Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / Hướng Đi Magazine / Văn hóa / TẢN MẠN CHUYỆN GIA ĐÌNH

TẢN MẠN CHUYỆN GIA ĐÌNH

TẢN MẠN CHUYỆN GIA ĐÌNH:

 

15 NĂM Ở MỸ

Gia đình mục sư Huệ
Gia đình mục sư Huệ

Gia đình tôi từ Việt Nam đến Mỹ hôm nay được đúng 15 năm. 17 tháng 8 năm 1994 – 17 tháng 8 năm 2009. Từ Đà Lạt tới Dallas. Từ tù đày đến tự do. Từ lo âu đến bình an. Từ phân vân đến định hướng. Từ di cư đến ổn định. Gia đình tôi bây giờ “an cư lạc nghiệp” ở đất Mỹ rồi. Nhiều người nói sống ở Mỹ rồi, không muốn sống ở đâu nữa. Cũng có người nói sống ở Mỹ cực quá, sống ở Việt Nam nhàn hơn. Tôi thích sống ở Mỹ vì được tự do. Có Passport Mỹ đi đâu cũng dễ dàng. Dĩ nhiên sống ở Mỹ phải làm việc nhiều hơn. Không gì sung sướng hơn là làm được điều mình muốn làm, không ai ngăn cản.

 

Nhìn lại quá trình những tháng năm trôi qua trong cuộc đời, tôi cảm nhận được sự dẫn dắt đặc biệt của Chúa trong đời sống tôi, chức vụ của tôi và gia đình tôi. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, từ Thần Học Viện ở Nha Trang, tôi được Giáo Hạt Nam Trung Bộ bổ nhiệm đến hầu việc Chúa tại Hội Thánh Tin Lành Đà-Lạt. Năm 1978 đến 1984 tôi đi tù tập trung cải tạo. Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra. Tại sao? Tại sao tôi? Tại sao gia đình tôi? Bài học lớn nhất Chúa dạy tôi khi ở tù là, “Việc ta làm bây giờ con chưa biết, sau nầy con sẽ biết” (Giăng 13:7). Đây là câu trả lời mầu nhiệm của Chúa trước những câu hỏi của tôi. Ngài chỉ cần trả lời một câu là đủ hết, giải đáp hết. Tôi tin cậy Lời của Chúa. Quả thật câu trả lời nầy của Chúa đã ứng nghiệm cách kỳ diệu và thực tế trong cuộc đời hầu việc Chúa của tôi lần lượt năm nầy qua năm khác, mãi cho đến hôm nay.

 

Sau khi ra khỏi tù cải tạo, tôi không được phép quản nhiệm Hội Thánh Đà Lạt nữa và cứ tiếp tục sống giữ nhà thờ, giữ mình, giữ bầy. Chờ đợi. Và đợi chờ.  Thời gian ở Đà Lạt kéo dài 16 năm. Giống như những người đi tù cải tạo khác tôi cũng tưởng sẽ được đi Mỹ trong chương trình HO vì đã trải qua 5 năm 7 tháng 15 ngày tù cải tạo, nhưng vào năm 1991, khi gia đình tôi được gọi vào Sài Gòn phỏng vấn, phái đoàn Mỹ đã từ khước, không chấp thuận vì lý do tôi không phải là sĩ quan chế độ cũ. Thế là chúng tôi đành ở lại, mua nhà, cho con đi học trường mới, tìm cơ hội phục vụ Chúa qua việc dịch sách, làm diễn giả lưu động. Chúa có chương trình huấn luyện đào tạo tôi và gia đình tôi qua những khó khăn. Tiếp tục học bài học chờ đợi. Học sống tin yêu và hy vọng. Tin tưởng Chúa có chương trình khác tốt hơn. Chúa đóng cửa nầy, Ngài mở cửa khác. Ở Sài Gòn 4 năm. Chúa tiếp tục dẫn dắt và mở cửa. Đến năm 1994, tôi được Hội Thánh Báp-tít Đức Tin Việt Nam ở Dallas mời làm quản nhiệm Hội Thánh. Vợ chồng tôi và 3 con cùng bay đến Mỹ. Mọi chi phí máy bay do Hội Thánh lo. Hãy tưởng tượng niềm vui của sự đổi đời. Có tương lai. Tôi kể mình là một trong số những người may mắn, được Chúa hậu đãi. Tôi ở Dallas từ đó cho đến nay.

 

NGÀY ĐẦU ĐẾN NƯỚC MỸ

Tôi nhớ ngày đầu đặt chân đến Dallas, do chuyến bay thay đổi đến trễ, các tín hữu đến đón chúng tôi ở phi trường đã về nhà, chúng tôi không có số điện thoại để liên lạc được với ai, bơ vơ giữa phi trường vắng lặng về khuya. Cả nhà tưởng sẽ ngủ đêm giữa phi trường DFW hoàn toàn mới mẻ xa lạ. Nhưng cũng do Chúa dẫn dắt và nhậm lời cầu nguyện của chúng tôi, có một phụ nữ người Việt đến phi trường đón thân nhân đã hỏi han chúng tôi và đã trở về nhà liên lạc được với một chấp sự trong Hội Thánh. Thế là ông bà Đào Duy Tâm, chấp sự Hội Thánh đã lái xe đến phi trường đón chúng tôi giữa trời đêm vắng lặng, bầu trời tháng 8 đầy sao, và đã đưa chúng tôi về ngôi nhà mà Hội Thánh thuê sẵn cho gia đình Mục sư mới đến.  Ở Việt Nam gia đình Mục sư phải ở trong tư thất do Hội Thánh xây dựng ngay sát nhà thờ. Chúng tôi ở Đà Lạt 16 năm trong tư thất Hội Thánh như vậy. Nay qua Mỹ tôi phải có nhà riêng, bên ngoài khuôn viên nhà thờ. Đêm hôm ấy, bà chấp sự Thanh Xuân đã chuẩn bị một nồi cháo gà nóng đãi gia đình chúng tôi thật ngon. Nửa đêm rồi chúng tôi vẫn còn tỉnh táo. Ban ngày thì ngủ. Ban đêm thì thức. Suốt một tuần giấc ngủ mới được bình thường. Những kỷ niệm của ngày đầu tiên đến Mỹ thật khó quên. Tình cảm nẩy sinh. Ơn nghĩa đầy tràn. Thế là hết bơ vơ. Gia đình tôi ai nấy đều yên tâm bước vào cuộc sống mới.

 

KHI NÀO MỚI BIẾT LÁI XE?

Nhớ lúc trên đường từ phi trường về nhà trên xa lộ 635 tôi suy nghĩ không biết đến bao giờ mình mới lái xe được giống như mọi người. Không lái xe được thì làm sao ở Mỹ? Không lẽ đi bộ hoài. Phải thích ứng nhanh chóng đời sống mới để phục vụ. Phục vụ càng nhiều người thì địa vị càng lớn. Vài tuần sau, tôi đã thi bằng viết, đậu ngay, nhưng tập lái xe, phải thi mấy lần mới đậu. Kinh nghiệm mua xe cũ, rồi mua xe mới. Năm sáu tháng sau thì tôi đã có thể lái xe vững vàng. Và cũng như nhiều người khác, tôi cũng đã bị phạt ticket mấy lần vì vi phạm luật đi đường. Ở Mỹ không có cảnh sát đứng gác đường nhưng khó thoát chuyện vi phạm luật giao thông. Chạy nhanh. Speeding. Stop. Tôi cũng đã đi học defense driving. Tôi cũng ra toà vì không muốn đóng tiền phạt giao thông. Cuộc sống quen dần nơi quê mới.  Nhờ Hội Thánh giúp đỡ, gia đình tôi đã nhanh chóng hội nhập với đời sống ở Mỹ. Các con tiếp tục đi học. Vợ tôi cũng có việc làm. Vui buồn lẫn lộn. Năm năm sau tôi và gia đình được nhập quốc tịch Mỹ giống như hơn một triệu người Việt đang sống ở Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

 

Điều ngạc nhiên nhất tôi còn nhớ đến nay là trời Dallas mãi đến 8 rưỡi 9 giờ mới tối, không như ở Việt Nam 6 giờ trời đã tối. Ở Mỹ không có ngủ trưa như ở Việt Nam. Ở Mỹ có hai điều chắc chắn, một là đóng thuế và hai là chết. Hai cái quan trọng ở Mỹ là cái nhà và cái xe. Những cái quen thuộc ở Mỹ là nhà bank, credit card, debit card, computer, laptop. Và ở Mỹ, đặc biệt ở Texas cái gì cũng lớn, downtown, high way (xa lộ), nhà thờ Báp-tít Mỹ, Cowboy Stadium. Đất đai rộng lớn, lòng người cũng lớn theo.

 

CẢ GIA ĐÌNH CÙNG HẦU VIỆC CHÚA

15 năm trước vợ chồng tôi đến Mỹ với 3 đứa con, một gái hai trai. Nay gia đình tôi đã tăng lên gấp đôi. Bốn năm qua gia đình tôi có thêm bà ngoại nay 91 tuổi được vợ chồng tôi bảo lãnh từ Việt Nam qua. Bà cụ khoẻ mạnh (đọc báo không cần mang kính) và đang ở chung nhà với con trai tôi. Bốn thế hệ đang có mặt trong một đại gia đình. Cả ba con tôi khi mới đến Mỹ đều đang trong thời niên thiếu học Trung Học và bước vào Đại Học. Nay các con tôi đều tốt nghiệp Đại Học và đều có việc làm, nhà cửa. Con trai đầu của tôi, Đức Tuyên, đã học và làm Website Designer cũng giúp tôi design tờ báo Hướng Đi mỗi năm 4 lần. Tờ báo đã sống được 7 năm nay. Đức Tuyên đã lập gia đình với Betty Phạm (về nước cưới vợ) và đã có được một cháu gái, tên Jubilee.  Con gái đầu của tôi, Vĩnh Ân, đã lập gia đình và đã có ba con, một gái hai trai. Con rễ tôi là Quốc Hưng đang làm kỹ sư tại Texas Instrument và đang hướng dẫn ca đoàn Hội Thánh Đức Tin. Con trai út của tôi Thiên Minh vừa mới tốt nghiệp Master of Biblical Counseling ở Đại Chủng Viện Dallas (DTS) giống như năm 1999 tôi cũng đã tốt nghiệp bằng Master of Biblical Studies tại DTS sau năm năm vừa đi làm vừa đi học. Thiên Minh có tài cắm hoa, hát hay, giảng được, mới mua nhà riêng nhưng chưa chịu lập gia đình.

 

GIA ĐÌNH LÀ QUAN TRỌNG

Đối với tôi gia đình là quan trọng, là phước hạnh Chúa ban. Gia đình tôi được Chúa ban ơn phước “cả nhà hầu việc Chúa”. Hằng tuần vào ngày Chúa Nhật, con rễ tôi hướng dẫn ban hát lễ, con dâu và con út đàn piano, hướng dẫn chương trình ca ngợi thờ phượng, vợ tôi giúp đỡ giữ liên lạc hướng dẫn quý bà. Tôi thì chuyên giảng dạy Lời Chúa. Tuần nào Chúa cũng cho bài giảng mới. Vợ chồng tôi cùng đi thăm viếng tín hữu vào ngày thứ năm là ngày nghỉ của vợ tôi. Cảm ơn Chúa chỗ làm của vợ tôi cũng nhẹ nhàng, gần nhà. Mỗi thứ bảy cuối tuần vợ chồng bà cháu họp mặt gia đình đông đủ ăn chung món ăn Việt Nam. Cầu nguyện. Cảm tạ không thôi. Chúa nhật cả nhà ai nấy đều có mặt ở nhà thờ để phục vụ. Hiện nay số tín hữu nhóm lại được hằng tuần khoảng 250 người. Mỗi Chúa nhật sau giờ nhóm, có bữa ăn chung. Các gia đình từ Mục sư đến tín hữu thay nhau nấu ăn phục vụ cả Hội Thánh. Mỗi tháng có lễ tiệc thánh, thỉnh thoảng có lễ báp-têm, lễ dâng con. Hai tháng một lần có buổi huệp nguyện với các Mục sư trong vùng. Mỗi năm có chương trình truyền giảng chung, nhóm Giáng sinh chung. Mỗi năm Hội Thánh có trại gia đình riêng nhân dịp nghỉ lễ Labor Day vào đầu tháng 9. Cắm trại ngoài trời. Câu cá. Đá banh… Talent show. Hội Thánh là một gia đình lớn, gia đình Đức Tin. Mỗi năm có Lễ Mẫu Thân, Lễ Phụ Thân, Lễ Tạ Ơn, Lễ Giáng Sinh, Phục Sinh… Mỗi dịp lễ là một dịp đoàn tụ gia đình. Gia đình là quan trọng, gia đình là hạnh phước Chúa ban. Hội Thánh tôi có nhiều trẻ em ra đời. Hội Thánh có nhiều trẻ em là Hội Thánh có tương lai. Tang lễ trong Hội Thánh rất ít. Người già sống lâu hơn. Người tin Chúa có phước an hưởng tuổi vàng.

 

FAITH, FAMILY & FRIENDS

Đối với tôi thứ tự ưu tiên trong đời sống trước hết là Chúa, sau đó là gia đình, và tiếp theo là Hội Thánh. Faith, Family & Friends. Sống hạnh phúc, chết bình an. Phước cho người chết là chết trong Chúa. Hạnh phúc sống ở Mỹ là quyền tự do bản thân và riêng tư được tôn trọng. Nhân quyền được tôn trọng. Đời sống gia đình ở Mỹ thật tự do và đầy đủ nhưng tôi nhìn thấy trong những năm qua, có một thứ tự do đáng buồn là tự do đổ vỡ, phân ly trong gia đình. Những ràng buộc trong gia đình nhiều thế hệ đang bắt đầu lỏng lẻo. Con cái bỏ nhà ra đi vì nhiều lý do, không còn sống chung với cha mẹ nữa. Đây là điều đáng sợ nhất cho người Việt tha hương. Con số gia đình tan vỡ đang bắt đầu xảy ra nhiều hơn giữa các gia đình người Việt. Con số gia đình người Mỹ tan vỡ nghe nói đã đạt đến tỉ lệ đáng sợ: 50%. Mỗi ngày các học sinh đi về nhà chỉ thấy trong gia đình chỉ có cha, hoặc chỉ có mẹ. Mấy nằm gần đây, tình trạng gia đình tan vỡ đang xảy ra ở một số gia đình giữa Hội Thánh của tôi. Năm năm về trước chưa thấy chuyện nầy. Đời sống gia đình đang thay đổi. Và tôi bắt đầu thấy lo. Người Việt nổi tiếng thế giới về mối quan hệ nồng thắm bền chặt của gia đình. Người Việt ở Mỹ có thể giữ vững sự bền chặt của gia đình mình nữa không?

 

BUỔI LỄ KỶ NIỆM 20 NĂM

Mỗi gia đình cần tạo cơ hội hâm nóng tình yêu và nhớ lại lời thệ ước ban đầu. Hôn nhân là một giao ước mà mỗi người không thể quên. Hội Thánh tôi ở Dallas có thêm Mục Sư chuyên trách mục vụ gia đình. Hôm qua, August 16, 2009, tại nhà thờ và nhà hàng, tôi đã chủ tọa lễ kỷ niệm 20 năm ngày cưới của một gia đình tín hữu trong Hội Thánh. Anh chị Toàn & Trang có 4 con, ba gái một trai. Đẹp. An vui. Đây là lần đầu tôi chủ tọa một buổi lễ kỷ niệm như thế. Tôi thấy đây là kinh nghiệm rất vui thích. Một cơ hội để nhắc nhở về hạnh phúc gia đình. Trong bài giảng hành lễ tôi nhắc đến sứ đồ Phi-e-rơ. Tôi giảng về lời khuyên của sứ đồ Phi-e-rơ trong thư 1 Phi-e-rơ 3:1-7 với đề tài “KHÔNG QUÊN BỔN PHẬN VỢ CHỒNG.” Lời khuyên của Phi-e-rơ thật quý báu và có giá trị thực tế cả đến ngày nay. Lời Chúa ngàn đời dạy dỗ về gia đình vẫn không thay đổi và có giá trị y nguyên cho dù xã hội loài người đã đổi thay. Tôi thích sứ đồ Phi-e-rơ vì ông là người có gia đình và có kinh nghiệm cùng gia đình hầu việc Chúa. Kinh Thánh không nhắc đến con cái của Phi-e-rơ nhưng đã nhắc đến bà gia của ông (Mác 1:30-31) và vợ của ông mà ông đã dắt đi với ông khắp nơi (1 Cô-rinh-tô 9:5). Những Mục sư Tin Lành đáng phải cảm ơn ông Phi-e-rơ vì ông đã nêu gương gia đình hầu việc Chúa. Xưa nay nhờ gương của Phi-e-rơ mà các Mục sư đều có gia đình và đã sản sinh ra cho Chúa những người con nối gót cha ông dâng mình hầu việc Chúa, mở mang nước Chúa.

 

CHUYẾN ĐI DÀI 12 TIẾNG ĐỒNG HỒ

Đời sống gia đình thật hạnh phước những cũng có không ít khó khăn. Khó khăn giữa bản tính người nam, người nữ. Khó khăn giữa hai họ (in laws). Khó khăn trong vấn đề sử dụng tiền bạc. Khó khăn trong lời nói, trong cách ăn nết ở. Đó là lý do Chúa cho các Mục sư có gia đình để cảm thông các gia đình. Tôi cảm thông những khó khăn trong các gia đình tín hữu, những khó khăn tôi đã kinh qua. Nụ cười và nước mắt. Tranh cãi và lớn tiếng. Đổ thừa. Tại ai? Hội Thánh của tôi có mục vụ gia đình hữu ích, nhưng vấn đề của gia đình vẫn còn. Để bảo vệ các gia đình tín hữu, tôi sẵn sàng giúp đỡ, cũng sẵn sàng đi xa.  Tháng 8, 2009. Có một gia đình tín hữu trong Hội Thánh đang tạm phân li, vợ chồng con cái sống xa cách nhau. Người ở Dallas, người ở Iowa. Tôi đã quyết định đi thăm. Tôi nắm lấy cơ hội. Một cơ hội đầy kỷ niệm. Tôi thích đi xe để nhìn ngắm cảnh vật thiên nhiên khắp nước Mỹ nhưng cơ hội như thế không nhiều. Đây là cơ hội. Tôi mắm lấy cơ hội. Từ Dallas tới Iowa 763 miles và từ Iowa về Dallas 763 miles, đường đi thật xa, lái xe một chiều suốt 12 tiếng đồng hồ. Chuyến đi trải qua các tiểu bang từ Texas, qua Oklahoma, qua Missouri, qua Kansas, qua Iowa, qua South Dakota. Trên đường đi, tôi cảm kích vô cùng trước sự phong phú của nông nghiệp nước Mỹ. Tôi đã tận mắt nhìn thấy những đồng ruộng bạc ngàn trồng bắp và đậu nành trải qua các tiểu bang Mid West của nước Mỹ bao la. Tôi đã có dịp cùng gia đình người tín hữu, cả vợ chồng con cái dành một ngày lái xe đi chơi, thăm thắng cảnh, thăm viện bảo tàng. Chúng tôi cầu nguyện với nhau và xin Chúa giải quyết khó khăn, rịt lành những vết thương, hàn gắn những khoảng cách và ban hy vọng đoàn tụ sum họp. Và chuyến đi 12 tiếng nữa trở về, từ 9 giờ sáng suốt đến 9 giờ tối. Anh bạn tín hữu lái xe thật giỏi, không chịu nhường cho tôi lái một giờ nào. Qua bao nhiêu cánh đồng, qua nhiều xa lộ, qua bao nhiêu câu chuyện và lời cầu nguyện thầm kín thiết tha vì gia đình. Chờ đợi và cầu nguyện.

 

Còn cầu nguyện là còn hy vọng. Chúa đã nhậm lời cầu nguyện, Chúa đã hàn gắn, sau một tháng trông đợi, gia đình nầy cùng ba đứa con đã lại đoàn tụ trở về bên nhau tại Dallas trước mùa tựu trường. Lần nầy anh bạn tín hữu đã phải lái xe xuyên bang một mình để đón vợ con trở về. Đời sống gia đình ở Mỹ có lắm khó khăn. Nhưng tôi khám phá thấy một bài học quan trọng, gia đình nào còn yêu nhau, còn cầu nguyện chung với nhau thì còn hy vọng vững bền. Khó khăn nào cũng có thể vượt qua khi vợ chồng còn yêu nhau, còn chung một niềm tin, chung một chí hướng, chu toàn bổn phận, nhớ lời thệ ước đinh ninh. Người Việt có cái hay là ở chỗ biết tình biết nghĩa. Có tình có nghĩa. Vợ chồng sống đời với nhau là vì còn tình còn nghĩa. Con cái cũng là sợi dây bền chặt lôi kéo vợ chồng chung lo xây dựng tương lai. Gia đình nào cũng cần sự tha thứ, quên chuyện buồn cũ, hướng đến tương lai. Cố gắng của cả hai. Cả vợ lẫn chồng.

 

CHUYỆN NUÔI DẠY CON

Trẻ con ở Mỹ thật sung sướng, không thiếu gì. Trẻ con ở Mỹ được ưu tiên. Nhưng nuôi con ở Mỹ cũng rất khó khăn, đó là lý do người Việt bắt chước người Mỹ không chịu đẻ nhiều con. Trong khi người Mễ và người theo Hồi giáo thì không chịu kế hoạch gia đình. Dân số của họ tăng nhanh. Ở Mỹ có hai phe lớn tiếng. Phe Pro Choice va phe Pro Life. Ủng hộ phá thai và chống phá thai. Chuyện gia đình trở thành chuyện quốc gia đại sự. Tôi là người Pro Life. Nhưng tôi tôn trọng tự do của người khác. Tự do đi theo trách nhiệm. Tôi nghĩ người Việt nên sanh sản thêm nhiều ở đất Mỹ mênh mông. Gia đình phải có con. Nhiêàu con. Nhưng có con cũng phải biết nuôi con và dạy con. Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo. Hãy giáo dục bằng cách nêu gương tốt và không quên áp dụng kỹ luật ngay từ đầu. Trước sau như một. Hãy áp dụng kỹ luật trong tình yêu thương. Hãy biết khen con khi chúng làm việc tốt. Đừng chỉ có suốt ngày la rầy con. Người ta nói rằng nếu bạn thương con, bạn không nên lo để dành tiền nhiều cho con nhưng nên để dành thêm thì giờ với con. Tôi có đọc nhiều bài học về gia đình, những bài học thật hay. Những bài học về dạy con. Tôi đã đọc câu chuyện ngắn sau đây về kinh nghiệm dạy con trên một tờ báo Việt. Thật hay.

Cô giáo bảo:

– Thằng bé lại trốn học.

Tôi choáng váng:

– Mình cho con mọi thứ. Vậy mà…

Tôi muốn chạy về dần cho nó một trận nhưng sợ vợ xót nên bỏ đến nhà một người quen. Ông ta làm thợ nề, có đứa con trai năm nào cũng là học sinh giỏi, ngoan. Ông đang tắm cho con, cẩn thận kỳ cọ, vui vẻ cười đùa. Tôi kể hết chuyện về con mình và xin ông một lời góp ý. Ông lơ đãng hỏi đùa:

– Nầy, đã bao giờ cậu tắm cho nó chưa?

Tôi im lặng lủi thủi ra về.… (Nguyễn Chính).

 

GIÚP XÂY NHỮNG NGÔI NHÀ

An cư mới lạc nghiệp. Xây dựng gia đình cho người khác là một phước hạnh. Xây nhà cho người khác là cách Chúa giúp xây dựng nhà mình. Tôi nhìn thấy điều đó. Ban cho thì có phước. Đối với người Việt thì ngôi nhà là quan trọng. Ngôi nhà là tài sản, nhà là cơ nghiệp, là mái ấm gia đình. Tôi thương những người không nhà. Không nhà là không có nơi trở về. Không có giấc ngủ êm. Ở Mỹ người không nhà là những hình ảnh đáng thương. Homeless. Trong bốn năm qua, Hội Từ Thiện Hướng Đi đã vận động giúp xây được khoảng 70 ngôi nhà tình thương ở Việt Nam. Mỗi nhà là một gia đình. Nhìn hình ảnh những căn nhà tạm của người nghèo thật tội nghiệp, nhìn hình ảnh những ngôi nhà mới khánh thành với những nụ cười của những người có nhà mới thật thích. Tôi ước ao trong hai năm nữa số nhà tình thương sẽ tăng lên 100 nhân ngày kỷ niệm 100 năm Tin Lành đến Việt Nam. 1911-2011. It takes a whole village. Người Phi Châu hay nói phải có cả làng để xây dựng được một cuộc đời, một gia đình. Tiếng Gọi Tình Thương đang cần sự đóng góp của nhiều người có lòng thương, của tất cả các ân nhân người Việt tha hương để góp phần xây dựng những ngôi nhà tình thương cho đồng bào nghèo ở quê hương. Tôi vui vì sự hưởng ứng Tiếng Gọi Tình Thương của các ân nhân vẫn liên tục và những ngôi nhà tình thương vẫn tiếp tục được xây dựng. Những ngôi nhà tình thương do Hội Từ Thiện Hướng Đi vận động vẫn đang xây dựng từ Bắc chí Nam.

 

CHUYỆN CHÁU NỘI TÔI

Lo chuyện gia đình cho người khác cũng chính là lo cho gia đình mình. Sáng hôm ấy nhân dịp Lễ Độc Lập là ngày khai mạc Đại Hội Liên Hữu Tin Lành Báp-tít Việt Nam lần thứ 25 đang diễn ra tại Khách sạn Crown Plaza, Dallas. Hàng ngàn người từ khắp nước Mỹ về đây tham dự đại hội. Tôi cũng có nhiều việc tham gia trong đại hội thường niên nầy. Mới sáng, chưa tới giờ khai mạc, tôi được con gái đầu Vĩnh Ân với vẻ mặt nghiêm trang đến báo là vợ chồng trưởng nam của tôi là Đức Tuyên và Betty đã bị cảnh sát bắt dẫn đi rồi. Lý do là con trai tôi đã bỏ quên đứa con gái cưng đầu lòng 9 tháng tuổi trên xe. Xe tắt máy. Cháu bé nằm ngủ trên xe. Không ngờ bị bỏ quên. Mẹ cháu lo vội lên hội trường chuẩn bị đánh đàn và cha cháu cũng vội chuẩn bị ban hát cho kịp giờ khai mạc, và do vội vàng đã quên mất đứa con trên xe. Cảnh sát đi ngang qua phát hiện, xem số xe và hỏi ra cha mẹ nó đang trong ban hát lễ. Cảnh sát đến bắt cả cháu bé lẫn cha mẹ đi. Tin tức loan nhanh. Tin dữ. Xôn xao.

 

Tôi cố bình tỉnh giao phó việc lớn nầy cho Chúa và thầm xin Chúa giải cứu các con tôi. Tôi hình dung cảnh ma quỷ vô hình đang ra sức tấn công các gia đình, nhất là gia đình người hầu việc Chúa. Nhưng chắc chắn chúng sẽ không thành công. Tôi tiếp tục công việc. Bao nhiêu người hỏi han. Vợ tôi bức xúc buồn khóc suốt đêm. Tôi lại phải an ủi vợ. Con tôi từ nhà giam gọi điện thoại ra xin giúp đỡ. Cả gia đình lâm cơn thử thách. Mọi người quan tâm, thăm hỏi. Cơ quan bảo vệ trẻ em được báo cáo. Họ tìm người giữ bé Jubilee. Hôm đó ngày lễ July the Fourth, không có ai nhận giữ cháu bé. Thế là họ đồng ý giao cho con gái lớn của tôi chịu trách nhiệm giữ bé trong một tháng, cha mẹ chỉ được thăm nhưng không được ngủ lại qua đêm. Con gái lớn tôi là nhà giáo, có 3 con nhỏ nên phải ở nhà để giữ, không đi làm, nay nhận lời giữ thêm một đứa cháu nữa. Công việc gia đình bận rộn thêm nhưng là cơ hội để phục vụ gia đình. Cảm ơn Chúa về sự sắp xếp nầy. Vợ chồng con trai tôi được tạm giam tại Addison Jail một đêm, có luật sư Nguyễn Xuân Phước đến thăm và giúp thủ tục bail out. Câu chuyện diễn ra giữa đại hội nên ai nấy đều cảm thương và tìm xem cách gì giúp đỡ. Tình thương lây lan. Mục sư Chủ Tịch Liên Hữu Nguyễn Tấn Dương đứng lên thông tin và kêu gọi. Cả Đại Hội hưởng ứng cầu nguyện và giúp đỡ vợ chồng con trai tôi về phần tài chánh, số tiền quyên nhanh chóng có đủ để giúp việc bail out và trang trải chi phí ra toà. Có người đề nghị ký tên chứng thực cho con tôi đây là tai nạn, không phải cố ý. Hàng trăm người hưởng ứng. Tôi và gia đình chứng kiến những việc xảy ra với gia đình trong cơn thử thách bất ngờ và hết lòng cảm ơn Chúa về sự can thiệp của Chúa trong từng chi tiết. Cảm ơn Chúa về Hội Thánh, về Liên Hữu các Hội Thánh. Tình yêu liên đới và sự hiệp thông trong cùng thân thể đã hiển hiện. Có nhiều lý do để tin Chúa đã can thiệp. Cháu bé đuợc phát hiện sớm, chưa nguy đến tánh mạng giữa trời Texas nắng bức, và cháu được giao cho bà cô chăm sóc ngay trong ngày, không phải giao cho người ngoài nuôi giữ. Cả Hội Thánh biểu lộ tình thương đối với gia đình tôi. Không còn gì an ủi hơn. Tôi nhận biết chúng ta cần nhau trong lúc khó khăn. Không gia đình nào có thể sống một mình không cần ai khác. Đó cũng là lý do Chúa lập Hội Thánh và chúng ta luôn cần Hội Thánh. Hãy đi một nhà thờ thường xuyên. Hãy tham gia phục vụ. Hãy tỏ lòng rộng rãi. Hiếu khách. Sẽ có lúc mình cần được giúp đỡ. Thật cần.

 

CHÚA MỞ ĐƯỜNG CHO RA KHỎI

Sau một tháng dài chờ đợi, qua mấy lần đi học và thi đậu về cách nuôi con, vợ chồng con trai tôi đã được cơ quan Child Protection Service chứng thực và cho phép mang con về nhà, chờ đợi ngày ra toà. Hy vọng sẽ được toà dạy bảo, và bỏ qua. Lại chờ đợi. Lần nầy hy vọng hơn. Và hy vọng đã trở thành sự thật. Vượt hơn cả sự mong đợi. Một tuần sau khi cháu Jubilee về nhà với cha mẹ, tôi nhận được điện thoại báo tin mừng của con trai tôi: Luật sư cho biết vụ án con tôi đã được bỏ qua, không phải ra toà. Trắng án. Tha bổng. Việc Chúa làm cho gia đình tôi thật diệu kỳ. Bao nhiêu là bài học. Bao nhiêu là kinh nghiệm. Qua sự thử thách, Chúa kéo gia đình tôi lại gần hơn, gần Chúa, gần Hội Thánh. Lòng biết ơn không thể diễn được nên lời. Tôi nhìn thấy lời Chúa ứng nghiệm. Chúa không để con cái Chúa gặp thử thách quá sức chịu đựng của mình, ngay trong cơn thử thách, Chúa mở đường cho ra khỏi để chúng ta có thể chịu được. Cả nhà hân hoan. Hội Thánh hân hoan. Đáng ăn mừng. Cháu Jubilee qua 1 tháng đã tập tảnh biết đi và đi nhanh. Cháu qua 10 tháng tuổi. Cháu đang sống khoẻ, vui vẻû và lớn lên giữa thử thách thoáng qua của gia đình.

 

NHỮNG ĐẠI GIA ĐÌNH

Có ai bảo đảm mình là người cha người mẹ hoàn toàn? Cuộc sống gia đình không thiếu những thử thách bất ngờ. Chúng ta phải hoàn toàn nhờ cậy Chúa. Chúng ta phải bảo vệ gia đình. Chúng ta cần gia đình và cũng cần Hội Thánh nữa. Cảm ơn Chúa đã lập gia đình cho nhân loại. Ngài tham dự đám cưới và làm phép lạ đầu tiên hóa nước thành rượu để giúp đỡ một gia đình trong cơn túng thiếu. Chúa làm phép lạ trong gia đình Phi-e-rơ, gia đình ba anh em La-xa-rơ, Ma-thê, Ma-ri… Chúa đang làm phép lạ để ban phước cho gia đình con cái Chúa khắp nơi. Một người tin cả gia đình được cứu rỗi. Đó là những phép lạ giữa những gia đình. Tôi biết có những gia đình giữa vòng người Việt giống như gia đình tổ phụ Áp-ra-ham. Gia đình các tín hữu. Gia đình các Mục sư. Có những đại gia đình người Việt tin kính Chúa từ đời nầy truyền đức tin và gương sáng lại đời kia. Tôi không thể kể hết. Một trăm năm Tin Lành đã đến Việt Nam. Có bao nhiêu gia đình tin Chúa. Giống như Ti-mô-thê, đức tin có tính kế thừa. Từ ông bà cha mẹ. Gia đình cụ Biện Duân ở Đà Nẵng là ông ngoại của tôi, từ gia đình nầy sản sinh ra 12 gia đình Mục sư đang hầu việc Chúa khắp nơi, trong đó có gia đình tôi. Có những gia đình lớn khác nữa mà tôi biết. Có nhiều gia đình lớn tôi chưa biết. Tôi quý những gia đình có con cháu tiếp nối chức vụ hầu việc Chúa. Tôi biết gia đình Mục sư Nguyễn Xuân Ba, Nguyễn Xuân Hà, gia đình Mục sư Nguyễn Đích, gia đình Mục sư Đoàn Văn Miêng, Mục sư Lê Khắc Chấn, Mục sư Lưu Văn Mão, Mục sư Phạm Văn Năm, Mục sư Phạm Xuân Tín, Mục sư Nguyễn Xuân Vọng, Mục sư Phan Văn Hiệu, Mục sư Đặng Đăng Khoa, Mục sư Lê Văn Phải, Mục sư Hồ Xuân Phong, Mục sư Dương Kỳ, Mục sư Trương Văn Tốt, Mục sư Đặng Văn Sung, Mục sư Đặng Ngọc Cang… và nhiều gia đình Mục sư khác không kể hết được. Tôi cũng biết và không quên những gia đình tín hữu lớn khác như gia đình cụ Ngô An Cư, ông bà Nguyễn Hữu Sanh, ông bà Huỳnh Lực, ông bà Dương Hội, ông bà Phạm Văn Tạo, ông bà Đào Kỳ, ông bà Đào Duy Tâm.  Những gia đình danh giá làm nên các Hội Thánh.

 

Trong Kinh Thánh tôi thấy có những câu chuyện cả gia đình được phước với nhau nhưng cũng có những gia đình bị phạt cùng với nhau. Trong gia đình chúng ta có liên đới trách nhiệm. Đó là những bài học đáng nhớ nhất cho những người chủ gia đình. Có những người chủ gia đình phải can đảm bước đi bởi đức tin như Áp-ra-ham, “ra khỏi quê hương, nhà cha người và vòng bà con ngươi…” để xây dựng một dòng tộc mới. Tôi thường ước ao có nhiều người Việt noi gương tổ phụ Áp-ra-ham.

 

TRUYỀN THỐNG GIA ĐÌNH

Có một câu chuyện trong Thánh Kinh tôi rất thích. Câu chuyện về một gia đình không chịu uống rượu. Giê-rê-mi 35. Tiên tri Giê-rê-mi kể: “Tôi để những bình đầy rượu và chén trước mặt các con trai nhà Rê-cáp và nói với họ rằng, Hãy uống đi! Nhưng họ đáp rằng: Chúng tôi không uống rượu nào, vì tổ chúng tôi là Giô-na-đáp, con trai Rê-cáp, có truyền dạy chúng tôi rằng: Các con cho đến con cháu các con đời đời chớ có uống rượu… Chúng tôi vâng theo tiếng của tổ phụ chúng tôi, trong mọi điều người đã răn dạy chúng tôi, thì trọn đời chúng tôi, cho đến vợ, con trai, con gái chúng tôi cũng không uống rượu”. Không ai trong gia đình Rê-cáp uống rượu chỉ vì ông đã quyết định không uống rượu.

 

Thật là một truyền thống gia đình đáng nễ. Giống như người Amish, người Quaker, tiểu bang Pennsylvania ở Mỹ. Câu chuyện Thánh Kinh nầy nói lên sự ràng buộc của gia đình, sự kính trọng lời dạy tổ tiên, sự kết ước làm theo giao ước của gia đình. Tôi ước ao những gia đình người Việt khắp nơi hãy tiếp tục giữ vững truyền thống gia đình bền chặt dưới ánh sáng của lời Chúa. Hãy nhắc cho con em chúng ta nhớ những lời dạy đã làm nên văn hóa Việt của chúng ta như: Tiên học lễ hậu học văn. Đi thưa về trình. Gọi dạ bảo vâng. Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. Hãy dạy cho con em chúng ta học tiếng Việt. Tiếng Việt còn người Việt còn. Truyền thống hiếu kính cha mẹ, yêu thương anh em như thể tay chân, kính trên nhường dưới, quý trọng thân bằng quyến thuộc trong gia đình phải được duy trì và phát triển không ngừng giữa các thế hệ người Việt hôm nay.

 

Mục sư Nguyễn Văn Huệ.   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn