Có bao giờ bạn tự hỏi làm thế nào mà người ta có thể làm những điều tội lỗi mà không cảm thấy áy náy về chúng không? Một số người có thể lừa dối mà chưa bao giờ mất ngủ. Họ có thể trộm cắp và làm mọi điều xấu xa khác, và nó dường như chưa bao giờ khiến họ bối rối hay bất an. Nhưng bạn và tôi sẽ bị cáo trách thậm chí là những việc rất nhỏ mãi cho đến khi chúng ta đến với Chúa và từ bỏ nó. Vậy làm sao một số người có thể làm những điều tội lỗi đó mà lương tâm họ không bị cắn rứt? Câu trả lời có thể chính là họ đã có một lương tâm xấu.
“Nên chúng ta hãy lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong, mà đến gần Chúa.” (Hê-bơ-rơ 10:22). Tác giả đã sử dụng cách diễn đạt tượng trưng của Cựu Ước để chuyển tải lẽ thật của Tân Ước. Khi thầy tế lễ dâng của lễ tại đền tạm, ông phải rửa tay và chân ở trong chậu để không làm ô uế đền tạm. Bạn và tôi, khi chúng ta tương giao với Chúa, chúng ta chắc chắn phải được rửa sạch. “Đức Chúa Trời ôi! Xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong sạch, Và làm cho mới lại trong tôi một thần linh ngay thẳng.” (Thi-Thiên 51:10). “Nầy, Chúa muốn sự chân thật nơi bề trong” (Thi-Thiên 51:6).
Một Lương Tâm Xấu Là Gì?
Chúng ta hãy thử tìm hiểu khái niệm của một lương tâm xấu bằng cách trả lời một số câu hỏi sau. Trước hết, một lương tâm xấu là gì? Giải thích dễ hiểu nhất tôi nghĩ đến đó là điều đơn giản này: một lương tâm xấu thì trái nghịch với một lương tâm tốt. Một lương tâm tốt đem đến những tác động – nó cáo trách chúng ta khi chúng ta làm điều sai, và khuyến khích khi chúng ta làm điều đúng. Nhưng một lương tâm xấu sẽ khích lệ người ta khi họ làm điều sai và khiến họ bất an khi làm điều đúng!
Tôi nghĩ đến Ê-sai 5:20 nói về những người có một lương tâm xấu: “Khốn thay cho kẻ gọi dữ là lành, gọi lành là dữ; lấy tối làm sáng, lấy sáng làm tối; vậtchi cay trở cho là ngọt, vật chi ngọt trở cho là cay!”
Nói cách khác, họ kiêu hãnh với những việc mà đáng ra họ phải hổ thẹn. Phao-lô viết về họ trong Phi-líp 3:19: “và lấy sự xấu hổ của mình làm vinh hiển, chỉ tư tưởng về các việc thế gian mà thôi.” Những việc mà lý ra họ phải xấu hổ, thì họ lại lấy làm vinh hiển! Khi làm điều tốt, họ cảm thấy bất an. Tại sao? Bởi vì họ không muốn làm điều tốt, họ muốn làm những điều tội lỗi. Khi làm tổn thương một người nào đó, nó không làm họ áy náy bởi vì sự sáng bên trong họ đã trở nên sự tối tăm.
Điều này đưa ta trở lại với Ma-thi-ơ 6, phân đoạn mà Chúa Jêsus đã so sánh lương tâm với con mắt tựa như một chiếc cửa sổ tâm hồn để ánh sáng chiếu vào: “Con mắt là đèn của thân thể. Nếu mắt ngươi sáng sủa thì cả thân thể ngươi sẽ được sáng láng; nhưng nếu mắt ngươi xấu, thì cả thân thể sẽ tối tăm. Vậy, nếu sự sáng láng trong ngươi chỉ là tối tăm, thì sự tối tăm nầy sẽ lớn biết là dường bao!” (Ma-thi-ơ 6:22, 23). Hãy lưu ý lời bày tỏ quan trọng này: “Vậy, nếu sự sáng láng trong ngươi chỉ là tối tăm, thì sự tối tăm nầy sẽ lớn biết là dường bao!” (Ma-thi-ơ 6:23).
Lương tâm như là chiếc cửa sổ để ánh sáng chiếu vào. Khi chúng ta phạm tội chống nghịch lại Chúa, chiếc cửa sổ đó trở nên mờ đục dần. Cuối cùng, sự sáng không còn nữa, sự sáng trở nên sự tối tăm! Điều này đưa chúng ta vào lẽ thật: Chúa Jêsus đã không nói rằng, khi chúng ta tiếp tục phạm tội, thì sự sáng biến mất. Không, Ngài nói đến một tương lai tồi tệ xa hơn sẽ đến với chúng ta: Sự sáng sẽ trở nên sự tối tăm!
Vì vậy một lương tâm xấu là một lương tâm kêu gọi chúng ta đến sự xấu. Nó đặt sự tối tăm thay cho sự sáng và sự sáng thay cho tối tăm. Một lương tâm xấu sẽ không cáo trách khi chúng ta làm điều sai. Chúng ta sẽ dần quen với tội lỗi, và lương tâm chúng ta sẽ không còn cáo trách chúng ta nữa.
Nguyên Nhân Tạo Nên Một Lương Tâm Xấu Là Gì?
Điều gì đã tạo nên một lương tâm xấu? Tôi nghĩ câu trả lời đơn giản chính là đây: đánh mất đi sự đề phòng với tội lỗi. Thật nguy hiểm khi xem nhẹ tội lỗi. Nếu ngày hôm nay tôi có thể không cảm thấy hổ thẹn khi làm một việc mà trước đó sáu tháng chính điều đó đã cáo trách tôi, thì tôi có thể đã bắt đầu có một lương tâm xấu. Khi bạn bắt đầu xem thường tội lỗi, bạn đang hành động sai trật – từ sự sáng đến sự tối tăm.
Tôi nghĩ đến một lý do tại sao nhiều người ngày hôm nay lại quá xem nhẹ tội lỗi đó là vì họ đã quá xem thường Đức Chúa Trời. Khi chúng ta không kính sợ Đức Chúa Trời, chúng ta cũng sẽ không lưu tâm đến sự thánh khiết hay sự phán xét của Đức Chúa Trời.
Trong I Giăng 1, Giăng đã nói về những người cố gắng che đậy tội lỗi họ. Ông chỉ ra rằng họ che đậy tội lỗi bằng lời nói của họ. “Ví bằng chúng ta nói mình được giao thông với Ngài, mà còn đi trong sự tối tăm, ấy là chúng ta nói dối và không làm theo lẽ thật.” (I Giăng 1:6). Họ bắt đầu lừa dối người khác. Họ nói, “Ồ, phải, tôi là người tin theo Đức Chúa Trời.” Họ hát những bài hát và làm chứng, nhưng họ đang đi trong sự tối tăm.
Trong I Giăng 1:8 chúng ta thấy họ bắt đầu lừa dối mình: “Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta.” Họ có thể dối gạt như vậy thường xuyên đến nỗi họ bắt đầu thật sự tin như vậy! Đầu tiên I Giăng 1:10 nói, “Nhược bằng chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, ấy là chúng ta cho Ngài là kẻ nói dối, lời Ngài không ở trong chúng ta.” Sau đó họ lừa dối Đức Chúa Trời! Họ có thể cầu nguyện rất hình thức, nhưng họ không thật sự cầu nguyện. Tất cả đó đều là sự giả dối.
Một lương tâm tốt sẽ thực hiện chức năng của nó một cách đúng đắn. Nhưng nếu chúng ta phạm tội trái với lương tâm tốt, chúng ta đang phát triển một lương tâm nhơ bẩn. “Mọi sự là tinh sạch cho những người tinh sạch, nhưng, cho những kẻ dơ dáy và chẳng tin, thì không sự gì là tinh sạch cả; trái lại, tâm thần và lương tâm họ là dơ dáy nữa.” (Tít 1:15). Một lương tâm tốt trở nên nhơ bẩn bởi vì chiếc cửa sổ đã bắt đầu bị vẩn đục. Chúng ta càng phạm tội chống nghịch lại Chúa bao nhiêu, thì chiếc cửa sổ đó sẽ trở nên càng dơ bẩn bấy nhiêu.
Điều này có thể dẫn đến một lương tâm chai lì. “Bị lầm lạc bởi sự giả hình của giáo sư dối, là kẻ có lương tâm đã lì” (I Ti-mô-thê 4:2). Hình ảnh này không khó để hiểu. Khi da bạn bị bỏng, nó hình thành nên một mô sẹo bị chai, và khu vực đó mất đi sự nhạy cảm. Cũng vậy, lương tâm bạn có thể sẽ bị chai lì như vậy.
Trước tiên, một lương tâm tốt trở nên một lương tâm bị nhơ bẩn, và sau đó một lương tâm nhơ bẩn sẽ trở thành một lương tâm chai lì. Nó có thể sẽ đưa cuộc đời chúng ta đến chỗ thấp đó là tội lỗi không còn làm cho chúng ta bất an nữa. Chúng ta có thể lừa dối mà không ngượng ngùng, và nó không khiến chúng ta áy náy chút nào. Tất nhiên, nó sẽ dẫn chúng ta đến một lương tâm xấu.
(Còn nữa)
WARREN W. WIERSBE
Translated by Hoa Da Quy