Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Tổng hợp / TÔI KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI SÙNG ĐẠO

TÔI KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI SÙNG ĐẠO

Bài trước: https://huongdionline.com/2015/09/30/niem-tin-cua-nguoi-vo-than/

Chương 2

niemtin-nguoisungdao

Tôi Không Phải Là Người Sùng Đạo

Người sùng đạo

Không, thưa Mục sư, xin hãy đi và nói chuyện với người khác. Tôi e rằng tôi không phải là người sùng đạo.” Đó là điều rất thường nghe thấy từ nhiều người, và tôi  cảm thông với họ. Cụm từ “người sùng đạo” gợi lên trong ta một cảm giác nào đó rùng mình, nữ tính và ướt át. Tôi nghĩ đến một doanh nhân đeo cà-vạt đen dự đám tang của một người đồng nghiệp. Anh ta cố gắng bắt chước “người sùng đạo” trong nửa giờ đồng hồ, và rồi anh ta vội vàng không kịp thở bước ra khỏi buổi lễ để châm một điếu thuốc lá và trở lại trạng thái bình thường. Tôi nghĩ đến một nhà thờ vùng quê với sáu người và một Mục sư, không kể một hai con dơi thường bay lượn bên trong, trong khi đó những người khác tụ tập quán rượu ven đường để tận hưởng buổi tối vui vẻ cùng nhau. Nhà thờ hả? Không phù hợp với họ đâu, xin cám ơn; họ không phải là những người sùng đạo. Một số người khác có thể khá hơn, tâm trí họ lạc hướng đến một giáo đường rộng lớn trong một dịp lễ nào đó: những người thổi kèn, rước nến, ban hợp xướng, những cây nến, và những bộ áo đắt tiền.  Buổi lễ được cử hành một cách hoàn hảo đến nỗi dường như không ai  muốn nói: “Tôi không phải là người sùng đạo.”

Bây giờ hãy xem hai ví dụ rất khác nhau về “đạo.” Đầu tiên là trên sóng truyền thanh với chương trình lễ hằng ngày và một nhóm các ca sĩ giống như chuyên nghiệp: đạo phát qua sóng truyền thanh không hấp dẫn ngay cả lúc thuận lợi nhất. Một ví dụ khác tại một sân vận động lớn, một nhà truyền giáo đang kêu gọi người ta bước lên phía trước để được tư vấn: dường như đó đơn thuần chỉ là một trò chơi trên các cảm xúc tôn giáo – và “tôi không phải là người sùng đạo” trở thành câu nói trên cửa miệng của nhiều người.

Đạo đức giả

Tại sao chúng ta  không ưa “loại người sùng đạo?” Đó chẳng phải là vì chúng ta đánh đồng tôn giáo với đạo đức giả hay sao? Có một lịch sử rất lâu dài về việc này. Trong thời tiên tri Ê-sai, thế kỷ thứ tám trước Chúa, người ta dâng lên Chúa đủ loại của lễ, nhưng tấm lòng của họ thì cách xa Chúa. Trong thời của Chúa Giê-su, nhờ vào sự đạo đức giả những thầy thông giáo và người Pha-ri-si được tiếng tốt. Chắc hẳn nhiều người trong số họ hoàn toàn thành thật. Tuy nhiên, một vài người cố cầu nguyện thật dài để người khác ấn tượng; họ khoa trương khi bố thí để người ta thấy họ thật rộng rãi; họ phô diễn kiến thức Kinh Thánh để làm người khác hổ thẹn. Bên ngoài thì tỏ ra mộ đạo nhưng bên trong thì mục nát, thật là một sự pha trộn đáng kinh tởm. Đức Chúa Giê-su đã lên án một số người theo Ngài vì họ cũng giả hình giống như vậy. Họ khiến Chúa nhớ đến những ngôi mộ tô trắng nổi bật trên các sườn đồi bên mặt nước xanh biếc của biển hồ Ga-li-lê. Những ngôi mộ bề ngoài trông thật đẹp, nhưng bên trong thì hôi hám bẩn thỉu, đầy sự thối rữa và xương người chết.

Mối liên hệ giữa tôn giáo và đạo đức giả đã không ngừng ở đó trong thế kỷ thứ nhất. Hãy nghĩ đến đạo đức giả trong những ngày rất “đạo” thời Victoria: sự đồi bại vô luân tràn lan, tình trạng bóc lột tồn tại song hành với việc tuân theo các lễ nghi tôn giáo một cách tỉ mỉ. Dù đúng hay sai, rất nhiều người nghi ngờ số lượng người tham dự lễ tại nhà thờ là đạo đức giả: họ là những người da trắng ở Rhodesia,  Nam Phi, và tầng lớp trung lưu ở Hoa Kỳ. Phải chăng đây là một loại chính sách bảo hiểm để bảo vệ chế độ của chính quyền đương thời khỏi sự xâm nhập của người da màu và Chủ Nghĩa Xã Hội? Tôi không biết. Nhưng điều tôi biết đó là rất nhiều người quả quyết một cách mãnh liệt rằng họ không phải là người sùng đạo bởi vì họ ghét đạo đức giả, và họ cảm thấy nó gắn liền với tôn giáo theo một cách nào đó.

Ăn xin?

Liên hệ mật thiết với tôn giáo đó là sự xin xỏ. Không ai trong chúng ta thích gặp người ăn xin cả. Họ khiến chúng ta cảm thấy khó chịu, quả thật chúng ta cảm thấy mình “bị bắt lấy.” Nhưng tôn giáo có tổ chức lại mang hình ảnh của người ăn xin. Bạn đã đi qua bao nhiêu nhà thờ với một ghi chú bên ngoài mời gọi bạn bảo vệ cho tòa nhà cổ ấy? Bao nhiêu thánh đường bạn đã bước vào có ghi chú bên trong cho bạn biết mỗi phút tốn bao nhiêu tiền để vận hành? Và rồi xuất hiện các chợ từ thiện, những trò chơi bingo, các buổi quyên tiền từ nhà này sang nhà khác, các chiến dịch, và tất cả các mẹo quảng cáo gây quỹ khác. Các nhà thờ luôn luôn dòm ngó túi tiền của bạn. Chúng ta thì rất cảnh giác với những ai để mắt đến túi tiền của mình. Nói cách dễ hiểu chúng ta không phải là người sùng đạo.

Tôi tiếp nhận tất cả những điều này. Thật vậy, đó là lý do vì sao ngay từ đầu tôi rất đồng cảm với những người nói rằng họ không phải là người sùng đạo. Tuy nhiên tôi nghĩ họ đã sai trong chuyện này.

Làm sáng tỏ

Đầu tiên, tôi xin làm sáng tỏ những chống đối hợp lý về người sùng đạo như đã được nêu lên. Đúng là có rất nhiều điều không tốt đã được thực hiện mang danh tôn giáo. Vậy có những điều mang danh y học, nhưng nó không có nghĩa chúng ta không đi đến bác sĩ. Cũng có rất nhiều điều tốt được làm dưới danh tôn giáo: nhưng bấy nhiêu đó không khiến tôn giáo là đúng đắn. Chỉ có một câu hỏi đúng đắn cho người chính trực: tôn giáo có phản ánh chân thật về thế giới và con người? Nếu có, tôi sẽ cần tôn giáo, tuy nhiên rất nhiều điều xấu đã tìm chỗ trú ẩn dưới chiếc ô tôn giáo. Tôi chỉ muốn quăng ra ngoài mưa những điều xấu, chứ không muốn mở chiếc dù ra che cho nó.

Hoàn toàn đúng khi một số diễn đạt về tôn giáo rất gần với sự nôn mửa – xin luôn luôn nhớ rằng điều khiến người này buồn nôn lại là nguồn vui thích đối với người khác. Cá nhân tôi thường rất nhanh chán với các chương trình lễ của các nhà thờ lớn trên kênh truyền thông BBC. Những người khác thì cảm thấy khó chịu với những buổi cầu nguyện, các buổi truyền giảng lớn, hay các lễ Cầu Nguyện Buổi Sáng theo truyền thống của Anh Giáo. Tôi không hề nghi ngờ trong những người đi nhà thờ có nhiều điều không thành thực, và tôi cũng không hề nghi ngờ một số nhà truyền giáo cố gắng tạo áp lực tâm lý một cách bất chính. Nhưng một lần nữa, hãy quay lại với những sự thật căn bản về Chúa. Những điều ấy có thực sự xảy ra hay không? Chúa Giê-su có phải là Con Trời hay không? Ngài có sống lại từ cõi chết hay không? Nếu có, tôi có thể đủ sức để rộng mở lắng nghe những điễn đạt về tôn giáo mà tôi không thích chút nào. Nếu không thì toàn bộ những câu chuyện về Chúa chỉ là rác rưởi, đó chỉ là một dạng thoát ly thực tế mà tôi không có thời gian để tham gia.

Về sự giả hình và xin tiền, những điều này không nên giữ chân chúng ta lâu. Bởi vì có những đồng tiền giả, nhưng điều đó cũng không khiến bạn không sử dụng tiền thật chứ? Thật vậy, nếu không có tiền thật thì không ai lại bận tâm làm tiền giả cả. Vậy nên sự giả hình trong vòng những người theo đạo không phải là lý do để chúng ta bác bỏ đạo. Thay vào đó điều này nên ám chỉ rằng có một phiên bản thật và những bản sao giả. Hãy xem Chúa Giê-su trong các sách Phúc Âm. Trong Ngài không có chút đạo đức giả. Ngài là người đầu tiên lên án đạo đức giả trong những người khác. Và chính Chúa Giê-su là Đấng chúng ta thiết lập mối liên hệ. Bước đi theo Ngài có nghĩa là đi theo một người lên án đạo đức giả và không hề can dự vào việc đó. Chỉ vì một vài môn đệ của Ngài đã thất bại trong việc này, sẽ không làm bạn bỏ cuộc bước đi theo Ngài.

Về vấn đề thu nhận tiền, tôi nghĩ nhà thờ đáng nhận hình ảnh xấu của mình. Nhà thờ đã tạo nên một cảm tưởng lúc nào họ đi ra cũng vì tiền. Thay vào đó thà họ công bố họ đã tìm được kho báu vĩ đại trong Đức Chúa Giê-su Christ, và không giống như những kho báu khác, kho báu Chúa Giê-su là miễn phí. Chúa Giê-su luôn luôn khiến những người theo Ngài thấy rõ rằng bước vào Vương Quốc Đức Chúa Trời, hoặc Bữa Tiệc Chiên Con, hoặc mối quan hệ bằng hữu với chính Chúa (cả ba cùng nói về một điều) là hoàn toàn miễn phí, cho người da trắng và da đen, người Do Thái và người ngoại, kỵ nữ và những người Pha-ri-si. Miễn phí. Nhưng Ngài cũng dạy rằng cuộc sống trong Vương Quốc phải trả giá đắt. Bạn sẽ phải trả bằng tất cả những gì bạn có, cũng như Ngài đã phải trả giá tất cả những gì Ngài có. Chính vì vậy mà nhà thờ đúng khi nói với các tín hữu rằng họ nợ Đấng Christ rất nhiều thời gian, tiền bạc và tài năng. Nhà thờ sai khi đòi hỏi những người không phải là tín hữu tin kính của họ phải thực hiện những việc của một tín hữu tin kính.  Sự rộng lòng chấp nhận  của Đấng Christ đối với bất kỳ người nào đến với Ngài mới chính là thông điệp chủ yếu mà con người có thể hiểu được. Nếu họ không  nghe được thông điệp ấy, đó không phải  vì Đấng Christ đã thay đổi quan điểm của Ngài, mà  vì Hội Thánh không trung tín với lời dạy và noi gương Ngài.

Vậy nếu vấn đề về tiền bạc này làm bạn khó chịu thì hãy quên nó đi. Đức Chúa Giê-su là Đấng mà chúng ta tìm kiếm. Và Ngài không bao giờ đi quyên góp từ những người ghé vào dự đám tang người lạ. Ngài không bao giờ đặt một thùng tiền bên ngoài nhà hội tại thành Na-xa-rét xin những người không phải là hội viên hỗ trợ tài chánh. Nếu Hội Thánh không noi theo gương Chúa Giê-su, rất nhiều điều tồi tệ sẽ đến.  Đừng để những điều ấy ngăn cản bạn tìm kiếm Đấng năng quyền nhất thế gian này, đó chính là Đức Chúa Giê-su.

Tôi hy vọng là đã làm sáng tỏ những khuất mắt. Bây giờ tôi muốn hỏi một vài câu hỏi đúng vào vấn đề cho những ai đang giấu mình đằng sau câu nói “Tôi không phải là người sùng đạo.”

MICHAEL GREEN

Canon Michael Green là Mục sư của St Aldate’s in Oxford, England. Ông đã viết các sách:  New Life, New LifestyleI Believe in the Holy Spirit.

(Còn tiếp)

Translated by Vinh Hien   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn