Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / Giới thiệu sách / Cơ Đốc Giáo Thay Đổi Thế Giới

Cơ Đốc Giáo Thay Đổi Thế Giới

Cơ Đốc Giáo Thay Đổi Thế Giới

How Christianity Changed the World

Tác Giả: Alvin J. Schmidt

codocgiao

 

Mục Đích Của Sách:

 

  • Tra cứu và dẫn chứng ảnh hưởng của Cơ Đốc Giáo trên thế giới hơn 2000 năm nay
  • Cho thấy ảnh hưởng của Chúa trong đời sống cá nhân và trong sinh hoạt tập thể
  • Cảnh cáo văn hóa hiện tại đang làm lu mờ ảnh hưởng Chúa Giê-su trong xã hội Tây phương

 

Sứ Điệp Của Sách:

 

Chúa Giê-su Christ, sự giáng sinh, sự sống, sự chết, và sự phục sinh đã ảnh hưởng sâu đậm trên đời sống cả nhân loại. Qua Chúa, xã hội và văn minh Tây phương đạt đến giá trị cao mà con người có được ngày nay.

 

Tám Điểm Chính:

 

Chúa Giê-su ảnh hưởng sâu đậm trên:

  • Sự biến đổi con người.
  • Giá trị của đời sống.
  • Tương trợ, thương xót, bệnh viện, y tế.
  • Giáo dục.
  • Độc lập và công lý, lao động và tự do kinh tế.
  • Khoa học.
  • Nghệ thuật, kiến trúc, văn chương, âm nhạc.
  • Ngày lễ, chữ dùng, ký hiệu, thành ngữ

 

  1. Sự Biến Đổi Con Người:

            “Dựa vào chứng cớ lịch sử, tôi hoàn toàn  tin tưởng là Chúa Giê-su không chỉ đi trên các đường mòn xứ Palestine để đau khổ rồi chết, và sống lại từ trong cõi chết, nhưng Ngài đã tụ họp chung quanh Ngài một nhóm môn đệ. Những môn đệ nầy đã đi tản lạc khắp Châu Âu và đã gieo rắc một nền văn minh cao, từ đó con người được hưởng cho đến ngày nay.”

Họ là những người Do Thái bình thường, vài người làm nghề đánh cá, trừ một người thâu thuế; hầu hết đều ở giai cấp thấp trong xã hội thời bấy giờ. Trong số họ có người thì tự tin, người thì muốn người khác để ý đến mình, người lại có bản tính nghi ngờ và người thì buồn bã. Chính những cá nhân bất toàn nầy đã vì Chúa Giê-su Christ, cuộc đời họ đã được biến đổi và họ biệt riêng đời sống mình ra để thay đổi xã hội, chính trị, kinh tế và văn hóa. Sự thay đổi nầy ảnh hưởng trên đời sống nhân loại cho đến ngày nay. Chưa kể, họ là những người đã ngủ say thay vì an ủi Chúa Giê-su trong đêm Ngài bị nộp ở vườn Ghết-sê-ma-nê. Phi-e-rơ, người rất tự tin, đã chối Chúa ba lần. Khi Chúa Giê-su bị đóng đinh chỉ có Giăng bên cạnh Chúa, ngoài ra những môn đồ khác đã trốn trong sự sợ hãi. Khi Chúa chết, đối với môn đồ lúc đó những kinh nghiệm giữa họ và Chúa đã qua rồi và sự sợ hãi đang phủ trùm trên đời sống họ. Họ đã sống gần Chúa ba năm, nghe Chúa dạy, nhưng họ lại quên lời Ngài: Con người phải chịu nhiều điều khốn khổ, phải bị các trưởng lão, các thầy tế lễ cả, và các thầy thông giáo bỏ ra, phải bị giết, ngày thứ ba phải sống lại” (Lu-ca 9: 22)

            Đến ngày thứ ba, khi các người đàn bà đến thăm mộ thì thấy ngôi mộ trống. Chúa xuất hiện với Ma-ri, sau đó với mười môn đồ trong một phòng đóng kín cửa. Thô-ma, không có mặt ở đó, ông không tin là Chúa đã sống lại, ông muốn thấy một chứng cớ, muốn chạm vào lòng bàn tay và sườn của Chúa. Tám ngày sau đó, lúc Thô-ma hiện diện, Chúa lại xuất hiện lần nữa và Ngài bảo Thô-ma sờ tay vào lòng bàn tay và hông Ngài. Khi Thô-ma chạm vào Chúa thì ông khóc, “Lạy Chúa tôi và Ðức Chúa Trời tôi!” (Giăng 20:28).

“Sự ăn năn của Thô-ma lúc nầy là điểm nổi bật nhất trong toàn bộ Kinh Thánh. Chúa Giê-su đã sống lại nầy không phải chỉ là người mà cũng chính là Đức Chúa Trời.”

Chúa đã xuất hiện ít nhất 10 lần nữa. Ngài bảo đảm với môn đồ rằng Ngài không phải chỉ là thần linh thôi, mà còn là xương và thịt nữa. Ngài ăn với họ. Cơ thể bằng xương, bằng thịt của Chúa sống lại đã biến đổi các môn đồ từ sợ hãi đến vững vàng, bảo đảm; từ nghi ngờ đến chắc chắn. Bấy giờ họ hiểu lời Chúa phán trước khi Ngài chịu đóng đinh trên thập tự giá, “Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi. Còn ai sống mà tin ta thì không hề chết. Ngươi tin điều đó chăng? (Giăng 11:25-26)” “Ðây là ý muốn của Cha ta, phàm ai nhìn Con và tin Con, thì được sự sống đời đời; còn ta, ta sẽ làm cho kẻ ấy sống lại nơi ngày sau rốt.” (Giăng 6:40)

Họ hiểu cách rõ ràng là một ngày nào đó những kẻ tin Chúa và tin sự sống lại của Chúa cũng sẽ được sống lại và ở với Ngài cho đến đời đời.

Họ hiểu rằng họ đã được biến đổi, và bởi sự biến đổi đó họ được khuyến khích để rao truyền sứ điệp nầy cho toàn thế gian. Họ không còn sợ hãi. Nhiều năm sau đó, họ bị nhà cầm quyền La Mã đe dọa. Để trả lời cho sự đe dọa nầy, Phi-e-rơ và Giăng đã quả quyết: “Vì, về phần chúng tôi, không thể không nói về những điều mình đã thấy và nghe” (Công-vụ 4:20). Họ đã sống qua sự kiện lịch sử nầy và sẵn lòng chết để chia xẻ nó. Chỉ trừ Giăng, còn lại các sứ đồ khác đã chết vì làm chứng cho Chúa. Quyền năng biến đổi đời sống con người của Chúa Giê-su không ngừng nơi các sứ đồ. Qua sự hiện diện của Chúa, đời sống các sứ đồ và nhiều tín nhân khác nữa đã được biến đổi. Họ đã để lại chứng tích trong lịch sử. Qua đời sống của Ê-tiên, Gia-cơ và Phao-lô, hằng trăm, hàng ngàn Cơ Đốc Nhân được cũng cố niềm tin dù họ bị thử thách trong khoảng ba thế kỷ sau sự chết của Chúa. Qua các triều đại của Nero (54-68) Domitian (81-96) Antonius Pius (138-161) Marcus Aurelus (161-80 A.D) Valerian (253-60 A.D) và nhiều triều đại khác nhiều con cái Chúa đã bị ngược đãi, hành hạ và bị giết.

Ban đầu, Cơ Đốc Nhân không hiện diện để thay đổi thế giới, nhưng thế giới đã chịu ảnh hưởng do những thành quả của Cơ Đốc Nhân. Họ đã từ khước việc thờ hình tượng và lối sống vô luân lý của xã hội Hy Lạp – La Mã. Họ hiểu rằng Chúa Giê-su không hứa hẹn cho họ một cuộc sống dễ dàng, không đau khổ. Trái lại, Chúa đã tiên đoán là họ sẽ bị ghen ghét vì danh Ngài. Con cái Chúa tiếp tục biến đổi đời sống sau kỷ nguyên Tân Ước. Chẳng hạn như John Hus, Martin Luther, Johann Sebastian Bach, William Wilberforce, David Livingstone, Dietrich Bonhoeffer và C. S. Lewis. Những người nầy đã giúp cho thế giới thành một nơi văn minh và có tình người. Giống như các Cơ Đốc Nhân thời trước họ đã sống theo lời Chúa Giê-su dạy: “Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời.” (Ma-thi-ơ 5:16)

 

  1. Giá Trị Của Đời Sống:

 

Thánh hóa sự sống

Những Cơ Đốc Nhân đầu tiên bàng hoàng trước giá trị thấp của con người dưới thời đại Hy Lạp – La Mã. Con cái Chúa tin rằng con người được dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời (Sáng-thế-ký 1:27). Đó là vinh quang của sự sáng tạo. Đời sống của nhân loại phải được bảo vệ và tôn trọng bất kỳ dưới hình thức nào. Con cái Chúa đã tích cực chống đối sự vô luân của các triều đại nầy về những vấn đề như giết trẻ con, ngược đãi trẻ con, phá thai, tế thần.

Những trẻ con sinh ra không được bình thường thì bị giết, các bé gái thường là nạn nhân. Cách cư xử nầy không chỉ ở triều đại Hy Lạp – La Mã mà rất thông thường ở những xứ Ấn Độ, Trung Hoa và Nhật Bản. Điều nầy cũng xảy ra ở trong miền rừng sâu của Ba Tây, trong vùng người Eskimo, nhiều vùng ở Phi Châu và cũng xảy ra ở Châu Mỹ.

Cơ đốc nhân đầu tiên phản đối việc giết hài nhi căn cứ vào điều răn của Chúa “Các ngươi chớ giết người”. Phản ứng của họ theo lời của Phao-Lô, được viết ra không lâu trước khi Phao-Lô bị Nero hành quyết “Ðừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa trước sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Ðức Chúa Trời là thể nào.”(Rô-ma 12:2)

Nếu những đứa bé được sanh ra ngoài sự mong mỏi của cha mẹ, thì cha mẹ thường ngược đãi các trẻ con nầy. Cơ Đốc Nhân không chỉ lên án hành vi ngược đãi trẻ thơ, khi có điều kiện họ còn đem những trẻ em kém may mắn nầy về nhà nuôi dưỡng. Măc dù họ bị bắt bớ trầm trọng, nhưng họ không ngừng nêu cao giá trị và sự thánh khiết của con người. Phải đến nửa thế kỷ sau, khoảng năm 374, đến thời đại Valentine, vị vua chịu ảnh hưởng của Bishop Basil vùng Cáp-Ba-Đốc, thì việc giết hài nhi và ngược đãi trẻ con mới bị coi là phạm pháp.

Phá thai cũng rất thông thường trong xã hội Hy Lạp-La Mã thời bấy giờ vì gia đình không muốn có con cái. Trước khi Chúa Giê-su ra đời, những triết gia như Plato, Aristote và Celsus đã công nhận hành động phá thai. Plato đã diễn tả tư tưởng “Đó là quyền của thành phố cho phép đàn bà xin được phá thai để tránh nạn quá đông đúc (Republic 5.461)” Cơ Đốc Nhân đầu tiên tin tưởng vào sự thánh khiết của con người, kể cả lúc còn trong lòng me.

“Hội thánh đầu tiên chống nạn phá thai, giết hài nhi và ngược đãi trẻ con, đó là điểm chính trong sự thiết lập nhân quyền của xã hội Tây Phương. Sự thánh khiết của sinh mạng, ngoại trừ việc phá thai, vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.”

Sự giết chóc trong những trò chơi giác đấu ngày xưa rất thông thường, Nhưng với ảnh hưởng của đạo Chúa, những trò chơi nầy không còn nữa.

 

Luân lý về luyến ái (Sexual Morality)

Các Cơ Đốc Nhân đầu tiên đã chống đối việc luyến ái vô luân của thời đại Hy Lạp – La Mã. Họ được thúc giục bởi lời Chúa Giê-su “Nếu các ngươi yêu mến ta, hãy vâng giữ lời răn của ta” (Giăng 14:15) và một trong mười điều răn của Chúa là “Các ngươi chớ phạm tội tà dâm.” Vì vậy, họ tuyệt đối không chấp nhận những hành vi luyến ái vô luân. Cũng vì vậy mà họ lại càng bị bắt bớ và ngược đãi.

“Bởi chống đối việc luyến ái vô luân của thời đại Hy Lạp – La Mã, cho dù đó là hành dâm, đồng tính luyến ái, luyến ái trẻ con …và bày tỏ luyến ái đẹp lòng Chúa, nên Cơ Đốc Nhân đã nâng cao luân lý. Đó là một trong những góp phần chính yếu vào nền văn minh nhân loại. Sự góp phần mà nhiều Cơ Đốc Nhân ngày nay (khoảng 83 phần trăm của dân Mỹ) không còn mến chuộng, họ có vẻ muốn trở lại con đường luyến ái thời cổ xưa.”

 

Đàn bà được tự do và trọng đãi

Như chúng ta thấy ngày nay, ở những xứ theo Hồi Giáo trong nhiều thế kỷ, đàn bà không được tự do và trọng đãi. Thời cổ xưa ở A-thên – Hy Lạp, đàn bà cũng chịu chung số phận. Họ không được rời nhà nếu không có đàn ông đi cùng. Họ không được ăn chung hay sinh hoạt với khách của chồng nếu khách là đàn ông. Đàn bà bị kỳ thị ngay từ khi còn là trẻ thơ. Nhiều bé gái đã bị giết sau khi sanh một thời gian ngắn. Nhiều em còn sống không được vào trường học. Suốt đời của họ, đàn bà hầu như không được phép nói chuyện trước đám đông và được khuyến khích nên yên lặng ở nhà.  Đàn bà La Mã được tự do hơn nhưng không có cơ hội như đàn ông.

Trái lại, qua sự dạy dỗ và việc làm của Chúa, Ngài đã nâng cao địa vị của đàn bà. “Bởi nói và làm, Chúa đã đi ngược lại quan niệm xưa cho rằng đàn bà là một thành phần kém thông minh trong xã hội. Chúa đã từng phán: “còn ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống và được sự sống dư dật” (Giăng 10:10b). Nếu có nhóm người nào cần đời sống phong phú, về cả hai phương diện tinh thần và xã hội, thì chính là những phụ nữ vào thời Chúa cũng như thời nay.

Chúa Giê-su đi ngược lại văn hóa thường tình, Ngài chấp nhận và quý trọng đàn bà như chúng ta thấy trong mẫu chuyện người đàn bà Sa-ma-ri (Giăng 4:5-29), chuyện giữa Ma-ri và Ma-thê (Lu-ca 10:38-42). Lời Ngài phán với Ma-thê trong Giăng 11:25-26 và sự xuất hiện của Ngài cùng mấy người đàn bà sau khi Ngài sống lại (Ma-thi-ơ 28:10). Hội Thánh Đầu Tiên đã chấp nhận phụ nữ trong vai trò lãnh đạo như đã được thấy trong ví dụ của A-phi-ra (Phi-lê-môn 2), Nym-pha (Cô-lô-se 4:15), Prissila (1Cô-rin-tô 16:19) và Phoebe (Rô-ma 16:1-2)

Tuy nhiên sau thời Các Sứ Đồ, khoảng 150 năm sau Chúa, nhiều nhà lãnh đạo trong hội thánh đã không còn trọng dụng phụ nữ. Điều nầy trái với sự dạy dỗ của Chúa và việc làm của Ngài. Dầu sao đi nữa thì đường lối của Chúa vẫn thắng hơn, cho nên trong văn hóa Tây Phương, phụ nữ được tự do và được quý trọng. Họ được đãi ngộ như một đơn vị độc lập chứ không phải là vật sở hữu. Họ có quyền coi sóc tài sản, chăm sóc và dạy dỗ con cái. Họ được quyền chọn người để kết hôn. Mặc dầu Chúa và các môn đệ Ngài không chủ trương phụ nữ phải làm cách mạng, nhưng các môn đệ Ngài đã làm gương qua sự cư xử và quý trọng đàn bà, cũng như bênh vực quyền lợi và tự do của họ.

 

Chống đối nô lệ

Sự chống đối và bãi bỏ nô lệ là căn bản trong sự dạy dỗ của Cơ Đốc Giáo buổi ban đầu. Vào thời Chúa Giê-su, 75 phần trăm dân số thời bấy giờ ở A-thên và hơn phân nửa dân số ở La Mã là nô lệ. Trong thơ tín gửi cho người Ga-la-ti, Phao lô đã dạy Phi-lê-môn là không nên giữ Ô-nê-sim làm nô lệ, mà hãy đối xử với Ô-nê-sim như là anh em. Phao-lô nói với người Ga-la-ti là “Tại đây không còn chia ra người Giu-đa hoặc người Gờ-réc; không còn người tôi mọi hoặc người tự chủ; không còn đờn ông hoặc đờn bà; vì trong Ðức Chúa Jêsus Christ, anh em thảy đều làm một” (Ga-la-ti 3:28). Việc chống đối nô lệ không được phổ thông trong thời Hy Lạp-La Mã, hoặc ở Anh Quốc hoặc Mỹ Quốc trong khoảng năm 1800. Qua lịch sử, chúng ta thấy Cơ Đốc Giáo đã hết sức cương quyết trong việc giải phóng nô lệ.

“Đầu thế kỷ thứ tư, Lactantuis trong Devine Institute cho rằng trong mắt Chúa không có nô lệ. Thánh Augustine (354-430) xem nô lệ như là sản phẩm của tội lỗi và chống nghich với chương trình của Chúa. (The City of God 19.15). Thánh Chrysostom, vào thế kỷ thứ tư, đã giảng rằng khi Chúa đến Chúa vô hiệu hóa nô lệ. Theo ông, “Không có nô lệ trong Chúa Giê-su, vì vậy con người không cần phải có nô lệ. Mua họ về, dạy họ khả năng để có thể tự săn sóc chính mình, sau đó hãy cho họ tự do” (Homily 40 on I Cô-rin-tô 10). Dưới sự lãnh đạo của William Wilberforce, đồng thời qua việc làm và sự can đảm của ông, chế độ nô lệ đã chấm dứt ở những thuộc địa của Anh Quốc. Vào ngày 26, Tháng 7 Năm 1833, vài ngày trước khi ông qua đời, Wilberforce đã nhận được tin là (Parliament) quốc hội Anh đã thông qua đạo luật bãi bỏ nô lệ, đạo luật nầy đã giải phóng 700,000 nô lệ lúc bấy giờ.

Ở Mỹ, nô lệ còn tiếp tục cho đến giữa thế kỷ 19. Nhiều người can đảm đã bị bắn chỉ vì họ đã cho học trò da đen vào đại học, Harriet Beecher Stowe đã cho xuất bản “Uncle Tom’s Cabin”, John Hersey xuất bản “Appeal to Christian on Subject of Slavery”. Julia Ward Howe đã xuất bản “Battle Hymn of the Republic” và vớí sự cộng tác của nhiều người khác, họ đã đấu tranh, đã chết để chấm dứt chế độ nô lệ. Cuối cùng là Abaraham Lincoln, đã chính thức chấm dứt chế độ nô lệ ở Mỹ vào năm 1863.

 

  • Tương Trợ, Thương Xót, Bệnh Viện, Y Tế:

 

Tương trợ

Vào thời đại Hy Lạp-La Mã, việc săn sóc người nghèo và già cả hoặc người sắp chết là việc hiếm có. Thông thường, con người thỉnh thoảng cũng cho, nhưng thường mong được trả lại. Nhưng trong xã hội Cơ Đốc, con cái Chúa dâng tiền để giúp đỡ những người nghèo khổ hoặc đau yếu mà không bao giờ mong được trả lại. Cơ đốc nhân dâng hiến vì lòng yêu thương: “đây là tình thương: không phải chúng ta yêu Chúa, nhưng chính Chúa đã yêu chúng ta và cho con độc sanh của Ngài chết cho tội chúng ta. Bạn yêu dấu, vì Chúa yêu chúng ta nên chúng ta cũng yêu lẫn nhau” (I Giăng 4:10-11) và Phao-lô có dạy: “Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa” (Phi-líp 2:4).

 

Thương xót  

Thời xa xưa, không mấy khi người ta thương xót chỉ vì điều nầy đi ngược lại sự dạy dỗ của một số nhà triết học. Plato và nhiều người khác cho rằng nên để cho người nghèo chết nếu họ không còn làm việc được. Xã hội Hy Lạp – La Mã cho rằng những người nghèo khổ, đói kém, bệnh tật không đáng sống.

Chúa Giê-su chứng minh ngược lại “Ngài ở thuyền bước lên, thấy đoàn dân đông đúc, động lòng thương xót, mà chữa cho kẻ bịnh được lành” (Ma-thi-ơ 14:14). Nghe theo sự dạy dỗ của Chúa, những Cơ Đốc Nhân đầu tiên tìm kiếm và thương xót những người đau yếu, sắp chết mà không hề nghĩ đến việc họ sẽ trả ơn lại. Họ không những tử tế với người đau yếu, sắp chết mà còn tử tế với người già và trẻ mồ côi.

Sư tương trợ và thương xót vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay. Cơ Đốc Nhân giúp đỡ một cách kín đáo hoặc qua các cơ quan thiện nguyện. Trong những trường hợp nầy, người được trợ giúp thường không biết là sự tài trợ họ được là do ảnh hưởng của Cơ Đốc Giáo.

“Nói tóm lại, mỗi khi làm việc xã hội, tín nhân luôn nhân danh Chúa mà làm. Vì chính Chúa đã hà hơi trên những người theo Ngài để cho và giúp đỡ những kẻ kém may mắn, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giai cấp. Cơ Đốc Nhân đầu tiên đã làm gương cho những người theo sau mình. Gương mẫu nầy được thế giới bắt chước và làm theo.”

 

Bệnh viện – Y tế

Trong Ma-thi-ơ 25:45, Chúa Giê-su đã phán “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi không làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy, ấy là các ngươi cũng không làm cho ta nữa.” Cơ đốc nhân theo lời dạy của Chúa chống lại nạn giết hài nhi, phá thai, ngược đãi trẻ con. Họ săn sóc người đau yếu. Họ theo Chúa khi Ngài chữa bịnh cho người mù, người bại, người điếc, người cùi… Mỗi khi Chúa chữa bịnh, Ngài luôn chú trọng đến tình trạng thuộc linh của người được chữa lành. Điều nầy trái hẳn với quan niệm thời Hy Lạp – La Mã. Dionysius, một giám mục vào thế kỷ thứ ba, đã mô tả lại tình trạng nầy khi những người theo họ bị bịnh “Họ quăng những người bắt đầu bị đau và tránh xa những người nầy cho dù họ là bạn bè thân thiết, và họ để những người nầy bên vệ đường nửa sống nửa chết, đến khi những người nầy chết lại không được chôn cất” (Works of Dionysius, Epistle 12.5)

Những Cơ Đốc Nhân đầu tiên vì bị bắt bớ cho nên họ chỉ săn sóc những người đau khi họ gặp được. Mãi cho đến năm 369 họ mới thành lập một bệnh viện. Chứng tích còn lại cho biết là bệnh viện nầy có cả đơn vị phục hồi chức năng làm việc và những lớp tập tành giúp đỡ bệnh nhân sinh hoạt trong thời gian phục hồi sức khỏe. Điều nầy cho thấy quan niệm về đời sống con người rất cao theo tinh thần của Chúa qua những người theo Ngài.

Cơ đốc giáo cũng bắt đầu xây dựng những viện tâm thần, viện dưỡng lão và hội Hồng Thập Tự.  Fielding Garrison, một bác sĩ, đồng thời cũng là một sử gia về y tế nhận định: “Thành công nổi bật của y khoa trong thời trung cổ là việc thành lập bệnh viện và nơi chăm sóc người đau yếu, khởi nguồn từ sự dạy dỗ của Đấng Christ.”

 

  1. Giáo Dục:

            Chúa Giê-su là vị giáo sư danh tiếng toàn cầu. Ngài đã dạy dỗ nhiều người hầu cho họ trở thành người dạy dỗ người khác. Ngài dạy các môn đồ “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Ðức Cha, Ðức Con và Ðức Thánh Linh mà làm phép báp têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” (Ma-thi-ơ 28:19-20) Họ tuân theo lời Chúa một cách nghiêm chỉnh như Lu-ca đã chép trong Công-vụ “Ngày nào cũng vậy, tại trong đền thờ hoặc từng nhà, sứ đồ cứ dạy dỗ rao truyền mãi về Tin Lành của Ðức Chúa Jêsus, tức là Ðấng Christ.” (Công -vụ 5:42)

Sự dạy dỗ trên đây vẫn cứ tiếp tục sau khi các sứ đồ qua đời. Năm 150, Justin Martyr thành lập trường dạy lời Chúa cho những tín nhân tân tòng (Catechetical school) ở Ê-Phê-Sô và La-Mã. Sau đó những trường nầy dạy đọc, viết và thêm vào các môn học khác. Những trường nầy theo sát sự dạy dỗ của Chúa nên đã gặp nhiều khó khăn lúc ban đầu vì giáo sư cộng tác là những người có quan niệm của xã hội đương thời. Các trường nầy có học sinh cả nam lẫn nữ, không phân biệt giai cấp và chủng tộc. Điều nầy rất hiếm trong văn hóa thời bấy giờ.

Khoảng giữa năm 1500, Martin Luther and John Calvin đã thuyết phục nhà cầm quyền để dùng thuế cho dịch vụ giáo dục. Đến khoảng năm 1700 thì sự giáo dục đã mở rộng cho người điếc và khoảng năm1800 thì có những trường học cho người mù.

Văn hóa của thời đại Hy Lạp – La Mã có triết lý về giáo dục cao nhưng họ chưa có trụ sở thường trực hay là thư viện. Những viện đại học đầu tiên đều là một phần trong chủng viện. Thư viện đầu tiên do Benedictine thành lập vào năm 528 trong chủng viện ở Monte Cassino thuộc nước Ý. Nhiều chủng viện khác nữa được dựng nên tại những địa điểm khác nhau. Tất cả đã đem lại giá trị lớn cho văn chương, đặc biệt là những tài liệu cổ xưa. Thư viện Benedictine là thư viện đầu tiên đã thâu thập sách và nhiều bản thảo kinh văn (manuscripts).

Mặc dù thư viện và chủng viện không phải là đại học toàn khoa, nhưng từ đó mà những đại học toàn khoa được dựng nên khoảng thế kỷ 12 cho đến thế kỷ 13. Nhiều người Mỹ ngày nay không biết rằng tất cả các đại học toàn khoa và đại học trung cấp đã được dựng nên trước Chiến Tranh Cách-mạng (Revolutionary War), đều khởi nguồn từ Cơ Đốc Giáo, chỉ trừ đại học ở Pennsylvania. Trong xã hội văn minh tân tiến Âu Tây ngày nay, rất ít người biết sự góp phần của Cơ Đốc Giáo vào nền giáo dục mà họ rất trân trọng.

 

  1. Độc Lập và Công Lý, Lao Động và Tự Do Kinh Tế:

 

Độc lập và Công lý

            Quan niệm về luật tự nhiên đã mọc rễ trong văn hóa Hy Lạp – La Mã. Luật nầy cho rằng con người có thể căn cứ vào những điều xảy ra trong thiên nhiên hợp lý mà cho rằng đúng hoặc sai. Điều đó đuợc xem như nền tảng của luật lệ trong văn hóa thời bấy giờ. Cơ Đốc Nhân có quan niệm khác. Họ tin rằng luật tự nhiên là một phần trong sự sáng tạo của Chúa. Ngài dựng nên vũ trụ và con người một cách trật tự để con người dựa vào đó mà phân biệt đúng hoặc sai. Mười điều răn của Chúa đã cho biết thứ tự của luật lệ.

Tại những quốc gia như Mỹ, nơi mà Cơ Đốc Giáo được tôn trọng, tự do và công lý được cải tiến xa hơn so với những quốc gia không có Cơ Đốc Giáo. Alexis de Tocqueville xét ‘Không có một quốc gia nào trên thế giới trong đó đạo Chúa ảnh hưởng trên linh hồn con người hơn là nước Hoa Kỳ.’

 

Lao động và tự do kinh tế

Làm việc bằng chân tay không được xem trọng trong văn hóa Hy Lạp – La Mã. Việc làm tay chân được xem như là việc của nô lệ hoặc của những người ở giai cấp thấp. Điều nầy tương phản với quan niệm của Cơ-đốc nhân. Con cái Chúa quý trọng lao động. Gương mẫu của họ là Chúa Giê-su. Ngài đã làm thợ mộc. Phao-lô làm nghề may trại để có thêm lợi tức khi ông đi truyền giáo. Quan niệm của Cơ Đốc Giáo không hợp với người La Mã vốn xem thường lao động tay chân. Bởi lẽ đó, con cái Chúa bị bắt bớ càng dữ dội hơn. Thêm vào đó, con cái Chúa đòi hỏi phải trả công cho người làm việc theo như lời Chúa Giê-su dạy “người làm công đáng được tiền lương mình” (Lu-ca 10:7). Trong thơ tín Phao-lô viết cho người Tê-sa-lô-ni-ca, ông đã viết rõ ràng “nếu ai không khứng làm việc, thì cũng không nên ăn nữa.  “ (2Tê-sa-lô-ni-ca 3:10)

Trước Cơ Đốc Giáo, không có giai cấp trung lưu trong văn hóa Hy Lạp – La Mã, chỉ có hai hạng người trong xã hội: giàu hoặc nghèo và người nghèo thường bị làm nô lệ. Tuy nhiên khi Cơ Đốc Giáo có ảnh hưởng mạnh hơn, giai cấp trung lưu bắt đầu ở Âu Châu đã làm cho nạn nghèo đói giảm đi rất nhiều.

Nguyên tắc làm việc mới và sự thạnh vượng (so với tình trạng bần cùng trước kia) đã mang lại tự do cho cá nhân, điều mà từ trước đến giờ chưa từng có về phương diện kinh tế, chính trị và xã hội. Ý niệm về quyền sở hửu riêng được thể hiện trong sự tự do mới nầy. Điều răn “ngươi chớ trộm cắp” củng cố quan niệm về quyền sở hữu của con người.

Tự do kinh tế cũng được Chúa Giê-su dạy dỗ. Trong khi một số con cái Chúa bán hết gia tài điền sản để chia xẻ với những người đang cần, ‘Trong cả Tân ước lẫn Cựu ước không có điểm nào Chúa chối bỏ tự do về kinh tế của con người như là các thể chế fát xít, xã hội, cộng sản. Những thí dụ của Chúa Giê-su đã đụng đến vấn đề kinh tế và luôn đưa dẫn đến tự do về kinh tế’, chẳng hạn như một người có tự do chọn cách đầu tư hoặc không đầu tư những năng khiếu mà họ được ban cho: “nên tôi sợ mà đi giấu ta-lâng của chúa ở dưới đất; đây nầy, vật của chúa xin trả cho chúa”. (Ma-thi-ơ 25:15)

            Sự quý trọng lao động, quan niệm về tự do cá nhân cũng như tự do kinh tế trong văn hóa Âu Tây chính là sản phẩm của Cơ Đốc Giáo.

 

  1. Khoa Học:

 

Làm sao có khoa học nếu không có niềm tin nơi Đức Chúa Trời duy nhất và chân thật. Đấng sáng tạo rất hợp lý; con người được dựng nên theo hình ảnh của Ngài. Vì vậy con người cũng theo tiến trình hợp lý để học hỏi về sự sáng tạo của Chúa. Chấp nhận điều nầy, những triết gia tin Chúa đã xây dựng những phương thức thí nghiệm, thực hành và chứng minh. Trước thời Chúa Giê-su, kiến thức được thu thập qua sự suy luận của trí óc; thực nghiệm là công việc của tay chân thuộc về giai cấp thấp nên không được chấp nhận.

Cơ Đốc Nhân đi tiền phong trong lãnh vực khoa học. Họ đã phát triển theo nhiều chiều hướng trong sự khám phá. Cơ Đốc Nhân đã tham gia nhiều viện khoa học và nghệ thuật, chẳng hạn như về nghệ thuật thì có sản phẩm của Leonardo da Vinci (1452-1519), về sinh hóa và sinh vật thì có Andreas Visalius (1514-1564) và Gregor Johan Mendel (1822-1884); về không gian thì có Nicolaus Copernicus (1473-1543), Tycho Brahe (1546-1601), Johannes Kepler (1571-1630) và Galileo (1564-1642); về vật lý học có Isaac Newton (1642-1727), Gottfied Leibniz (1646-1746), Andre’ Ampere (1775-1836) và Michael Faraday (1791-1867); về hóa học chúng ta thấy những thí nghiệm của Robert Boyle (1627-1691), John Dalton (1766-1844) và George Washington Carver (1864-1943); Y học thì có sự nghiên cứu của Paracelsus (1493-1541), Ambroise Pare (1509-1590) và Louis Pasteur (1822-1895). Thêm vào những cá nhân kể trên, còn nhiều khoa học gia Cơ Đốc đã góp phần trong việc khám phá và nghiên cứu về khoa học mà những công trình nầy đã ảnh hưởng rất lớn trên đời sống nhân loại.

 

VII.   Nghệ Thuật, Kiến Trúc, Văn Chương, Âm Nhạc

 

Nghệ thuật     

            Ảnh hưởng của Cơ Đốc Giáo trong nghệ thuật, kiến trúc, văn chương và âm nhạc trong lịch sử thật rõ ràng. Thay vi chú trọng đến “thiên nhiên” như trong thời đại Hy Lạp – La Mã, nghệ thuật của Cơ Đốc Giáo từ lúc khởi đầu cho đến thời trung cổ, thời phục hưng và thời tái phục hưng đều tập trung vào đời sống con người. Hình ảnh về Chúa, hoặc về Thánh Linh hay về Chúa Giê-su đều bàng bạc trong những tác phẩm của họ. Thí dụ như “The Expulsion from the garden” của Masaccio, “The last super” của Da Vinci, “Christ with Mary and Martha” của Tintoretto, “Knight, Death and Devil” của Durer, “Christ Bearing the Cross” của Raphael và “Christ Healing the Sick” của Rembrandt. Cơ Đốc Giáo đã góp phần rất lớn vào nghệ thuật.

 

Kiến trúc

Những Cơ-đốc nhân đầu tiên đã chịu nhiều đau khổ vì bị bắt bớ và ngược đãi nên họ đã kiến tạo một số ít sản phẩm kiến trúc trong ba thế kỷ đầu tiên.  Nhưng sau đó, họ đã góp phần rất lớn vào  phương diện kiến trúc, từ ‘Church of the Nativity’ ở Bêt-lê-hem được dựng nên vào thời đại Basilica (320-1000) cho đến U.S. Air Force Academy Chapel ở Colorado Spring được dựng nên thời nay (1900-2000). Phần lớn những kiến trúc được xây ở Âu Châu, đó là những nhà thờ được xây vào thời đại Gothic (1150-1600).

 

Văn chương

Cơ Đốc Giáo cũng đã sản xuất và góp phần lớn vào văn chưong. Ngay cả những văn chương thời Hy Lạp – La Mã cũng được phiên dịch lại, không phải để nêu cao chủ thuyết ngoại giáo nhưng để có tài liệu tham khảo về đời sống con người. Martin Luther ủng hộ những sách vở nầy mặc dù ông xem nó như là những sách ngoại đạo. Như đã được nói trên, hệ thống thư viện được lập ra để tàng trử những sách vở và bản thảo Kinh Thánh.

Trong khoảng năm thế kỷ đầu tiên, văn phẩm Cơ Đốc mang tính cách biện giáo để biện hộ cho niềm tin Cơ Đốc và để quảng bá sự dạy dỗ về Chúa Giê-su.

 

Âm nhạc

Nhiều người đều biết rằng âm nhạc không phổ thông vào thời Hy Lạp – La Mã. Dầu vậy, Cơ Đốc Nhân đã bắt đầu hát thánh ca và sáng tác nhiều bài hát tôn vinh Chúa. Âm nhạc Cơ Đốc được viết ra theo nhiều thể tài. Nhiều nhạc sĩ đã sáng tác thánh ca để nói lên đời sống Chúa Giê-su; Chẳng hạn như Ambrose, Bach, Handel, Mozart, Mendelssohn, Stravinsky và Vaughn Williams.

Âm nhạc thời nay có khuynh hướng chống lại sự dạy dỗ của Chúa. Nhạc đời náo loạn ồn ào thay chỗ cho nhạc thánh mang tính cách đẹp đẽ, trang trọng và thánh khiết. Nhạc Rock nhẹ còn được sáng tác để tôn vinh Chúa. Nói chung nhạc có giá trị vượt thời gian và không gian vẫn là nhạc thánh.

 

VIII.   Ngày Lễ, Chữ Dùng, Ký Hiệu, Thành Ngữ

 

Ngày lễ

Nguyên nghĩa của ngày lễ (holidays) là ngày thánh. Lễ Giáng Sinh, Lễ Phục Sinh, Lễ Ngũ Tuần, Good Friday được xem như là những ngày thánh để tôn vinh Chúa. Chúa Nhật là ngày của Chúa. Ngày nầy được biệt riêng ra để thờ phượng Chúa vì Chúa Giê-su đã sống lại trong ngày thứ nhứt. Ngay cả ngày đầu năm dương lịch, tức là tám ngày sau ngày Chúa giáng sinh, đó là ngày hài nhi Giê-su được dâng hiến trong đền thờ. Ngày Halloween bắt đầu như là ngày tưởng nhớ đến những người quá cố trong gia đình. Lễ Tạ Ơn bắt đầu từ những người hành hương tạ ơn Chúa.

 

Chữ dùng và ký hiệu

Có nhiều ngữ vựng đã được dùng trong ngôn ngữ Tây Phương khởi nguồn từ Cơ Đốc Giáo. Thí dụ như A. D. (in the year of the Lord), B. C. (before the birth of Christ). Thí dụ về ký hiệu chẳng hạn như con cá, thập tự giá, ..

 

Thành Ngữ

Có nhiều thành ngữ được dùng ngày nay bắt nguồn từ sự dạy dỗ của Chúa; Chẳng hạn như “A good Samaritan,” “Brother,” “Doubting Thomas,” “The gospel truth,” “Turn the other cheek,” “Thorn in flesh”. Cũng có nhiều tên con cháu được dùng từ trong Kinh Thánh, chẳng hạn như David, Aaron, Michael, Daniel, Adam, Joseph, Jacob, Mary, Martha, Joana, Rachel…

 

Kết Luận

 

Sự đóng góp của Cơ Đốc Giáo vào xã hội nhân loại thật đáng kể:

Sự dạy dỗ của Thánh Kinh là những viên gạch xây dựng nền văn minh. Vì nếu không có nó, Giotto không thể vẽ được những bức họa ở Padua, Dante không thể viết nên tác phẩm Divine Comedy, Mozart không sáng tác được trường ca Requiem; và Wren không thể xây cất được nhà thờ St.Paul. Những câu chuyện và những sứ điệp trong bốn sách Tin Lành cũng như những truyền thống trong Cựu ước, đã mang lại kỷ cương trong gia đình và giềng mối ngoài xã hội. Ngoài ra Cơ Đốc Giáo còn để lại ấn tượng sâu đậm trong các lãnh vực kiến trúc, văn hóa và giáo dục. Hơn nữa nhờ niềm tin Cơ Đốc mà hôn nhân và gia đình có thể được gầy dựng theo chiều hướng tốt nhất.  Những đóng góp của Cơ-đốc Giáo đối với nhân loại thật là nhiều.   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn