Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / Cơ Đốc Nhân Mạnh Mẽ

Cơ Đốc Nhân Mạnh Mẽ

Lương Tâm Mạnh Mẽ

i 2

Trách Nhiệm Của Những Cơ Đốc Nhân Mạnh Mẽ

Là một Cơ Đốc Nhân mạnh mẽ còn có những trách nhiệm. Rô-ma 14 và 15 đã được viết chủ yếu là dành cho những Cơ Đốc Nhân mạnh mẽ và những đoạn này trình bày về trách nhiệm của chúng ta nếu chúng ta tuyên bố rằng chúng ta có một lương tâm mạnh mẽ.

 

Chấp Nhận Những Kẻ Yếu

          Trách nhiệm đầu tiên của chúng ta là chấp nhận những người yếu đuối. “Hãy bằng lòng tiếp lấy kẻ kém đức tin, chớ cãi lẫy về sự nghi ngờ.” (Rô-ma 14:1). Chúng ta không được đẩy mọi người ra khỏi Hội Thánh chỉ vì họ chưa trưởng thành. Sự chăm sóc của Hội Thánh Chúa để giúp những em bé trưởng thành. Chúng ta phải có trách nhiệm tiếp nhận những Cơ Đốc Nhân có lương tâm yếu đuối.

 

Đừng Cãi Lẫy

Trách nhiệm thứ hai, chúng ta có trách nhiệm không được cãi lẫy với anh ta. Tôi khuyên bạn tuyệt đối không được tranh cãi với họ về những lãnh vực mà bạn không đồng tình. Chúng ta có thể thảo luận những nguyên lý, chúng ta có thể thảo luận giáo lý trong Kinh Thánh; nhưng trong những lãnh vực về sở thích và phong tục, thì không đơn giản để đạt được sự đồng thuận.

 

Đừng Coi Thường Người Yếu

Trách nhiệm thứ 3, những người mạnh mẽ không được coi thường người yếu. Rô-ma 14:3 nói, “Người ăn chớ khinh dể kẻ không ăn; và người không ăn chớ xét đoán kẻ ăn, vì Đức Chúa Trời đã tiếp lấy người.” Nói cách khác, những Cơ Đốc Nhân mạnh mẽ không được coi thường những Cơ Đốc Nhân yếu đuối, và những Cơ Đốc Nhân yếu đuối cũng không được kết án những Cơ Đốc Nhân mạnh mẽ.

 

Đừng Làm Cho Người Yếu Vấp Phạm

          Trách nhiệm thứ 4, và điều này rất quan trọng, những Cơ Đốc Nhân mạnh mẽ không được làm cho những Cơ Đốc Nhân yếu đuối vấp phạm. Rô-ma 14:13 nói, “Vậy chúng ta chớ xét đoán nhau; nhưng thà nhứt định đừng để hòn đá vấp chân trước mặt anh em mình, và đừng làm dịp cho người sa ngã.”

Câu này gợi chúng ta nhớ đến điều mà Phao-lô đã viết trong I Cô-rinh-tô 8, 9, và 10. Nan đề tại Hội Thánh Cô-rinh-tô là “Nếu bạn được mời tham dự một lễ hội tại một đền thờ địa phương, bạn có đi hay không?” Cho dù đó là một đền thờ thần tượng, và đồ ăn đó đã được cúng cho thần tượng. Phao-lô nói nó có thể không làm hại gì đến bạn nhưng sẽ gây tổn thương những người anh em yếu đuối của bạn. Nếu anh em thấy bạn trong đền thờ đó, anh ấy có thể bị cám dỗ chống lại lương tâm mình và bạn sẽ làm anh ấy vấp phạm. Tôi có thể làm nhiều thứ không tổn hại đến tôi nhưng có thể gây tổn hại cho một ai đó.

Chúng ta không được làm cho người có lương tâm yếu đuối vấp phạm. Chúng ta không được làm buồn lòng những anh em yếu đuối bởi sự tự do của chúng ta. Rô-ma 14:15 nói rằng, “Vả, nếu vì một thức ăn, ngươi làm cho anh em mình lo buồn, thì ngươi chẳng còn cư xử theo đức yêu thương nữa.” Chúng ta nên cư xử làm vui lòng anh em yếu đuối của mình, chứ không phải làm vui lòng mình. “Mỗi người trong chúng ta nên làm đẹp lòng kẻ lân cận mình, đặng làm điều ích và nên gương tốt.” (Rô-ma 15:2).

Bạn có thể nói rằng, “Tại sao tôi lại phải từ bỏ sự tự do của mình vì anh em trong Chúa?” Bởi vì đó là tình yêu thương của Cơ Đốc Nhân. Tại sao bạn lại sử dụng sự tự do của mình để gây vấp phạm cho người khác? Chúng ta phải rất cẩn thận để giải quyết những vấn đề như vậy. Chúng ta phải bước đi trong sự yêu thương.

 

Làm Hòa Thuận Với Người Khác

Cơ Đốc Nhân mạnh mẽ phải chịu một trách nhiệm khác. Anh ấy phải làm hòa với người khác. “Vậy chúng ta hãy tìm cách làm nên hòa thuận và làm gương sáng cho nhau.” (Rô-ma 14:19). Một vài Cơ Đốc Nhân luôn luôn tuyên chiến! Họ luôn coi thường những người mà họ cảm thấy thấp kém hơn họ. Phao-lô nói rằng, “Đừng làm vậy. Hãy làm những việc đem lại sự hòa thuận. Có gì khác biệt giữa việc anh em ăn đồ cúng hay không ăn đồ cúng ư? Điều quan trọng là anh em bạn và bạn không hòa thuận với nhau. Một thế gian chưa được cứu đang dõi theo chúng ta. Đừng để bị bắt gặp vì tranh cãi với một người khác.”

Không chỉ chúng ta nên làm hòa mà chúng ta còn nâng đỡ những người anh em yếu đuối khác. Chúng ta nên làm những điều mà chúng giúp làm gương sáng cho người khác. Lý do chúng ta nhận những người anh em yếu đuối và tìm cách làm vui lòng họ là vì chúng ta có thể giúp họ trưởng thành.

Bạn không thể ép buộc người khác phải có đức tin như bạn. “Ngươi có đức tin chừng nào, hãy vì chính mình ngươi mà giữ lấy trước mặt Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 14:22). Bạn không thể đổ lẽ thật vào cổ họng ai đó và bắt họ phải nuốt lấy! Chúng ta phải nói về lẽ thật trong tình yêu thương (Ê-phê-sô 4:15). Chúng ta phải chứng minh sự kiên nhẫn, tình yêu thương và lòng tốt nếu chúng ta muốn giúp những người này lớn lên.

Điều quan trọng cho những Cơ Đốc Nhân mạnh mẽ là không lạm dụng sự tự do của họ. Trong Rô-ma 15 Phao-lô nhắc đến Chúa Jesus Christ như một tấm gương cho chúng ta: “Vì Đấng Christ cũng không làm cho đẹp lòng mình.” (Rô-ma 14:3) Hãy nghĩ về sự tự do mà Chúa Jesus đã từ bỏ để Ngài có thể giúp đỡ người khác! Ngài là đứa Con toàn hảo của Đức Chúa Trời, Đấng biết mọi điều và Ngài còn tự hạ mình, Ngài cố ý giới hạn chính mình nên Ngài mới có thể dạy dỗ cho chúng ta. Và dĩ nhiên kết quả cuối cùng là đem lại vinh hiển cho Đức Chúa Trời.

“Vậy thì, anh em hãy tiếp lấy nhau, cũng như Đấng Christ đã tiếp anh em, để Đức Chúa Trời được vinh hiển.” (Rô-ma 15:7). Như vậy sẽ giải quyết ngay mọi vấn đề. Cơ Đốc Nhân yếu đuối không được phá vỡ tình anh em trong Chúa với Cơ Đốc Nhân mạnh mẽ vì những điều như giải trí, thức ăn, diễn giải Kinh Thánh, những loại nhạc khác nhau hay phương pháp giảng dạy. Những Cơ Đốc Nhân yếu đuối rất dễ cảm thấy bị đe dọa và chuyển vào thế phòng thủ và nói, “Tôi không thể làm anh em của mọi người ở đây nữa. Những người này đã làm quá nhiều điều sai.” Anh ấy sẽ không bao giờ trưởng thành  nếu anh ấy có thái độ đó. Tuy nhiên, nếu một Cơ Đốc Nhân mạnh mẽ tỏ thái độ tự cao thì đó chính là sự khó chịu trong Hội Thánh.

images

Trong I Cô-rinh-tô 8:9 Phao-lô cảnh báo, “Nhưng hãy giữ lấy, kẻo sự tự do mình làm dịp cho kẻ yếu đuối vấp phạm.” Tôi có quyền tận hưởng sự tự do của mình, nhưng tôi cũng có tự do để bỏ những quyền đó. Đó chính là một phần nhỏ của sự tự do trong Chúa của tôi. Tôi có quyền tận hưởng mọi thứ mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng. Nhưng nếu sử dụng sự tự do đó, tôi sẽ cướp đi ơn phước của bạn hoặc làm bạn tổn thương, thì đó chẳng phải là tự do gì cả. Nó trở thành sự bó buộc. Ai là những người mạnh mẽ trong Chúa phải rất cẩn thận đừng coi thường người chưa trưởng thành. Tuy nhiên, những người vẫn chưa trưởng thành trong Chúa hãy bắt đầu lớn lên. Phải có một bầu không khí yêu thương, thông hiểu và chấp nhận lẫn nhau trong Hội Thánh thì các Cơ Đốc Nhân yếu đuối mới có thể tiếp nhận lời Chúa và lớn lên.

Tôi cho rằng bạn có thể tóm tắt lại bằng cách nói rằng chúng ta phụ thuộc vào nhau, chúng ta ảnh hưởng lẫn nhau và chúng ta cần nhau. Những Cơ Đốc Nhân mạnh mẽ cần những Cơ Đốc Nhân yếu đuối, và những Cơ Đốc Nhân yếu đuối cần những Cơ Đốc Nhân mạnh mẽ. Tất cả chúng ta cần Chúa. Nếu chúng ta sống để làm vui lòng chính mình và khoe khoang về sự hiểu biết và tự do của mình thì chúng ta sẽ gây ra sự chia rẽ, bất đồng và hủy diệt trong Hội Thánh. Nhưng nếu chúng ta sống để làm đẹp lòng Chúa Jesus và làm vui lòng lẫn nhau, nếu chúng ta bày tỏ sự yêu thương hơn với những người yếu hơn, thì chúng ta có thể giúp họ trưởng thành. Cùng lúc đó chúng ta cũng sẽ trưởng thành, và vì thế sẽ có một bầu không khí tuyệt đẹp đầy tình yêu thương trong Hội Thánh. Những em bé thuộc linh sẽ trưởng thành và giúp đỡ những em bé khác lớn lên. Công việc Chúa sẽ tiến triển và danh Đức Chúa Jesus Christ sẽ được vinh hiển.

(Còn nữa)

WARREN W. WIERSBE

Translated by Hoa Da Quy   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn