Tôi nhớ lại những ngày tôi với mẹ
Trên con đường thôn xóm một ngày thu
Những ngày ấy mẹ vẫn còn rất trẻ
Tóc mẹ xanh và mắt mẹ còn mơ.
Tôi nhớ lại những ngày tôi với mẹ
Bên bờ sông thôn dã những ngày hè
Mẹ chở người về trên con thuyền nhỏ
Trên dòng đời mẹ cũng chở tôi đi.
Tôi nhớ lại những ngày tôi với mẹ
Rét căm căm chiều trở lạnh sang đông
Manh áo nhỏ mẹ che không đủ ấm
Tay mẹ choàng suốt cả tuổi thơ con.
Tôi nhớ lại những ngày tôi với mẹ
Nắm tay nhau đi dưới những đường xuân
Cánh đồng vàng bay lên mùi hương lúa
Cánh hạc bay vào nỗi nhớ mênh mông.
Tôi có lẽ sẽ buồn khi nhớ lại
Trên con đường phố thị những ngày về
Mẹ cơ cực như dòng sông quê cũ
Những ngày dài trong mắt mẹ lê thê.
Tôi có lẽ sẽ buồn khi thấy lại
Màu thời gian trên tóc mẹ tàn phai
Vết chân chim trên đồng khô cỏ úa
Mẹ vẫn bao la biển rộng sông dài.
Tôi có lẽ sẽ còn buồn hơn thế
Vào một ngày không còn mẹ bên đời
Tôi sẽ mang những niềm riêng sâu lắng
Đi vào đời thương nhớ mẹ mà thôi.
Mẹ có lẽ vẫn còn ngồi đâu đấy
Chờ tôi về trong những sớm mai tươi
Tôi vẫn thấy mẹ tôi còn trẻ lắm
Mẹ trong lòng tôi mãi mãi hai mươi.
(Hình minh họa)
Lữ Thành Kiến
Lữ Thành Kiến (LTK) là một Mục Sư Tin Lành, và cũng là một thi sĩ, văn sĩ có những đóng góp không nhỏ trên văn đàn ngoài xã hội cũng như trong văn chương Cơ-đốc. LTK đã từng đạt được giải thưởng văn chương Vinh danh tác giả viết về nước Mỹ 2007 của Việt Báo xuất bản tại Hoa Kỳ. LTK đã xuất bản mấy tập sách văn chương mà tuyển tập thơ văn “Biển Rộng Hai Vai” là một trong những tuyển tập để lại một dấu ấn đáng ghi nhớ trong lòng những người yêu văn thơ, nhất là văn thơ của đạo Tin Lành.
Lữ Thành Kiến (LTK) là một cây bút viết khá hay và có chiều sâu. Tôi rất thích đọc văn, thơ của LTK, vì văn, thơ của LTK rất dễ đi vào lòng người, bởi nó khá nhẹ nhàng, giàu cảm xúc, làm cho ta thêm yêu đời, yêu cuộc sống. Trước 1975, LTK đã từng có thơ, văn đăng khá nhiều trên một số tờ báo tuổi hoa niên lúc bấy giờ với một số các bút danh như Trần Nguyên Đán, Thương Vũ Minh và Phạm Khánh Vũ, được nhiều bạn đọc trẻ tuổi lúc đó yêu thích, đón đọc. Từng lời văn, lời thơ của Lữ như chứa đựng từng giọt tình cảm từ trái tim đong đầy yêu thương của tác giả. Tôi rất vui và được khích lệ rất nhiều mỗi khi đọc văn, thơ của LTK. Bài thơ “Những ngày tôi với mẹ” (trích trong tuyển tập thơ văn “Biển Rộng Hai Vai”)là một trong những bài thơ mà tôi yêu thích. Và nhân ngày Lễ Mẹ, xin gởi đến quý bà, quý chị em phụ nữ, bài thơ đáng yêu nầy để chúng ta cùng được khích lệ nhau và thêm lên niềm tin yêu và hy vọng trong cuộc sống đời thường.
Bài thơ nói về hình ảnh người mẹ. Chưa cần nói gì hết, chưa cần nghĩ suy gì nhiều, chỉ cần vừa mới nghe tiếng “MẸ” thôi là không ai mà không cảm thấy như có một cái gì đó rất thân thương, gần gũi, đáng yêu, đáng quý, đáng trân trọng dâng lên tự trong lòng rồi.
“Tôi nhớ lại những ngày tôi với mẹ”, đó là câu thơ mở đầu và đó cũng là câu thơ được tác giả lặp đi lặp lại đến những bốn lần trong bài thơ, khiến cho chúng ta phải suy nghĩ, phải đặt câu hỏi tác giả nhớ lại những gì đây nhỉ? Và những điều mà tác giả nhớ lại, đó chính là: hình ảnh mẹ lúc còn trẻ, còn nhiều mơ uớc cho gia đình, cho cuộc sống; đó chính là hình ảnh mẹ chèo đò đưa khách sang sông; đó chính là hình ảnh mẹ nghèo giữa mùa đông lạnh giá; và đó chính là hình ảnh mẹ dắt tay mình đi thăm Tết người thân. Hình ảnh mẹ hiện lên trong 4 khổ thơ đầu thật cảm động làm sao! Không một người mẹ nào mà không lo toan cho cuộc sống gia đình, nhất là lo toan cho con cái, như hy sinh cả đời mình cho chồng, cho con mà không hề băn khoăn, tiếc nuối. Phải chăng đó chính là tình cảm thiêng liêng mà Tạo Hóa đã đặt để trong lòng người phụ nữ?
Khi nhớ lại sự hy sinh cao cả của mẹ dành cho mình như thế, nhà thơ đưa tầm nhìn mình tới tương lai và cảm nhận được rằng lòng mình chắc sẽ buồn lắm khi nghĩ đến mẹ vẫn tiếp tục hy sinh trong âm thầm, lặng lẽ vì gia đình, vì con cái với một tình yêu bao la, không bờ bến. Không một người con nào không cảm thấy buồn khi thấy mẹ sống lam lũ, cơ cực, khi thấy “màu thời gian trên tóc mẹ tàn phai”.
Và nỗi buồn lớn nhất của người con là khi “không còn mẹ bên đời” với mình nữa. Nỗi buồn ấy chắc chắn sẽ theo mãi người con, sẽ “đi vào đời” với người con không bao giờ nguôi. Và để cho cái ngày “không còn mẹ bên đời” chậm đến với mình, tác giả đã mong ước mẹ mình được “trẻ mãi không già” để mình được luôn có mẹ bên đời. “Mẹ trong lòng tôi mãi mãi hai mươi” – Tác giả đã có một câu thơ kết thật ấn tượng đem đến niềm vui cho nhiều người – niềm vui muốn mẹ được mãi mãi tuổi hai mươi để luôn được có mẹ bên mình.
Với lời thơ chân thực, nhẹ nhàng , bài thơ thể hiện được tình cảm chân tình của người con dành cho mẹ. Chính điều đó làm cho bài thơ đem lại sự cảm động thực sự trong lòng người đọc. Cảm ơn thi sĩ LTK rất nhiều vì đã có những bài thơ viết về mẹ thật xúc động, mà một trong những bài thơ như thế là bài “Những ngày tôi với mẹ.”
Người Quảng Nam
Từ ngữ trong bài thơ “Những Ngày Tôi Với Mẹ” nhẹ nhàng sâu lắng, chân thực nhưng cũng đầy hoa mỹ. Tôi thích bài thơ này vì cách viết về mẹ của tác giả rất độc đáo. Bài thơ đi vào lòng người một cách tự nhiên. Rõ ràng bài thơ mang phong cách hàn lâm, nó vượt lên trên những từ ngữ sáo rỗng, khiên cưỡng. Làm thơ là cả một nghệ thuật công phu, cũng giống như người thợ chăm sóc cây cảnh. Anh ta phải tỉa sửa những lá thừa, nhánh cây không nằm đúng vị trí….. Một bài thơ hay phải trau chuốt từng con chữ, từng ý tưởng để phô diễn cái hồn của nó.
“mắt mẹ còn mơ, những đường xuân, cánh đồng vàng, mùi hương lúa, cánh hạc, nỗi nhớ mênh mông….” là những cụm từ xinh đẹp, mượt mà như dáng dấp một cô thôn nữ trên cánh đồng xanh ngát….
Tôi nhớ lại những ngày tôi với mẹ
Nắm tay nhau đi dưới những đường xuân
Cánh đồng vàng bay lên mùi hương lúa
Cánh hạc bay vào nỗi nhớ mênh mông.
Tác giả phải là người có cặp mắt quan sát đầy thi vị và lãng mạn. Ai bảo làm thơ dễ lắm? Không dễ chút nào, nó là cả một nghệ thuật cao siêu đòi hỏi người cầm bút phải giỏi về ngôn từ, giàu ý tưởng và đầy chất sáng tạo.
Tôi ngạc nhiên thích thú với những cụm từ: màu thời gian, vết chân chim. Đó là cách viết của một thi sĩ lão làng …
Tôi có lẽ sẽ buồn khi thấy lại
Màu thời gian trên tóc mẹ tàn phai
Vết chân chim trên đồng khô cỏ úa
Mẹ vẫn bao la biển rộng sông dài.
Vâng, người mẹ trong lòng tôi mãi mãi hai mươi…. 🙂