Thứ Tư , 15 Tháng Một 2025
Home / truyện ngắn / MÙA HÈ NGHIỆT NGÃ

MÙA HÈ NGHIỆT NGÃ

muahe

Tháng Tư năm 1974 là năm đầu tiên bộ giáo dục đưa vào chương trình thi tú tài II bằng phương pháp trắc nghiệm, chấm bài bằng máy IBM. Tất cả học sinh lớp 12 đều thực tập để làm quen với phương pháp nầy. Tôi hoàn tất kỳ thi tú tài II rất tốt đẹp. Tôi thu xếp hành trang để về quê nghỉ hè.

Ngày 26.4.1974 chiếc Boeing 727 của Hàng Không Việt Nam (Air Việt Nam) cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất chở tôi về Đà nẵng, như chở bao ước mơ, hoài bão, cùng nỗi vui mừng sung sướng của chàng trai khi gặp lại người thân cùng làng xóm. Tôi bật ghế ngã người ra sau nằm thoải mái và nhắm mắt để tận hưởng giây phút đoàn viên. Ôi sướng làm sao khi người thân trong gia đình chạy ra sân ôm chầm lấy tôi và hỏi đủ mọi chuyện ở Saigon. Hàng cau thẳng tắp, lũy tre xanh rờn, bến nước trong veo vẻo của sông Vu Gia là những hình ảnh thật rõ ràng trong tâm trí tôi. Vài giờ nữa là tôi có thể nhìn lại cảnh xưa của thời thơ ấu, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Gần mười năm xa cách hôm nay tôi mới trở về…
“Xin quý khách thắt dây an toàn để chuẩn bị hạ cánh…”. Giọng nói thanh thoát, trong trẻo, ngọt ngào của một nữ chiêu đãi viên hàng không làm tôi bừng tỉnh trở về với thực tại. Tôi bật ghế lên và thắt lại dây an toàn. Chiếc xe đò lắc lư, ọc ạch, khó nhọc vượt qua những cung đường gồ ghề đất đá. Khói bụi bay mù mịt cả khoảng trống phía sau chiếc xe. Dọc đường nhiều bác nông dân chống cuốc bịt mũi đứng nhìn. Thỉnh thoảng xe phải dừng lại tại các trạm kiểm soát của quân đội để kiểm tra người và xe.
Khi tôi còn ở đằng xa thì hai đứa em gái của tôi chạy ra. Chúng reo lên ầm ĩ cả xóm ai cũng biết tôi về. Vài phút sau đó, nhà ông nội tôi đầy người trong làng đến xem tôi ở Saigon mới về. Mỗi người hỏi một câu, tôi trả lời không kịp. Đây là một không khí rất bình thường ở vùng quê, không dễ tìm thấy ở Saigon kín cổng cao tường.
Những ngày sau đó tôi tha hồ tắm sông. Đang là mùa hè nên mực nước sông Vu Gia xuống rất thấp. Tôi có thể lội ra giữa dòng sông mà nước chỉ đến đầu gối. Nước sông trong vắt, mát rượi cả người. Tôi dành vài ngày để đi thăm các gia đình bên nội và bên ngoại. Tôi mà không đến thăm, thì họ cho tôi là người làm phách làm lối, kiêu căng, xem thường họ.
Ngày vui qua thật nhanh. Tôi quyết định trở lại Saigon sớm hơn dự định, vì tin tức chiến sự càng dồn dập với mức độ cao hơn, dày hơn. Mẹ tôi chuẩn bị cho tôi một số quà để tôi mang vào Saigon biếu Bà Bác và gia đình mấy người cô của tôi. Bánh ít ngọt, chuối ngào đường là hai loại quà mẹ tôi tự tay làm. Mấy ngày qua mẹ tôi đi tìm hái lá gai[1] về phơi khô. Ông nội tôi thì treo sẵn một quày chuối mốc để chuẩn bị làm chuối ngào đường.
Tôi mơ màng, miên man suy nghĩ về ngày trở lại Saigon. Ăn cơm chiều xong là tôi lên Hà Tân để ngủ tại nhà ông ngoại tôi như mọi ngày từ khi về thăm quê lần này. Tôi không còn nhớ sáng hôm ấy là ngày mấy của tháng 6 năm 1974. Bắt đầu từ 6 giờ sáng, súng bắt đầu nổ khắp quận Thường Đức. Súng cối 60 ly nổ ở tất cả các nơi đóng quân của quận Thường Đức. Mọi người không biết lý do gì. Người thì nói “VC pháo kích”. Kẻ thì cãi lại “pháo kích gì, sáng rồi mà!”. Tôi chạy ra cơ quan hội đồng xã thì thấy tiền đồn Gò Trao đang bị pháo tơi tả. Lính nghĩa quân ở thôn 12 tháo chạy về Hà Tân mặt không còn tí máu kể lại mọi chuyện.
Tôi chạy ra Đầu Dòm [2] nhìn qua Gò Mồ Côi ở xã Lộc Vĩnh, nơi em tôi đang đóng quân, tình cảnh cũng tương tự. Thỉnh thoảng tôi thấy nhiều loạt đạn lửa bắn từ các ngọn núi cao hơn xuống Gò Mồ Côi. Nhiều người ở tại Đầu Dòm nói rằng họ thấy có rất nhiều lính nghĩa quân chạy ra sông để bơi về phía Hà Tân, nhưng không thể chạy được vì súng đại liên bắn rát quá, dường như có một số bị thương hay bị chết nữa. Tôi rất lo cho em tôi.
Suốt ngày hôm đó súng nổ liên miên. Tôi không ăn gì, mà chẳng thấy đói, vì lo cho em tôi, không biết nó như thế nào khi Gò Mồ Côi bị pháo. Tối đến, ông ngoại tôi bảo tôi phải ngủ trong hầm. Suốt đêm không ngủ được vì tới lượt làng Hà Tân bị pháo. Làng Hà Tân gần với đồn Thường Đức, nên Hà Tân cũng trở thành mục tiêu của pháo 130 ly. Sáng hôm sau, trên bầu trời quận Thường Đức có máy bay ném bom A37, trực thăng chiến đấu UTT, nhưng bị súng phòng không 37 ly từ dưới đất bắn lên rất dữ. Những chiếc máy bay ấy lượn vài vòng rồi quay về căn cứ ở Đà Nẵng.
Súng vẫn tiếp tục nổ, làng Hà Tân đang bị cô lập. Không chợ búa, không học hành, chỉ lo núp đạn pháo thôi. Ban đêm có máy bay lên thả pháo sáng và bắn súng đại liên xuống hai dãy núi bên xã Lộc Bình và xã Lộc Vĩnh.
Đến ngày thứ tám, tôi nhận được thông tin là em trai tôi đã chết khi tháo chạy khỏi Gò Mồ Côi sau loạt pháo đầu tiên. Không còn nỗi buồn nào hơn đối với tôi trong lúc này. Tôi xin ông ngoại cho tôi lên nhà người em dâu của tôi để giúp nó vì nó mới có con nhỏ chỉ một tuổi. Em dâu của tôi đang ở với mẹ ruột. Tôi ở lại đây để giúp đào hầm tránh pháo ngoài bờ sông. Nhà của em dâu tôi ở gần đồn Thường Đức.
Mọi người chỉ ăn cơm với muối hoặc mắm, không có thứ gì khác, vì không có chợ. Có người chỉ ăn bắp nấu. Trưa ngày thứ 10, tôi nghe có tiếng máy bay phản lực bay thật thấp sau đó là một tiếng nổ đinh tai, nhói óc. Một mảnh bom bằng ba ngón tay rơi ngay trước miệng hầm rớt xuống trước cái đầu của cháu Hiếu, đứa con gái một tuổi của em tôi. Tôi nói với Bác Sáu, là mẹ vợ của em trai tôi rằng: “Bác ơi! Đó là quả bom mở đường máu đó!”. Tôi vừa dứt lời thì ùn ùn lính từ trong đồn Thường Đức chạy ra. Ai nấy đều chạy có người cầm súng, có người thì tay không, miệng la: “Hết rồi! hết rồi! Ở lại cũng chết, mở đường máu thôi!”. Tôi nhìn ra phía trước nhà thì súng bỏ ngổn ngang, quần áo, mũ sắt, ba lô vứt đầy đường. Bây giờ không còn tiếng súng, mà chỉ có tiếng la hét mà thôi.
Tôi gieo mình xuống đất, nhìn về phía xa xăm, miệng lẩm bẩm: “Đúng là hết rồi!”. Sau đó tôi nghe tiếng la lớn: “Mọi người hãy ra khỏi nhà và lên bãi Ông Khương [3], đi theo sự hướng dẫn của du kích địa phương. Máy bay  có thể trở lại ném bom. Nhanh lên! Nhanh lên”.
Một đoàn người bơ phờ rời bỏ nhà cửa, không mang theo nhiều đồ đạc được. Đến Bãi Ông Khương, em dâu tôi bảo tôi rằng anh phải lẫn lộn vào đám dân, không để cho họ biết anh ở Saigon về. Tôi nói: “ Không được, anh phải bồng cháu Hiếu để cho em và Bác Sáu dễ đi hơn vì không biết đi bao xa”.
Mọi người cứ tiếp nhau ra đi, chẳng biết đi tới đâu. Đi suốt một ngày, tối ngủ lại cạnh bờ sông. Một cán bộ nói rằng đi tới Sông Bung thì dừng. Tôi không biết Sông Bung ở đâu. Đôi chân rã rời, đau nhói, tê buốt. Ôi xa tắp một khung trời vô định!
Tôi cầu nguyện xin Chúa giúp tôi vượt qua cảnh khốn cùng này. Xin Chúa cho tôi nhìn xem Chúa thật vững vàng, đừng nhìn vào hoàn cảnh trong lúc này. Bao nhiêu năm học tập, trau giồi, bao ước mơ nồng cháy trước đây, bây giờ trước mắt tôi là núi rừng thâm u, hoang dại.
Lúc bấy giờ tôi không nghĩ rằng hoàn cảnh nầy là trường huấn luyện của Đấng Christ. Tôi suy nghĩ rằng tôi cố gắng để trở thành một người hầu việc Chúa có kiến thức, nhưng Chúa lại muốn một người hầu việc biết kiên nhẫn và vâng phục. Ngài không chỉ huấn luyện tôi bằng sách vở, tri thức của cuộc đời, nhưng Ngài còn muốn đem tôi vào những nghịch cảnh để tại đó những bản chất thật của con người tôi bắt đầu xuất hiện và Ngài đang cầm dao để tỉa sửa tôi. Tôi chỉ nghĩ một điều là mình đã mất tất cả khi vừa nhìn thấy chúng từ xa. Tôi không nghĩ được rằng Chúa có chương trình cho cuộc đời tôi, những gì xảy ra là có ích cho tôi. Tôi buồn và luyến tiếc.
Sông Bung và sông Vu Gia gặp nhau tại một ngã ba sông. Người ta dùng xuồng đưa đoàn người qua bên kia sông, thuộc nhánh sông Bung. Trước mắt tôi là một bãi cỏ tranh ngút ngàn. Chỉ lác đác một vài căn chòi cách xa nhau. Một người cán bộ cho biết là mọi người phải dựng trại để ở. Rồi ông chỉ tay về một khu rừng nói rằng “lồ ô, cây, dây đủ loại ở bên kia, tranh thì ngay tại chỗ này, cắt tranh lợp nhà thì sẽ có khu đất cho riêng mỗi gia đình”. Tôi không biết gia đình tôi như thế nào trong ngày loạn lạc nầy. Cha mẹ, 5 đứa em gái còn nhỏ và ông nội tôi bây giờ ở đâu. Tôi không có một thông tin nào về họ giữa chốn núi rừng nầy.
Sáng hôm sau, tôi cùng đi với nhiều người đàn ông vào khu rừng để đốn lồ ô, các loại cây, dây về làm trại. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi làm việc thật vất vả thế này. Mọi người đã quen, còn tôi ở Saigon gần mười năm, chưa biết làm việc nặng tại một môi trường rừng rú như thế này. Đối với tôi, thật vất vả vô cùng!
Nhưng tới trưa, tôi cũng đốn được 10 cây lồ ô, mỗi cây dài từ 5m đến 6m. Bây giờ tới chiều là giai đoạn gian khổ hơn nữa. Phải chuyển 10 cây lồ ô nầy về tại chỗ dự định cất trại. Suốt đoạn đường tôi té lên, trợt xuống không biết là bao nhiêu lần. Mười cây lồ ô bây giờ trở nên nặng gấp đôi lúc vừa mới chặt, sức tôi giảm dần theo chiều dài đoạn đường. Nhiều người đi sau đã qua mặt tôi, dường như chỉ còn lại một mình tôi trên đường.
Bụng đói, trời mưa, đường trơn, tôi lăn lộn trên đường rừng đầy gian khổ. Tôi chợt nghĩ đến lúc Chúa Giê-su vác Thập Giá lên đồi Gô-gô-tha với thân thể bị đòn vọt, bị thức khuya, bị tra khảo. Trên vai Ngài gánh nặng tội lỗi của mọi người và của tôi nặng hơn những gì tôi đang trải qua.
Từng bước một, từng bước một xiêu vẹo, ngã xuống lại đứng lên và tiếp tục về đến cái chòi của một người dân làm rẫy, nơi tôi được cho ở nhờ. Bác Sáu chạy ra mừng rỡ thấy tôi trở về trên vai một vác lồ ô. Tối hôm ấy tôi không ăn cơm được vì mệt quá. Những tưởng sẽ ngủ ngon, nhưng nào ngờ tôi trằn trọc và rên suốt đêm. Thân thể tôi ê ẩm, nhức buốt, đau rát. Tôi không thể tưởng tượng rằng có ngày tôi phải nằm ngủ trên chiếc sạp bằng tre, không mùng, không mền, không chiếu, không gối, trong cái chòi rẫy trống hoác bốn bề như thế nầy. Tôi nhắm mắt, cố ru mình vào giấc ngủ và tự nhủ: Tương lai bỏ lại Saigon/Về quê lại sống mỏi mòn vầy ư? Trong giây phút ấy tôi thật sự khủng hoảng, bi quan khi đối diện với bóng đêm. Tôi hát nhỏ nhẹ lời của thánh ca 277 “Khi tôi được bình tịnh dường sông chảy theo đường đời. Hoặc lắm thống bi như ba đào sôi. Hoàn cảnh dẫu ra sao Christ khuyên cứ nói sắt đinh: “Linh hồn ơi ta yên ninh, thật yên ninh!” Tâm linh tôi yên ninh thay! Lòng tôi nay bình an thay! Bình an thay!…”
Tiếng gọi ơi ới dưới bến sông làm tôi tỉnh giấc. Mặt trời lên cao và chiếu rọi vào chòi tranh. Cả thân mình tôi ê ẩm, tê nhức, rát buốt. Thì ra tôi đã ngủ một giấc thật sâu, dù ngắn ngủi khi hát bài thánh ca 277. Chính Chúa đã ru cho tôi ngủ. Tôi vùng dậy chạy ra sân đưa hai tay và ngữa mặt lên trời cố gắng la thật lớn: “Con cám ơn Chúa và ngợi khen Ngài!”. Giọng nói của tôi được các vách núi và rừng cây tiếp âm vang dội, ngân dài, ngân dài…
Tôi không thể tự mình cưỡng lại nghịch cảnh, cũng không thể chạy trốn nghịch cảnh, lại càng không thể có phương pháp nào để hóa giải những cay đắng, nghiệt ngã đang bủa vây chung quanh tôi. Tôi nhớ đến điều mà tôi đã học trong trường Kinh Thánh: “Cuộc Đời Phao-lô” rằng: “…vì tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng ở vậy. Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được. Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi. (Phi-líp 4:12-13). Hai ngàn năm trước Phao-lô đã từng trải một nếp sống gian khổ. Điều ông nói làm cho tôi được yên ủi và được khích lệ vô cùng. Tôi nghĩ, mình chưa thấm vào đâu khi so sánh với Phao-lô. Nhưng lời nầy đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi.
Những tháng năm trong trường Kinh Thánh, Chúa đã trang bị cho tôi đầy đủ lời của Ngài. Ngài ban cho tôi kiến thức về Kinh Thánh. Ngài cho tôi hiểu biết những lẽ thật bất biến của Ngài. Giờ đây Ngài cho tôi trải nghiệm thực sự những gì tôi học và hiểu biết trong trường Kinh Thánh. Ngài đem tôi về lại quê hương, rời khỏi Saigon, nơi đầy đủ mọi tiện nghi vật chất, và Ngài đẩy tôi vào con đường gian nan, khắc nghiệt nầy để tôi được thấm nhuần chân lý vĩnh hằng của Ngài. Tôi đang giống chư con chim ưng non đang được mẹ nó huấn luyện để nó biết bay.
Điều duy nhất mà tôi có thể làm trong chốn rừng núi thâm u nầy là học tập để sống thích nghi với nghịch cảnh. Lời Chúa đã giúp tôi vượt qua những trở ngại. Lời Chúa giúp tôi can đảm sống giữa nghịch cảnh.
Nhờ có mẹ tôi từ bên Hiệp [4] qua phụ giúp nên cái chòi nhỏ cũng tạm xong. Bây giờ tôi phải chia tay Bác Sáu, em dâu và cháu Hiếu để đoàn tụ cùng gia đình bên Hiệp. Sáng sớm, mưa lất phất rơi, mẹ tôi và Bác Sáu nấu cơm ăn sáng rồi gói hai phần cơm trưa để tôi và mẹ tôi ăn trưa trên đường qua Hiệp. Tôi và mẹ tôi cứ lầm lũi bước đi giữa núi rừng. Lúc thì bằng phẳng, lúc thì chênh vênh, lúc thì phải leo lên từng bậc cấp được hình thành bởi rễ cây. Người đi trước là đi trên đầu của người đi sau. Đến trưa hai mẹ con dừng lại nơi một tảng đá lớn bên đường để ăn cơm. Tôi cảm thấy ngứa dưới ống chân, thì ra những con vắt đang hút máu trên suốt đoạn đường mà tôi nào hay biết. Tôi hoảng sợ vì lần đầu tiên nhận biết con vật nhỏ bé mà nguy hiểm thế nầy. Mẹ tôi dùng vôi ăn trầu bôi vào con vắt thì nó tự rơi xuống. Máu chỗ bị cắn phun ra, mẹ tôi xé một mảnh lá nón của chiếc nón lá đắp vào chỗ ấy thì máu cầm lại.
Khi ăn cơm mẹ tôi nói: “từ đây không còn đường dốc nữa, mà đường xuôi nên sẽ đến Hiệp sớm hơn”. Chung quanh là núi rừng, tiếng chim chóc, tiếng vượn, tiếng khỉ kêu la, đủ thứ âm thanh của rừng rú. Tôi và gia đình ở Hiệp được một tháng thì có lịnh phải dời lên Bồ Lô [5]. Càng ngày càng xa hơn nữa, càng sâu hơn nữa, càng thâm u và vô vọng hơn nữa.
Trước ngày đi, bất chợt, tôi vô cùng ngạc nhiên gặp một em thanh niên người Catu trong Hội Thánh Đại An. Em ấy kín đáo dúi vào tay tôi quyển Kinh Thánh nhỏ Ghê-đê-ôn. Tài sản quý báu duy nhất tôi có lúc bấy giờ. Tôi và em không nói với nhau lời nào, chỉ nhìn nhau, mỉm cười rồi vội vàng bước đi. Mỗi sáng tôi ra bờ suối nước phía trước láng trại, chọn một tảng đá bằng phẳng để ngồi đọc Kinh Thánh.
Sáu tháng sống trên rừng âm u, tôi chứng kiến nhiều cảnh đau lòng. Người chết không có ai chôn. Mẹ ngồi khoanh tay trông con mình tím tái, co giật, sùi bọt mép rồi cứng đơ, tắt thở. Hằng ngày tiếng la khóc vì mất người thân luôn luôn ám ảnh tôi. Đám cỏ tranh mênh mông hôm mới đến, nay đã là một nghĩa trang hiu quạnh đến quặn thắt lòng người. Lúc nầy tôi lại nhớ đến Thi Thiên 91:
“1 Người nào ở nơi kín đáo của Đấng Chí Cao,
Sẽ được hằng ở dưới bóng của Đấng Toàn năng.
2 Tôi nói về Đức Giê-hô-va rằng: Ngài là nơi nương náu tôi, và là đồn lũy tôi;
Cũng là Đức Chúa Trời tôi, tôi tin cậy nơi Ngài.
3 Ngài sẽ giải cứu ngươi khỏi bẫy chim,
Và khỏi dịch lệ độc hại,
4 Ngài sẽ lấy lông Ngài mà che chở ngươi,
Và dưới cánh Ngài, ngươi sẽ được nương náu mình;
Sự chân thật Ngài là cái khiên và cái can của ngươi.
5 Ngươi sẽ chẳng sợ hoặc sự kinh khiếp ban đêm,
Hoặc tên bay ban ngày,
6 Hoặc dịch lệ lây ra trong tối tăm,
Hay là sự tàn diệt phá hoại đương lúc trưa.
7 Sẽ có ngàn người sa ngã bên ngươi,
Và muôn người sa ngã bên hữu ngươi;
Song tai họa sẽ chẳng đến gần ngươi.
Bản thân tôi cũng bị sốt rét rừng hành hạ. Cả gia đình tôi đều bình an. Chỉ một mình ông nội tôi qua đời trên núi cao vì tuổi 80 không chịu nổi môi trường khắc nghiệt ấy. Tôi phải dùng gậy để di chuyển, đôi chân của tôi không thể bước đi vì mỗi khi đặt bàn chân xuống đất thì nghe như đặt chân trên bàn chông sắt. Một hôm có cán bộ thông báo cho mọi người hãy trở về làng, vì bộ đội đã vào Saigon rồi. Tôi được hai người bạn trong làng khiêng tôi suốt đoạn đường khoảng 20km đường rừng về đến làng xưa.
Mùa hè nghiệt ngã. Không! Đó là khóa huấn luyện thực nghiệm của Chúa dành cho chức vụ của tôi.
ĐẠI LỘC
[1] Một loại lá tự mọc nơi hoang dã, lá có hai màu, mặt trên thì xanh đậm, mặt dưới màu trắng bạc, phơi khô rồi giã chung với nếp, đường trong cối đá. Bánh sẽ có một màu đen óng tự nhiên.
[2] Là một mũi tàu, nơi tiếp giáp của dòng sông Vu Gia và sông Con.
[3] Đây là nơi ở của một nhóm dân vạn chài, nằm sát đồn Thường Đức
[4] Một địa danh gần thượng nguồn Sông Con, gia đình tôi và dân các làng Đại An, Dục Tây, Dục Tịnh, Dục Đông được du kích dẫn lên đây trước khi đồn Thường Đức thất thủ mấy hôm.
[5] Một địa danh có đường mòn HCM chạy qua, nơi cao nhất của dãy Trường Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam, cách Hiệp khoảng 15Km.

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn