- Đám giỗ
Ngày giỗ mẹ lần thứ hai mươi lăm, bố lệnh cho bốn đứa chúng tôi phải về đông đủ. Lý do là lễ giỗ bạc, một phần tư thế kỷ chứ có tầm thường đâu. Bố còn dặn đi dặn lại rằng có chuyện quan trọng phải bàn. Chúng tôi đoán già đoán non là chắc bố già rồi, có tí của chìm của nổi nào muốn chia cho con cháu chăng? Thế là bốn chị em chúng tôi cùng với vợ, chồng, cháu nội, cháu ngoại về không thiếu một ai.
Đọc kinh tối xong, quây quần bên mâm cơm mà chúng tôi gọi đùa là mâm cơm cúng, chúng tôi hỏi thăm nhau, kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện: chuyện gia đình, chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện ngày xưa năm giờ sáng đốt đuốc làm bằng xương cây bô, nhịn đói cuốc bộ đi học, chuyện câu cá, thả diều… Cuối cùng là chuyện “quan trọng” của bố. Bố ngập ngừng, ngọng nghịu như một đứa trẻ lên ba. Khó khăn lắm, bố mới thốt được ba chữ:
-Bố… lấy… vợ…
Phải, chỉ ba chữ thôi, ba chữ mở đầu một vở kịch không đạo diễn, nhưng mang đủ yếu tố bi, hài. Đầu tiên chúng tôi cười ngặt nghẽo, cười ngả nghiêng làm rơi cả đũa bát, cười như chưa bao giờ được cười, cười ra nước mắt. Khi mọi người lấy khăn lau mặt, trận cười mới chấm dứt. Tôi vội lấy điện thoại di động, ghi âm được vở kịch nói như sau:
-Bố ở vậy, nuôi chúng con, bữa đói, bữa no đã hai mươi lăm năm nay. Bây giờ chúng con khôn lớn. Vì sinh nhai, làm ăn xa, phải để bố ở nhà một mình. Nhưng chúng con có để bố thiếu thốn gì không? Sáu mươi bảy tuổi đời, gần đất xa trời rồi, bố lấy vợ không sợ thiên hạ cười cho.
-Cười hở mười cái răng. Với lại “ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình” chứ đâu phải ánh lửa từ trái tim người khác?
-Lại còn tim gan phèo phổi lòng mề nữa cơ đấy?
-Ăn nói thế mà nghe được?!
-Đành rằng “con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”, nhưng bố lấy ai xứng đáng để chúng con gọi là mẹ, các cháu gọi là bà?
-Bà Thơ, bạn của ba thời học trung học, được không?
-Cái bà tu xuất ấy hả? Yêu thương gì? Vợ chồng gì? Chắc lại muốn đào, đục, đẽo gì đây?
-Em xin lỗi. Bố mình đau yếu rề rề, hết cao máu lại tiểu đường, hết gai cột sống lại gút. Đồng lương hưu: không, của nổi: không, của chìm: chắc cũng không. Trên răng, dưới cạc tút, đào đục đẽo được đấy?!
-Ông bà nội mất cả rồi, ai đứng chủ hôn cho bố. Không lẽ trên thiệp mời lại ghi là: Trân trọng báo tin lễ thành hôn của cha chúng tôi?
-Cái đó thì dễ thôi.
-Bố có sai lời với ai bao giờ không?
-Không, bố có nhiều thói hư, tật xấu. Nhưng đời bố, các con biết đấy, bố luôn luôn giữ lời, dù là chỉ hứa với một đứa trẻ.
-Bố có hứa gì với mẹ không?
-Hứa gì?
-Cuốn băng video đám cưới bố mẹ, con đã copy sang đĩa VCD, bố muốn coi lại không? Trước mặt cha chủ tế và cộng đoàn, bố đã hứa một cách trọng thể với mẹ, nguyên văn thế này: “Anh Giuse Trần Thạch Cao nhận em Maria Tô Mực Tím làm vợ và hứa sẽ giữ lòng chung thuỷ với em khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh”… Mọi ngày là gì, suốt đời là gì, hả bố?
-Đó là công thức khi cử hành Bí tích Hôn phối. Nhưng theo Giáo luật, khi một trong hai người phối ngẫu mệnh một, mối dây ràng buộc hôn nhân được tháo gỡ.
-Con không nói đến Bí tích và Giáo luật, con chỉ muốn hỏi: Bố có hứa không, bố có giữ lời không?
Nếu đó là lời hứa, thì đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, bố thất hứa. Chúng tôi can ngăn cũng chẳng được. Thế là bố đi bước nữa.
- Đám cưới
Đám cưới của bố được tổ chức vào một ngày Chúa Nhật để không ảnh hưởng đến công ăn việc làm cũng như việc học hành của con cháu. Nhưng không một ai trong chúng tôi về tham dự được. Mỗi người đều có lý do riêng, mà lý do nào cũng chính đáng, cũng hợp tình, hợp lý. Nhưng tôi biết lý do duy nhất đúng, là không ai muốn về, vì không ai muốn bố lấy vợ, thế thôi. Tuy nhiên, nhưng mà, dù sao chăng nữa…, chúng tôi cũng bảo nhau gom góp được một cây vàng gởi về làm quà đám cưới. Một cây vàng, lại trong thời buổi khó khăn, đâu phải chuyện nhỏ. Cô Út cẩn thận bỏ vào một cái túi gấm nhỏ, khâu chết lại, lại còn nghịch ngợm lấy bút lông, nắn nót viết bốn chữ “trăm năm hạnh phúc” bên cạnh hình hai trái tim lồng vào nhau. Chúng tôi nhìn nhau, cười khúc khích. Chị Cả thẳng ruột ngựa, nghĩ sao nói vậy:
-Già đầu rồi còn ham hố, đòi lấy vợ, lại lấy con mẹ Thơ. Cứ nghĩ tới là lộn cả ruột gan, ăn cơm mất ngon. Lại còn…
Chị chưa nói hết câu, đã bị chồng mắng:
-Em phải giữ lời ăn tiếng nói. Muốn hay không thì người ta cũng ở bậc trên, là cha mẹ mình….
- Đám tang
Bố bị ung thư gan, chắc là do uống rượu và hút thuốc lào nhiều quá. Khi bố chuyển bệnh, chúng tôi về đông đủ. Nhìn dì Thơ cho bố ăn, cho bố uống thuốc, tắm rửa, giặt giũ, dọn dẹp, chăm sóc bố từng li từng tí, chúng tôi mới thấy mình có lỗi với bố nhiều quá, có lỗi với cả dì nữa.
Khi bố lâm chung, dì Thơ bắt mạch tay, mạch chân, còn chúng tôi đo huyết áp và nhịp tim. Bố thều thào:
-Không biết được đâu. Giúp kẻ liệt nhiều nhiều năm, bố biết khi nào bệnh nhân thoát dương là gần rồi đấy.
Bố vừa nói xong thì trán, rồi mặt, rồi người bố mồ hôi đổ ra như tắm. Ông trùm khu phó linh hồn cho bố. Bố dùng chút hơi tàn bảo hát cho bố bài “Lạy Mẹ Xin Yên Ủi”. Mọi người hát đi hát lại. Lần thứ ba, tới câu: “Đến giờ chết xin Mẹ ngự đến bên giường khuyên con” thì bố trút linh hồn.
Bác Hai bảo:
-“Sống dầu đèn, chết kèn trống”, phải lo cho chú Cao không bằng thì cũng đừng thua kém người ta.
Dì Thơ nhỏ nhẹ, nhưng cương quyết:
-Đối với em, và các cháu cũng vậy, di ngôn của người chết là mệnh lệnh tuyệt đối.
Thế là đám tang của bố được tổ chức giản dị theo công thức bốn không: không hoa, không đèn, không kèn, không trống. Dì Thơ kính báo, rồi nhã nhặn và khéo léo từ chối tất cả mọi vòng hoa, liễn, trướng, và mọi phẩm vật phúng viếng. Sự từ chối của dì gặp không ít phiền toái, nhưng khi dì nhỏ nhẹ: “Đó là ý muốn của bố các cháu, gia đình phải tôn trọng”, thì rồi đâu cũng vào đấy cả.
Dì chào đón và cám ơn thân bằng quyến thuộc các nơi xa gần một cách vui vẻ, bặt thiệp. Đến nỗi chị Cả lại lỡ lời:
-Đúng là “khác máu tanh lòng”. Bố mình mất, mà bà ấy có đau buồn tí nào đâu!
Dì ra vào, vững vàng sắp xếp mọi việc chu đáo có khi còn hơn cả đàn ông. Nhưng từ khi di quan ra khỏi nhà thì nghị lực của dì tan chảy hết, dì mềm như một cọng bún, sụp đổ hoàn toàn. Dì sụt sùi khóc không thành tiếng, mặt mày xanh như một tàu lá chuối. Dì ngất lên, xỉu xuông không biết mấy lần. Tôi ngộ ra được rằng: Dì yêu bố biết bao.
Tối hôm ấy tôi về đến nhà, dì Thơ vào phòng nằm vật ra, cánh cửa phòng khép hờ. Tôi sai con bé Bòn Bon mời dì ra dùng cơm. Nó nói bô bô, không ai ngăn kịp:
-Mời bà ngoại ghẻ xơi cơm.
Dì Thơ vừa đi ra vừa lau nước mắt. Con bé Bòn Bon lại bô bô, cũng không ai ngăn kịp:
-Bà ngoại ghẻ lớn rồi còn nhè kìa, mẹ ơi!
Chỉ hai câu nói, đúng hơn chỉ hai lần dùng cụm từ “bà ngoại ghẻ” của đứa trẻ bốn tuổi, đủ tố cáo, lột trần hết tình cảm của chúng tôi đối với dì tệ bạc đến đâu. Dì đã buồn, càng buồn thêm:
-Bố các con là người duy nhất mà dì yêu thương và kính trọng. Chỉ tiếc là dì phận mỏng, Chúa không cho dì săn sóc, phục vụ bố các con nhiều hơn. Dì về đây với bố các con với hai bàn tay trắng, thì dì cũng ra đi trắng tay. Món quà cưới của các con, dì không dùng đến, các con cho dì gởi lại.
Dì đưa cho chúng tôi cái túi gấm nhỏ, khâu chết lại, chưa mở ra lần nào, bốn chữ “trăm năm hạnh phúc” bên cạnh hình hai trái tim lồng vào nhau vẫn còn đó, mới mỉa mai làm sao!
Chị Cả lại phổi bò, nghĩ sao nói vậy, nhưng lần này, tôi tin là chị rất chân thành:
-Dì không phải đi đâu cả, cứ ở đây, hay lên ở với con cũng được. Sống con nuôi, chết con chôn.
Dì Thơ lại rút khăn lau nước mắt.
- Lời cuối
Dì Thơ ơi! Con mong dì đọc chuyện này. Xin dì xem đây là lời tạ lỗi của chúng con, cho dẫu muộn màng.
NGU LÃO NHÂN