“TRỜI ƠI,
CƯÚ TÔI!”
“Chỉ có Trời cứu!”
Đứng trước những việc mà con người hoàn toàn không thể tự giải quyết, người Việt đều thốt lên câu nói: “Chỉ có Trời cứu!” Câu nói ngắn gọn nầy cho biết, từ trong sâu thẳm, người Việt tin có Ông Trời. Một Ông Trời đầy quyền năng. Một Ông Trời thương người và cứu người. Câu nói “Chỉ có Trời cứu” cũng nói lên sự tuyệt vọng của con người khi đối diện một nan đề quá lớn mà con người không thể tự cứu. Chỉ có Trời cứu, câu nói thật đúng, khi chúng ta suy nghĩ đến sự cứu rỗi linh hồn.
Từ xưa đến nay, loài người luôn luôn khắc khoải, tìm kiếm câu trả lời cho những vấn nạn sau đây: Tôi từ đâu đến? Tôi sống trên đời để làm gì? Tôi sẽ về đâu? Làm sao để tôi sống một đời sống có ý nghĩa? Làm sao để tôi có được đời sống thái an, không còn lo sợ sự chết hay bất trắc tương lai? Làm sao để tôi hưởng được sự sống đời đời?
Mục đích và ý nghĩa của đời sống là những vấn đề mà xưa nay con người tìm kiếm nhưng không thể nào có câu trả lời thỏa đáng. Mặc dù khổ công đi tìm mục đích và ý nghĩa của đời sống, chúng ta vẫn không ngừng cảm thấy trống vắng, hụt hẫng. Mỗi người chúng ta đều nghiệm thấy có một khoảng trống, một cái hố tâm linh sâu thẳm – một “khoảng trống do Trời tạo ra” – trong linh hồn của mỗi người chúng ta. Của cải vật chất hay danh vọng cao sang cũng không lấp đầy được khoảng trống tâm hồn. Những mối liên hệ với tha nhân, những thú vui, những cuộc giải trí, ngay cả những những sinh hoạt tôn giáo, đạo đức, hay tu luyện cũng không thể lấp đầy được sự trống vắng này.
Nguyên nhân của sự thiếu vắng và hụt hẫng nầy là do con người đã đánh mất sự hiện hữu của Đức Chúa Trời bên trong đời sống của chính mình! Khoảng trống nầy có kích cở “của một Ông Trời” và vì thế chỉ có Ông Trời mới có thể lấp đầy lại khoảng trống đó. Người Việt đã nhận thức phương cách duy nhất cho nan đề của loài người là “Chỉ Có Trời Cứu!” và “Phải Nhờ Trời!”
Tuy nhiên, trước khi chúng ta có thể thực sự kinh nghiệm về giải pháp từ thiên thượng, bạn và tôi cần nhận thức rõ về một nan đề mà mỗi người chúng ta đều cưu mang.
Nan Đề Của Nhân Loại:
Tội Lỗi Phân Cách
Kinh Thánh xác nhận nan đề trầm trọng của nhân loại là tội lỗi.
Đây là nan đề của cả loài người chứ không phải của riêng một ai. Tội lỗi không phải chỉ là những hành động sai trái nhưng là bản tính tự nhiên của loài người. Chúng ta đều là những tội nhân trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta không phải là tội nhân vì chúng ta phạm tội. Trái lại, chúng ta phạm tội vì chúng ta là tội nhân! Chúng ta được sinh ra với bản chất tội lỗi. Vua Đa-vít, nhà lãnh đạo nước Y-sơ-ra-ên thời Cựu ước đã nói rằng: “Tôi sinh ra giữa đời gian ác, được hoài thai trong cảnh tội ô” (Thi Thiên 51: 5). Vì là tội nhân từ trong trứng nước, sự vi phạm tội lỗi đến với chúng ta rất tự nhiên. Có nhiều điều không muốn nhưng chúng ta vẫn làm. Có những điều muốn nhưng chúng ta làm không được. Vì vậy, thật vô ích khi cho rằng giải pháp cho tất cả nan đề trong cuộc sống đến từ “nội tâm” chúng ta. Theo Kinh Thánh, nan đề là từ “nội tâm” chúng ta mà ra. Kinh Thánh xác nhận sự thật, “Ai dò được lòng người, gian dối, bại hoại đến mức vô phương cứu chữa” (Giê-rê-mi 17: 9).
Chúng ta mang bản chất tội lỗi bẩm sinh.
Tội lỗi lan tràn trong đời sống và trong mọi việc chúng ta làm. Mọi nan đề trong xã hội ngày nay có thể truy được căn nguyên phát sinh từ chỗ con người đã khước từ đi theo đường lối của Đức Chúa Trời. Trở về vườn Ê-đen, là nơi xuất phát loài người, A-đam (tổ phụ nhân loại) đã làm một sự lựa chọn, và ông đã mang lại hậu quả tai hại, tạo di sản cho toàn nhân loại bước theo vết xe đổ của tổ phụ loài người. Kinh Thánh giải thích, “Vì một A-đam phạm tội mà bao nhiêu người phải chết… Do tội của A-đam, mọi người bị kết án…” (La-mã 5: 12, 18).
Bạn có thể phản đối, “Điều này thật bất công! Tại sao tôi phải gánh lấy hậu quả vì tội người khác gây ra?” Có người nói, “Phải chi tôi là A-đam!” Nhưng nếu mỗi người có được cơ hội như tổ phụ A-đam, chúng ta cũng sẽ làm y như tổ phụ chúng ta đã làm. Thực vậy, không một ngày nào trôi qua mà chúng ta không đối diện cùng một trắc nghiệm như tổ phụ A-đam. Đức Chúa Trời cho chúng ta tự do lựa chọn giữa hai con đường riêng rẽ: một đường dẫn đến sự sống và một đường dẫn đến sự chết. Kinh Thánh dạy rằng: “Ngày nay, ta bắt trời và đất làm chứng cho các ngươi rằng ta đã đặt trước mặt ngươi sự sống và sự chết, sự phước lành và sự rủa sả. Vậy, hãy chọn sự sống, hầu cho ngươi và dòng dõi ngươi được sống” (Phục truyền 30: 19). Nếu bạn chưa tin nhận Chúa là bạn đang chọn sai, bạn đang chọn con đường dẫn đến sự chết thay vì sự sống.
Chúng ta đều thiếu hụt tiêu chuẩn
Có người nói rằng: “Nhưng tôi đã sống một đời lương thiện. Tôi cố gắng sống tử tế và nhân ái với mọi người. Tôi sống theo mười điều răn. Tôi cố giữ ngũ giới…” Bạn là người tốt theo tiêu chuẩn loài người. So với người khác bạn có thể có phần tốt hơn. Bạn là người đáng khen. Nhưng theo tiêu chuẩn từ trời thì bạn chưa tốt đủ. Những lời khen của người khác không thể cứu rỗi bạn. Bạn còn thiếu hụt tiêu chuẩn. Nhiều người trên thế giới đang cố giữ các điều răn, giới luật tôn giáo, nhưng sự thật là mười điều răn, hay luật pháp trong Kinh Thánh, được ban bố không phải để làm cho con người tốt hơn, nhưng để chỉ cho con người biết mình xấu tới mức nào! Kinh Thánh hé mở cho chúng ta biết: “Chiếu theo luật pháp, chẳng ai được kể là công chính, vô tội trước mặt Đức Chúa Trời, vì luật pháp chỉ giúp con người biết mình có tội” (La-mã 3: 20). Mục đích của luật pháp là giúp chúng ta nhận biết tình trạng bất toàn của mình. Bạn có thể nói rằng luật pháp được ban ra để “làm cứng họng” chúng ta và chỉ ra cho chúng ta biết chúng ta đang cần sự giúp đỡ và ơn tha thứ của Đức Chúa Trời về phần tâm linh như thế nào.
Hãy đọc những đoạn kinh văn dưới đây để bạn biết hơn về bản chất và tầm nghiêm trọng của tội lỗi.
1. Tất cả chúng ta đều thiếu hụt tiêu chuẩn
“Vì mọi người đều đã phạm tội, hụt mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.” La-mã 3:23.
Kinh Thánh dạy rằng: “Tất cả chúng ta đều phạm tội, thiếu hụt sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.” Với những ai cho mình ngoại lệ với chân lý này, Kinh Thánh đã nói rõ ràng: “Không một người nào tốt lành – dầu chỉ một người cũng không” (La-mã 3: 10). Từ ngữ khác chỉ về tốt lành là công chính. Công chính có nghĩa “công bình, đạo đức.” Khi Kinh Thánh tuyên bố rằng không có một người công chính, hay tốt lành, thật ra Kinh Thánh không đề cập nhiều đến cách cư xử bên ngoài nhưng đề cập đến tư cách bên trong. Kinh Thánh phơi bày chúng ta ra trước tiêu chuẩn toàn hảo của Chúa.
Chúa Cứu Thế dạy rằng: “Các con phải toàn hảo như Cha các con trên trời” (Ma-thi-ơ 5: 48). Người nào không toàn hảo như Đức Chúa Trời thì không được Chúa tiếp nhận. Thực tế là “Nhân vô thập toàn.” Chỉ có một người duy nhất toàn hảo là Chúa Cứu Thế Giê-su.
Một định nghĩa về tội lỗi bắt nguồn từ tiếng Hy-lạp, từ hamartia, nghĩa là “trật mục tiêu”. Chúng ta tất cả đều bắn trật mục tiêu. Mặc dầu bản chất tội lỗi khiến chúng ta khó lòng sống đúng theo tiêu chuẩn của Chúa, nhưng chúng ta không thể đổ lỗi cho bản chất tội lỗi. Bởi vì tội lỗi là hành động chủ ý của mỗi người chúng ta.
2. Tội lỗi là hành động chủ ý của chúng ta
“Còn anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình, đều là những sự anh em xưa đã học đòi, theo thói quen đời nầy, vâng phục vua cầm quyền chốn không trung tức là thần hiện đang hành động trong các con bạn nghịch. Chúng ta hết thảy cũng đều ở trong số ấy, trước kia sống theo tư dục xác thịt mình, làm trọn các sự ham mê của xác thịt và ý tưởng chúng ta, tự nhiên làm con của sự thạnh nộ, cũng như mọi người khác” (Ê-phê-sô 2:1-3).
Tội lỗi là một hành động cố tình cố ý của bản thân mỗi người chúng ta. Một từ khác chỉ về tội lỗi trong thư tín Ê-phê-sô là “lầm lỗi và tội ác.” Từ này nói lên sự lệch lạc hoặc lạc lối khỏi đường ngay thẳng. Đối lại với từ “thiếu hụt’”, đây là một hành động cố tình cố ý. Vì cớ tội lỗi là hành động cố tình cố ý, chúng ta không thể đổ lỗi cho người khác hoặc quy lỗi cho môi trường xã hội chúng ta đang sống. Tất cả mọi người đã chọn làm theo ý riêng của mình. Nếu chúng ta phản đối điều này, “chúng ta tự lừa dối mình và không chịu nhìn nhận sự thật” (1 Giăng 1: 8).
3. Hình phạt tối hậu của tội lỗi là sự chết
“Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta” (La-mã 6:23).
Sự trừng phạt tối hậu dành cho tội lỗi là sự hủy diệt (La-mã 6: 23). Căn cứ theo Thánh Kinh, chúng ta đã phạm tội với một Đức Chúa Trời thánh khiết. Chúng ta đã vi phạm luật thánh của Chúa. Không những chúng ta vi phạm một, hai lần, nhưng chúng ta đã vi phạm nhiều lần đến nỗi chúng ta không nhớ hết được. La-mã 6: 23 cảnh báo rằng: “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết…”. Tiền công là những gì ta nhận được sau khi làm xong công việc. Nói cách khác, bạn kiếm được tiền công khi làm xong công việc trong ngày. Vì mỗi chúng ta tiếp tục phạm tội, chúng ta sẽ gánh lấy tiền công là sự chết, là sự đày đọa và trừng phạt đời đời ở một nơi được gọi là hỏa ngục
Mặc dầu Kinh Thánh chỉ rõ hậu quả của tội lỗi là sự chết, Kinh Thánh cũng cho chúng ta biết chúng ta có tin mừng. Đức Chúa Trời quyết định cứu người. Ngài đã mở một con đường sống để chúng ta thoát khỏi án phạt tội lỗi. Ngài đã tạo điều kiện để chúng ta có mối liên hệ với Ngài và hưởng được một đời sống vĩnh cửu mà không bị trừng phạt.
Đây là giải pháp từ trời. Chúng ta đã thừa nhận có những việc chỉ có Trời cứu. Việc Trời cứu quả thật là một tin mừng.
Giải Pháp Của Đức Chúa Trời:
Con Trời Giáng Thế.
Đức Chúa Trời biết rõ nan đề của chúng ta. Ngài cũng biết chúng ta không có cách gì để tự giải quyết nan đề này. Vì yêu chúng ta, Ngài đã gửi Con Một của Ngài, là Chúa Cứu Thế Giê-su, xuống thế gian để làm nhịp cầu nối liền chúng ta trở lại với Ngài.
Chúa Giê-su có thể làm nhịp cầu nối lại sự gián đoạn
Trong lịch sử nhân loại, không có một ai như Chúa Giê-su. Vào đời, Ngài được thụ thai không như những hài nhi khác theo tính cách thông thường tự nhiên. Trái lại, Ngài được thụ thai cách siêu nhiên trong lòng một trinh nữ người Do Thái có tên là Ma-ri. Vì sự thụ thai siêu phàm đó, Chúa Giê-su, là một Đức Chúa Trời thánh khiết toàn vẹn, đã trở thành một người toàn vẹn.
Dầu Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời, Ngài đã chọn từ giã đời sống thiên đàng để đến sống trên đất như một con ngưòi. Mô tả sự hy sinh của Chúa Cưú Thế, Kinh Thánh chép rằng Ngài “tình nguyện từ bỏ tất cả, mang thân thể con người, cam chịu thân phận người nô lệ. Ngài đã xuất hiện như một người khiêm tốn, đi con đường vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (Phi-líp 2: 7-8). Điều quan trọng là Chúa Giê-su vẫn tiếp tục là Đức Chúa Trời khi Ngài xuống thế gian, mang xác thịt con người. Là Đức Chúa Trời, Ngài vô tội, toàn năng và biết hết mọi sự. Là người, Ngài có kinh nghiệm sống giống như chúng ta. Ngài có thể kinh nghiệm những cảm xúc như loài người. Ngài từng trải nếp sống của một con người từ những giờ phút vui mừng đến những ngày đau khổ tột cùng. Ngài biết mệt mỏi, lạnh lẽo, đói khát. Ngài khóc, buồn, vui. Ngài vừa là Trời vừa là người.
Hơn thế nữa, Ngài đến thế gian này với một mục đích rõ ràng: làm nhịp cầu giữa con người với Đức Chúa Trời.
Khi dân Do Thái trong thời Cựu Ước phạm tội, họ có thầy tế lễ thượng phẩm vào đền thờ và dâng một con thú làm sinh tế cho Đức Chúa Trời để chuộc tội cho họ. Trong cách tượng trưng này luật Trời cho phép đổ tất cả tội lỗi của con người vào con sinh tế, để con vật chết thay cho con người. Kinh Thánh dạy rằng, “Nếu không đổ huyết, tội lỗi chẳng bao giờ được tha thứ” (Hê-bơ-rơ 9: 22).
Hình bóng của sự dâng tế lễ được dân Y-sơ-ra-ên thực hiện trong thời Cựu Ước là hình bóng những gì Chúa Giê-su sẽ phải thực hiện khi Ngài đến thế gian này. Ngài đã gánh vác tội lỗi của toàn nhân loại trên thân thể của Ngài khi Ngài bị treo trên cây thập tự. Rất nhiều lời tiên tri trong Cựu Ước không những chỉ về sự giáng sinh và đời sống của Ngài nhưng cũng nói đến sự chết và cách chết của Ngài nữa.
Chúa Giê-su đã biết từ lúc ban đầu rằng Ngài đến để chịu chết cho tội lỗi của toàn thể nhân loại. Ngài cũng biết rằng sự hy sinh này sẽ xảy ra trên thập tự giá của người La-mã. Từ nơi được gọi là Sê-sa-rê Phi-líp, Ngài bắt đầu cuộc hành trình cuối cùng đến thập tự giá, và từ đây Ngài thường nhắc nhở với các môn đồ về nhục hình đang chờ đợi Ngài. Kinh Thánh ghi chép lại: “Từ lúc đó, Chúa Giê-su nói rõ cho các môn đệ biết chương trình Chúa lên thủ đô Giê-ru-sa-lem, chịu nhiều đau khổ do các nhà lãnh đạo Do Thái, và bị giết, nhưng ba ngày sau sẽ sống lại” (Ma-thi-ơ 16: 21).
Cuối cùng Ngài bị bắt vì sự phản bội của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, một trong mười hai môn đồ của Ngài. Nhưng đó không phải là một điều ngẫu nhiên. Nếu nhân loại sẽ phải đối diện với Đức Chúa Trời và bức tường ngăn cách với Chúa phải được hủy bỏ, thì phải có một cái gì đó lớn lao xảy ra. Đó là sự hy sinh mạng báu của Con Một Đức Chúa Trời. Nói cách khác, trên thập tự giá một tay Chúa Giê-su nắm chặt lấy Đức Chúa Trời thánh khiết, cánh tay kia Ngài níu kéo toàn thể nhân loại tội lỗi. Khi những cây đinh tàn nhẫn xoáy vào tay Ngài, Chúa đã san bằng vực sâu ngăn cách cho nhân loại.
Tuy nhiên, phải nhớ rằng ba ngày sau khi chịu thập hình, Chúa Giê-su đã sống lại từ cõi chết!
Chúng ta đã đóng đinh Chúa Cứu Thế trên thập tự giá
Sự kiện Chúa Giê-su cần phải chết trên thập tự giá cho thấy tình trạng hư hỏng, sa sút, nổi loạn của loài người là như thế nào. Người ta nói rằng bởi sợi dây dài mới biết được giếng sâu tới bao nhiêu. Khi nhận thức được sợi dây từ thiên đàng thòng xuống thế giới nầy dài bao nhiêu, chúng ta mới nhận thức được tình trạng khốn đốn của loài người bấy nhiêu.
Vì lý do đó, đừng trách cứ người thời xưa đã giết Chúa Giê-su trên thập tự giá. Chúng ta cũng có tội lỗi y như họ vậy. Trên thực tế, người đóng đinh Chúa Giê-su trên thập tự giá không phải là những người lính La-mã, hay những nhà lãnh đạo Do Thái nhưng chính tội lỗi của chúng ta đã khiến cho nhục hình và sự chịu chết đau thương của Ngài trở nên cần thiết. Mỗi người đều có thể nói, “Chúa chết vì tội lỗi của chính tôi!”
Hãy đọc những đoạn kinh văn và ghi chú dưới đây để hiểu một cách tỏ tường những gì Chúa Giê-su đã làm cho nhân loại chúng ta.
1. Sự minh chứng rõ ràng nhất về tình yêu
“Thật vậy, khi chúng ta còn yếu đuối, Chúa Cứu Thế đã theo kỳ hẹn chịu chết vì kẻ có tội… Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Chúa Cứu Thế vì chúng ta chịu chết” (La-mã 5: 6-8).
Chúa Giê-su không chết cho chúng ta trong khi chúng ta đang là bạn thân của Ngài, nhưng trong khi chúng ta đang là kẻ thù nghịch, chống trả Ngài bởi tội lỗi của chúng ta. Chưa hết, Đức Chúa Trời còn chứng tỏ tình yêu của Ngài với chúng ta bởi sự chịu chết trên thập tự giá. Trong đoạn kinh văn này, sứ đồ Phao-lô giải thích rằng Chúa Giê-su không chỉ đơn giản chết thay cho toàn nhân loại, nhưng Ngài đã chịu chết cho mỗi cá nhân chúng ta. Trong Ga-la-ti 2: 20, Phao-lô làm chứng rằng, “Ngài đã yêu thương tôi và dâng hiến mạng sống Ngài vì tôi.”
Có khi nào bạn nghi ngờ tình yêu của Chúa, hãy nhìn thật kỹ thập tự giá mà Chúa Giê-su đã bị treo thân. Rồi hãy nhận thức một cách thực tế rằng, không phải những cây đinh đã giữ Chúa trên cây thập tự mà chính là tình yêu Chúa đã dành cho bạn và tôi. Chúa chịu chết vì yêu bạn và tôi.
2. Chúa chịu nhục hình để chúng ta có thể được tha thứ
Bác sĩ Lu-ca đã tường thuật một phần chuyện tích Chúa chịu đóng đinh cách sống động như sau:
Chúng cũng đem hai người đi nữa, là kẻ trộm cướp, để giết cùng với Ngài. Khi đến một chỗ gọi là chỗ Sọ, họ đóng đinh Ngài trên cây thập tự tại đó, cùng hai tên trộm cướp, một tên bên hữu Ngài, một tên bên tả. Song Đức Chúa Giê-su cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì.” Rồi họ bắt thăm chia nhau áo xống của Ngài.
Dân chúng đứng đó mà ngó. Các người coi việc nhạo cười Ngài, rằng: “Nó đã cứu kẻ khác; nếu nó là Đấng Cứu Thế, Đấng Đức Chúa Trời đã lựa chọn, thì hãy cứu mình đi!” Quân lính cũng giỡn cợt Ngài, lại gần đưa giấm cho Ngài uống, và nói rằng: “Nếu ngươi là Vua dân Do Thái, hãy tự cứu lấy mình đi!” Phía trên đầu Ngài, có tấm bảng đề rằng: “Người Nầy Là Vua Dân Do Thái.”
Có một tên trộm cướp bị đóng đinh cũng mắng nhiếc Ngài rằng: “Ngươi không phải là Chúa Cứu Thế sao? Hãy tự cứu lấy mình ngươi cùng chúng ta nữa!” Nhưng tên kia trách nó rằng: “Ngươi cũng chịu một hình phạt ấy, còn chẳng sợ Đức Chúa Trời sao? Về phần chúng ta, chỉ là sự công bình, vì hình ta chịu xứng với việc ta làm; nhưng người nầy không hề làm một điều gì ác.” Tiếp theo anh lại nói: “Lạy Chúa Giê-su, khi Ngài đến trong nước mình rồi, xin nhớ lấy tôi!” Đức Chúa Giê-su đáp rằng: “Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi.”
Khi đó, ước giờ thứ sáu, khắp xứ đều tối tăm cho đến giờ thứ chín. Mặt trời trở nên tối, và bức màn lớn trong đền thờ xé chính giữa ra làm hai. Đức Chúa Giê-su bèn kêu lớn rằng: “Hỡi Cha, tôi giao linh hồn lại trong tay Cha!” Ngài vừa nói xong thì tắt hơi.
Thầy đội thấy sự đã xảy ra, ngợi khen Đức Chúa Trời rằng: “Thật người nầy là người công bình” Cả dân chúng đi xem, thấy nông nổi làm vậy, đấm ngực mà trở về” (Lu-ca 23: 32-49).
Nhiều người trong chúng ta đã từng được nghe qua câu chuyện này. Nhưng điểm đáng chú ý phía sau hậu trường thường bị thiếu sót hay dễ hiểu lầm. Đây không chỉ đơn thuần là một “ông thầy có lòng thương người” bị tử hình vì niềm tin của mình. Đây chính là Đức Chúa Trời trong thân thể con người bị treo trên cây thập tự, làm nhịp cầu nối liền giữa loài người tội lỗi và Đức Chúa Trời thánh khiết.
Phúc Âm Ma-thi-ơ 27: 46 ghi lại rằng khi Chúa Giê-su bị treo trên thập tự giá, Ngài đã kêu lớn: “Đức Chúa Trời ôi! Đức Chúa Trời ôi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?” Nhiều nhà giải kinh tin rằng những lời kêu thống thiết đó đã đánh dấu giây phút rõ ràng Đức Chúa Trời đã đặt tội lỗi của toàn thể nhân loại trên thân Con Một của Ngài.
Sách Ha-ba-cúc 1: 13 nói về Đức Chúa Trời thánh khiết, đã ghi lại:”Mắt Chúa quá tinh sạch không thể nhìn chuyện gian ác, xấu xa.” Vì lý do đó, Đức Chúa Cha thánh khiết đã phải “ngoảnh mặt” và trút đổ cơn thịnh nộ của Ngài vào Con Một của mình. Trên thập tự giá, Chúa Giê-su đã trả thay món nợ tội lỗi cho chúng ta. Ngài bị khước từ để chúng ta có thể được Đức Chúa Trời tiếp nhận. Đức Chúa Cha đã làm ngơ Con Trời trong một gian đoạn để chúng ta không bao giờ bị lãng quên.
3. Chúa Cưú Thế, Đấng Hoà Giải duy nhất
“Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Chúa Cứu Thế Giê-su, là người; Ngài đã phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người” (1 Ti-mô-thê 2: 5-6).
Tại sao chỉ có một đấng hoà giải duy nhất đủ quyền năng làm nhịp cầu nối liền giữa người và Trời? Đã không có những nhà lãnh đạo tôn giáo cho rằng mình có giải pháp để đưa nhân loại đến với Đức Chúa Trời sao? Sự thật hiển nhiên là không có một giáo chủ nào vừa là Đức Chúa Trời trọn vẹn vừa là con người hoàn toàn. Đó là lý do tại sao Chúa Giê-su có đầy đủ tiêu chuẩn để đối phó với tội lỗi. Chúa Giê-su phán rằng: “TA là Con đường, Chân lý, và Nguồn sống. Nếu không nhờ TA, không ai được đến với Cha” (Giăng 14: 6). Sách Công vụ 4: 12 dạy rằng: “Ngoài Chúa Giê-su , không ai có quyền năng cứu rỗi loài người, vì dưới bầu trời này, chúng ta không thể kêu cầu danh nào khác để được cứu rỗi.” Và quan trọng hơn hết, Chúa Cứu Thế Giê-su đã sống lại từ cõi chết.
Đây là lúc bạn phải quyết định. Không ai quyết định thay cho bạn được. Đây là lúc bạn phải lựa chọn, không ai lựa chọn thay cho bạn được. Đây là lúc bạn phải làm. Không ai làm thay cho bạn được. Bạn phải trả lời, không ai trả lời thay cho bạn được.
Đáp Ứng Của Mỗi Người:
Tiếp Nhận Sự Ban Cho Của Đức Chúa Trời
Bạn có thể đáp ứng cách tích cực hoặc tiêu cực. Chúng tôi tin rằng bạn sẽ đáp ứng cách tích cực. Đây là việc quan trọng quyết định số phận vĩnh cửu của bạn. Để được Trời cứu, bạn phải nhận biết mình là một tội nhân bị phân rẽ khỏi sự hiện diện của Chúa, và hy vọng duy nhất của bạn là Chúa Cứu Thế Giê-su, Con Một của Đức Chúa Trời. Ngài đã chịu chết thay cho bạn và Ngài cũng đã sống lại vì bạn. Tuy nhiên, nếu dừng ngang ở đây, bạn vẫn chưa được cứu rỗi.
Có hai việc mà bạn cần phải làm để nối lại sự liên hệ với Đức Chúa Trời. Cửa đã mở bạn phải dạn dĩ và nhanh chóng bước vào.
1. Bạn quyết tâm ăn năn và từ bỏ tội lỗi
Khi bắt đầu thiên chức công khai, sứ điệp đầu tiên của Chúa Giê-su là “Phải ăn năn” (Mác 1: 15). Chúa Giê-su đã khuyên bảo mọi người phải ăn năn nghĩa là nhận biết tội lỗi của mình, thay đổi tư tưởng, và thay đổi cách sống.
Ăn năn có nghĩa là như thế này. Trong quá khứ, chúng ta đã bị tội lỗi dắt dẫn khiến chúng ta đi con đường càng ngày càng xa cách Chúa. Khi ăn năn, chúng ta làm một vòng quay chữ U và bắt đầu chạy trở lại với Chúa. Chỉ đau buồn về tội của mình thì chưa đủ. Chúng ta phải thay đổi tư tưởng về tội lỗi. Xem tội lỗi là gớm ghiếc nghịch lại bản tính thánh khiết của Đức Chúa Trời. Chúng ta phải thay đổi nếp sống theo gương Chúa Cứu Thế vì Kinh Thánh dạy rằng: “Đau buồn theo ý Chúa thì con người hối cải để được cứu rỗi” (2 Cô-rinh-tô 7: 10). Nói một cách khác, nếu bạn thật sự đau buồn về một điều gì đó, hành động của bạn sẽ phải có sự thay đổi kèm theo.
Sứ đồ Phao-lô tóm tắt sự thay đổi này một cách ngắn gọn khi ông nhắc lại lời Chúa Giê-su sai phái ông đi truyền giáo khắp thế giới “để mở mắt họ, dìu dắt họ từ tối tăm qua ánh sáng, từ quyền lực Sa-tan quay về cùng Đức Chúa Trời. Nhờ niềm tin nơi TA, họ sẽ được tha tội và hưởng cơ nghiệp với các thánh đồ” (Công vụ 26: 18).
Bạn thấy không, có những điều chỉ có Chúa mới đủ quyền năng thực hiện và có những điều chỉ có bạn mới làm được thôi. Chỉ có Chúa mới cất được tội lỗi của bạn và ban cho bạn món quà của sự sống đời đời, nhưng chỉ có bạn mới có thể ăn năn tội lỗi và tiếp nhận Chúa Giê-su làm Đấng Cứu rỗi. Việc này nẫy sinh ra điều thứ hai bạn phải làm để đáp lại lời kêu gọi của Chúa.
2. Bạn tin cậy Chúa Cứu Thế Giê-su và đích thân tiếp nhận Ngài vào đời sống bạn.
Khi nhận thức được sự kinh khiếp của tội lỗi và quyết định từ bỏ tội lỗi, bạn cần phải tiếp nhận Chúa Giê-su làm Chúa và Chúa Cứu Thế của đời sống bạn. Tuy nhiên, trở thành Cơ Đốc nhân không phải chỉ là theo một giáo điều hay cố gắng sống theo một tiêu chuẩn nào đó. Chúa Giê-su phán rằng bạn phải được “tái sinh” hay nói cách khác bạn phải được “sinh lại từ trên cao” (Giăng 3: 3). Sự tái sinh tâm linh này xảy ra khi bạn tin nhận Chúa Giê-su cách cá nhân, bằng cách bạn mời Ngài ngự vào đời sống, và bạn khước từ đời sống tội lỗi. Nói cách khác, bạn mời Chúa Giê-su đến và ở lại trong đời sống bạn, làm những thay đổi cần thiết theo ý Ngài. Để trở thành con Vua Thánh, xứng đáng hưởng nước Thiên đàng, chúng ta phải được tái tạo thành con người mới.
Xin lưu ý rằng món quà sự sống mới này là do bạn cầu xin, và bạn nhận được hoàn toàn miễn phí. Bạn không cần phải lao khổ để có được sự cứu rỗi, hay cố gắng dọn rác đời sống trước khi bạn đi đến quyết định đổi đời này. Kinh Thánh dạy rằng “tặng phẩm của Đức Chúa Trời là đời sống vĩnh cửu trong Chúa Cứu Thế Giê-su, Chúa chúng ta” (La-mã 6: 23).
Trở nên Cơ đốc nhân cũng có nghĩa là bạn tiếp tục có mối liên hệ với Đức Chúa Trời cách sống động. Trong Khải Huyền 3: 20, Chúa Giê-su phán rằng: “Này, Ta đứng bên ngoài gõ cửa, nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa ra, Ta sẽ vào thăm, ăn tối với người, chỉ người với Ta.”
Để hiểu rõ câu kinh văn này hơn, điều quan trọng là chúng ta nên hiểu nền văn hóa vào thời đó khi câu kinh văn này được ghi chép. Ăn bữa chung trong thời Kinh Thánh là một công việc kéo dài. Không như chúng ta ngày nay là ngồi trên ghế tại bàn ăn cách nghiêm chỉnh, thời xưa họ ngồi dưới sàn nhà, tựa người bên chiếc gối được đặt cạnh chiếc bàn thấp. Không khí thư giãn gây cho bữa ăn không những ngon miệng nhưng những câu chuyện xoay quanh bàn thật thú vị. Bạn chia sẻ tâm tình và đời sống mình với những người ngồi cùng bàn với bạn.
Do đó, khi Chúa Giê-su phán rằng Ngài “ăn tối” với chúng ta, là Ngài hàm ý một mối thông công thân ái, gần gủi, và mật thiết giữa Ngài với chúng ta.
Phần Đức Chúa Trời ban tặng sự cứu rỗi, nhưng phần chúng ta phải hưởng ứng tiếng gọi của Ngài.
Để nghe tiếng Chúa mời gọi, chúng ta phải biết Ngài phán như thế nào. Một cách Chúa phán dạy chúng ta được diễn tả trong Kinh Thánh là “tiếng nói êm dịu, nhỏ nhẹ”. Điều này có thể được diễn tả như là một sự lôi kéo, thúc giục mà bạn cảm nhận được trong tâm hồn khi Chúa Thánh Linh cảm thúc bạn để bạn thấy mình đang có nhu cầu cần Chúa Cứu Thế Giê-su. Ngài đang mời gọi bạn ngay trong giờ phút này! Đây là thời điểm bạn nên “mở cửa ra.” Chỉ có một mình bạn mới làm được điều này. Chúa Cứu Thế sẽ không bao giờ ép bạn làm điều gì trái với ý muốn của bạn.
Cầu nguyện tiếp nhận Chúa Giê-su vào lòng bạn
Nếu bạn sẵn sàng từ bỏ tội lỗi và tin cậy Chúa Giê-su để nhận được sự tha thứ và nhận được sự sống vĩnh cữu, bạn hãy để dành vài phút, cúi đầu và cầu nguyện ngay giờ phút này theo lời cầu nguyện đề nghị như sau:
“Lạy Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo Hóa, là Đấng dựng nên đời con, con biết con đã phạm tội cùng Chúa, lâu nay con sống xa cách Ngài. Con biết rõ dù cố gắng bao nhiêu con vẫn không thể tự cứu rỗi lấy mình. Con cần được Chúa cứu hoàn toàn. Xin Chúa cứu rỗi con, và tha tội cho con. Con tạ ơn Chúa đã ban Chúa Cứu Thế Giê-su đến thế gian để chết thay cho con trên thập tự giá, đền tội cho con.
Lạy Chúa Cứu Thế Giê-su, con xin thành kính mời Chúa ngự vào tâm hồn con ngay giờ này, để làm Chúa, làm Đấng Cứu rỗi, và làm người bạn thân của con. Nguyện xin Chúa giúp con bước đi theo Ngài trong những ngày còn lại của cuộc đời con như một môn đồ trung tín. Con cảm tạ ơn Chúa đã tha thứ tội lỗi của con, tiếp nhận con và ban sự sống vĩnh cửu của Ngài cho con hôm nay. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-su. Amen.”
Cầu nguyện tái dâng đời sống bạn cho Chúa
Có thể bạn đã là con cái Chúa nhưng đang sống xa cách Ngài. Bạn đang sống đời sống như đứa con hoang đàng. Chúa sẽ tha thứ cho bạn nếu bạn chọn quay trở lại với Ngài ngay hôm nay. Ngài đã phán dạy như thế qua lời Ngài trong Giê-rê-mi 3: 22: “Các con cái bội nghịch, hãy trở về! Ta sẽ chữa lành sự bội nghịch cho.”
Nếu bạn muốn quay trở lại và tái dâng hiến đời sống mình cho Chúa, bạn có thể cầu nguyện theo lời đề nghị như sau:
“Lạy Đức Chúa Trời là Cha Thiên Thượng của con. Con rất ân hận đã sống xa cách Ngài. Con cầu xin Chúa tha thứ tội lỗi của con. Con không muốn sống xa cách Chúa như đứa con hoang đàng nữa. Con muốn trở về nhà Cha ngay hôm nay. Xin thương xót con và tiếp nhận con. Con tạ ơn Chúa đã tha thứ cho con. Con cầu nguyện trong danh Chúa Cứu Thế Giê-su. Amen.”
Dầu bạn cầu nguyện tin nhận Chúa lần đầu tiên hay tái dâng hiến đời sống, bạn đã có một quyết định đúng đắn. Đức Chúa Trời yêu thương đã tha thứ cho bạn và tiếp nhận bạn nếu bạn thực tâm cầu xin. Hãy biết rằng mối quan hệ với Chúa Cứu Thế Giê-su sẽ mang lại những thay đổi lớn lao trong đời sống bạn. Diễn tả điều này, Kinh Thánh ghi chép rằng: “Ai ở trong Chúa Cứu Thế là con người mới: cuộc đời cũ đã qua, nhường chỗ cho đời sống hoàn toàn đổi mới!” (2 Cô-rinh-tô 5: 17).
Đó chính là tin mừng! Nhưng quan trọng hơn, Đức Chúa Trời đã thay đổi số phận đời đời của bạn. Thay vì sống trong sự sợ hãi bị hình phạt đời đời ở một nơi được gọi là “hỏa ngục”, bạn sẽ kinh nghiệm sự vui mừng và bình an ngay trong đời nầy và bạn sẽ từng trải sự an bình đời đời trong sự hiện diện của Ngài nơi thiên quốc.
Chúc mừng bạn được Chúa cứu, Chúa thương.
Mục Sư Nguyễn Văn Huệ
tổng hợp