VIỆN ĐÀO TẠO MÔN ĐỒ VIỆT NAM
TÀI LIỆU HỌC MÔN PHƯƠNG PHÁP SOẠN BÀI GIẢNG
MỘT PHƯƠNG PHÁP SOẠN BÀI GIẢNG
ĐƠN GIẢN VÀ HIỆU QUẢ
BÀI GIẢNG CHỦ ĐỀ
Vẽ một vòng tròn, ngay chính giữa vòng tròn ghi dòng thứ nhất: Chủ Đề, dòng thứ hai: Đề Tài, dòng thứ ba: Sứ Điệp.
Từ giữa trung tâm điểm của vòng tròn, từ chữ Sứ Điệp bắn ra ngoài 3 mũi tên 3 góc khác nhau. Nhưng cũng vẽ mũi tên ngược trở lại chữ Sứ Điệp. Đây là 3 phần của dàn bài, từ Sứ Điệp lấy ra, nhưng luôn luôn trung thành gắn bó với Sứ Điệp.
Phía dưới vòng tròn ghi: Kêu Gọi, Thách Thức, Đáp Ứng
CHUẨN BỊ BÀI GIẢNG
Mục Đích Của Bài Giảng: Nê-hê-mi 8:3, 8, 9b
Người đứng tại phố ở trước cửa Nước, đọc trong quyển ấy từ rạng đông cho đến trưa, có mặt các người nam và nữ, cùng những kẻ có thể hiểu được. Cả dân sự lắng tai nghe đọc sách luật pháp. 8:3
Họ đọc rõ ràng trong sách luật pháp của Đức Chúa Trời, rồi giải nghĩa nó ra, làm cho người ta hiểu lời họ đọc. 8:8
Vì cả dân sự đều khóc khi nghe đọc các lời luật pháp. 8:9b
1.Tìm Chủ Đề: Chủ đề là một đề tài lớn, ví dụ như Hôn Nhân Trong Chúa.
Nếu bạn muốn giảng một loạt bài có Chủ Đề, hãy chọn một chủ đề để giảng trong nhiều tuần. Những bài giảng chủ đề giúp người giảng và người nghe học được những bài học rất thực tế và liên tục từ một chủ đề quan trọng của Kinh Thánh.
2.Tìm Đề Tài: Đề tài là những chủ đề nhỏ lấy ra từ chủ đề lớn, ví dụ Nền Tảng Vững Chắc Của Hôn Nhân
Đề tài là việc tóm tắt nội dung thành một vài chữ nói hết cả ý nghĩa của bài giảng
3.Tìm Sứ Điệp: Sứ điệp là ý chính của bài giảng lấy ra từ đề tài. Bạn muốn giảng và nhấn mạnh điều gì trong bài giảng này?
Nhiệm vụ chính của bài giảng là đưa ra một sứ điệp rõ ràng theo đúng tinh thần của Nê-hê-mi 8:8: đọc rõ ràng, giải nghĩa nó ra, làm cho người ta hiểu. Sứ điệp là điều chính yếu mà người giảng muốn giảng cho hội chúng hôm đó. Sứ điệp là địa chỉ bạn muốn đến. Nó phải là một câu tóm tắt gồm đủ ý chính mà bạn muốn giảng trong bài giảng. Nó là một câu khẳng định. Ví dụ: Chúng ta phải sống đúng theo những nguyên tắc về hôn nhân của Chúa để có sự vững chắc trong hôn nhân.
Tại sao cần sứ điệp? Giúp người giảng soạn dàn bài, đi đúng hướng, không lạc đường, không nói viễn vông. Người không thể khẳng định ngay từ đầu một sứ điệp rõ ràng để đi tới giống như một người đi mà không biết mình đi đâu hoặc về đâu. Cứ đi lang thang trên đường, dẫn người đi theo lạc đường. Sứ điệp sẽ giúp người giảng đi đến nơi mình muốn đến và người nghe cùng đến đó với họ.
Sứ điệp quan trọng thế nào? Nó chính là trái tim của bài giảng. Thân thể con người không có trái tim thì không có sự sống.
LẬP MỘT DÀN BÀI DỰA TRÊN SỨ ĐIỆP
Một bài giảng giống như nhiệm vụ bắt buộc của một chiếc máy bay: máy bay sẽ cất cánh từ một địa điểm, sẽ bay trong một khoảng thời gian, và đáp xuống nơi nó muốn đến.
-Nhập đề: từ 2-3 phút (máy bay cất cánh): Giới thiệu đề tài. Nhiệm vụ chính của nhập đề là dẫn người nghe đến đề tài bài giảng.
-Thân bài 15 phút (máy bay đang bay): Chia sứ điệp ra làm 3 phần: từ sứ điệp ra 3 phần, 3 phần này liên kết chặt chẽ với phần kia, bám chặt sứ điệp. Từ thân thể ra cái đầu, mình và tay chân. Đầu, mình và tay chân là những phần của thân thể phải luôn luôn ăn khớp, dính liền, dính chặt với thân thể. Một phần luôn luôn có một câu hay một đoạn Kinh Thánh hậu thuẫn hoặc đặt tựa đề cho từng phần dựa theo câu Kinh Thánh. Ví dụ chia bài giảng này làm 3 phần, dựa trên một câu Kinh Thánh:
1. Một hôn nhân bền vững phải cùng đức tin: 2 Cô-rinh-tô 6:14
2. Một hôn nhân bền vững đặt trên sự kính sợ Chúa: Ê-phê-sô 5:21
3. Một hôn nhân bền vững phải có sự yêu thương và vâng phục nhau: Ê-phê-sô 5:33
-Kết luận 2 đến 3 phút (máy bay hạ cánh): Kết thúc sứ điệp: đưa người đi đến nơi muốn đến
Kể một câu chuyện có ý dạy dỗ về sứ điệp đó. Hoặc tóm tắt lại 3 phần chính, tập trung lại vào sứ điệp.
-Kêu gọi đáp ứng sứ điệp.
-Cầu nguyện cho sứ điệp: tập trung vào sự đáp ứng
HOÀN TẤT BÀI GIẢNG
THEO NGUYÊN TẮC CỦA Ê-XÊ-CHI-ÊN 37:6
Ta sẽ đặt gân vào trong các ngươi, sẽ khiến thịt mọc lên trên các ngươi, và che các ngươi bằng da. Ta sẽ phú hơi thở trong các ngươi, và các ngươi sẽ sống; rồi các ngươi sẽ biết ta là Đức Giê-hô-va
1.Cách Soạn Nhập Đề (máy bay cất cánh): Nhập đề là phần giới thiệu đề tài của bài giảng, chỉ có nhiệm vụ duy nhất là dùng để giới thiệu đề tài bài giảng.
Có thể dùng câu chuyện thuộc linh, chuyện ngoài đời, một bài thơ, một đoản văn, một tin tức thời sự, một câu chuyện thật có liên quan đến đề tài bài giảng….. Hấp dẫn, có tác dụng như ice breaker (phá băng), chuẩn bị tinh thần tín hữu sẵn sàng lắng nghe.
2. Câu Chuyển Tiếp Là Điều Cần Làm: Luôn luôn có một câu chuyển tiếp sau mỗi phần, dẫn người nghe vào phần kế tiếp cho họ hiểu họ đang đi tới đâu. Ví dụ: Đọc bài thơ Đôi Dép (google), một bài thơ có liên quan đến Hôn Nhân, hãy nói: bài thơ này nói gì vậy, nó nói đến một cặp vợ chồng không thể thiếu nhau trong cuộc đời, hôm nay chúng ta sẽ học chung với nhau cách nào để có một tình yêu gắn bó như thế. Chúng ta sẽ học 3 phần trong bài giảng này.
3. Cách Soạn Thân Bài (máy bay đang bay): Theo Ê-xê-chi-ên 37:6, bắt đầu bằng bộ xương Ngài phán cùng ta rằng: Hỡi con người, những hài cốt nầy có thể sống chăng, rồi đặt gân vào: Ta sẽ đặt gân vào trong các ngươi, rồi lấp thịt vào: sẽ khiến thịt mọc lên trên các ngươi. Công đoạn cuối cùng của một thân thể là da: và che các ngươi bằng da. Nhưng phần quan trọng nhất là hơi thở sự sống: Ta sẽ phú hơi thở trong các ngươi, và các ngươi sẽ sống.
Trước nhất là dựng nên một bộ xương (dàn bài tổng quát) sau đó đặt gân (thêm chi tiết vào mỗi phần), rồi lấp thịt vào gân (mổ xẻ, phân tích, ứng dụng). Hoàn thiện một thân thể là da (sửa chữa, thêm bớt, nhấn mạnh, làm đẹp…) Mỗi phần phải ăn khớp với nhau, bám chặt sứ điệp. Nhưng đây chỉ mới là một thân thể chưa có sự sống, như khi Đức Chúa Trời lấy bụi đất nắn nên A-đam.
Có hai điều cần nhớ trong phần thân bài:
-Ví dụ (minh họa): ví dụ được ví như cửa sổ trong một ngôi nhà. Nhà cần cửa sổ cho thoáng. Nhưng không coi ví dụ như là điểm chính để dạy dỗ vì nó chỉ là ví dụ. Cửa sổ chỉ đóng vai trò của cửa sổ. Cửa lớn là nơi chúng ta vào ra. Cũng không mở quá nhiều cửa sổ vì sẽ làm mất hiệu quả của cửa lớn. Chỉ nên có 1 hoặc 2 ví dụ, ngắn gọn và súc tích, minh họa cho rõ nét.
-Luôn luôn có trích dẫn Kinh Thánh. Vì chỉ Lời Chúa mới có thẩm quyền và uy quyền để thay đổi con người, nên lời Chúa sẽ dùng để quyết định cho những đoạn mạnh mẽ có tính cách quyết định. Không dùng lời con người để khẳng định sứ điệp. Dựa vào Kinh Thánh để công bố chân lý.
Quan trọng nhất là: Ta sẽ phú hơi thở trong các ngươi, và các ngươi sẽ sống. Đó là một bài giảng có sự vận hành của Thánh Linh là Chúa sự sống. Không bởi Thánh Linh, bài giảng dù khéo léo văn chương đến đâu cũng chỉ là một bài giảng vô dụng. Phải cầu nguyện để Chúa hướng dẫn tâm trí và lời viết của mình, dựa trên sự khôn ngoan của Chúa. Phao-lô nói trong I Cô-rinh-tô 2:4-5: Lời nói và sự giảng của tôi chẳng phải bằng bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan, nhưng tại sự tỏ ra Thánh Linh và quyền phép; hầu cho anh em chớ lập đức tin mình trên sự khôn ngoan loài người, bèn là trên quyền phép Đức Chúa Trời.
4. Cách Soạn Kết Luận: Kết luận là hạ cánh an toàn.
Kể một câu chuyện thật ý nghĩa và áp dụng được vào sứ điệp để kêu gọi đáp ứng từ hội chúng và thách thức họ. Câu chuyện hai vợ chồng già trong Chúa chết cách nhau vài giờ, họ được đặt nằm song song trên hai cái giường nhỏ sát nhau, tay ở trong tay nhau cho đến lúc cùng qua đời.
An toàn nhất là tóm tắt lại ba phần chính, đưa ra một đúc kết thật rõ ràng.
Kêu Gọi và Thách Thức dân sự Đáp Ứng: Sau khi kết luận, nên có sự kêu gọi đáp ứng và thách thức dân sự để làm theo. (Nê-hê-mi 8:9b)
Chúng ta đã và đang có một cuộc hôn nhân như thế nào? Chúng ta có muốn sống một đời sống hôn nhân thật sự bền vững, trăm năm hạnh phúc như vậy, chết vẫn không lìa nhau như vậy không? Xin Hội Thánh đứng dậy, hướng lòng về Chúa, mỗi người đến với Chúa cách riêng tư, xin Chúa giúp để chúng ta ai nấy đều có một đời sống hôn nhân tốt đẹp cho mình và làm đẹp lòng Chúa, sáng danh Ngài giữa vòng người ngoại.
Cuối cùng, mời một người Cầu Nguyện cho sứ điệp, hay chính mình cầu nguyện theo sự dạy dỗ của lời Chúa.