạn không vâng phục. Khi sự không vâng phục ở đó, bạn không có quyền gọi mình là môn đồ, vì Chúa chúng ta đòi hỏi sự vâng phục tuyệt đối với lời Ngài, đối với ý chỉ Ngài như được bày tỏ trong Lời Đức Chúa Trời. Khi nào mà một tôi tớ lại có quyền ra lệnh cho chủ mình? Khi nào mà một nô lệ có quyền chất vấn mạng lệnh của Chúa? Khi Đa-vít thấy mình phản loạn đối cùng Lời Đức Chúa Trời, chỉ có một điều mà ông có thể làm. Chúng ta đọc điều đó trong Thi Thiên 51 và 32. Ông thừa nhận sự không vâng phục của mình, sự phản loạn của mình, sự vô luật pháp của mình đối với Đức Chúa Trời và đặt chính mình trong sự thuận phục uy quyền của Kinh Thánh và uy quyền của Chúa. Nếu bạn thấy một vài phần trong đời sống bạn không vâng phục theo ý chỉ và Lời Đức Chúa Trời, thì gương mẫu của Đa-vít đã được thiết lập dành cho trường hợp của bạn. Hãy để lời Đức Chúa Trời bày tỏ, và hãy để mạng lệnh của Lời Chúa hướng dẫn bạn. Nhận biết Chúa Jesus Christ – Đấng cứu rỗi, Ngài có quyền là Chủ và Chúa của đời sống bạn. Đây là yêu cầu trước hết để trở nên một môn đồ đúng nghĩa.

J. Dwight Pentecost

Translated by Tuong Vi   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn