MỤC SƯ ƠI!
–Tin Chúa thì được cứu, tại sao tôi cần phải chịu phép báp-tem?
Theo truyền thống của Hội Thánh từ xưa đến nay, trên khắp thế giới, một người trở lại tin thờ Chúa thì được Hội Thánh (cả Công Giáo, Chính Thống Giáo và Tin Lành) nhân danh Ba Ngôi Đức Chúa Trời cử hành lễ báp-tem cho người đó. Anh em Công Giáo gọi đây là lễ rữa tội. Anh em Tin Lành vẫn gọi đây là lễ báp-tem. Chữ báp-tem trong nguyên văn Hy Lạp là baptizo có nghĩa là dìm mình xuống nước và lên khỏi nước. Chữ nầy mang nhiều ý nghĩa tượng trưng, rữa tội chỉ là một phần trong những ý nghĩa đó, nên Hội Thánh Tin Lành Việt Nam vẫn dùng chữ lễ báp-tem cho đến nay.
Để giúp bạn hiểu rõ ý nghĩa lễ báp-têm, tôi sẽ lần lượt dùng Kinh Thánh để giải đáp cho bạn những câu hỏi liên quan như sau:
- Tại sao tôi cần nhận thánh lễ báp-tem?
– Mỗi người theo Chúa Cứu Thế Giê-su đều phải nhận phép báp-tem là vì. . .
1) Chúa Giê-su đã truyền lịnh nầy.
“Vậy hãy đi môn đồ hóa các dân tộc, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh làm phép-báp-tem cho họ…” (Ma-thi-ơ 28:19).
2) Nhận lễ báp-tem bày tỏ tấm lòng vâng phục Chúa.
— Chúa Giê-su đã nêu gương khi chính Ngài chịu báp-tem dưới sông Giô-đanh (Mác 1:9).
— Những người tin Chúa đầu tiên đều chịu báp-tem (Công vụ 2:41; 8:38).
3) Lễ Báp-tem tiêu biểu cho hình ảnh chấm dứt đời sống cũ và bắt đầu đời sống mới với Chúa Cứu Thế.
Sứ đồ Phao-lô đã giải thích: “Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp-têm trong sự chết Ngài, hầu cho Đấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy” (Rô-ma 6:4).]
4) Trong thời Tân Ước, lễ báp-tem là lời chứng công khai về đức tin của người theo
Chúa.
“Vậy, những kẻ nhận lời đó đều chịu phép báp-tem; và trong ngày ấy, có độ ba ngàn người thêm vào Hội thánh. Vả, những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện” (Công vụ 2:41-42).
- Tôi nhận phép báp-tem như thể nào?
1) Bằng cách dìm mình dưới nước.
Kinh Thánh nói rõ cách làm báp-tem dưới nước với những hình ảnh như sau: – Gặp chỗ có nước (Công vụ 8:38), ở đó có nhiều nước (Giăng 3:23); được chôn trong nước (Rô-ma 6:4; Cô-lô-se 2:12); ở dưới nước lên (Mác 1:10, Công vụ 8:39). Qua những hình ảnh trên, chỉ có cách thức dìm mình xuống nước, chìm trong nước, lên khỏi nước mới tiêu biểu cho hình ảnh chịu chết và chôn. Khi lên khỏi nước là hình ảnh tiêu biểu cho sự sống lại đời sống mới.
Câu hỏi đặt ra là: Báp-tem dìm mình dưới nước có cần thiết để được cứu rỗi không?
Câu trả lời là Không! Sứ đồ Phao-lô đã nói, “Chúa Cứu thế đã sai tôi, chẳng phải để làm phép- báp-tem đâu, nhưng để rao giảng Tin Lành … (1 Cô-rinh-tô 1: 17).
Câu hỏi khác đặt ra là: Báp-tem có cần thiết cho sự vâng lời Chúa không?
Câu trả lời là Có! Theo Chúa bạn cần vâng lời Chúa. Chúa truyền Hội Thánh: “Và dạy họ giữ hết thảy những điều ta truyền cho các ngươi, và nầy ta thường ở cùng các ngươi cho đến tận thế.” Những điều Chúa truyền cần được Hội Thánh khắp nơi vâng giữ cho đến tận thế.
2) Trước sự chứng kiến của Hội Thánh.
Các tín hữu thời Tân Ước thường công khai nhận báp-tem trước mặt những tín hữu khác. Ngày nay các tín hữu chịu báp-tem thường trở thành hội viên của Hội Thánh địa phương vốn dạy đạo và cử hành lễ báp-tem cho các tín hữu đó.
- Khi nào tôi phải nhận thánh lễ báp-tem?
1) Càng sớm càng tốt.
Trong Hội Thánh thời Tân Ước, các tân tín hữu đều được nhận lễ báp-tem ngay sau khi tiếp nhận Chúa Cứu Thế làm Chúa đời mình (Công vụ 2:41; 8:36; 16:14-15, 33). Ngày nay các Hội Thánh thường để cho các tân tín hữu học giáo lý đầy đủ trước khi cử hành lễ báp-tem cho những tín hữu đó. Nhưng bạn có thể yêu cầu Hội Thánh cử hành lễ báp-tem cho bạn càng sớm càng tốt sau khi bạn đã tiếp nhận Chúa và đã hiểu rõ ý nghĩa lễ báp-tem.
2) Trong buổi nhóm thờ phượng.
Hội Thánh thường tổ chức lễ báp-tem cho nhiều người cùng một lúc, nhưng Hội Thánh vẫn có thể làm báp-tem cho một người hay một gia đình khi có yêu cầu, nhưng buổi lễ cần diễn ra trước sự chứng kiến của Hội Thánh. Đây là cơ hội để người tín hữu nhận báp-tem làm chứng công khai rằng mình quyết tâm theo Chúa, dứt bỏ đời cũ để sống đời mới, đồng chết và đồng sống với Chúa. Đây là khúc ngoặc trong đời sống theo Chúa, tiến tới và không trở lui nữa, vì thế lễ báp-tem mang ý nghĩa quan trọng, không thể coi thường. Lễ báp-tem chỉ cử hành một lần cho một đời người.
KẾT LUẬN:
Lễ Báp-tem là một trong hai thánh lễ quan trọng nhất do chính Chúa Cứu Thế thiết lập và truyền lịnh Hội Thánh vâng giữ cho đến ngày tận thế. Quan trọng vì có sự can dự của Ba Ngôi Đức Chúa Trời chứng giám và ban phước.
Trong thời Hội Thánh đầu tiên, có những người muốn trở lại tin thờ Chúa, đặt câu hỏi, “Chúng tôi phải làm gì?” Sứ đồ Phi-e-rơ đã trả lời: “Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Giê-su chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh. Vì lời hứa thuộc về các ngươi, con cái các ngươi, và thuộc về hết thảy mọi người ở xa, tức là bao nhiêu người mà Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta sẽ gọi (Công vụ 2: 38-39).
Trong câu nầy có 3 điều bạn và tôi cần nhớ:
- Ăn năn tội (hối cải) và kêu cầu Chúa tha tội;
- Vâng lời Chúa bằng cách công khai nhận lễ báp-têm;
- Nhận lãnh Đức Thánh Linh và bước đi theo sự dẫn dắt của Ngài.
Đây là thứ tự những việc bạn cần làm trên con đường theo Chúa hôm nay. Nếu bạn chưa ăn năn tội và kêu cầu Chúa tha tội, nếu bạn chưa sẵn sàng vâng lời Chúa truyền dạy, nếu bạn chưa nhận lãnh Đức Thánh Linh và vâng phục Ngài để biến đổi đời sống, bạn chưa đủ điều kiện để nhận thánh lễ báp-têm. Nếu bạn đã tin cậy và vâng lời Chúa chỉ dẫn như trên, bạn nên xin Hội Thánh cử hành lễ báp-tem cho bạn và gia đình bạn càng sớm càng tốt.
Mục sư Nguyễn Văn Huệ