Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Tổng hợp / Sự vâng phục và Môn đồ

Sự vâng phục và Môn đồ

KHÁM PHÁ BẢN THIẾT KẾ CHO MÔN ĐỒ HÓA

jesus-along-the-sea-of-galilee-goodsalt-pppas0009

Trong suốt khóa học của tôi về môn đồ hóa, một học viên có thể nói trong lòng rằng, “Tôi muốn là một môn đồ.” Thậm chí anh ta có thể cầu nguyện, “Lạy Chúa, xin khiến con trở nên môn đồ.” Nhưng khao khát của anh ấy, sự cầu nguyện của anh ấy sẽ không làm anh ấy trở nên một môn đồ. Chỉ phó dâng chính mình cho Chúa Jesus Christ, ủy thác chính mình cho Chúa Jesus Christ, hành động đó làm anh ấy trở nên môn đồ.
Vài người trong các bạn, đã ở trong trình trạng chưa quyết định, và bây giờ là lúc bạn đi đến chỗ xác định phó thác chính mình cho Chúa Jesus Christ để trở nên một môn đồ thật. Bạn biết những điều này sẽ đi theo. Một môn đồ, trước hết phải được chuộc bởi huyết của Đấng Christ. Người đó được dạy bởi lời của Đấng Christ và vâng phục lời Ngài. Người đó thuận phục uy quyền của Đấng Christ. Một môn đồ là người phụng sự Đấng Christ. Một môn đồ là người được biệt riêng cho Đấng Christ. Bây giờ một câu hỏi được đặt ra cho bạn: “Bạn có sẵn lòng phó chính mình cho Chúa Jesus Christ để làm môn đồ của Ngài?”
Đây là lời mời của Đấng Christ, “Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta.” và “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng tà, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.” Sự phản hồi của bạn cho lời mời này là gì?

jesus-takes-leave-goodsalt-rhpas0217

Sự vâng phục và Môn đồ

Lu-ca 9: 57-62
Chúa Jesus phán, “Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi” (Ma-thi-ơ 7:21). Một yêu cầu mà Chúa Jesus Christ đặt ra cho các môn đồ đó là vâng phục tuyệt đối, không thắc mắc. Ngoài hành động vâng phục, một người không có quyền gọi mình là môn đồ của Chúa Jesus Christ.
Để minh họa cho điều này, Chúa chúng ta kể một chuyện ngụ ngôn được ghi lại trong chương 21 sách Ma-thi-ơ bắt đầu từ câu 28.
Một người nọ có hai con trai. Ông đến với đứa con đầu và phán, “Con ơi, bữa nay con hãy ra làm vườn nho.” Người cha đưa ra một mạng lịnh cho người con, bày tỏ ý chỉ của ông cho người con. Không có bất cứ nghi ngờ gì về lời hướng dẫn và không hề có sự nhầm lẫn nào trong mạng lịnh này. Ý chỉ của người cha là người con đi vào làm việc trong vườn nho. Người con nhận thức được trách nhiệm với sự bày tỏ ý chỉ của người cha, người con đáp, “Tôi không muốn đi,” nhưng sau đó anh ta ăn năn và đi. Rồi người cha đến cùng đứa con thứ hai và cho cùng một mạng lịnh và người con này trả lời, “Tôi sẽ đi, thưa cha,” rồi sau đó không đi. Đứa đầu đã không vâng lời nhưng sau đó vâng phục ý chỉ của cha và đi làm vườn. Đứa kia hứa vâng lời nhưng trở nên không vâng lời và  dĩ nhiên không hoàn thành mạng lịnh của người cha.
Sau khi kể câu chuyện đó, Đấng Christ hỏi: “Trong hai con trai đó, đứa nào làm theo ý muốn của cha? Họ đáp rằng: Đứa thứ nhất.”
Không phải là lời tuyên bố để chứng minh sự vâng lời với ý chỉ của cha, đó là hành động vâng phục. Một đứa con vâng phục bất chấp lời tuyên bố của mình trước đó; đứa khác không vâng phục mặc dù lời tuyên bố trước đó của nó là thuận phục. Như vậy vấn đề không phải là lời nói khiến cho một người nào đó trở nên môn đồ Đấng Christ, nhưng là sự vâng phục. Trong việc khám phá sự dạy dỗ của Tân Ước về môn đồ, chúng ta sẽ đối mặt với chủ đề môn đồ và sự vâng phục.
Trong bài học trước, chúng ta thấy rằng từ môn đồ được dùng với các ý nghĩa khác nhau trong Tân Ước. Trước hết nó được dùng cho những người hiếu kỳ về sự dạy dỗ của Chúa. Thấy các phép lạ mà Ngài đã làm tại Ga-li-lê, họ biết rằng đằng sau phép lạ của Ngài sẽ là sự giảng dạy. Hiếu kỳ về những gì Ngài phán, và họ đến để lắng nghe Ngài dạy. Họ là những người mà chúng ta gọi là học trò – người học hay người đi theo để được dạy.
Nơi thứ hai mà chúng ta thấy những người được gọi là môn đồ là những người bị thuyết phục bởi lẽ thật là những điều Đấng Christ phán dạy. Họ lắng nghe lời Ngài và nhận biết những sự giảng dạy của Chúa Jesus không phải là sự khôn ngoan của con người; và họ được thuyết phục rằng Ngài đến từ Đức Chúa Trời và nói lẽ thật của Đức Chúa Trời.
Tuy nhiên, trong ý nghĩa thứ ba, môn đồ là người sau khi bị thuyết phục về lẽ thật của lời Chúa, thì hoàn toàn phó thác chính mình cho Đấng dạy dỗ họ. Nếu một người dừng lại trước bước tổng kết này, không hoàn toàn ủy thác chính mình cho Chúa Jesus Christ, người đó không phải là môn đồ. Người đó chỉ được kể là ở trong số những người hiếu kỳ, và cho dù người đó tiến đến bước bị thuyết phục về những gì Đấng Christ phán dạy. Cho đến khi người đó phó dâng chính mình cho Chúa Jesus, lúc đó người ấy mới là môn đồ đúng nghĩa trong Tân Ước.

Một ngày kia, một phụ nữ đến với tôi sau khi tôi trình bày những lẽ thật này. Cô nói, “Sau khi nghe bài giảng, tôi không tin rằng có nhiều môn đồ.” Cô tiếp tục, “Tôi cũng không biết ông có phải là một môn đồ hay không nữa?” Tôi tin rằng Thánh Linh của Đức Chúa Trời sẽ mang những tấm lòng tìm kiếm như vậy đến với mỗi một chúng ta khi chúng ta tra xét mối quan hệ của chúng ta với Chúa Jesus Christ trong ánh sáng của Lời Đức Chúa Trời.

Sẽ là kẻ giả hình khi tuyên bố rằng tôi là một môn đồ nhưng bước đi trong sự bất phục tùng với lời Chúa. Khi một người ở vị thế không vâng phục, người đó không ở vào vị thế là môn đồ, vì Kinh Thánh đòi hỏi sự vâng phục tuyệt đối với Lời Đức Chúa Trời và uy quyền của Chúa Jesus Christ là yêu cầu cần thiết trước hết để làm môn đồ.
Trong Lu-ca 9:23 Chúa Jesus dạy, “Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta.” Phải từ bỏ mình đi. Từ được dịch là từ bỏ là một lời rất mạnh trong nguyên văn mà nghĩa đen có thể được dịch là nói không với chính mình. Trong mỗi chúng ta có một bài trắc nghiệm đang diễn ra. Khi Chúa Jesus Christ cứu chuộc một người qua sự chết của Ngài, người đó trở nên tài sản được mua của Chúa. Vì chúng ta thuộc về Chúa Jesus Christ qua sự mua chuộc, nên Ngài có toàn quyền cai trị và kiểm soát chúng ta. Đây là lý do sứ đồ Phao-lô giới thiệu chính mình là nô lệ của Chúa Jesus Christ. Ông xem mình là người được mua bởi người khác và trở nên vật sở hữu của người khác.
Một nô lệ không có quyền thể hiện ý chí riêng của mình. Nô lệ không được cho quyền phản bác mạng lệnh đến từ chủ mình; người đó không có tự do để xác định các hành động của mình. Đó là quyền và trách nhiệm của người chủ. Nhưng nô lệ thường có tính khí thiên nhiên nổi loạn. Và chúng ta phản loạn với uy quyền của Đấng Christ; chúng ta muốn lấy ý chí của chúng ta đè bẹp ý chí của Đấng Christ và ngồi lên trong sự phán xét. Trong việc làm này, chúng ta từ bỏ vị trí của sự vâng phục, vị trí của môn đồ. “Nếu ai muốn theo ta [nghĩa là trở nên môn đồ trong lẽ thật và trong hành động], phải tự bỏ mình đi [đặt qua một bên bất cứ quyền lợi nào cho chính mình, cho tâm trí mình, cho ý chí mình, cho sự hướng dẫn của mình] mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta [đồng nhất mình với Đấng bị khước từ, và đi theo bất cứ nơi nào Ngài dẫn dắt trong sự thuận phục hoàn toàn]”

images
Khi Chúa Jesus gọi Phi-e-rơ, Gia-cơ, Giăng và Anh-rê trở nên môn đồ, nghĩa là họ phải từ bỏ lưới và thuyền của họ, công việc đánh cá mà họ đang làm. Ngay lập tức họ từ bỏ cuộc sống trước đây để trở nên môn đồ. Khi Đấng Christ gọi Ma-thi-ơ, nghĩa là ông phải từ bỏ công việc thu thuế với tiền lương và trách nhiệm. Ngày mà Đấng Christ gọi Ma-thi-ơ trở nên môn đồ, Ma-thi-ơ từ bỏ tất cả và theo Ngài.
Khi Đấng Christ kêu gọi Phi-líp, một nhà truyền giảng thì ông đang ở trong chức vụ rất kết quả tại Sa-ma-ri. Bây giờ ông phải từ bỏ Sa-ma-ri và mục vụ ông đang làm để đi  vào đồng vắng. Phi-líp rời bỏ Sa-ma-ri.
Khi Đấng Christ kêu gọi Phao-lô trở nên môn đồ, nghĩa là ông phải từ bỏ các vinh dự và đặc quyền của một người trong hệ thống giáo phẩm tại Giê-ru-sa-lem. Cho đến khi ông sẵn lòng từ bỏ tất cả vì Chúa ông là một môn đồ đúng nghĩa.

(Còn nữa)

Translated by Tuong Vi   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn