Thứ Sáu , 15 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / MÔN ĐỒ CỦA CHÚA JESUS?

MÔN ĐỒ CỦA CHÚA JESUS?

j1

Những ai đã nhận lãnh uy quyền để rao giảng, được xác nhận trong chức vụ bằng các phép lạ, và rao truyền sự phán xét trên những người khước từ sứ điệp của họ, chắc chắn có một chức vụ kết quả. Theo câu thứ sáu, họ đi khắp mọi nơi để giảng Phúc âm và chữa lành những người bệnh tật. Mục vụ của họ lan rộng khắp vùng, nhiều người  so sánh các mục vụ đó như là việc Đức Chúa Trời đã sai Đấng Mê-si đến để cứu chuộc dân Ngài. Thậm chí tin tức về sự lan rộng mục vụ của các môn đồ đã đi vào cung điện vua Hê-rốt. Theo câu thứ mười, khi mười hai môn đồ trở về với Chúa từ khắp nơi, họ báo cáo về sự thành công của chức vụ: “Các sứ đồ trở về trình cùng Đức Chúa Jesus mọi việc mình đã làm…”

Một đặc ân nữa được ban mười hai môn đồ. Chúng ta thấy điều này được nhắc đến trong các câu 18 – 21. Họ nhận sự khải thị về lẽ thật thần thượng. Đấng Christ đã thể hiện chính mình như là Đấng Cứu chuộc và là Vua Y-sơ-ra-ên. Con người đã tranh luận về thân vị của Christ và uy quyền mà bởi đó Ngài rao giảng. Đấng Christ đã đưa ra một câu hỏi quan trọng dành cho các môn đồ sau khi họ trở về tường trình mục vụ. Họ cũng trở về  báo cáo những điều họ đã nghe, vài người nói Ngài là Giăng Báp-tít; số khác nói Ngài là Ê-li; số khác nói Ngài là một trong các tiên tri. Tất cả những người được nhắc đến trong danh sách này đều đến từ Đức Chúa Trời và đã thực thi chức vụ trong uy quyền thần thượng. Chúa Jesus hỏi lại mười hai môn đồ, “Còn về phần các ngươi thì nói ta là ai?” Và Phi-e-rơ, được xem như là người phát ngôn cho mười hai môn đồ, đã công bố sự thừa nhận về thân vị và công tác của Đấng Christ, “Thầy là Đấng Christ của Đức Chúa Trời” và trong Ma-thi-ơ, “Ngài là Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời hằng sống.”

Sự hiểu biết này không đến từ nhận thức tự nhiên, đây là một lẽ thật được khải thị trực tiếp cho Phi-e-rơ từ chính Đức Chúa Trời, vì trong Ma-thi-ơ 16:17 ghi lại lời Chúa phán, “Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi có phước đó; vì chẳng phải thịt và huyết tỏ cho ngươi biết điều nầy đâu, bèn là Cha ta ở trên trời vậy [đã khải thị cho ngươi].” Các môn đồ đã nhận lãnh một khải thị đặc biệt từ Đức Chúa Trời về thân vị và công tác của Đấng Christ. Trong điều này các môn đồ cũng giống như  các tiên tri trong Cựu Ước mà Chúa đã hiện ra truyền phán lời Ngài. Chúng ta nhớ đến trường hợp của Đa-ni-ên bị lưu đày ở Ba-by-lôn cách xa quê nhà, Đức Chúa Trời đã hiện ra và khải thị cho ông các chi tiết liên quan đến Đấng Cứu rỗi phải đến. Cũng hãy nghĩ về Ê-sai, Chúa đã ban lời tiên tri, ông đã nói trước về sự hiện đến của Đấng Christ. Ông đã mô tả về tính cách và công tác của Chúa Jesus Christ trong sứ điệp của mình. Hay là tiên tri Xa-cha-ri đã nói, “Lời của Chúa đến với ta” – lời mà đã mang đến một khải thị đặc biệt về công tác của Chúa Jesus sẽ làm trong ơn cứu chuộc.

Trong chín chương đầu tiên của sách Lu-ca, mười hai môn đồ đã được ban cho những đặc quyền và trách nhiệm đặc biệt. Trong Lu-ca 9:23, Chúa Jesus đưa ra một mạng lệnh cho những người đã nhận đặc quyền này. Ngài phán với tất cả họ (cho những ai đã nhận sự khải thị, nhận lãnh uy quyền, nhận lãnh đặc ân để giảng Phúc âm, những ai có thể rao giảng sự phán xét từ Đức Chúa Trời trên các kẻ khước từ) “Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta.” Nhận lãnh sự khải thị không làm họ trở nên các môn đồ. Quyền năng thực hiện phép lạ không làm họ trở nên môn đồ. Sứ mạng rao giảng Phúc âm không làm họ trở nên môn đồ. Nhận lãnh uy quyền để công bố sự phán xét trên dân sự không làm họ trở nên môn đồ. Được ban cho đặc quyền tiếp nhận sự hỗ trợ trong chức vụ không làm họ trở nên môn đồ. Chúa Jesus phán, “Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta.” Môn đồ không phụ thuộc vào những gì họ nhận lãnh từ Đấng Christ; nó phụ thuộc vào việc dâng chính mình cho Đấng Christ, tiếp nhận bài học thập tự giá: “phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta.”

Có hai phần trong đòi hỏi của Chúa  đối với con người nếu họ muốn trở nên môn đồ thật. Đầu tiên hay là phương diện tiêu cực được tìm thấy trong cụm từ, “từ bỏ chính mình đi….”.  Sự nguy hiểm lớn đối mặt với những người mà sau khi họ đã thành công rực rỡ trong chức vụ thông qua danh của Đấng Christ, họ sẽ được đẩy lên trong sự tự cao. Vị trí  họ nắm giữ, lẽ thật họ biết, kết quả của chức vụ, đặc quyền mà bởi đó họ nhận được, sẽ sản sinh sự tự cao trong xác thịt. Thật  dễ dàng cho họ để báo cáo với Đấng đã sai họ đi và tiếp tục đi ra lần nữa để lập lại những mục vụ trước đó. Và sẽ thật dễ dàng cho họ tin vào khải tượng mà họ nhận lãnh là đầy đủ và đi ra rao giảng Tin Lành, chữa bệnh, đuổi quỉ. Họ có thể tiến lên thực hiện sứ mạng rao giảng mà không cần có bất kỳ sự ủy thác nào từ Đấng đã khải thị chính Ngài và ban cho họ uy quyền của Ngài.

Nếu một người là một môn đồ của Jesus Christ, người phải từ bỏ mình qua một bên hoàn toàn và trọn vẹn, không biết điều gì về chính mình, không có ý chí của chính mình cho cuộc đời của mình, không có tình cảm nào riêng tư cá nhân. Mạng lệnh của Chúa chúng ta là tuyệt đối và không thay đổi. Hễ người nào tiếp tục dựa trên lý luận tự nhiên, thậm chí áp dụng lý luận tự nhiên của mình cho Lời của Đức Chúa Trời, người đó không thể là một môn đồ bởi vì anh ta không từ bỏ những suy nghĩ tự nhiên để nhận lấy lẽ thật thần thượng. Hễ người nào còn theo đuổi tình cảm của lòng mình, người đó không thể là môn đồ của Chúa Jesus Christ. Vì để trở nên môn đồ, tâm trí của người đó phải đặt vào những điều ở trên trời. Hễ người nào còn theo đuổi ý chí riêng và là những việc làm để vui lòng loài người, người đó không thể trở nên môn đồ của  Chúa Jesus Christ, bởi vì một môn đồ phải thuận phục hoàn toàn ý chỉ của Chủ. Người Chủ khao khát đặt lẽ thật và tình cảm của Ngài vào trong lòng của môn đồ. Ngài đặt ý chỉ của Ngài vào tâm trí  của môn đồ để môn đồ không biết điều gì khác, yêu điều gì khác, vâng lời người nào khác hơn là Chúa Jesus Christ – Đấng đã từ bỏ chính mình.

j 2

Phương diện thứ hai là phương diện tích cực. Môn đồ phải vác thập tự giá hằng ngày và theo Chúa. Thập tự giá là hình phạt tàn ác của người La-mã dành cho các tôi phạm đáng chết. Nó vốn không được biết đến giữa vòng loài người trước đây. Nó là phát minh của người La-mã để trừng phạt những phu tù, đóng đinh những kẻ khát máu và dã man. Giữa vòng con người, thập tự giá là điều đáng sỉ nhục của sự tra tấn và sự chết. Thập tự giá bị khinh thường bởi tất cả mọi người, và thậm chí là những người La-mã khát máu chỉ dành cây gỗ – thập tự giá cho những tội phạm xấu xa nhất. Đó là cách nhìn của thế gian về thập tự giá, điều này được sứ đồ Phao-lô đề cập đến trong Ga-la-ti 3:13, “Đấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp, bởi Ngài đã nên sự rủa sả vì chúng ta: vì có lời chép: Đáng rủa thay là kẻ bị treo trên cây gỗ.”

(Còn nữa)

Translated by Huong Linh.

Bài trước:
https://huongdionline.com/2016/05/09/tro-nen-mon-do-cua-dang-christ/

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn