Thứ Năm , 14 Tháng Mười Một 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / NHỮNG CON QUẠ

NHỮNG CON QUẠ

Có nhiều người nghĩ rằng những câu chuyện trong Cựu Ước chỉ là những câu chuyện lịch sử, có tính cách ví dụ, dạy dỗ, làm gương, tốt và xấu, khó xảy ra hoặc không còn xảy ra nữa trong thời kỳ hiện đại. Chúng ta đọc Hê-bơ-rơ 13:8: Đức Chúa Jesus Christ hôm qua ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi, nhưng khó có thể hiểu rằng những câu chuyện có vẻ như chuyện cổ tích trong Cựu Ước hôm qua, cách đây mấy ngàn năm, thì ngày nay nó vẫn cứ như thế. Nó có thật, và vẫn cứ xảy ra cho dù bất cứ thời đại nào. Kinh Thánh không có cái gọi là “chuyện cổ tích”

QUA

Tôi đọc I Các Vua 17:1-6 trong tinh thần đó, hiểu theo nghĩa đen, nhưng rồi Chúa đã chứng minh cho tôi thấy sự thật trong nghĩa bóng, trong câu 4- 6:Ngươi sẽ uống nước của khe, và ta đã truyền cho chim quạ nuôi ngươi tại đó. Vậy, Ê-li đi, vâng theo lời của Đức Giê-hô-va, và đến ở nơi mé khe Kê-rít đối ngang Giô-đanh. Buổi mai và buổi chiều chim quạ đem bánh và thịt cho người; và người uống nước khe.

Tôi cũng có những lúc gặp “hạn hán”, nhiều là khác. Và tạ ơn Chúa chính là Chúa đã để tôi những ngày trong đồng vắng (nghĩa bóng), để tôi có thể học được bài học của tiên tri Ê-li trong phân đoạn Kinh Thánh này. Tôi chẳng ngại để mà đem “chuyện trong nhà” nói ra cho hàng xóm biết. Việc tôi làm chỉ với mục đích làm sáng danh Đức Chúa Trời và bày tỏ tình yêu của Ngài, đặc biệt là cho tôi tớ Ngài, những người mà Ngài hứa rằng những ai rao giảng Tin lành sẽ được nuôi bởi Tin lành.

Tôi là người rao giảng Tin lành, và đúng như vậy, được nuôi bởi Tin lành. Chúa của Tin lành đã nuôi tôi bằng sự thành tín. Tôi ngày càng kinh ngạc hơn về sự thành tín của Chúa đối với một con người tầm thường và hèn mọn như tôi, đó là sự thật. Tôi kinh ngạc hơn nữa vì sự chăm sóc của Chúa còn tỉ mỉ hơn là sự chăm sóc của những người cha người mẹ trên đất. Điều này giúp tôi càng kinh nghiệm hơn về quan hệ cá nhân giữa tôi và Chúa. Những ngày đầu tin Chúa, tôi vẫn nghĩ Chúa là của thế giới, tình yêu của Ngài là tình yêu cho cả một đám đông vĩ đại toàn cầu, chứ không là tình yêu riêng dành cho một con người, nhưng nay thì khác. Tôi kính sợ những phép lạ tỏ tường của Chúa cho thấy năng quyền tột đỉnh của Ngài, nhưng cảm động vì những sự chăm sóc yêu thương một cách chi tiết, chu đáo, kiên nhẫn, như sự chăm sóc cho một đứa bé với những nhu cầu thiết thực của nó, nhu cầu ăn, uống. Tôi thấy Chúa không chỉ là con người của đám đông, nhưng trong đám đông Ngài lại để mắt nhìn tôi, thấy tôi, đến với tôi, thăm hỏi tôi, cầm tay tôi, quàng vai tôi, ôm choàng tôi, và hôn tôi bằng cái hôn của miệng người.

Há chẳng phải là từ trong đám đông rất đông của thành Giê-ri-cô đang chen lấn nhau hôm ấy để nhìn Chúa Jesus, Ngài đã nhìn thấy Xa-chê hối hả leo lên cây sung để nhìn thấy Chúa cho rõ hơn vì ông thấp bé quá, và Chúa đãđến chỗ ấy, ngước mắt lên mà phán rằng: Xa-chê, hãy xuống cho mau, vì hôm nay ta phải đến nhà ngươi. Một người dưới mắt dân Do Thái là kẻ chẳng ra gì, lại thấp bé, mà Chúa vẫn quan tâm đến. Giống như tôi.

Trong câu chuyện ngắn gọn, chỉ vài câu, về người mẹ vợ đang bệnh tật của Phi-e-rơ, Chúa Jesus chẳng những chỉ đến nhà, Ngài lại gần, cầm tay, đỡ dậy. Đó cũng là tôi. Thế thì tại sao mà tôi không thể yêu Ngài cho được. Tôi lại còn phải yêu Ngài hơn những kẻ này và phải xem tất cả mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jesus Christ là quý hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Những lời ca ngợi của Phao-lô hoàn toàn không là những sáo ngữ, mà tôi tin rằng hoàn toàn thành thật và xứng đáng, bởi vì ông đã kinh nghiệm rằng Chúa là quý hơn hết đối với ông trong tất cả đời này.

Từ trong sâu thẳm linh hồn tôi (tôi và Chúa biết), tôi nguyện rằng sẽ yêu Chúa suốt cuộc đời mình cho dù ngày mai sẽ ra thế nào.

Hôm qua tôi đã chở nhà tôi ra phi trường Atlanta để đi Hà Nội, Việt Nam theo chương trình đã hoạch định. Trước đó chúng tôi đã nắm tay cầu nguyện phó dâng chuyến đi này cho Chúa và tin rằng Ngài sẽ dùng chuyến đi này để làm một việc tốt lành cho người Ngài yêu và chăm sóc. Chúng tôi đã thấy sự kế hoạch, sắp xếp của Chúa từng li từng tí, từng hồi từng lúc cho chuyến đi và chúng tôi hoàn toàn tin rằng Ngài sẽ chữa lành. Ngài sẽ ban cho các bác sĩ Việt Nam sự khôn ngoan và lòng kính sợ Chúa để chữa lành cho nhà tôi, người đàn bà bé nhỏ, bệnh tật mà Ngài đã đến gần, cầm tay và sẽ đỡ dậy.

Chuyến đi thật không đơn giản như những lời tôi viết. Sau chuyến đi truyền giáo Việt Nam chỉ mới cách 2 tháng (mà nếu Chúa không mở “cửa lớn” chắc không có cơ hội trở lại Việt nam lần nữa) chúng tôi sống mỗi ngày “đủ dùng”, bình an trong sự ban cho của Chúa, không thể thực hiện một chuyến đi khác. Khi các bác sĩ châm cứu ở Hà Nội yêu cầu trở lại để họ điều trị trong khoảng một tháng, nhà tôi nói: làm sao được, thôi thì về Mỹ và tiếp tục cầu nguyện nhờ cậy Chúa. Tôi nhớ là tôi nói: Chúa đã bắt đầu thì Ngài sẽ kết thúc. Ngài sẽ không làm việc dở dang. Ngài sẽ làm trọn. Cứ về lại Mỹ rồi tính.

Chúng tôi cầu nguyện và tôi nói với Chúa như vậy. Tôi nói với Chúa rằng tôi tin cậy Ngài trong việc lớn cũng như việc nhỏ. Tôi tin Ngài sẽ làm điều tốt nhất cho chúng tôi như Ngài vẫn thường làm cho chúng tôi bao nhiêu năm qua. Tôi xin Chúa dùng mọi hoàn cảnh Ngài muốn để chữa lành cho nhà tôi (cả việc chính Ngài sẽ chữa lành bằng chính bàn tay Ngài, bất cứ cách nào Ngài muốn, chứ không phải cách chúng tôi muốn) Chúa có nhiều cách chữa lành, không ai có thể hạn chế cách Ngài chữa bệnh bằng cách nói rằng chính Ngài phải chữa lành, bàn tay Ngài phải đưa ra chứ không qua bàn tay con người. Tôi tin rằng con người là do bàn tay Chúa tạo dựng và Ngài có quyền bảo họ phải làm điều Ngài muốn. Tôi tin rằng khi bàn tay bác sĩ đặt trên thân thể người bệnh, bàn tay Chúa đặt trên họ. Tôi đã học biết điều này trong Ma-thi-ơ 8:8-9: Thầy đội thưa rằng: Lạy Chúa, tôi chẳng đáng rước Chúa vào nhà; xin Chúa chỉ phán một lời, thì đầy tớ tôi sẽ được lành. Vì tôi ở dưới quyền người khác, tôi cũng có quân lính dưới quyền tôi nữa; tôi biểu tên nầy rằng: hãy đi! thì nó đi; biểu tên kia rằng: Hãy đến! thì nó đến; và dạy đầy tớ tôi rằng: Hãy làm việc nầy! thì nó làm.

Tôi đã kinh nghiệm việc bàn tay Chúa đặt trên đầu mẹ tôi, trên dòng máu đang chảy trong não bà, khi các bác sĩ đã bó tay, khoảng nửa năm trước. Các bác sĩ tuyên bố máu vẫn tiếp tục chảy trong não và nếu nó cứ tiếp tục chảy thì sau 3 ngày bệnh nhân sẽ chết mà không chữa trị  gì cả. Họ đề nghị giải phẫu, mổ não, mà họ cũng không tin là sẽ đem lại kết quả tốt. Chúng tôi đã cầu nguyện trong bệnh viện. Tôi nói mẹ tôi lập lại với tôi câu đơn giản này trước khi họ đẩy bà vào phòng chụp hình não: Lạy Chúa, con là con của Ngài, xin Chúa cứu con, chữa bệnh cho con. Tối hôm ấy, lần scan não thứ tư, các bác sĩ cho biết máu đã hoàn toàn ngưng chảy. Bà ngay sau đó được về nhà và hoàn toàn lành bệnh cho đến hôm nay. Tôi cũng xin Chúa cho tôi có thể kinh nghiệm những sự chữa lành khác của Ngài để tôi thấy thêm quyền năng không giới hạn của Ngài. Xin hãy chữa lành vợ con theo cách Chúa muốn và qua những điều Ngài sẽ bày tỏ ra. Ngài bày tỏ thế nào, chúng con sẽ làm theo thế ấy.

Nếu Chúa không muốn cho về Việt Nam để chữa bệnh, mà ở lại Mỹ, thì Chúa sẽ không cho có đủ tiền để đi. Không có tiền, làm sao mà đi. Tôi cũng nói rõ là nhà tôi sẽ đi một mình, vì chi phí vé máy bay cho cả hai sẽ là nhiều thêm, thêm gánh nặng.

Tôi không biết số tiền mà nhà tôi sẽ phải có để đi về Việt Nam lần này là bao nhiêu, tôi chỉ xin Chúa cho đủ. Thấy vừa đủ là đi. Tuần lễ đầu sau khi tôi thông báo với đại gia đình ở California về việc nhà tôi sẽ đi Việt Nam lần nữa để châm cứu. Em tôi hỏi ngay: anh chị cần bao nhiêu. Tôi nói: chẳng biết bao nhiêu, nhưng trước hết là cái vé máy bay, rồi tính tiếp. Ba ngày sau em tôi gọi báo cho biết là gia đình đã quyên góp đủ tiền cho vé máy bay đi Việt Nam. Đủ tiền cho một vé máy bay loại tốt chứ không phải kiểu mua vé máy bay rẻ qua internet mà tôi vẫn làm mỗi khi đi đâu. Vé máy bay Chúa mua cho. Tôi biết nhà tôi trong tình trang hiện tại sẽ không đủ sức để đi những chuyến bay giá rẻ ấy (tiền nào của nấy, giờ giấc không thuận lợi, chuyển 2, 3 phi trường, layover time hàng 4, 5 tiếng đồng hồ, và phải di chuyển rất nhanh trong những phi trường rất phức tạp để kịp giờ bay chuyến kế tiếp) Tôi nói những điều này là để ca ngợi Chúa về sự chăm sóc tỉ mỉ của Ngài.

KIENHOA

Tôi đã tạ ơn Chúa và nhận ra rằng Chúa đã quan phòng và chuẩn bị hết cho mọi kế hoạch của Ngài. Khi mẹ tôi bệnh nặng trong bệnh viện và sau khi bà về nhà, thời gian đầu trí nhớ của bà chưa hoàn toàn hồi phục, nhớ quên lẫn lộn, ngay cả việc vệ sinh cá nhân cũng không thể tự chủ được. Nhà tôi đã tình nguyện từ Atlanta bay sang, làm công việc của một người chăm sóc chuyên môn, mặc dù không chuyên môn, là việc mà hầu như cả “đám” con ruột chúng tôi khó làm, nhất là tôi. Là người đã ở bên cạnh bà trong suốt thời gian bà trong tình trạng ấy, thức hôm thức đêm, đêm cũng như ngày, ứng trực sẵn sàng cho những công việc không ai muốn làm, trong tinh thần vui vẻ, hết lòng hết sức, nhiều sáng kiến chăm sóc người bệnh, với tấm lòng yêu thương chân thành. Các chị em chúng tôi đã nhìn thấy điều đó, biết ơn vì những công việc làm đó, và bây giờ sẵn sàng give back, để nhà tôi có thể mau chóng đi Việt Nam chữa bệnh. Tôi không biết nếu không có việc ấy xảy ra nửa năm trước, tôi có thể chia xẻ thông tin này cho đại gia đình không, và chị em tôi sẽ phản ứng thế nào. Tôi không nghi ngờ điều gì, nhưng tôi tin là Chúa đã đi trước, mở cửa trước, chuẩn bị mọi tình huống,  như những khoen nhỏ của sợi dây chuyền móc vào nhau. Đi tới đâu cửa mở rộng ra đến đó. Tôi tin là công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu, cứ cho đi, rồi sẽ nhận lại. Con trai từ Maryland đã gởi một cái check “surprise” cho Mẹ đi chữa bệnh, mặc dù mới mấy ngày trước đó còn băn khoăn chưa biết phải giải quyết cái credit card với số tiền lời hàng tháng quá cao như thế nào. Tôi thấy vui lòng vì điều đó, biết rằng con đã làm điều tốt nhất có thể được cho Mẹ mình, dù trong hoàn cảnh nào.

Như bình thường, trong một buổi nhóm với Hội Thánh Truyền Giáo Trên Đường Dây, tôi thông báo việc nhà tôi sẽ trở lại Việt Nam để tiếp tục chữa bệnh, xin anh chị em cầu nguyện cho. Sau buổi nhóm, trên đường dây, tôi nghe một tiếng nói mà cho đến bây giờ tôi cũng không nhận ra là ai: chúng ta không chỉ cầu nguyện mà thôi, chúng ta cũng cần dâng hiến giúp đỡ cho bà Mục sư đi chữa bệnh. Câu nói ấy, nhất thời, làm tôi chảy nước mắt. Tôi biết Chúa sẽ dùng những anh chị em thân yêu của tôi về việc này.

Tôi đọc lại bản NIV, I King 17:1-6: You will drink from the brook, and I have directed the ravens to supply you with food there.” So he did what the Lordhad told him. He went to the Kerith Ravine, east of the Jordan, and stayed there. The ravens brought him bread and meat in the morning and bread and meat in the evening, and he drank from the brook.

The ravens, những con quạ, chứ không phải raven, một con quạ. Để nuôi Ê-li trong những ngày hạn hán chết người, Đức Chúa Trời đã dùng những con quạ, những con quạ mang thức ăn cho tiên tri Ngài, sáng và tối, một cách đầy đủ. Vì sao những con quạ mang bánh và thịt (thức ăn của con người) đến mà không phải là bất cứ những thứ gì một con chim có thể kiếm được, nó vẫn là một bí mật huyền nhiệm của Đức Chúa Trời. Không chỉ nuôi cầm chừng, mà Kinh Thánh chỉ rõ là morning and evening, breakfast và dinner, nuôi cách đầy đủ, dư dật, như không hề có hạn hán và đói kém. Đức Chúa Trời cũng đối đãi với đầy tớ Ngài ngày hôm nay như vậy, mặc dù từ sâu thẳm tâm hồn, tôi biết sự giới hạn, bất toàn, xấu xa và kém cỏi của mình. Tôi làm sao dám ví mình với đại tiên tri Ê-li, vị tiên tri đã đắc thắng bốn trăm năm mươi tiên tri của thần Ba-anh và bốn trăm tiên tri của thần Át-tạt-tê, cộng với đám dân đông của Y-sơ-ra-ên (I Các-Vua 17:19) một cách vinh quang trên núi Cạt-mên, và là vị tiên tri duy nhất có thể cầu nguyện xin Chúa cho mưa và đừng mưa trong ba năm rưỡi ( Gia-cơ 5:17-18)

Vậy mà Chúa đã thương xót, và nuôi tôi. Không phải một mình tôi, mà là nuôi cả gia đình tôi.

Những con quạ trực tiếp với tôi nhất trong thời gian này đã bắt đầu mang thức ăn đến, sáng và tối. Mỗi lần nhận được một cái check, một số tiền, chúng tôi đều cảm tạ Chúa và yên lặng ở trong xứ, nuôi mình bằng sự thành tín của Ngài. Mỗi số tiền dâng cho chuyến đi Việt Nam của nhà tôi, tôi để vào một cái phong bì. Ngày qua, tháng qua, phong bì dầy thêm, như tình yêu Chúa đầy dư cho đời sống chúng tôi. Có những người mà chúng tôi không thể nghĩ là họ có thể dâng được, nhưng vẫn có thể dâng. Những người đã dâng với số tiền “già” chỉ đủ nuôi sống họ qua ngày một cách đơn giản, người dâng bằng số tiền SSI (tật bệnh) của mình. Người đi làm “cà thẻ”, công việc nặng nhọc 8 tiếng mỗi ngày, và còn bao nhiêu trường hợp khác mà làm sao tôi biết hết, với các anh chị em mà tôi chỉ nghe tiếng họ “trên đường dây” mỗi tuần chưa gặp mặt lần nào. Tôi nhớ hình ảnh người đàn bà góa dâng tiền mà Chúa Jesus đã khen ngợi. Những con quạ yêu thương của tôi đều là những đàn bà góa, dâng những đồng tiền hiếm hoi mình có. Tất cả đến bằng tình yêu, và tôi thấy mình mắc nợ tình yêu. Lời Chúa trong Rô-ma 13:8a thật là lời Khôn Ngoan: đừng mắc nợ ai chi hết, chỉ mắc nợ về sự yêu thương nhau mà thôi. Nợ tiền bạc vật chất cho dù nhiều bao nhiêu cũng nhẹ, trả xong là… dứt nợ, nhưng cái nợ tình mới thật sự là khó trả, khó dứt… nợ tình mang xuống tuyền đài chưa tan :-) Thôi thì để lên thiên đàng mà… tính sổ với nhau :-) Những phong bì đến từ các tiểu bang New York, Pennsylvania, Colorado, Washington State, Virginia, California, South Carolina, Louisiana, Texas, ngay tại đây, Georgia, thậm chí từ Ontario, Canada… Mỗi tối thứ ba chúng tôi vào đường dây và không bao giờ quên việc cầu nguyện cho nhà tôi.

Thêm vào đó nữa, những người tín hữu yêu mến chức vụ tôi, khi nghe tin, cũng góp phần của mình từ nhiều nơi, bằng nhiều cách, mà chúng tôi biết là Chúa đã cảm động lòng họ. Những con quạ đã mang tình yêu của Chúa đến thay vì chỉ là thực phẩm. Những con quạ lông màu đen, không phải là những con chim đẹp, nhưng tấm lòng thật đẹp, vẫn bay đến. Chúa Nhật trước ngày đi, chúng tôi đi nhóm ở Hội Thánh Jonesboro như bình thường, khi tôi ở nhà, không đi đâu xa, không có ai mời giảng. Sau buổi nhóm, Mục sư đến trao cho tôi một bì thư, đó là tấm lòng của Hội Thánh góp phần cho bà Mục sư. Một Mục sư nữa chận tôi ngoài cửa nhà thờ: đây là phần của chúng tôi góp phần cho bà đi chữa bệnh. Tôi biết là ông phải đưa bà đi thôi chứ chẳng dư dật gì. Nhà tôi vào xe với một phong bì khác trên tay. Chúng tôi yên lặng không thể nói vì sự chăm sóc của Chúa là vượt quá sự suy tưởng. Ngày cuối, cái phong bì đựng tiền nói với chúng tôi rằng: Chúa đã bắt đầu, Chúa sẽ làm trọn. Đây là dấu hiệu của sự ban phước và là bằng chứng của sự chữa lành.

Nhưng sẽ còn quá thiếu sót nếu chỉ nói về những con quạ mang thực phẩm đến. Khi nghe nói nhà tôi sẽ đi chữa bệnh tại Hà Nội, vài người hỏi, có ai ở đó giúp không. Tôi đáp: Chúa cho tôi đi nhiều, nơi nào cũng có người sẵn sàng để giúp. Chúa đã sắm sẵn những con người để giúp đỡ ngay tại Hà Nội, là nơi không hề có người thân hay bạn bè thân thiết nào. Nhưng có người thân thiết hơn nhiều lần. Tôi đã nghĩ, tại sao không là Sài gòn, nơi còn nhà của hai người em gái nhà tôi, có những người quen thân từ nhiều chục năm, mà là Hà Nội, một thành phố xa lạ. Trong tâm trí tôi, nghĩ đến Hà Nội là nghĩ đến sự bất tiện. Nhưng là Đức Chúa Trời “phong phú” và “sáng tạo” Ngài đã làm cho trí óc thô thiển của chúng ta ngạc nhiên khi biến những sự bất tiện ấy ra tốt lành. Chúa đã chuẩn bị sẵn đứa con “trời cho” tại Nga, một giáo sĩ đang đi ra cho công việc Chúa của Viện Đào Tạo Môn Đồ, trong một thành phố náo nhiệt kiếm sống hàng giờ, mà tình nguyện đưa cả gia đình đến sống chung trong suốt một tháng (hoặc hơn) để giúp đỡ. Một cô bé mới quen, mới tin Chúa trong lần về trước nhưng cũng sẵn sàng trợ giúp khi cần. Việc làm thiết thực giá trị gấp nhiều lần hơn lời nói, tôi nguyện xin Chúa cho tôi có thể học được bài học này.

MINOLTA DIGITAL CAMERA

Chiều nay đi tập thể dục về, ngừng lại ở một ngã tư đèn đỏ, lần đầu tiên tôi nhìn thấy một đàn quạ nhỏ bay ngang bầu trời Atlanta. Dallas Fort Worth có nhiều những con quạ trên những dây điện, nhưng Atlanta ít thấy. Sao lòng tôi bỗng chùng xuống, thấy thương những con quạ, những con quạ Chúa dùng để nuôi những tiên tri. Sao Chúa không dùng những con diều hâu, những con đại bàng to lớn, hùng vĩ, xinh đẹp, có thể mang đến nhiều thực phẩm cùng một lúc, lại dùng những con quạ đen đủi xấu xí, chỉ có thể mỗi lúc mang đến một ít vừa đủ để nuôi tiên tri mỗi ngày trong hoàn cảnh khó?

Sao Chúa không dùng những con diều hâu, những con đại bàng to lớn, hùng vĩ, xinh đẹp, có thể mang đến nhiều thực phẩm cùng một lúc, lại dùng những con quạ đen đủi xấu xí, chỉ có thể mỗi lúc mang đến một ít vừa đủ để nuôi tiên tri mỗi ngày trong hoàn cảnh khó?

Có phải Chúa chỉ muốn nói đến tình yêu? Vì chính Ngài là tình yêu, và cuối cùng chỉ có tình yêu sẽ cứu chuộc thế giới.

MỤC SƯ LỮ THÀNH KIẾN   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn