Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Tổng hợp / HỒI KÝ CỦA MỤC SƯ HUỆ

HỒI KÝ CỦA MỤC SƯ HUỆ

Mai Anh Đào Đà Lạt

da-lat-dep-tung-centimet-mua-hoa-mai-anh-dao-da-lat-nam-2015-2 

Thể văn hồi ký thường dễ viết vì giống như kể chuyện. Nhưng khó là phải kể về cái tôi của chính mình!   Kể như thế nào để cái tôi chỉ là nhân chứng, hoàn toàn khách quan, thì không đơn giản.  Tôi đã đọc khá nhiều hồi ký nhưng số hồi ký phản ảnh trung thực được cái tôi rất hiếm!  Cái tôi của Mục Sư Nguyễn Văn Huệ trong hồi ký, đang cố gắng thoát ra căn bệnh chung đó.  Đạt được điều nầy là đã thành công.

Giới làm văn học, chính trị, thường có một không gian rộng nên rất dễ có nhiều dữ kiện để kể lại.  Nhưng đời sống phục vụ của một vị Mục Sư, tôi nghĩ, bị giới hạn vô cùng, nếu chưa muốn nói là rất đơn điệu và buồn tẻ.  Thế nhưng, đọc hồi ký của ông, quan niệm đó sẽ thay đổi phần nào.  Có thể vì vận nước nổi trôi, có thể vì Chúa muốn ông từng trải để ghi lại, như Phao Lô trong Công Vụ Các Sứ Đồ!

Hồi ký của Mục Sư Nguyễn Văn Huệ không phải là một áng văn chương với nhiều tình tiết và màu sắc.  Hồi ký của ông thật đơn giản.  Chính cái đơn giản, không phải là loại truyện-xã-hội-đời-thường, được ghi lại, mà lôi cuốn người đọc vào từng diễn biến thì đã đặc biệt.   Hy vọng nhiều bằng chứng trong tập hồi ký nầy là một tài liệu sống.

Hồi ký của ông thật đơn giản. Chính cái đơn giản, không phải là loại truyện-xã-hội-đời-thường, được ghi lại, mà lôi cuốn người đọc vào từng diễn biến thì đã đặc biệt. Hy vọng nhiều bằng chứng trong tập hồi ký nầy là một tài liệu sống.

Chiến đấu mà nhận rõ đối phương, thì chắc chắn dễ dàng hơn với kẻ thù giấu mặt. Mục Sư Nguyễn Văn Huệ đã chiến đấu với thế lực tăm tối vô hình, nhưng đã thắng, chắc không phải nhờ ông có tài, như ông xác nhận, nhưng nhờ người đã soi dẫn cho ông.  Là Chúa.  Lời Chúa là lời của sự sống, nên khi gặp gian nan thử thách, tưởng như đã cùng đường, thì chính lời của sự sống lại mở lối cho ông.   Do đó, hành trình theo Chúa của ông là hành trình thật sống động.  Và nói đến đời sống là phải nói đến sự sống.  Theo Chúa mà có được sự sống động thì tự nó đã thành công rồi.  Cầu xin Chúa ban thêm cho ông nhiều sức lực để ông tiếp tục cuộc hành trình và tiếp tục kể lại cho mỗi chúng ta.  Thử hỏi, nếu như Bác sĩ Lu-ca không viết lại Công Vụ Các Sứ Đồ thì mấy ai trong chúng ta biết được sự gian khổ của những con người vác thập tự giá theo Chúa?

Có lẽ rất nhiều người biết bản nhạc Ai Lên Xứ Hoa Đào của Lê Mộng Nguyên.  Bản nhạc đó đã làm nhiều người mơ về Đà Lạt, trong đó có tôi.  Mai Anh Đào Đà Lạt đã đi vào văn học, nghệ thuật.  Nhưng thân cây Mai Anh Đào lại mảnh khảnh, sần sùi, đôi lúc như rêu mốc.  Đặc biệt về mùa đông thì trơ cành xương xẩu, tưởng như cây đã chết khô.  Thế nhưng gần cuối đông thì những mầm hoa nhú ra, cho những nụ hồng tuyệt đẹp.  Chức vụ hầu việc Chúa đầu tiên của Mục Sư Nguyễn Văn Huệ cũng bắt đầu ở Đà Lạt.  Đời sống lăn lóc của ông trong tù cũng giống như cây Mai Anh Đào cằn cỗi trong mùa đông.  Nhưng hiện tại, với chương trình gầy dựng các Hội Thánh tại quê hương mà khải tượng Chúa cho ông, như trong hồi ký, quả thật là đẹp, chẳng khác nào những đóa Mai Anh Đào Đà Lạt đang vào mùa Xuân!

Đời sống lăn lóc của ông trong tù cũng giống như cây Mai Anh Đào cằn cỗi trong mùa đông. Nhưng hiện tại, với chương trình gầy dựng các Hội Thánh tại quê hương mà khải tượng Chúa cho ông, như trong hồi ký, quả thật là đẹp, chẳng khác nào những đóa Mai Anh Đào Đà Lạt đang vào mùa Xuân!

Chúa là Đấng ban ơn ngàn đời, chắc chắn sẽ không bỏ ông lại bên đường với những khải tượng đang ấp ủ cho quê hương Việt Nam.

 

Hồ Phú Bông

Nhà Văn

————————————–

Ban biên tập: Những phần sau đây được trích từ Hồi Ký của mục sư Nguyễn Văn Huệ.

Chúa Cứu Thế Của Tôi

 

Tôi tự thấy mình như là hiện thân của đau khổ và phước hạnh. Đau khổ trong thân phận người Việt Nam và phước hạnh trong thân phận một đầy tớ của Chúa Cứu Thế Giê-su.

Có một tác giả vô danh đã viết như sau: “Có một người được sinh ra trong một ngôi làng nhỏ, con của một cô gái quê, lớn lên tại một làng khác và làm nghề thợ mộc cho đến năm 30 tuổi. Người đó chưa hề viết một quyển sách, hay giữ một chức vụ công quyền, không sở hữu một ngôi nhà, cũng không lập gia đình. Người đó không học đại học, không hề rời quê hương hơn 200 dặm nhưng chỉ đi giảng đạo có ba năm. Và khi chỉ mới 33 tuổi thì đã bị người ta giết bằng bản án tử hình.  Sau khi bị hành hình, thì áo xống lại bị người ta bắt thăm chia nhau, mượn ngôi thạch mộ của một người khác để chôn. Thế nhưng, cho dù tất cả những đội quân đã từng diễn hành, những hạm đội đã từng lướt sóng, những nhà lập pháp đã từng lăn lộn ở nghị trường, các vua chúa đã từng cai trị, tất cả kết hợp lại vẫn không tạo được một ảnh hưởng lớn trên nhân loại bằng ảnh hưởng sâu rộng của người.  Đó là con người độc nhất!”

Con Người siêu việt đó chính là Chúa Cứu Thế Giê-su. Nhờ Ngài mọi người đến được cùng Đức Chúa Trời. Ngài là Chúa của tôi và Ngài cũng muốn làm Chúa của đời sống bạn ngay hôm nay.

Triết gia Đan Mạch Soren Kierkegaard đã kể câu chuyện về một vị vua đem lòng yêu thương một thiếu nữ nhà quê. Vị vua nầy là người giàu nhất, có quyền lực nhất và được kính trọng nhất. Không ai dám chống lại vua hay nói xấu được về vua. Nhưng vị vua có một nan đề: – “Làm sao vua có thể tỏ tình với cô thôn nữ? Và làm sao vua có thể biết chắc là cô ấy cũng yêu vua?”

Chính ngôi vua và sự giàu sang, quyền thế của vua đã là một trở ngại. Vua không muốn dùng những đặc quyền đó để mua chuộc trái tim của cô thôn nữ. Vua muốn cô yêu mình vì chính mình chứ không phải vì địa vị hay của cải vật chất. Vua không muốn chinh phục người yêu trái với ý chí tự do của người mình yêu. Vua đã tìm được cách để trở nên ngang hàng với người yêu.

Vua đã ăn mặc rách rưới và đến với cô như một người nông dân. Nhưng điều kỳ diệu là: Vua không chỉ giả trang như một người nghèo. Vua đã thực sự trở thành người nghèo! Vua đã yêu cô thôn nữ tha thiết quá đến nỗi đã từ chối ngai vàng và quyền thế của mình. Cuối cùng vua đã chinh phục được tình yêu từ cô thôn nữ ấy!

Câu chuyện nầy là một minh họa đẹp đẽ về mối tình của Chúa Cứu Thế dành cho nhân loại chúng ta. Chúa Cứu Thế đã chinh phục tình yêu của tôi và tôi đã yêu Ngài. Hàng tỉ người trên thế gian đã được Ngài chinh phục và yêu Ngài theo cách ấy. Bạn đã đón nhận được tình yêu của Chúa như thế chưa?

Có chuyện kể rằng lần đầu khi nhà thám hiểm Columbus và các thủy thủ cập tàu vào cửa sông Amazon. Một thủy thủ nói: “Chúng ta đã khám phá được một hải đảo.” Nhưng Columbus nhìn chung quanh và nói: “Không, chúng ta đã khám phá một châu lục mới. Một cửa sông to như thế không thể phát xuất từ một hòn đảo được!”

Câu nói đó của Columbus mang nhiều ý nghĩa đối với tôi. Tôi đã khám phá và tin tưởng:

* Quyển Kinh Thánh kỳ diệu phát xuất từ Đức Chúa Trời và là Lời hằng sống duy nhất của Đức Chúa Trời truyền dạy chúng ta.

* Thế giới hiện hữu do Đức Chúa Trời sáng tạo và bảo tồn. Chúng ta hiện hữu và tồn tại là nhờ Ngài.

* Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời giáng thế và Ngài là Chúa Cứu Thế của cả nhân loại và của bản thân tôi.

* Hội Thánh do Đức Chúa Trời thiết lập và từ Hội Thánh tôi đã được Chúa chọn để phục vụ Ngài.

* Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời đang ngự trong lòng tôi và đang dẫn dắt đời sống tôi.

* Đức tin, hy vọng và tình yêu trong Chúa là lẽ sống của đời tôi.

* Phương châm sống đạo của tôi là “Đức Tin nhận được nhiều nhất, Yêu Thương làm được nhiều nhất và Khiêm Nhường giữ được nhiều nhất.”

* Mục đích đời sống của tôi là thờ phượng Chúa, truyền bá đạo Chúa, trở nên giống như Chúa, xây dựng mối thông công mật thiết trong gia đình của Chúa và phục vụ mọi người đang cần đến tôi.

Bạn đã khám phá và nhận biết Ngài như thế chưa?

Mơ ước của tôi là nhiều người Việt Nam được cứu rỗi và một ngày kia sẽ cùng tôi hội ngộ ở Thiên Đàng.

 

Gia Đình Tôi Theo Chúa 

Gia đình mục sư Huệ
Gia đình mục sư Huệ

 

Ông bà hai bên nội ngoại tôi đều thuộc trong số những người Việt Nam đầu tiên theo đạo Tin Lành. Nhờ quyết định can đảm đó mà tương lai và số phận của cả dòng họ tôi đã được hoàn toàn thay đổi. Tôi thường nghĩ, nếu ông bà cha mẹ tôi không chịu thay đổi, không chịu tin Chúa, thì ngày nay chưa chắc tôi đã biết Chúa và hầu việc Ngài. Tỉ lệ số người tin Chúa ở quê hương tôi vẫn còn quá ít. Dầu vậy, quyền phép biến đổi của Tin Lành đã thực sự xảy ra nhờ lòng tin tưởng và yêu mến Chúa mạnh mẽ của những người đầu tiên tin Chúa ở Việt Nam.

Đóng góp quan trọng nhất Hội Thánh Tin Lành Việt Nam để lại cho nhiều thế hệ là quyển Kinh Thánh.  Các vị Giáo sĩ như Ông bà Cadman và nhà văn Phan Khôi đã dịch Kinh Thánh ra tiếng Việt và xuất bản năm 1922. Bản dịch nầy vẫn còn sống động, hợp thời, được mọi người yêu mến và thông dụng cho đến ngày nay. Cho dù hiện tại đã có một số bản dịch mới của Kinh Thánh, nhưng nhiều người, trong đó có tôi, vẫn thích trích giảng lời Chúa qua bản dịch Kinh Thánh cũ nầy. Bản dịch nầy chẳng khác gì bản King James trong tiếng Anh vậy.

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam cũng tạo nên được những truyền thống sống đạo khác có ảnh hưởng đến nhiều gia đình. Những tín hữu được dạy dỗ “không mang ách chung với người chẳng tin”, vì thế việc lập gia đình giữa các thanh niên thiếu nữ trong Hội Thánh thường diễn ra giữa vòng tín hữu. Các Mục Sư thường là người mai mối cho các thanh niên trong cùng Hội Thánh hoặc các Hội Thánh bạn. Những cuộc nhóm họp Đại Hội thường niên của Hội Thánh và những sinh hoạt hội đồng thanh niên là những cơ hội để các bạn trẻ giao lưu, bước đầu trong tiến trình hôn nhân.

Ba mẹ tôi đã lập gia đình cũng nhờ Mục Sư giới thiệu. Mẹ tôi lớn lên và sống ở Đà Nẵng, ba tôi ở làng quê, xã Kỳ Phú, quận Tam Kỳ. Nếu không nhờ Mục Sư mai mối thì làm sao hai người có thể gặp nhau chứ chưa nói gì đến việc kết hôn. Thời đó, truyền thống cha mẹ đặt đâu con ngồi đó vẫn còn mạnh lắm. Gia đình bên ngoại tôi có chín người con, hai trai, bảy gái, đều lập gia đình với người tin kính Chúa. Nhờ đức tin, truyền thống mạnh mẽ nầy mà dòng họ của tôi có được 12 Mục Sư, đang hầu việc Chúa khắp nơi tại Việt Nam cũng như Hoa Kỳ. Hội Thánh thời trước thường áp dụng kỷ luật rất nghiêm khắc, dứt phép thông công cả đến những bậc cha mẹ cho phép con cái lập gia đình với người ngoại đạo. Thường thì mức hình phạt nầy chỉ kéo dài trong vòng sáu tháng nhưng đã có giá trị răn đe mạnh mẽ và gây không ít khó khăn về mặt tinh thần cho những người trong cuộc.

Việc nhóm họp hằng tuần được khuyến khích tối đa, vì thế việc đi nhà thờ hằng tuần đã trở thành dấu hiệu của người thật lòng tin Chúa. Tôi còn nhớ, lúc đầu gia đình tôi đi nhà thờ ở thị xã Tam Kỳ, cách nhà đến bảy, tám cây số. Mọi người phải thức dậy thật sớm, đi bộ mấy tiếng đồng hồ mới tới kịp giờ nhóm thờ phượng buổi sáng Chúa Nhật. Buổi chiều quay về tới nhà là đã mất trọn một ngày! Thế mà mọi người đều vui thỏa, không bao giờ than phiền mệt nhọc. Sau nầy làng tôi có thêm nhiều người tin Chúa nên Hội Thánh được thành lập ngay tại địa phương và gia đình chúng tôi không tuần nào thiếu mặt ở nhà thờ. Chúng tôi vui vẻ hát thánh ca, cầu nguyện, đọc Kinh Thánh. Học thuộc lòng nhiều đoạn, câu Kinh Thánh chọn lọc và hăng hái ra đi chia sẻ đức tin, hy vọng và tình thương cho nhiều người mình gặp.

Đức tin đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc làm và lối sống của những người thật lòng tin Chúa.

 

Quê Hương Thời Niên Thiếu

 

Làng quê của tôi tên là Kỳ Phú, nghĩa là giàu có kỳ diệu, nhưng thực ra chẳng có tài nguyên gì đáng kể.  Làng tôi đúng nghĩa là quê nghèo! Nhưng phong cảnh quê tôi đẹp hiếm có, vì nhờ có dòng sông Trường Giang, nước trong vắt chảy lặng lờ, phân cách với biển bằng một cồn cát trắng, có nhiều cây dương liễu và dừa.  Vùng cát trắng phau của làng tôi kéo dài qua nhiều xã.  Có núi đồi, đất đỏ.  Có ruộng lúa, nương khoai.  Nối liền về phía Nam làng tôi là một hải cảng thiên nhiên rất đẹp. Đó là nơi, trong thời chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã chọn để thiết lập một căn cứ quân sự rất lớn, gọi là Căn Cứ Chu Lai. Chu Lai cũng gần sát với Mỹ Lai, là địa danh xảy ra vụ thảm sát thường dân mà báo chí nhắc đến rất nhiều. Ngày nay Mỹ Lai là di tích lịch sử chiến tranh, được nhiều cựu chiến binh Mỹ đến thăm.

Khi ba tôi đang làm chức Xã Trưởng, hay còn gọi là Đại diện Xã, ở làng tôi suốt chín năm dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, là lúc tôi bắt đầu ý thức hoàn cảnh gia đình mình. Gia đình tôi được dân chúng trong làng yêu mến và kính nể. Sau năm 1975, dù đã thôi việc từ lâu, nhưng vì chức vụ cũ đó mà ba tôi bị bắt đi học tập cải tạo 5 năm. Trong thời gian làm Xã Trưởng, do lương bỗng không đủ sống nên ba tôi làm thêm nghề biển. Biển quê tôi là biển ngang, nên ít cá. Có khi các bạn chài ra biển cả mấy tuần liền, vẫn đi không rồi lại về không. Dân chúng trong làng cũng làm nghề biển rất vất vả. Ghe không có máy nên không thể ra khơi, chỉ quanh quẫn gần bờ. Mỗi lần đi đánh cá, các bạn chài ra sức đem khiên ghe từ trên bờ ra biển, khi về lại ì ạch khiên trở lại. Ghe nặng, nên mỗi bên mấy người, phải dùng đòn gỗ để nâng ghe lên rồi xoay vần, lúc nâng mủi ghe, lúc nâng đui ghe cho chiếc ghe di chuyển. Dân trí quê tôi còn rất thấp. Người đậu được bằng Tú Tài rất hiếm. Một lần, tôi thấy có một con cá voi lớn, đen láng, chết tấp vào bờ, dân chúng đã khiêng lên, dựng rạp để thờ cúng.

Làng quê tôi tuy nghèo, nhưng dân làng sống rất hoà thuận và yêu thương nhau. Những tháng biển động, sóng lớn, không thể đi biển được, dân làng buồn thiu nên làng không có sinh hoạt nào đáng kể. Nhưng vào hè, là mùa đi biển, thì nhộn nhịp hẳn lên. Những ngày được nhiều cá dân làng thật vui mừng.  Thường là cá nục, cá cơm. Cái bán, cái ăn hoặc làm mắm. Người không đi biển cũng được chủ ghe cho cá ăn đủ bữa.

Một lần tôi cũng chen vào một ghe được nhiều cá và chìa tay xin, người chủ thấy tôi liền nói: “Nó là con ông Đại diện Xã, cho cá nó đi”. Tôi xin cá giúp cho người bạn nghèo trong xóm. Nhưng hôm đó tôi bị ba tôi phạt vì ông tưởng tôi dám lấy danh “con ông Đại Diện Xã” để xin cá. Ba tôi là người có tài và thanh liêm. Ông biết làm thơ, ngâm thơ, xây nhà, làm ghe, đan đát, làm vườn, làm ruộng. Ông cũng là người đa tình, đa cảm.

Trong nhà chỉ có tôi là được học hành tới nơi tới chốn. Một hôm, tôi vui mừng khi biết kết quả thi đậu Trung Học. Vào lúc giữa trưa, tôi chạy ra bờ biển đón ba tôi đi biển về. Ông đi biển một mình bằng một cái thúng chai, bề rộng khoảng hai thước tây, cùng với vài tay lưới. Ông đánh được một con cá lớn và mấy con cá nhỏ. Tôi đến gần nhưng chưa muốn báo tin. Ba tôi bán con cá lớn cho người mua cá, chỉ đem mấy con cá nhỏ về. Đi đến giữa con đường dốc trên bãi cát trắng, tôi mới hớn hở cho ba tôi biết tôi đã thi đậu. Ba tôi vui nhưng nói: “Sao lúc nãy con không nói để ba dành lại con cá lớn ăn mừng?” Tôi xúc động lắm, lòng tràn ngập niềm vui. Hôm ấy cả nhà đã ăn mừng vì tôi thi đậu dù không có món ăn nào đặc biệt.

Ba tôi vui nhưng nói: “Sao lúc nãy con không nói để ba dành lại con cá lớn ăn mừng?” Tôi xúc động lắm, lòng tràn ngập niềm vui. Hôm ấy cả nhà đã ăn mừng vì tôi thi đậu dù không có món ăn nào đặc biệt.

Chương trình giáo dục ở Việt Nam thật nhiêu khê. Tôi đã thi đậu bằng Tiểu học, Trung Học đệ nhất cấp, đệ nhị cấp, Tú Tài 1, Tú Tài 2. Qua Thần Học, tôi cũng đậu tất cả các môn bậc Cử Nhân. Rồi qua Mỹ tôi đã tiếp tục học lấy bằng Cao Học. Ngày nay nhìn lại, tôi thấy việc học của tôi thật lâu dài và khó khăn.  Nhưng tôi là người ham học. Tôi vẫn tiếp tục tự học. Tôi thầm cảm tạ ơn Chúa cho tôi có lòng ham học. Lòng tôi tràn ngập niềm biết ơn Đức Chúa Trời về những gì Ngài đã làm trên đời sống của tôi, từ thời còn niên thiếu, thanh niên với hoàn cảnh gia đình nghèo thiếu, khó khăn, đất nước chiến tranh. Từ đó, tôi rất cảm thông những học sinh nghèo, những cha mẹ nghèo ở quê tôi, ở mọi miền đất nước.

Mẹ tôi là người yêu mến Chúa đã qua đời trong khi tôi còn ở tù, ba tôi là một người đa tài vẫn còn sống cho đến sau ngày tôi và gia đình tôi đến Mỹ. Tôi đã không có dịp để dự phần chôn cất song thân của tôi khi ba mẹ tôi về với Chúa. Tôi vẫn còn hối tiếc vì đã không phụng dưỡng ba mẹ tôi như lòng tôi mong muốn. Tình cảm của người Việt đối với những thân nhân thật sâu sắc và vững bền. Mỗi khi về Việt Nam tôi đều đến thăm và chăm sóc mộ phần ba mẹ và các chị em của tôi.

Tôi không bao giờ quên nguồn gốc xuất thân của mình.

 

Vào Đời, Làm Thông Dịch Viên

 

Tôi biết tiếng Anh khi còn học Trung Học ở Đà Nẵng. Năm 1965, gia đình tôi dọn từ Kỳ Phú ra Đà Nẵng, là quê ngoại, để tránh bom đạn. Lúc đó quân đội Mỹ đến Đà Nẵng khá nhiều. Các căn cứ quân đội Mỹ đã được lập lên. Đường sá và cầu cống được xây dựng.  Hàng hoá Mỹ đã bày bán khắp nơi.  Xe quân sự tấp nập. Trên bầu trời thì máy bay phản lực, trực thăng gầm rú. Việc làm có nhiều, nên ai cũng sống được. Thật không ngờ, chính những người Mỹ đến Việt Nam tham dự chiến tranh đã mở rộng vòng tay tiếp nhận hàng triệu người Việt Nam tị nạn vào nước Mỹ chỉ mười năm sau.

Ba má tôi sinh được tám người con gồm bốn trai, bốn gái. Tôi là con trai trưởng. Ba tôi cũng đi làm sở Mỹ để nuôi sống gia đình cả chục miệng ăn. Việc học của tôi gặp khó khăn, vì cảnh nhà nghèo lại phải học trường tư. Tôi phải cố gắng vượt qua mọi trở ngại để được đi học. Tôi vốn không phải là học sinh giỏi. Tôi học rất kém những môn như Toán, Lý Hóa và không có khiếu về những môn học nầy. Tôi chỉ thích những môn Văn Chương và Sinh Ngữ. Có lần trong một kỳ thi cuối năm về môn Văn, tôi bị đuổi ra khỏi lớp học vì chưa có tiền trả học phí. Tôi phải ra khỏi lớp nhưng vẫn đứng ngoài hiên tiếp tục làm bài. Bài thi hôm đó của tôi được thầy cho điểm thật cao, hình như là nhất lớp. Cái khó đã không bó cái khôn của tôi!

Có lần trong một kỳ thi cuối năm về môn Văn, tôi bị đuổi ra khỏi lớp học vì chưa có tiền trả học phí. Tôi phải ra khỏi lớp nhưng vẫn đứng ngoài hiên tiếp tục làm bài. Bài thi hôm đó của tôi được thầy cho điểm thật cao, hình như là nhất lớp. Cái khó đã không bó cái khôn của tôi!

Học Trung Học Đệ Nhất Cấp, Pháp văn là ngoại ngữ chính của tôi. Lên Đệ Nhị Cấp tôi chuyển sang Anh ngữ, vì Pháp ngữ không còn thích hợp nữa. Tôi đã biết chút ít tiếng Anh ở trung học nhưng nghe và nói được tiếng Mỹ chính là nhờ học ở Hội Việt-Mỹ. Lúc nầy phong trào học tiếng Anh nổi lên khá mạnh. Hội Việt-Mỹ đã mượn Trường Trung Học Phan Chu Trinh tại Đà Nẵng, làm cơ sở để dạy. Tôi ghi danh học lớp đêm, mỗi tuần ba lần. Điều hấp dẫn nhất là Hội Việt-Mỹ được các giáo sư người Mỹ dạy. Giọng Mỹ của các giáo sư Mỹ khác hẳn giọng của những thầy và cô dạy ở Trung Học. Sách giáo khoa được dùng thời đó là bộ sách English For Today do Giáo sư Lê Bá Kông dịch sang Việt Ngữ. Vị thầy người Mỹ đầu tiên luyện giọng cho tôi là một sĩ quan của quân cảnh Mỹ. Tôi cảm thấy thích thú hẳn lên khi bắt đầu nói được các câu nói xã giao thông thường. Nhờ đó tôi học và hiểu tiếng Anh khá nhanh.

Khóa học kế tiếp tôi không có tiền đóng học phí.  Không biết phải nói thế nào để xin được tiền của vị thầy người Mỹ đang dạy, tôi đành tra từ điển rồi viết mấy dòng xuống giấy đưa cho ông trước khi vào lớp.  Ông đọc và hỏi: “How Much?”, rồi: “When?”.  Tôi không hiểu điều ông hỏi nên cứ ấp úng trả lời đại mấy câu. Cuối cùng, thương tình, ông móc túi cho tôi được tờ 20 đô-la xanh, để đóng học phí. Thời đó quân đội Mỹ dùng tờ đô-la đỏ,  chỉ có giá trị tại địa phương, còn tờ đô-la xanh mới có giá trị thật sự. Đây là lần đầu tiên tôi cầm tờ đô-la, với thật nhiều ý nghĩa. Đức Chúa Trời đã dùng vị thầy dạy Anh ngữ để tiếp trợ cho tôi trong lúc có cần. Từ đó tôi tiếp tục được học thêm mấy khóa nữa cho đến khi đi làm. Ơn nầy tôi không thể quên. Người thi ơn có lẽ đã quên nhưng người thọ ơn vẫn còn nhớ mãi.

Tôi tin chắc, bất cứ cuộc gặp gỡ nào với bất cứ ai trong cuộc đời tôi, đều không phải là tình cờ.  Phải do sự sắp đặt từ trên.  Sau nầy tôi mới biết.

Tôi đã cố gắng luyện thêm Anh ngữ, rồi tạm nghỉ học.  Đi tìm việc làm. Cơ quan dân sự tìm kiếm công nhân cho các sở Mỹ đã nhận tôi. Lúc đó tôi 18 tuổi. Tôi được cử làm thông dịch viên cho một toán Dân Sự Vụ (Civil Affairs) của Lục quân Mỹ ở thị xã Tam Kỳ, cách Đà Nẵng khoảng 30 dặm về phía Nam. Nhóm Dân Sự Vụ nầy chuyên lo cứu trợ, phát gạo, cũng như xây giếng nước cho người tị nạn chiến tranh đang đổ về thành phố. Sau một năm làm công tác giúp đỡ đồng bào, tôi về lại Đà Nẵng làm thông dịch cho một cơ quan khác tại căn cứ Hoà Khánh, gần Bệnh Viện Nhi Đồng.

 

Được Nhận Vào Trường Thần Học

 

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam đã xây dựng được một cơ sở đào tạo người lãnh đạo cho các Hội Thánh tại Trường Kinh Thánh ở Đà Nẵng từ đầu thập niên 1920 và vào khoảng đầu năm 1960 trường thiên di vào Nha Trang lấy lên là Thánh Kinh Thần Học Viện. Trường nằm trên một ngọn đồi nhìn ra bãi biển Hòn Chồng, mát mẽ và dư dật không khí trong lành. Những buổi rạng đông đứng từ trường nhìn ra biển, cảnh mặt trời mọc đẹp không đâu bằng.

Sau Tết Mậu Thân 1968, với cuộc Tổng Công Kích của quân đội miền Bắc, tình hình đất nước thay đổi nhiều. Tôi đã tự động nghỉ việc và quyết định dâng mình đi hầu việc Chúa. Làm thông dịch viên có tiền, làm việc cho Chúa thì không có gì hứa hẹn trước, nhưng tôi cứ nghỉ việc và xin đi học Thần Học. Lúc nầy Thánh Kinh Thần Học Viện tại Nha Trang mới bắt đầu mở thêm chương trình Cao Đẳng Thần Học cấp bằng Cử Nhân và tôi đã được nhập học năm thứ nhất vào tháng 9 năm 1968. Một năm sau, dù chưa được đào tạo đầy đủ, tất cả các sinh viên đều phải ra trường tập sự trong các Hội Thánh địa phương. Đó là điều kiện để các sinh viên tiếp tục được hoãn dịch. Một số sinh viên không đủ điều kiện hoãn dịch đã phải nhập ngũ và không thể trở về Viện học tiếp cho đến ngày tốt nghiệp. Tôi may mắn đã không phải đi lính và cầm súng chiến đấu một ngày nào.

Hoàn cảnh đất nước chiến tranh đã làm cho hàng trăm thanh niên và sinh viên ưu tú của Hội Thánh không có cơ hội bước vào chức vụ hầu việc Chúa. Tôi có một người bạn cùng trang lứa, cùng làng, cùng lớn lên và sinh hoạt trong cùng Hội Thánh. Anh bạn nầy học giỏi, có tài làm thơ và rất thông minh. Anh bạn Nguyễn Tấn Đến. Tôi rất thương mến và kính phục anh, nhưng anh đã không có điều kiện theo học Thần Học như tôi. Anh đã được gọi vào Trường Bộ Binh Thủ Đức, trở thành Sĩ Quan chỉ huy một đơn vị chiến đấu, ba năm sau đó anh tử trận ở Nam Lào. Tôi thương tiếc anh và đã làm một bài thơ đăng báo để khóc anh.

Tôi thường tự hỏi không biết vì sao tôi lại được sống sót qua cuộc chiến tranh đẫm máu, mà bất hạnh đau thương đã đến với rất nhiều người. So với nhiều người cùng trang lứa ở quê tôi, thì đời tôi lại có được những may mắn không ngờ.

Khi lớn lên giữa đất nước chiến tranh, mấy ai định được tương lai của mình? Tất cả những gì xảy đến trong cuộc đời tôi, tôi tin phải có bàn tay sắp đặt của Chúa, là Đấng đã chọn lựa và dắt dẫn tôi qua những chặng đường đời. Không phải tôi là người tài giỏi hay đã làm gì tốt đẹp, nhưng ấy là nhờ ân huệ của Chúa yêu thương. Tình thương của Ngài mênh mông, vô điều kiện. Tôi tin rằng, ngày nay tôi là người như thế nào, ấy là nhờ ân điển và lòng thương xót của Chúa mà thôi.

Sau ba năm tập sự hầu việc Chúa tại các Hội Thánh Tin Lành ở Chu Lai (Quảng Tín) và Bình Sơn (Quảng Ngãi), tôi trở lại Thần Học Viện để hoàn tất chương trình học, lấy bằng Cử Nhân Thần Học.

Trong luận văn tốt nghiệp, tôi nghiên cứu và viết về đề tài Công Cuộc Truyền Giáo của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Giữa Các Dân Tộc Thiểu Số ở Việt Nam. Với luận văn nầy cùng với thành tích học giỏi các môn, tôi đã được Ban Giáo Sư chọn để đọc Diễn Văn trong ngày Lễ Tốt Nghiệp năm 1974.

Sau ngày tốt nghiệp, tôi được chọn phục vụ trong Chương Trình Nghiên Cứu Phúc Âm do Mục Sư Giáo Sư Lê Hoàng Phu phụ trách. Mục Sư Lê Hoàng Phu là Giám Đốc Học Vụ của Viện, đã lấy bằng Tiến Sĩ (Ph.D.) tại Viện Đại Học New York và đã trở về nước mở thêm chương trình đào tạo người hầu việc Chúa, với trình độ Cao Đẳng từ năm 1968. Ông là người có khải tượng lớn về Cơ-Đốc Giáo Dục và có tâm tình đào tạo người hầu việc Chúa. Ông dạy rất hay và được tất cả các sinh viên yêu thích. Ông rất yêu thương tôi và đời sống của ông đã gây ảnh hưởng rất nhiều trên sự hiểu biết lời Chúa và tinh thần hầu việc Chúa của tôi.

Năm 1973, qua sự giới thiệu của Mục Sư Lê Hoàng Phu, tôi đã được Tổng Liên Hội Hội Thánh Tin Lành Việt Nam cử đi Phi Luật Tân để hầu việc Chúa trong chương trình phát thanh Tin Lành của Đài FEBC. Lúc đó đã có ông bà Mục Sư Nguyễn Thỉ, ông bà Mục Sư Nguyễn Bá Quang và Mục Sư Trần Đào đang làm việc trong Ban Việt Ngữ tại Đài. Tôi cũng háo hức muốn xuất ngoại để được học hỏi và phục vụ tốt hơn. Nhưng dù có những cố gắng liên tục của Mục Sư Hội Trưởng Đoàn Văn Miêng, chính quyền lúc bấy giờ cũng không cho phép tôi và gia đình xuất ngoại.

Mục sư Đoàn Văn Miêng là người lãnh đạo Hội Thánh đầy ơn và đáng kính. Ông giảng Kinh Thánh rất hay, giọng nói thật truyền cảm và lưu loát. Tôi không quên câu nói của ông trong một bài giảng, “Phước hạnh của người hầu việc Chúa là được hầu việc Chúa.”

Mục sư Đoàn Văn Miêng là người lãnh đạo Hội Thánh đầy ơn và đáng kính. Ông giảng Kinh Thánh rất hay, giọng nói thật truyền cảm và lưu loát. Tôi không quên câu nói của ông trong một bài giảng, “Phước hạnh của người hầu việc Chúa là được hầu việc Chúa.”

Mục Sư Viện Trưởng Ông Văn Huyên, sau nầy là Hội Trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Miền Nam, cũng rất yêu thương tôi và khích lệ tôi rất nhiều. Qua sự yêu thương giúp đỡ của cụ và Ban Giáo Sư, tôi đã được phép cử hành Lễ Thành Hôn ngay tại thánh đường Thần Học Viện vào ngày 29 tháng 4 năm 1973. Vợ tôi cũng là một sinh viên của Viện và là con gái của một Mục Sư quá cố. Hôm đó nhân dịp có Lễ Tốt Nghiệp nên quan khách tham dự lễ cưới của vợ chồng tôi rất đông. Bước đầu việc lập gia đình của tôi thật may mắn và được phước. Đây thật là một vinh dự hiếm có mà Thần Học Viện dành cho một cặp vợ chồng sinh viên mới lập gia đình như chúng tôi. Hình ảnh đó vẫn còn sống động trong tâm tư tình cảm của tôi cho đến hôm nay, mỗi khi tôi nhìn lại tấm hình chụp chung trong ngày cưới, đang treo trong phòng khách.

Lòng biết ơn vẫn không phôi pha trong đời sống tôi đối với việc đào tạo và trọng dụng mà Hội Thánh Tin Lành Việt Nam đã dành cho vợ chồng tôi.

Một vài kỷ niệm khác cũng không thể nào quên được trong những ngày học tại Thần Học Viện Nha Trang:

Trong suốt 4 năm học tại Viện, tôi nhận được học bỗng do Mục Sư Giáo Sĩ Thomas Stebbins ở Đà Nẵng, vận động giúp đỡ. Ông là Giáo Sĩ thuộc Hội The Christian and Missionary Alliance đến từ Mỹ. Đây cũng là Hội Truyền Giáo Tin Lành nước ngoài đến đầu tiên và thành công nhất tại Việt Nam. Những ngày ở Viện tôi sống hoàn toàn bởi đức tin, học tháng nầy trông chờ học bỗng cho tháng tới. Học bỗng thường chỉ đủ để trả tiền ăn, còn tiền học thì được miễn. Ở Viện, tôi cũng giúp dịch bài học Kinh Thánh từ tiếng Anh sang tiếng Việt cho một Giáo sư Mỹ tên là R. F. Rexilius để ông dùng làm bài dạy, nên tôi cũng có thêm tiền ăn sáng. Mỗi cuối tuần, tôi và các bạn sinh viên đi ra phố, hay vào trại cải huấn để làm chứng đạo, rao giảng Tin Lành, dạy đạo cho thiếu nhi.

Trong một dịp lễ Giáng Sinh, các sinh viên của Viện đã được mời tham gia chương trình ca nhạc truyền giảng cho mấy ngàn sinh viên sĩ quan và hạ sĩ quan ở Trung Tâm Huấn Luyện Đồng Đế, nằm dưới chân rặng núi phía bắc thành phố Nha Trang và cũng không xa Viện bao nhiêu. Tôi được chọn làm diễn giả giảng Tin Lành trong chương trình nầy. Trước mặt tôi là một số tướng lãnh và vô số sĩ quan, những người chỉ huy sắp ra chiến trường, những người có lẽ tôi không bao giờ gặp lại. Tôi đã dùng câu chuyện Giáng Sinh để nói lên nhiều thái độ của con người đối với Con Trời. Đó là thái độ thờ ơ của các thầy thông giáo, thái độ chống đối thù nghịch của vua Hê-rốt, thái độ tìm kiếm tôn thờ Chúa của các Bác sĩ Đông phương và những người chăn chiên. Tôi kêu gọi một sự lựa chọn. Tôi hy vọng đã có một số người lựa chọn đúng thái độ đối với Con Trời.

Một vinh dự lớn khác là Ban Giáo Sư chọn tôi để trực tiếp dịch bài giảng của Mục Sư Louis King, là Tổng Thư Ký Hải Ngoại, sau nầy là Hội Trưởng, thuộc Tổng Hội Christian and Missionary Alliance từ New York đến thăm Viện. Thông thường các Giáo sư thay nhau dịch cho các diễn giả ngoại quốc. Lần nầy cũng là lần đầu tiên tôi được chọn làm việc nầy. Thật là hồi hộp và lo lắng.  Tôi đã nhờ cậy Chúa hết sức và cuối cùng Chúa cho tôi dịch trôi chảy được bài giảng. Buổi nhóm có đông người dự và được phước rất nhiều, nhất là khi nghe diễn giả nhắc đến những việc lạ lùng Chúa đã làm trên khắp thế giới. Sau buổi giảng, tôi sung sướng và hãnh diện được Viện Trưởng và các Giáo sư kể cả Giáo Sư Lê Hoàng Phu và các giáo sĩ Mỹ khen.

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ.

(Các phần còn lại sẽ được trích đăng trong những ngày kế tiếp)   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn